Đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia: Gần với thực tiễn
Cuối tháng 1, Bộ GDĐT đã công bố Bộ đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bộ đề thi được xem như cẩm nang cho cả thầy và trò trong ôn tập, chuẩn bị cho thí sinh bước vào kỳ thi sắp tới.
Một giờ học Trường THPT Uông Bí (Quảng Ninh).
Với độ phân hóa cao, gắn liền với các vấn đề cuộc sống, khoa học và công nghệ, đề thi năm 2018 được các thầy cô giáo và học sinh lớp 12 nhận định khá thú vị nhưng sẽ khó kiếm điểm cao.
Môn giáo dục công dân không còn xa vời
Giáo dục công dân là một môn thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2017. Năm nay, đề thi minh họa môn Giáo dục công dân đã có một số đổi mới theo hướng hay và bám sát thực tiễn đời sống hơn nữa.
Nhận xét về đề minh họa môn này, ThS Đào Thị Hà- giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm 2017, đề thi hay, có nhiều câu hỏi liên hệ thực tiễn đời sống xã hội, đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực của học sinh. Nội dung các câu hỏi đều nằm trong chương trình lớp 11, 12 hiện hành, kiến thức đảm bảo tính chính xác, khoa học. Đề tham khảo mang tính giáo dục cao, đáp ứng được yêu cầu phân hóa năng lực của từng đối tượng học sinh. Số lượng câu hỏi vận dụng cao nhiều hơn đề thi năm 2017, nên học sinh buộc phải vận dụng nhiều kiến thức, kĩ năng để giải quyết vấn đề, lựa chọn phương án đúng bằng suy luận, tư duy logic.
Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó giúp học sinh phân chia thời gian hợp lí; đồng thời, tạo tâm lí hứng thú, sự tự tin cho học sinh trong quá trình làm bài. Mỗi câu hỏi chỉ có duy nhất một đáp án đúng, các phương án nhiễu đảm bảo sự tương đồng về độ khó nên không gây sự tranh cãi, hoặc đánh đố học sinh. Lời dẫn và các phương án trả lời hay, rõ ràng, mạch lạc là một trong những đặc trưng của đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân năm nay.
Theo cô Đoàn Thị Thủy Chung- giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), đề thi có nhiều tình huống mang tính giáo dục, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức thực tiễn để giải quyết. Vì vậy, để đạt điểm giỏi, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, học sinh phải có tư duy logic, khoa học.
Cũng theo cô Thủy Chung, ở đề thi năm nay, câu nhận biết ngắn gọn, dễ hiểu; câu vận dụng thấp yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức để nhận xét, đánh giá, từ đó tìm ra phương án đúng. Câu hỏi vận dụng cao có độ nhiễu cao hơn, khó hơn góp phần phân hóa các đối tượng học sinh một cách chính xác.
Môn Địa lí không phải nhớ kiến thức máy móc
Video đang HOT
Cô Nguyễn Lệ Phương, giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội) đánh giá, đề thi tham khảo môn Địa lí đã đảm bảo việc kiểm tra đánh giá kiến thức của học sinh theo đặc thù môn Địa lí với hai phần kiến thức lí thuyết (25 câu) và kiến thức thực hành 15 câu (với các kĩ năng đọc, hiểu át lát và kĩ năng nhận xét bảng số liệu, biểu đồ). Nhìn chung đề thi đã hạn chế tối đa việc yêu cầu, sử dụng các số liệu và tránh những nội dung không phù hợp giữa sách giáo khoa và thực tiễn.
Thầy Trần Văn Thành-Trường THPT Nam Phù Cừ (Hưng Yên) nhận định: Các câu hỏi liên quan đến sử dụng biểu đồ và bảng số liệu ở đề tham khảo môn Địa lí kỳ thi năm 2018 đa dạng và nâng cao hơn so với đề chính thức năm 2017. Tất cả các biểu đồ và bảng số liệu đều có ghi nguồn gốc của số liệu. Điều này đã tăng tính chính xác của các số liệu và tạo ra sự thống nhất cho cả đề thi. So với đề thi năm 2017, đề thi tham khảo năm 2018 tăng tỉ lệ các câu hỏi liên quan đến rèn luyện kĩ năng cho học sinh (từ 25% lên 37,5%), giảm các câu hỏi lý thuyết. Điều này sẽ tăng cường việc rèn luyện các kĩ năng cho học sinh, tránh việc ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, tăng hứng thú đối với người học.
Đề Hóa học có tính phân hóa cao
Nhận xét về đề tham khảo môn Hóa học, thầy giáo Nguyễn Văn Chuyên, giáo viên Hóa học-Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang) cho rằng, đề thi nằm trong phạm vi kiến thức chương trình phổ thông lớp 11 và lớp 12 (trong đó chủ yếu là kiến thức ở lớp 12, chiếm khoảng 70%). Đề thi có các câu hỏi có tính phân hóa cao. Trong đó, mức độ biết và thông hiểu chiếm khoảng 60% (24 câu đầu của đề thi). Với các câu hỏi này, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể trả lời đúng.
