Để ôn thi môn Văn hiệu quả
Ngữ Văn là môn thi tốt nghiệp bắt buộc và là một trong ba môn quan trọng của nhiều khối thi. Không ít học trò “đau đầu” bởi bên cạnh kiến thức cần có thì học sinh phải được nuôi dưỡng niềm say mê và cảm hứng mới viết tốt và đạt kết quả cao.
Để giúp các em học sinh có kĩ năng ôn luyện tốt và thành công trong các kì thi tốt nghiệp, cao đẳng, đại học, cô Đinh Thị Phương Thu – giáo viên Văn Trường THPT chuyên KHTN – ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra những lời chia sẻ cùng một số lời khuyên sau đây về môn học này.
Theo cô Thu, để làm tốt bài thi môn Văn thì yếu tố đầu tiên là cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và hệ thống hóa kiến thức theo thể loại, tác giả, tác phẩm ngay từ lớp 11. Cần nắm vững cấu trúc đề thi trong các năm gần đây để xây dựng kế hoạch ôn luyện cụ thể. Từ mấy năm nay, Bộ GD-ĐT có một số thay đổi trong cấu trúc đề thi, ngoài phần chung, thí sinh được lựa chọn làm một trong hai câu của phần riêng (không phân biệt đối tượng thí sinh học theo chương trình cơ bản hay nâng cao), do đó thí sinh có thêm nhiều cơ hội khi làm bài.
Nắm vững cách làm bài, các chú ý đối với từng câu hỏi trong đề; định hướng rõ ràng từng phần kiến thức. Cách viết bài cần mạch lạc, kết cấu rõ ràng, khúc chiết, ngắn gọn mà đầy đủ ý. Cũng giống như làm toán, văn cũng có một “công thức” riêng cho từng dạng bài. Vì vậy, viết văn có cảm xúc nhưng cũng phải biết tiết chế để đạt một mạch ý đầy đủ, tránh sai sót hoặc thiếu ý.
Thí sinh trao đổi sau khi dự thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm 2012.
Bên cạnh đó, có phương pháp ôn tập hợp lý kết hợp giữa học và nghỉ ngơi một cách khoa học. Học văn xen kẽ với học các môn học khác, thay đổi kiến thức ôn tập là một cách thư giãn.
Cụ thể, để đạt kết quả cao trong bài thi, học sinh cần nắm chắc những kiến thức cơ bản sau đây khi ôn luyện:
Một là, đối với câu hỏi kiểm tra kiến thức 2 điểm: Phần này nhằm mục đích tái hiện những kiến thức về tác giả, tác phẩm của Văn học Việt Nam và văn học nước ngoài.
Về tác giả văn học Việt Nam, thí sinh cần ghi nhớ những nét chính về sự nghiệp sáng tác, quan điểm sáng tác và phong cách nghệ thuật của các tác giả: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Tố Hữu khi ôn tốt nghiệp. Thi CĐ, ĐH có thêm các tác giả Nguyễn Tuân, Nam Cao, Xuân Diệu.
Video đang HOT
Về tác phẩm, thí sinh phải nhớ hoàn cảnh sáng tác, đặc biệt là các tác phẩm Tuyên ngôn độc lập; Tây Tiến; Việt Bắc; Đất nước… Từ hoàn cảnh sáng tác, học sinh sẽ hiểu sâu hơn cảm hứng sáng tác hay tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Ý nghĩa nhan đề cũng sẽ là phần kiến thức quan trọng, gợi mở nhiều vấn đề về dụng ý nghệ thuật của nhà văn hay tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Những nhan đề các em cần chú ý quan tâm là Vội vàng; Tràng giang; Đàn ghi ta của Lorca; Tây Tiến; Vợ nhặt; Rừng xà nu; Chiếc thuyền ngoài xa; Hồn Trương Ba, da hàng thịt… Ngoài ra, với thơ, các em cần nắm vững bố cục, cấu tứ của bài. Với truyện, ký các em cần tóm tắt được cốt truyện, nhớ dẫn chứng, chi tiết, nhân vật, chủ đề.
Ở phần văn học nước ngoài (thực tế chỉ xuất hiện ở trong kì thi tốt nghiệp), 3 tác phẩm, tác giả cần chú ý là: truyện ngắn Thuốc (Lỗ Tấn); đoạn trích Ông già và biển cả (Hemingway); đoạn trích Số phận con người(Solokhov). Học sinh phải ghi nhớ những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả. Ví dụ với tác giả Lỗ Tấn, cần nắm được quá trình chọn nghề của tác giả, cũng như chủ đề phê phán quốc dân tính xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của ông. Với tác giả Hemingway, thí sinh cần hiểu được: thế nào là nguyên lý tảng băng trôi từ đó sẽ hiểu được dụng ý nghệ thuật cho của tác giả.
