Đề Ngữ văn THPT quốc gia 2018: “Một số học sinh có thể bị… đánh lừa”
“Đề thi Ngữ văn năm nay khó và hay hơn năm ngoái. Do đó, phổ điểm có khả năng thấp hơn năm ngoái vì độ phân hóa cao hơn và yêu cầu kĩ năng cao hơn”.
Nhận xét về đề thi Ngữ văn năm nay, chuyên gia luyện thi Phạm Hữu Cường (ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho rằng, đề vẫn theo đúng cấu trúc của Bộ GD&ĐT đã ban hành trước đó.
Tuy nhiên, về phần Đọc hiểu dễ gây hiểu nhầm cho giáo viên và học sinh bởi thông thường ở đề minh họa và thử nghiệm trước đó của Bộ GD&ĐT, phần này phần lớn các đoạn văn được cho đều thuộc phong cách báo chí hoặc văn bản chính luận.
Đề thi Ngữ văn, kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Ở đề thi này, đề thi đưa ra kĩ năng đọc hiểu một đoạn thơ, một văn bản nghệ thuật. Một số giáo viên có thể không bất ngờ và học sinh được ôn tập kĩ càng có tiếp cận được cách ra đề này nhưng một số có thể bị đánh lừa.
Đánh giá về chất lượng, theo thầy Cường, đề thi khá hay ở chỗ trong phần đọc hiểu đã đề cập đến đoạn thơ lay động của nhà thơ Nguyễn Duy, qua đó đề cập đến tiềm lực của đất nước và tiềm lực tự nhiên, trong đó có tiềm lực tự nhiên còn ngủ yên.
Điều này vừa có tính thời sự vừa khơi dậy ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ, của mỗi người trong việc phát triển và đánh thức tiềm lực của đất nước, về lòng yêu nước trong mỗi cá nhân trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
“Tôi đánh giá phần nghị luận văn học khá hay, liên hệ khá đặc sắc. So với cấu trúc mà Bộ ban hành, đề thi khá phù hợp. Ở phần nghị luận văn học, kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình các em đã học từ lóp 11- 12″, thầy Cường chia sẻ.
Thí sinh sau buổi thi THPT quốc gia đầu tiên tại Hà Nội. (Ảnh: Mỹ Hà).
Về liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa thơ mộng với hình ảnh bạo lực gia đình, chuyên gia này cho rằng, đó chính là sự đối lập giữa thế giới nghệ thuật và thế giới thực tế của cuộc sống. Cũng giống như sự đối lập giữa phố huyện trong bóng tối và con tà qua là cách liên hệ hợp lý, gợi lên nhiều ý liên tưởng sâu sắc.
“Về kĩ năng kiến thức, đề thi khá hay, nhất là tôi rất thích thú với câu hỏi về đánh thức tiềm lực của cá nhân. Đề thi phân hóa học sinh tốt, một mặt có thể giúp các em có học lực bình thường đỗ tốt nghiệp, đồng thời phân hóa cao ở phần so sánh liên hệ ở câu “suy nghĩ về sứ mạng đánh thức tiềm lực” mỗi người và ở phần so sánh trong câu nghị luận văn học.
Đề thi này hay hơn năm ngoái, khó hơn đề năm ngoái vì có nâng cao hơn do đó phổ điểm có khả năng thấp hơn năm ngoái vì độ phân hóa cao hơn và yêu cầu kĩ năng cao hơn”, thầy Cường khẳng định.
Đánh giá về đề thi, cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên trường Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nội cho rằng, cơ bản, cấu trúc đề thi bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT công bố ngày 24/1/2018, bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12. Trong đó, lượng kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% và lớp 12 chiếm khoảng 70% trong câu nghị luận văn học.
Đề thi gồm có 2 phần:
Phần 1: Đọc hiểu. Phần này sẽ chiếm 30% tổng số điểm.
Phần 2: Làm văn. Phần này chiếm 70% tổng số điểm bài thi.
Phần Đọc hiểu có ngữ liệu là một văn bản thơ, theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến vấn đề có ý nghĩa.
Video đang HOT
Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi:
Một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy thi). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu. Vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước khá gần gũi và thiết thực với học sinh, khơi gợi được trách nhiệm xã hội của người viết.
Với đề nghị luận xã hội học sinh cần có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề nghị luận, cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.
Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% trong câu nghị luận văn học. Phần liên hệ với tác phẩm lớp 11 khá cơ bản, không “đánh đố” học sinh nhưng không dễ, tạo nên sự phân hóa khá rõ đối với người làm bài. Phổ điểm sẽ ở mức 6, 7 điểm; số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước.
