Đề tham khảo thi THPT quốc gia: Các môn xã hội không làm khó thí sinh
Các yêu cầu của đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 các môn xã hội không làm khó thí sinh, phù hợp với việc tinh giản chương trình do học sinh phải nghỉ học kéo dài vì Covid-19.
Giáo viên trong giờ dạy trực tuyến cho học sinh – Bảo Châu
Đề văn không mang tính đánh đố
Với đề tham khảo môn ngữ văn, giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nhận xét, cấu trúc và cách hỏi của đề không gây bất ngờ vì tương tự như năm trước. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội lấy tư liệu, dẫn chứng là văn bản văn xuôi khác với đề thi 2 năm gần đây lấy dữ liệu là văn bản thơ.
Cũng theo thầy Đức Anh, trong khi cách đặt vấn đề của nghị luận xã hội khá thú vị thì câu hỏi nghị luận văn học lại cũ kỹ, cả về nội dung và hình thức hỏi tạo cảm giác như đang đọc đề thi của 10 năm về trước. Và như vậy thì khó hy vọng học sinh thể hiện tư duy sáng tạo khi làm bài dù thực tế thang điểm của Bộ bao giờ cũng dành điểm cho yếu tố này.
Ở khía cạnh khác, cô Hồ Ái Linh, Trường THPT Đào Duy Anh (Q6.TP.HCM) nhận xét đề nhẹ nhàng và đầy tính nhân văn. Về mặt nội dung: Phần đọc – hiểu cũng theo cấu trúc của các năm trước bao gồm có 4 câu hỏi nằm trong 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, nội dung trích dẫn có sự sáng tạo, lôi cuốn. Đặc biệt đoạn văn có nội dung rất gần gũi với học sinh khi nhắc đến hình ảnh của người anh hùng và làm cho chúng ta liên tưởng đến những người hùng đặc biệt trong giai đoạn “chống dịch như chống giặc” hiện nay. Đó là Đảng, Nhà Nước, đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quốc phòng, lực lượng công an nhân dân…
Phần làm văn: ở câu hỏi Nghị luận xã hội, đề tham khảo vẫn giữ nguyên cách hỏi và hình thức thể hiện của câu hỏi này so với đề thi THPT quốc gia năm 2019. Học sinh vẫn được yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ nghị luận về một vấn đề được trích ra trong ngữ liệu ở phần Đọc hiểu.
Câu nghị luận văn học năm nay vẫn nằm trong chương trình của lớp 12.Tuy nhiên, mức độ vận dụng của đề được đánh giá là dễ hơn so với đề thi chính thức năm 2018, 2019. Nếu như các năm trước có các vế câu hỏi phụ nhằm mục đích để phân loại học sinh để xét tuyển đại học thì năm nay đề thi chỉ gói gọn ở một vấn đề và không mang tính đánh đố. Đề thi không quá dài và đảm bảo thời gian học sinh hoàn thành.
Các câu hỏi phân loại thuộc phần lịch sử Việt Nam
Video đang HOT
Với đề tham khảo môn lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) thống kê, đề năm nay, phần lịch sử thế giới có 12 câu còn lịch sử Việt Nam có 28 câu (giống tỷ lệ đề chính thức năm 2019) trong đó kiến thức lớp 11 có 2 câu (giảm 2 câu so với đề thi chính thức 2019) còn lớp 12 có 38 câu chiếm 95% số lượng câu hỏi của đề. Cụ thể câu hỏi kiến thức học kỳ 1 là 31 câu (tăng 4 câu) còn học kỳ 2 là 7 câu (giảm 2 câu) so với đề năm 2019. Và trong 40 câu hỏi của đề, mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm 75% (30 câu) và mức độ vận dụng là 25% (10 câu).
Từ đó, thầy Thịnh nhận xét, đề tham khảo môn sử hoàn toàn bám sát sách giáo khoa, nhẹ nhàng, phù hợp tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, học sinh chú trọng ôn tập các nội dung lịch sử Việt Nam 12 từ năm 1919-1954. Các câu hỏi phân loại, vận dụng cao chủ yếu thuộc phần lịch sử Việt Nam, thí sinh xét tuyển ĐH nên ôn tập kỹ.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nhận xét đề sử khá ôm đồm và dàn trải kiến thức, lượng kiến thức nhiều nhưng lẻ tẻ. Đặc biệt, giáo viên này cho biết đọc đề thi mà có cảm giác Bộ đang kiểm tra giáo viên xem có dạy hết chương trình hay không vì có những chương, những nội dung Bộ giảm tải phần 1 và cho câu hỏi vào phần 2. Với mức độ yêu cầu như đề minh hoạ, phổ điểm sẽ dao động từ 2 – 2,5 điểm, thấp hơn năm ngoái với phổ điểm là 2,5 – 4 điểm.
