Đề phòng Trung Quốc, Ấn Độ quyết tự sản xuất vũ khí
Ấn Độ quyết tự sản xuất vũ khí, sau hơn 10 năm đi khắp thế giới mua vũ khí ngoại nhập, nhằm đề phòng Trung Quốc đang trỗi dậy đã tăng cường chi quân sự.
Hải quân Ấn hạ thủy tàu chiến Kolkata
Trong 10 năm qua, Ấn Độ dự tính mua những chiếc trực thăng trị giá hơn 1 tỉ USD, để thay thế 200 chiếc trực đã lạc hậu của quân đội Ấn.
Nhưng hồi tháng 8, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đột ngột hủy chương trình này, để tự sản xuất trực thăng. Vài tháng qua, họ cũng bác hai đề xuất mua tàu ngầm và máy bay vận tải, vì quyết định tự sản xuất hai loại phương tiện này.
Lập “Make in India” để ngưng dùng vũ khí ngoại nhập
Đó là kết quả sự thúc đẩy đầy tham vọng của chính phủ Ấn, nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng. Ông Modi gọi chương trình này là “Đóng tại Ấn” (Make in India).
Cho đến nay, Ấn là nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới, chiếm 14 % sản lượng nhập khẩu của thế, gần gấp 3 lần so với TQ.
Trong 7 năm tới, Ấn có thể chi hơn 130 tỉ USD để nhập khẩu vũ khí, để nâng cấp kho vũ khí cũ kỹ thời Liên Xô bằng những vũ khí hiện đại hơn, theo các quan chức cho biết.
Video đang HOT
Khâu hiện đại hóa quân sự của Ấn có thể tạo ra việc làm trị giá hàng tỷ USD cho các công ty Mỹ, nhưng cũng giúp tăng cường vai trò chiến lược của Ấn tại châu Á, vào lúc quân đội Ấn-Mỹ thường xuyên tập trận chung, trong bối cảnh phải đề phòng Trung Quốc.
Những vụ mua sắm ào ạt này trùng hợp việc Ấn đang có căng thẳng ngày càng tăng với TQ và Pakistan, cùng việc liên quân sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm nay.
Mỹ đã vượt qua Nga để trở thành nguồn cung ứng vũ khí lớn nhất của Ấn. Trong 3 năm qua, Ấn chi gần 14 tỉ USD để nhập khẩu vũ khí, trong đó có có hơn 5 tỉ USD dùng để mua “hàng” Mỹ.
Nga xếp thứ nhì, với số vũ khí trị giá hơn 4 tỉ USD bán cho Ấn.
Các nhà phân tích nói quan hệ quốc phòng thân cận hơn giữa Ấn-Mỹ là phần chủ đạo trong kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương, mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi đó là “đối tác nổi bật của thế kỷ 21″.
Nhưng đối với các công ty Mỹ, hợp tác với Ấn có thể khiến họ thất vọng, vì Ấn xếp hạng thấp trên chỉ số toàn cầu “Nơi dễ làm ăn” của Ngân hàng thế giới (WB).
Các yếu tố gây khó khăn cho các công ty Mỹ: Ấn chậm có những quyết định, quy định chỉ cho phép nước ngoài đầu tư 49% vào các công ty quốc phòng Mỹ, cùng việc bắt buộc phải đầu tư vào sản xuất quốc phòng địa phương.
Chính sách đối ngoại độc lập của Ấn, cùng sự miễn cưỡng xem Mỹ là đồng minh cũng thường cản trở một liên minh chiến lược trọn vẹn.
Nay, Thủ tướng Modi muốn hủy chuyện nhập khẩu vũ khí, và chuyển Ấn không chỉ thành một nền sản xuất quốc phòng, mà còn là một nước xuất khẩu vũ khí lớn, như TQ đã làm trong nhiều năm qua.