Hai là, câu hỏi nghị luận xã hội (NLXH) trong phần chung 3 điểm – đây luôn là phần tạo được sự hào hứng cho học sinh vì đề bài thường đề cập đến những vấn đề thực tế trong xã hội, được nhiều người quan tâm. Theo giới hạn ôn thi đề thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, có hai dạng đề NLXH cơ bản: nghị luận về một tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng xã hội. Học sinh cần xác định chính xác nội dung vấn đề nghị luận, tập trung trình bày những cách hiểu, cách đánh giá, lí giải ngắn gọn, khúc chiết, nêu ra những suy nghĩ, nhận thức riêng của bản thân và phải có những hiểu biết nhất định về các vấn đề của đời sống xã hội, biết cách chọn lọc những dẫn chứng vào bài viết. Các em cũng cần chú ý tới giới hạn độ dài của bài viết thông thường ở bài thi tốt nghiệp giới hạn là 400 chữ (khoảng 2 trang giấy thi); ở bài thi đại học là 600 chữ (khoảng 2,5 trang giấy).
Ba là, trong phần riêng các em chỉ được chọn một trong hai câu nghị luận văn học 5 điểm. Kiến thức trong đề thi tốt nghiệp chủ yếu nằm ở phần lớp 12 với những bài giảng văn chính thức. Kiến thức trong đề thi CĐ-ĐH nằm ở cả lớp 11, 12. Trước hết, các em cần đọc lại một vài lượt văn bản trong sách giáo khoa (phải thuộc thơ và thuộc những dẫn chứng quan trọng trong tác phẩm truyện, ký). Đọc lại những bài giảng của thầy, cô đã ghi chép trong vở. Sau đó, các em phải gấp sách, vở lại và tái hiện lại toàn bộ nội dung kiến thức của từng bài học ra giấy. Cũng có thể các em vẽ sơ đồ hệ thống theo thể loại thơ hoặc văn xuôi; theo tác giả hoặc tác phẩm. Sau đó, các em mở ra đối chiếu, bổ sung điều chỉnh những kiến thức còn thiếu. Việc học cần diễn ra nghiêm túc, đều đặn đúng thời gian. Mỗi ngày các em cần dành khoảng 1 – 2 tiếng để đầu tư cho môn văn. Làm sao cho đến trước kì thi, các em cần đảm bảo là đã ôn tập chắc chắn kiến thức đến 3 – 4 lượt và tập viết bài thi thử trong khoảng thời gian như một bài thi thật.
Cuối cùng, trước các kỳ thi bao giờ lượng kiến thức quá nhiều cũng dễ khiến các em mệt mỏi. Vì vậy, các em cần bĩnh tĩnh, tự tin vào mình và có thời gian nghỉ ngơi hợp lí giữa các khoảng ôn tập. Chúc tất cả các em đều có tâm thế vững vàng để bước vào kì thi ở trạng thái cảm xúc thăng hoa tốt nhất.
Giáo viên Đinh Thị Phương Thu
Theo dân trí
Độc đáo ngôi nhà "chống lũ, chống bão" của học sinh Quảng Trị
Ba học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vừa thiết kế thành công "ngôi nhà sống chung với lũ" và đoạt giải Nhất hội thi Khoa học và Kỹ thuật VISEF tỉnh Quảng Trị năm 2013.
Nhiều lần chứng kiến cảnh lũ tràn vào nhà cửa, cuốn phăng tài sản, phá hủy mùa màng gây thiệt hại lớn về người và của cải, em Trần Thị Tố Như - học sinh lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trăn trở, ấp ủ ý tưởng về một ngôi nhà sống chung với lũ để giúp người dân bớt khổ, yên tâm sinh sống.
Từ ý tưởng trên, em Trần Thị Tố Như cùng với 2 người bạn thân là Lê Thanh Thiên (cùng học lớp 9C) và Võ Duy Khánh (lớp 9B) dưới sự hướng dẫn của cô giáo dạy toán Nguyễn Thị Vân đã hoàn thành xuất sắc đề tài mô hình trên.
Ngôi nhà dùng vật liệu chủ yếu bằng gỗ có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, ước tính chi phí thực tế khoảng 45 - 50 triệu đồng.
Nhóm 3 tác giả Thanh Thiên, Duy Khánh, Tố Như cùng cô giáo Nguyễn Thị Vân bên mô hình "ngôi nhà sống chung với lũ".
Em Trần Thị Tố Như cho biết, việc xây dựng ngôi nhà không đòi hỏi quá khắt khe về vật liệu, cầu kỳ về kỹ thuật.