Môn địa cần thực hành và tập trung ôn tập theo chủ đề
Với đề tham khảo môn địa lý, cô Vũ Thị Bắc, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận xét cấu trúc đề địa gần giống năm 2019, độ phân hóa cao, thể hiện rõ sự phân hoá 3 mức độ biết, vận dụng thấp, vận dụng cao (tư duy)
Kiến thức tập trung chủ yếu vào phần địa lý các ngành kinh tế và các vùng kinh tế với 2 mức độ chủ yếu là vận dụng thấp và vận dụng cao. Phần kỹ năng đọc Atlat và biểu đồ chiếm đến 15/40 câu, nếu học sinh biết sử dụng Atlat có thể làm tốt phần này. Đặc biệt chương trình 11 có 2 câu rơi vào phần kỹ năng nên học sinh cũng không phải nhớ nhiều. Địa lý tự nhiên và dân cư chiếm số lượng ít, khoảng 7/40 câu.
Với đề minh họa môn địa lý khó có thí sinh đạt điểm 10, tuy nhiên, nếu ôn tập tốt Atlat, thực hành và tập trung ôn tập theo chủ đề thì sẽ dễ lấy điểm cao hơn.
Với đề tham khảo môn GDCD, cô Võ Thị Hậu, giáo viên Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho biết đề chỉ yêu cầu học sinh nắm kiến thức cơ bản, vận dụng cao không nhiều. Có khoảng 4 câu hỏi về phần kiến thức lớp 11 ở chủ đề Công dân với kinh tế, còn lại các câu hỏi tập trung vào kiến thức lớp 12, học sinh vận dụng kiến thức và hiểu biết từ thực tiễn để giải quyết các tình huống.
Bích Thanh
Đề tham khảo thi THPT quốc gia: Giảm độ khó nhưng vẫn phân hóa được học sinh
Nhận xét về đề tham khảo khảo thi THPT quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT, nhiều giáo viên cho biết độ khó của đề thi năm nay đã giảm đi nhiều so với những năm trước, nhưng vẫn có phần phân hóa học sinh.
Học sinh tham gia học trực tuyến trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19
Đề văn hay, có tính giáo dục cao
Chia sẻ đề thi môn Văn, cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng tổ bộ môn văn Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), cho biết đề thi tham khảo năm nay đúng chuẩn kiến thức, sát với tiêu chí ra đề của Bộ GD-ĐT từ trước đến nay, đủ các mức độ phân hóa. Đề vừa mang tính chất thời sự, lại vừa có tính giáo dục cao.
"Theo tôi nghĩ, đề thi này đã giảm độ khó vì việc học gián đoạn của học sinh do dịch Covid-19. Nhưng đề vẫn đảm bảo được chuẩn kiến thức, kỹ năng", cô Hạnh Nguyên nhận xét. Nếu với cấu trúc đề như thế này, theo cô Hạnh Nguyên những học sinh trung bình trở lên có thể làm được 60%.
Ở phần đề đọc hiểu, học sinh dễ dàng lấy điểm tuyệt đối ở hai câu đầu tiên về nhận biết "phương thức biểu đạt" của đoạn văn; còn câu thứ 2 của phần này cũng đã có gợi ý đáp án trong đoạn văn bản. Trong khi đó, câu 3 và 4 ở phần đọc hiểu có thể được xem là phần phân hóa học sinh. Với hai câu này học sinh phải vận dụng được kiến thức ở nhiều phần, nhưng không quá khó.
Còn ở phần tập làm văn, với câu nghị luận xã hội "hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường". Câu này đòi hỏi học sinh vừa phải có kỹ năng viết nghị luận vừa phải biết vận dụng kiến thức, trong đó phần kỹ năng thì em nào cũng đã được học. Nhưng đề phân hóa ở chỗ, những học sinh chịu khó cập nhật thông tin thời sự, đọc báo thường xuyên sẽ dễ dàng có những dẫn chứng từ hiện thực xã hội hiện nay. Đó là tinh thần chống dịch, rất nhiều câu chuyện các em có thể làm dẫn chứng, từ những bác sĩ, y tá ở tuyến đầu đến những tình nguyện viên ở khu cách ly, những hành động ủng hộ chống dịch của người dân...
