Đề thi minh họa 2017: Khó lấy điểm 8
Theo đánh giá của nhiều giáo viên THPT, số câu hỏi khó trong đề thi minh họa 2017 giảm nhưng áp lực về thời gian làm bài tăng khiến các em khó đạt điểm cao.
Chiều 5/10, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa THPT quốc gia 2017 với 14 môn. Trừ Ngữ văn, các môn khác sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm.
Theo đánh giá của một số giáo viên, đề thi khá vừa sức học sinh và phù hợp hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Khoa học tự nhiên: Khó đạt điểm cao
Nhận xét về đề thi minh họa môn Toán, thầy Lại Tiến Minh – giảng viên ĐH Kiến trúc, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội – cho rằng: Đề thi nằm trong chương trình lớp 12, các câu hỏi được sắp xếp lần lượt theo chủ đề kiến thức trong sách giáo khoa. Mức độ khó tăng dần từ nhận biết tới vận dụng cao.
Trong đề thi, số câu hỏi yêu cầu thí sinh sử dụng máy tính casio cho ra kết quả ngay không nhiều. Một số câu hỏi dễ cho học sinh xét tốt nghiệp và rất khó dùng xét tuyển đại học.
Hoàng Đình Quang – cựu sinh viên ĐH Ngoại thương, giáo viên dạy online nhận xét – đề thi môn Hóa học gồm 40 câu, được sắp xếp từ dễ đến khó. Các phần lý thuyết và bài tập đan xen nhau.
Đề thi có khoảng 10 câu ở mức nâng cao để phân loại học sinh vào đại học, trong đó có 2 câu ở mức khó. Số câu lý thuyết là 25/40, khá được chú trọng.
Nhìn chung, đề thi minh họa 2017 dễ hơn so với đề thi THPT quốc gia của năm 2015 và 2016 khi đã giảm số lượng câu khó và rất khó. Tuy nhiên, thời gian thi chỉ còn 50 phút nên yêu cầu thí sinh phải tính toán nhanh và thuộc lý thuyết. Như vậy, áp lực thời gian chính là vấn đề khó của đề thi năm nay.
Để làm tốt bài Hóa học, thí sinh cần vững các phương pháp cơ bản như số đếm, bảo toàn e, trung bình, bảo toàn khối lượng, cũng như phải làm thật cẩn thận và luyện tốc độ giải bài nhanh.
Hoàng Đình Quang đánh giá đề thi môn Vật lý tương tự đề Hóa học và thí sinh đạt 8 điểm sẽ khó hơn mọi năm. Những em học căn bản có thể dễ dàng đạt 5 điểm.
Hoàng Đình Quang được nhiều học sinh yêu mến trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC.
Môn Khoa học Xã hội có lợi cho thí sinh khối tự nhiên
Video đang HOT
Nhận xét về đề môn Ngữ văn, thầy Trịnh Quỳnh – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) – nêu quan điểm đề thi rút ngắn còn 60 phút khiến nhiều học sinh lo lắng không đủ thời gian làm bài. Nhiều em quen với lối viết dài dòng lan man, đề cao cảm xúc có thể gặp khó khăn với tiêu chí ngắn gọn chính xác và thuyết phục của đề thi này.
Theo đánh giá của thầy Quỳnh, đề minh họa Ngữ văn có sự phân hóa chưa cao. Các câu hỏi yêu cầu tính chính xác nên chủ yếu người chấm đếm ý cho điểm.
Phần nghị luận và đọc hiểu chiếm 5 điểm, không nằm trong sách giáo khoa nên học sinh không cần học thuộc mà có thể tư duy làm bài. Điều này có lợi cho thí sinh thuộc ban tự nhiên.
Với câu hỏi đọc hiểu, đề thi giảm từ 600 xuống còn 200 chữ, buộc thí sinh phải viết rất ngắn gọn mà vẫn đủ ý. Sự thay đổi này khiến học sinh bỡ ngỡ, vì trong chương trình sách giáo khoa hiện hành, nghị luận xã hội vẫn là nội dung độc lập. Bài kiểm tra nghị luận xã hội được viết thành bài văn trong 45 phút.