Hồi tháng 8, khi ông Modi làm lễ đặt tên Kolkata cho chiếc tàu chiến lớn nhất do Ấn tự đóng, ông nói: “Chúng ta mơ chuyển hóa Ấn đủ mạnh để xuất khẩu phương tiện quốc phòng ra thế giới. Thay vì nhập khẩu từng phần cứng, chúng ta muốn Ấn trở thành nhà xuất khẩu các phương tiện này trong vài năm tới”.
Dỡ bỏ những rào cản làm chậm đà hiện đại hóa quân đội
Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ hủy quy định cấp phép đối với gần 60% sản phẩm quốc phòng cho các công ty sản xuất.
Đầu năm 2014, mức hạn chế nước ngoài đầu tư vào công nghiệp quốc phòng được nâng từ 26 lên 49%, để khuyến khích có thêm liên doanh sản xuất với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng các công ty quốc phòng nước ngoài nói: thế vẫn chưa đủ để họ nhập công nghệ quốc phòng nhạy cảm vào Ấn. Ông Pratyush Kumar, chủ tịch tập đoàn Boeing India (đạt 2/3 hợp đồng quốc phòng với Mỹ) nói: “Về số lượng, nâng mức trần từ 26% lên 49% là một hướng đi đúng. Nhưng về chất lượng thì chẳng thay đổi được gì, vì chẳng trao quyền kiểm soát cho các nhà đầu tư nước ngoài”.
Các nhà phân tích nói Ấn đã tăng tốc những quyết định về quốc phòng.
Mỹ và Ấn ráo riết đàm phán từ tháng 5, về các dự án đặc biệt để đồng sản xuất tên lửa điều khiển chống tăng, hệ thống phóng máy bay từ tàu sân bay cùng các ,máy bay không người lái.
Nhưng phe đối lập nói Ấn đang bị phân hóa bởi hai mục tiêu đối chọi nhau: khát vọng dân tộc tự sản xuất vũ khí, cùng nhu cầu khẩn thiết khắc phục việc quân đội thiếu vũ khí hiện đại.
Quân đội Ấn đang cần có trực thăng mới, tàu ngầm, máy bay chiến đấu, máy dò mìn. Nhưng ngay cả lực lượng tăng của họ cũng thiếu vỏ dày. Lính cũng cần áo chống đạn thật nhẹ, súng nhẹ, ống nhòm ban đêm, giày bốt nhà binh và nón sắt.
Quân đội Ấn đang cần trang bị đầy đủ
“Mười năm lãng phí”
Trong 10 năm qua, các quyết định chủ đạo về trang bị cho quân đội thường bị trì trệ. Các nhà phân tích gọi hai nhiệm kỳ của cựu thủ tướng Manmohan Singh là “10 năm lãng phí” về mảng quốc phòng.
Cựu chỉ huy hải quân Arun Prakash nói: “Chúng tôi mất 10 năm chẳng làm được việc gì. Chính phủ trước lên danh sách quá nhiều công ty quốc phòng nước ngoài tham nhũng, tiêu cực, đến độ quân đội chẳng còn nguồn để mua sắm. Những vụ mua sắm bị treo, các cuộc điều tra kéo dài hoặc bị quên hẳn. Điều đó thật sự gây tổn thất cho quân đội.
Các quan chức nói chính phủ có thể xem xét lại mọi quy định bắt buộc trong việc đầu tư vào quốc phòng Ấn, để phù hợp với chủ trương tự sản xuất vũ khí của Thủ tướng Modi.
Nhưng dù có sự thúc đẩy của ông Modi, các chuyên gia quốc phòng nói Ấn chưa sẵn sàng để thực hiện một cuộc đại nhảy vọt như TQ đã làm được: là nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất hồi năm 2006, TQ trở thành nhà xuất khẩu quốc phòng lớn hàng thứ sáu thế giới hồi năm 2011.
Ông Prakash nói: “Trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí là một khát vọng đáng trân trọng, nhưng sẽ mất rất nhiều công sức. Dựa trên tình trạng nghiên cứu-công nghệ quốc phòng hiện nay, đó là điều sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều”.
Theo Bảo Vĩnh/Washington Post
Một Thế giới