Ngôi nhà gồm hai phần: Phần cố định giữ chức năng chính của ngôi nhà, là phần không gian sinh hoạt. Phần hai là phần di động, là nơi ở cho con người khi xảy ra có bão lũ.
Phía dưới ngôi nhà là 8 trụ sắt trượt chống rỉ cùng hệ thống thùng phi với khoảng 40 thùng, có tác dụng khi có lũ, nước lên tới đâu, nhà sẽ dâng lên tới đó nhờ lực đẩy của thùng phi và hệ thống trụ sắt trượt. Trọng tải của ngôi nhà có khả năng nâng lên đến gần 5 tấn.
Phần mái hiên trước và mái hiên sau được làm bằng gỗ hoặc mái tôn. Xung quanh nhà được thiết kế vật liệu gỗ nhẹ (nhóm 3,4), có tác dụng giảm trọng lượng ngôi nhà khi có lũ về sẽ dâng cao hơn và chịu được trọng tải lớn.
Cận cảnh mô hình ngôi nhà tự động nổi lên cao khi bơm nước vào.
Em Lê Thanh Thiên cho biết thêm, ngoài khả năng chống lũ lụt, ngôi nhà còn có thể chống bão. Khi bão về, phần di động sẽ nổi lên theo mực nước, 8 trụ sắt trượt có tác dụng nâng ngôi nhà lên cao. Để giữ ngôi nhà không bồng bềnh trôi theo sóng nước, chúng em đã tính lực gió đẩy, gió hút hai bên và mua dây cáp neo 8 múi giữ chặt ngôi nhà cân đối đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Chia sẻ về ý tưởng, em Tố Như nói: "Quê em thuộc vùng trũng xã Triệu Long, mỗi mùa mưa bão tới đều phải chạy đi tránh nạn. Nhiều khi, nước lũ nhanh quá cuốn trôi đồ đạc, tài sản cả năm trời người dân tích cóp làm ăn. Bằng kiến thức được thầy cô giáo giảng dạy, em muốn làm được một điều gì đó để giúp người dân bớt khổ, đảm bảo tài sản, tính mạng khi lũ tới và yên tâm sinh sống".
Đại diện của nhóm bày tò: Để mô hình phù hợp với thực tế, chúng em đã tiến hành đi khảo sát một số vùng trũng thường xuyên xảy ra ngập lụt hàng năm. Sau đó, trong khoảng 6 tháng (tháng 6 đến tháng 12/2012), chúng em mới hoàn thành mô hình này với những yêu cầu đặt ra. Mục đích là giảm thiểu những hậu quả xấu do thiên tai, lũ lụt gây ra, góp phần mang lại cuộc sống an toàn cho người dân.
Đề tài "Ngôi nhà sống chung với lũ" đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, tâm huyết và khả năng ứng dụng thực tế. Đến nay, bộ ba tác giả Như - Thiên - Khánh dự định sẽ mang mô hình này tham gia vào các cuộc thi cấp quốc gia.
Cô Vân cùng các học trò đang chỉnh sửa mô hình cho ngày càng hoàn thiện hơn để mang dự thi các cuộc thi lớn.
Cô trò đang đang làm thí nghiệm đổ nước vào ngôi nhà tự động nổi lên, nước dâng lên tới đâu, nhà nâng lên tới đó.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 29/3, cô giáo Nguyễn Thị Vân - hướng dẫn trực tiếp mô hình này trăn trở: Nhóm 3 học sinh đoạt giải này nhiều năm liền đều là học sinh giỏi. Ý tưởng về đề tài mô hình chống lũ, chống bão của các em đều bắt nguồn từ thực tế bão lũ miền Trung. Ngôi nhà có khả năng ứng dụng cao, hy vọng mở ra cơ hội cho người dân miền Trung sống chung với lũ, giảm tối đa thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra. Mong rằng kết quả nghiên cứu của các em sẽ được các cơ quan nghiên cứu ứng dụng và được các mạnh thường quân hỗ trợ để mô hình sẽ được đưa vào cuộc sống, giúp người dân sống chung với lũ".
Nguyễn Tuấn
Theo dân trí
ĐH Harvard dự kiến xây dựng cơ sở tại Quảng Trị Trường đại học Harvard (Hoa Kỳ) dự kiến đầu tư xây dựng một trường đại học ở thị trấn Khe Sanh (huyện vùng cao Hướng Hóa, Quảng Trị) và thành lập Học viện Trần Nhân Tông đặt trong khuôn viên nhà trường. Chiều ngày 18/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường tiếp Tiến sĩ Lê Mạnh Thát - phó Viện...