Về phổ điểm dự kiến với đề thi tham khảo này, thầy Nguyễn Văn Chuyên cho rằng, học sinh trung bình, vững kiến thức cơ bản có thể đạt được 5-5,5 điểm; học sinh giỏi có thể đạt được 8-9 điểm; để đạt được điểm 10 phải là những học sinh rất xuất sắc và với đề này sẽ hiếm điểm 10.
Theo cô Đỗ Phương Quế, giáo viên Hóa-Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), nội dung đề thi chính xác, khoa học, các ký hiệu thuật ngữ theo đúng quy định, đảm bảo tính chính xác về ngôn ngữ hóa học. Trong 24 câu đầu tiên, các kiến thức phân bố đều trong chương trình lớp 11, 12 và đều là các kiến thức cơ bản. Học sinh chỉ cần nắm chắc, hiểu kiến thức trong sách giáo khoa là có thể trả lời đúng.
Trong 16 câu hỏi tiếp theo, ở mức độ vận dụng cao. Các câu hỏi này có khả năng phân loại thí sinh rất tốt. Những thí sinh có khả năng liên hệ các mảng kiến thức và vận dụng hợp lý các định luật của hóa học sẽ trả lời được.
Tỷ lệ giữa các câu lý thuyết và bài tập môn Vật lý phù hợp
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Lan- giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội) đánh giá đề thi minh họa môn Vật lý có tính kế thừa từ cấu trúc đề thi của các năm học trước. Đồng thời, đề không có sự thay đổi đột ngột về mức độ giữa các phần kiến thức, gắn liền với cuộc sống, khoa học và công nghệ từ mức độ cơ bản đến mức độ vận dụng cao. đáp ứng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Các kiến thức phân bố đều cho toàn chương trình, giữa các chương và các bài học. Tỷ lệ giữa các câu lý thuyết và bài tập phù hợp.
Đề có các câu đánh giá kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết và thông hiểu từ câu 1-20. Các câu còn lại là những câu vận dụng được sắp xếp từ dễ đến khó dần. Với cấu trúc này thì tính phân hóa thí sinh trong kỳ thi rất tốt.
Theo cô Trần Thị Thanh Tâm- giáo viên Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng), trong đề thi Vật lý, tỷ lệ giữa các câu lý thuyết và bài tập phù hợp đối với các đối tượng học sinh. Số câu đánh giá phân loại học sinh phù hợp, đảm bảo tỷ lệ câu dành cho các học sinh chỉ xét tốt nghiệp và cho học sinh lựa chọn Vật lý để xét tuyển đại học. Các câu hỏi được phân bố tăng dần từ dễ đến khó trong quá trình làm bài, giúp học sinh không phải đọc cả đề, tiết kiệm thời gian cho thí sinh, đặc biệt là những thí sinh có lực học trung bình, thí sinh chỉ với mục tiêu xét tốt nghiệp. Với đề thi tham khảo môn Vật lý, để đạt được 8 điểm là không khó.
Theo Daidoanket.vn
Chóng mặt... vì cấu trúc đề thi liên tục thay đổi
Nhiều thầy cô cho rằng, việc mỗi năm đề thi lại có sự thay đổi khiến cho học sinh chịu khá nhiều áp lực...
việc mỗi năm đề thi lại có sự thay đổi khiến cho học sinh chịu khá nhiều áp lực (ảnh minh họa- Trube)
Mỗi lần Bộ GD-ĐT thay đổi hình thức thi, nhà trường lại cấp tập triển khai cho học sinh làm quen với định dạng của đề thi.
Không còn "mưa" điểm 10?
Nếu kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, môn Toán thi theo hình thức tự luận và các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm thì đến năm 2017, Bộ GD-ĐT quyết định môn Toán chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm. Việc Bộ thay đổi liên tục hình thức thi khiến nhiều thế hệ học sinh có cảm giác như mình là những "chú chuột bạch" khi họ phải thay đổi phương pháp học để đạt kết quả thi cao nhất.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay cũng vậy, hàng triệu học sinh thấp thỏm ngóng chờ đề thi minh họa. Ngay sau khi Bộ công bố đề thi này, nhiều trường lại cấp tập triển khai cho học sinh làm quen với định dạng của đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập. Nhiều thầy cô giáo nhận xét, đề minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 có độ khó và tính phân loại cao hơn so với đề thi chính thức của năm 2017.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: "Theo đánh giá của giáo viên thì đề thi phân hóa cao, khả năng sẽ không còn mưa điểm 10 như năm trước nữa. Giáo viên đã nghiên cứu đề thi và chủ động kiểm tra kiến thức theo từng phần của đề thi xem các em nắm kiến thức được tới đâu.