Các đề thi học sinh giỏi cũng đòi hỏi học sinh viết bài nghị luận xã hội với dung lượng lớn. Thực tế này bắt buộc giáo viên và học sinh phải sớm thay đổi cách học và kiểm tra đánh giá nội dung.
Hơn nữa, việc giới hạn dung lượng có thể khiến học sinh viết máy móc, khuôn mẫu theo quy ước có sẵn. Các em lo lắng vì không có cơ hội để bày tỏ cảm xúc và thể hiện những sáng tạo trong nhìn nhận đánh giá vấn đề. Ngược lại, học sinh trung bình chép, diễn đạt lại ý của văn bản đọc hiểu vẫn có thể được điểm.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo – giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM – nhận định, đề minh họa môn Lịch sử chủ yếu tập trung chương trình của lớp 12, đảm bảo được tính khách quan và phân loại học sinh.
Cô Huyền Thảo cho rằng đạt điểm cao môn Lịch sử không dễ. Ảnh: NVCC.
Thí sinh phải làm 40 câu hỏi trong thời gian 50 phút, bình quân mỗi câu là 1,2 phút. Đây là thời gian hợp lý dành cho một đề kiểm tra kiến thức.
Tuy nhiên, với đề thi này, thí sinh khó làm trọn vẹn, đạt điểm số tuyệt đối. Các câu hỏi được phân bố hợp lý, từ dễ đến khó, kiểm tra kiến thức đến phân tích và suy luận.
Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh phải hiểu và nắm vững kiến thức. Một số câu hỏi sử dụng thuật ngữ chuyên môn nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ của học sinh. Đây chính là những câu để phân loại học sinh, không cẩn thận rất dễ sai.
Cũng theo cô Huyền Thảo, môn Giáo dục Công dân lần đầu tiên được đưa vào đề thi khiến nhiều học sinh trông đợi. Theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, sự phân bố hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, các câu hỏi đi từ dễ đến khó. Đa số câu hỏi về giải quyết tình huống xuất phát từ thực tiễn cuộc sống để các bạn vận dụng kiến thức để trả lời.
Mặc dù là năm đầu tiên các kiến thức môn giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, cấu trúc và nội dung đề khá hay, thực tiễn, bớt lý thuyết học thuộc, tăng cường khả năng vận dụng kiến thức của học sinh.
Theo Zing
Học sinh giỏi có thể gặp khó khăn với đề thi Ngữ văn 2017
Theo thầy Trịnh Quỳnh, học sinh giỏi thường làm đề thi trong 180 phút và quen viết dài. Điều này có thể khiến các em gặp khó khi làm đề thi Ngữ văn 2017 với thời gian 120 phút.
Theo phương án thi chính thức của Bộ GD&ĐT, môn Ngữ văn ít có sự thay đổi. Tuy nhiên, thời gian làm bài sẽ giảm từ 180 phút xuống còn 120 phút.
Để hoàn thiện bài thi tốt, thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) giới thiệu phương pháp học văn bằng sơ đồ tư duy.
Cấu trúc thay đổi
Theo phán đoán của tôi, sự thay đổi lớn nhất trong đề thi Ngữ văn 2017 là phần nghị luận xã hội. Có thể, phần này chỉ chiếm 2/10 điểm, đồng nghĩa với việc chỉ yêu cầu thí sinh viết khoảng 200 chữ. Vấn đề nghị luận xã hội sẽ được lấy ngữ liệu từ chính văn bản đọc hiểu.
Đề thi Ngữ văn 2017 có thể khiến học sinh giỏi gặp khó khăn. Hiện, đề thi học sinh giỏi ở các tỉnh, thành phố yêu cầu thí sinh làm trong 180 phút, chú trọng kỹ năng làm văn. Tuy nhiên, với đề thi THPT quốc gia 2017, học sinh giỏi sẽ phải làm đề thi căn bản, đòi hỏi ngắn gọn, đủ ý trong thời gian 120 phút. Vì vậy, các em phải rèn luyện vừa viết đủ ý, sáng tạo lại phải ngắn gọn, hệ thống logic.
Với đề thi dạng 180 phút, nhiều em có thói quen viết dài và lan man. Tuy nhiên với 120 phút, dung lượng viết sẽ giảm đáng kể. Phương pháp tối ưu dành cho các em là lập ý bằng sơ đồ tư duy.