"Theo tôi câu nghị luận xã hội này rất hay ở chỗ vừa áp dụng được kiến thức xã hội, cập nhật thời sự vừa có tính giáo dục cao", cô Hạnh Nguyên chia sẻ. Còn đề nghị luận văn học thuộc dạng đề thi cơ bản, nó thuộc kiến thức của chương trình lớp 12 và tất cả học sinh đều được học.
Đề toán giảm độ khó nhưng vẫn đảm bảo phân hóa học sinh
Tương tự, nhận xét về đề thi tham khảo môn toán năm nay, thầy Lưu Quang Diễm Lâm, giáo viên môn toán Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cũng cho biết đề thi đã giảm độ khó trong tình hình thực tế hiện tại nhưng vẫn đảm bảo phân hóa được học sinh.
"Năm nay có khá nhiều câu về lý thuyết, trong đó có những câu thuộc kiến thức cơ bản, rất đơn giản, chỉ cần học sinh nắm được lý thuyết là có thể làm được trong vòng 10-15 giây".
Kiến thức của đề thi toán chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12, có một số câu ở lớp 11. Với những học sinh học lực trung bình trở lên có thể làm được 6-7 điểm. "Tuy nhiên, do đặc thù năm nay các em nghỉ học vì dịch nên nếu em nào ham chơi không ôn luyện chăm chỉ thì cũng có khả năng dưới trung bình do đề thi chỉ có khoảng 18-20 câu là thuộc vào loại rất dễ", thầy Lâm chia sẻ và nhắn nhủ học sinh nên tính toán cẩn thận, tránh chủ quan nhất là với đề thi trắc nghiệm.
Đề toán có khoảng 8-10 câu (tập trung chủ yếu ở cuối đề thi) có tính chất phân hóa học sinh. Nhưng mức độ phân hóa trung bình, nghĩa là những học sinh khá đã có thể làm được, chỉ có 1-2 câu thật sự nâng cao, đòi hỏi học sinh vận dụng chắc kiến thức mới giải được, ví dụ ở câu 48.
Học sinh tự tin đạt điểm trên trung bình
Trong khi đó, ở góc độ học sinh, Thùy Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) cho biết, nếu đề thi THPT quốc gia năm nay ra tương tự như đề tham khảo thì có thể làm được trên 70% ở những môn địa, sử, văn, Anh văn vì em theo học các môn xã hội.
"Em dự định xét tuyển đại học bằng khối C nên với em đề thi minh họa của 3 môn này là khá dễ, không có những câu phân hóa cao, em hoàn toàn có thể làm được hết", Thùy Anh nói và cho biết, riêng đối với các môn tự nhiên, em cũng tự tin cho biết làm được điểm trung bình trở lên vì đề thi không quá khó.
Phải nghỉ học nhiều tháng liền để tránh dịch, việc học trực tuyến gặp nhiều khó khăn và tiếp thu không hiệu quả bằng so với học trên lớp nên theo Thùy Anh với mức độ đề minh họa thi THPT quốc gia vừa công bố là phù hợp, giúp học sinh có thể lấy được điểm từ trung bình trở lên, ngay cả với những môn không phải là thế mạnh.
Còn em Nguyễn Thị Xuân Mai, lớp 12 Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức, TP.HCM) lại cho biết bản thân làm khá ổn đối với môn toán , văn, Anh, sinh nhưng lại thấy môn lý, hóa còn "khó nhằn".
"Môn lý thì em thấy bắt đầu thấy khó từ câu 25 trở đi, còn hóa có nhiều câu em phải tính toán nhiều. Nếu thi THPT quốc gia năm nay với đề tương tự như thế này em làm được khoảng 60-70%", Mai chia sẻ.
Nhận xét cụ thể, Mai cho rằng đề thi minh họa môn toán, Anh, sinh năm nay khá nhiều lý thuyết, trong đó nhiều câu dễ, đều thuộc kiến thức cơ bản lớp 12 nên học sinh có thể làm ngay được. Ngoài ra, với những câu phải vận dụng kiến thức, chỉ cần ôn tập kỹ, nhiều bạn vẫn có thể lấy điểm. Đề thi mỗi môn đều có 2-3 câu phân hóa ở mức độ cao, những học sinh khá, giỏi mới làm được.
Nguyễn Loan
Tài liệu giảng dạy cần đảm bảo bản quyền về hình ảnh và thông tin Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, khi sử dụng hình ảnh, thông tin minh họa trên mạng internet, giáo viên cần đảm bảo bản quyền của hình ảnh và thông tin... Giáo viên Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (TP.HCM) thực hiện tiết dạy trực tuyến - Bảo Châu Ngày 4.4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn việc lựa chọn tài liệu...