Từ đó, giáo viên rút kinh nghiệm trong cách dạy học, ôn luyện để việc luyện thi đạt hiệu quả thiết thực. Đối với đặc thù trường Đinh Tiên Hoàng thì giáo viên sẽ chỉ chú trọng rèn luyện cho học sinh đạt mức độ kiến thức cơ bản... Tháng 3 tới, trường kiểm tra nửa học kỳ 2, các thầy cô sẽ ra bộ đề tương ứng với đề thi minh họa để kiểm tra đánh giá học sinh".
Thầy Phạm Trung Hiếu, giáo viên môn Toán một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, đề thi môn Toán có những câu quá dễ, có những câu lại quá khó. Có những câu học sinh "học vẹt" là được điểm chứ không hề đòi hỏi kỹ năng tư duy. Vì thế, theo thầy Hiếu, để đánh giá đúng năng lực của học sinh cần có nhiều mức độ khó dễ khác nhau.
PGS.TS Vũ Đình Hòa cho rằng, việc ra đề Toán trắc nghiệm chỉ đánh giá kiến thức cơ bản của học sinh, còn nếu cần kiểm tra năng lực sâu sắc thì không thể đánh giá được. Còn Thầy Tùng Lâm cũng cho rằng, đề thi minh họa năm nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.
Ví dụ, đối với đề thi Văn dù đã bao quát được kiến thức của lớp 11, lớp 12 nhưng nhiều câu hỏi trắc nghiệm khá vụn vặt, không đào sâu kiến thức và không giúp cho học sinh phát triển tư duy sáng tạo. Số lượng câu hỏi nhiều và lượng câu hỏi khó ít đi, hạn chế năng lực tư duy sáng tạo của người làm bài.
"Theo tôi, đề thi THPT Quốc gia sắp tới phải sát đối tượng học sinh của các trường, các vùng miền..., phải đảm bảo đề thi không quá dễ, hoặc quá khó để đánh giá đúng năng lực học sinh. Tránh rơi vào tình trạng như kỳ thi năm 2017, tỷ lệ câu hỏi dễ cao, không có sự phân hóa hợp lý nên dẫn đến lạm phát điểm 10. Đề trắc nghiệm phải đảm bảo 2 tính chất là độ tin cậy và độ giá trị, rèn luyện kỹ năng tư duy, mức độ suy luận cho học sinh..." - thầy Tùng Lâm kiến nghị.
Nên ổn định, tránh mỗi năm "xoay" một kiểu!
TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, từ năm 2018, nội dung thi THPT Quốc gia sẽ nằm trong chương trình cả lớp 11 và lớp 12 THPT. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi THPT nằm trong chương trình toàn cấp THPT. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Trước những thay đổi trên, chị Mai, phụ huynh có con đang học lớp 12 tại TP HCM lo lắng cho rằng: "Cấu trúc đề thi thay đổi xoành xoạch sau mỗi năm thì làm sao thầy cô, học sinh và phụ huynh chúng tôi bắt kịp được. Bộ không nên năm nào cũng thay đổi thi cử, làm như vậy học sinh sẽ hoang mang, xã hội bất ổn, nếu muốn thay đổi thì Bộ hãy nghiên cứu thật kỹ rồi đưa ra lộ trình áp dụng, để nhà trường, học sinh và phụ huynh có thời gian chuẩn bị, thích nghi dần".
Thầy Phạm Trung Hiếu cũng cho rằng, năm nào Bộ cũng đổi mới đề thi bằng cách tăng thêm một lượng kiến thức khiến thầy trò khá chật vật trong việc học tập và ôn luyện. Bộ đã chủ trương kỳ thi sẽ được giảm tải thì nên giảm bớt những kiến thức không cần thiết, chỉ tập trung vào những kiến thức cơ bản. Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, mỗi năm cấu trúc đề thi lại có sự thay đổi nên năm nào các em cũng phải ngóng chờ đề thi minh họa của Bộ để định hướng việc ôn tập.
Chủ trương của Bộ là giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, đánh giá thực chất, nhưng thực tế cách làm hiện nay lại không theo hướng đó, mỗi năm lại tăng thêm kiến thức. Đại diện một Sở GD-ĐT miền núi phía Bắc cho rằng, tất nhiên phải có đổi mới để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng đổi mới phải có lộ trình, phải có sự ổn định để còn kịp chuẩn bị.
Giáo viên, học sinh đều mong muốn Bộ sớm ổn định kỳ thi THPT Quốc gia để các trường, thầy trò yên tâm học tập
Theo VOV
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Các môn tổ hợp sẽ "làm khó" học sinh Theo nhận định của nhiều giáo viên THPT, đề thi minh họa các môn kỳ thi THPT Quốc gia 2018 so với đề thi chính thức năm 2017 đã có sự "chênh lệch" rõ nét. Đặc biệt, ở tổ hợp môn thi Tự nhiên hay Xã hội, các môn thành phần cũng luôn bố trí nhiều câu hỏi khó để phân loại thí...