Phần câu hỏi đọc hiểu, học sinh cần nắm vững lý thuyết về phương thức, phong cách, chủ đề và các biện pháp nghệ thuật của văn bản. Câu số 4 của phần đọc hiểu trả lời thật ngắn gọn, đảm bảo đủ 3 ý: Nhận thức, thái độ và hành động cần phải có.
Sơ đồ tư duy phần đọc hiểu môn Ngữ văn.
Học sinh có thể tập giải bài đọc hiểu bằng sơ đồ, sau đó so với đáp án để đảm bảo viết ngắn gọn, xúc tích, rõ ràng, khiến giám khảo dễ dàng tìm ý cho điểm.
Về nghị luận xã hội, nếu đề yêu cầu chỉ viết trong 200 chữ, thí sinh cần thực hiện ngắn gọn, không lặp mà vẫn đủ ý.
Học sinh chỉ cần trả lời 4 câu hỏi: Cái gì (giải thích), ai (nêu dẫn chứng), tại sao (phân tích), làm thế nào (bài học cho bản thân). Nếu trả lời đầy đủ 4 câu hỏi trên, học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa.
Như vậy, 5/10 điểm hoàn toàn không phụ thuộc chủ quan của người chấm. Học sinh cũng hoàn toàn không phải học thuộc hay ghi nhớ kiến thức. Thậm chí, học sinh chọn ban tự nhiên có thể không cần rèn luyện nhiều, chỉ cần tư duy mạch lạc là tự tin lấy điểm trọn vẹn nội dung này.
Phần nghị luận văn học để phân hóa học sinh, trong đó lưu ý đề thi có thể đòi hỏi tổng hợp các thao tác nghị luận: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận và so sánh.
Học sinh phải nhận diện được yêu cầu và đảm bảo đầy đủ các thao tác nghị luận. Nhiều học sinh quá chú trọng thao tác phân tích mà quên mất các thao tác khác dẫn đến mất điểm.
Sơ đồ tư duy phần nghị luận văn học.
Với phương pháp sơ đồ hóa, đề bài yêu cầu viết 600 chữ hay 200 chữ (180 phút hay 120 phút), cách học sẽ không khác nhau. Để viết đoạn văn ngắn, học sinh không cần phải diễn đạt thêm vẫn đảm bảo nội dung đầy đủ và không lặp ý.
Khi viết bài văn dài, các em chỉ cần diễn đạt theo khung có sẵn, sẽ có bài văn hoàn chỉnh với bố cục rõ ràng.
Lộ trình ôn tập
Năm nay dự kiến kỳ thi diễn ra sớm hơn một tháng, nhiều em lựa chọn dự thi nhiều môn, vì thế các sĩ tử phải có lộ trình ôn thi thích hợp.
Giai đoạn 1, học sinh cần hệ thống hóa toàn bộ kiến thức phần đọc hiểu, rà soát các văn bản đọc hiểu trong sách giáo khoa từ văn bản chính khóa đến văn bản đọc thêm.
Các em nên tổng hợp lại các chủ đề nghị luận xã hội căn bản trong sách giáo khoa như sống đẹp, lý tưởng, chia chiếc bánh của mình cho ai, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thông điệp phòng chống AIDS, vấn đề giao thông...
Giai đoạn 2, học sinh luyện các chủ đề nâng cao, chú ý những vấn đề xã hội mang tính thực tiễn. Nghị luận văn học, ngoài thao tác phân tích, phải rèn luyện thêm các thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận và so sánh.
Giai đoạn 3 là thời điểm sau khi đã hoàn thành chương trình, bắt đầu ôn tập theo chuyên đề như chuyên đề thơ, truyện, nghị luận một ý kiến bàn về văn học, so sánh các văn bản.
Giai đoạn 4 cần luyện đề tổng hợp, mở rộng đọc hiểu các văn bản ngoài sách giáo khoa. Khi nắm vững kiến thức căn bản, học sinh bắt đầu làm đề thi thử để đánh giá năng lực của mình.
Theo Zing
Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa THPT quốc gia Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia năm nay gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao, về cơ bản giữ ổn định như kỳ thi năm 2015. Sáng 7/4, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, Bộ không công bố đề...