Đề thi Ngữ văn hay nhưng học sinh khó đạt điểm cao vì đề phân hóa tốt. (Ảnh: Mỹ Hà)
Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phải thực sự hiểu được nội dung ý nghĩa của mỗi tác phẩm, đặc điểm phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả và cả yếu tố thời đại chi phối đến tác phẩm (tác phẩm Hai đứa trẻ ra đời vào thời điểm trước cách mạng 1945, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa ra đời vào đêm trước của thời kì đổi mới 1986).
Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú.
Nhìn chung, đề thi THPT quốc gia môn Ngữ Văn là đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.
“Đánh thức tiềm lực”: Chạm tới trăn trở suy ngẫm thời hiện đại
1. Phần I đưa ra ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn trích trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy – một đoạn thơ từ thập kỉ 80 không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể chạm tới những trăn trở suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực/ thực tế tiềm lực / thực tế khả năng phát triển tiềm lực của đất nước.
Ngoài 3 câu hỏi đầu khá đơn giản với học trò ở mức độ nhận biết và thông hiểu thì cau hỏi 4 có lẽ đặt ra vài suy ngẫm.
Cụm từ lệnh trong câu 4 “có còn phù hợp với…” là một câu lệnh có tính định hướng khiến học sinh có thể nhận ra ý nghĩa phủ định/phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ “ta ca hát…/tiềm lực còn ngủ yên” – tính định hướng sẽ làm giảm phần nào tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy, điều đó sẽ thay đổi nếu câu hỏi xóa bỏ từ “còn” trong câu lệnh – học sinh sẽ được phép trình bày những suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất mà không phải băn khoăn đến yếu tố “định hướng”.
Và nội dung giải thích ” vì sao” ở vế sau của câu hỏi sẽ có thể đưa tới những ý kiến trái chiều của học trò về tiềm lực và thực trạng ” đánh thức tiềm lực” của đất nước.
Vậy đáp án có dung nạp, chấp nhận những ý kiến tâm huyết đó không khi học sinh có thể đề cập tới tình trạng chảy máu chất xám (tiềm lực con người)/ tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng biển sông đồng… của quê hương đất nước?
2. Câu NLXH của phần Làm văn đề cập tới vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với chủ đề của ngữ liệu Đọc hiểu; và thay vì chủ đề “đánh thức tiềm lực” hướng tới cộng đồng thì đề bài đã đặt ra vấn đề sứ mệnh “đánh thức tiềm lực” đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay – và yêu cầu nghị luận ấy trực tiếp hướng tới mỗi thí sinh trong bài làm của mình.
Yêu cầu đề bài về hình thức là 1 đoạn văn khoảng 200 chữ; nội dung là trình bày suy nghĩ về sứ mệnh cá nhân – đó là một nội dung rất cụ thể hướng về cách thức/giải pháp/bài học… với mỗi công dân trước vấn đề ” đánh thưc tiềm lực” của đất nước. Với yêu cầu này của đề bài, có thể xuất hiện hai dạng bài của học sinh: những bài viết trình bày bài học chung chung về nhiệm vụ, sứ mệnh cá nhân với đất nước, như tham luận trong đại hội chi đoàn, thiếu bản sắc, cá tính và sự chân thành,tâm huyết / và những bài làm chạm tới những vấn đề nhiều chiều trong thực trạng tiềm lực của đất nước, thậm chí đề cập tới những vấn đề nhức nhối của quê hương đất nước trong cả hai nguồn lực tự nhiên và con người.
Một lần nữa, băn khoăn lại hướng tới độ mở của đáp án cho những bài làm của nhưng học trò có sự quan tâm, hiểu biết sâu sắc về thực trạng đất nước, dám dũng cảm trình bay quan điểm của trí tuệ, lương tri và trách nhiệm.
Câu 2 phần NLVH đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ của Thạch Lam giúp thể hiện được những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật, đem đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho hai tác phẩm.
Tuy nhiên, cách diễn đạt vấn đề nghị luận lại vi phạm vào tiêu chí logic khi các hình ảnh đối lập trong cả 2 tác phẩm đều không đặt cùng trên một hệ quy chiếu so sánh, đó là yêu cầu so sánh sự đối lập giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu…
Sự thiếu logic đó sẽ làm giảm tính mạch lạc, tính hệ thống trong việc triển khai các luận điểm trong bài làm của học trò. Hoàn toàn có thể thay bằng cách diễn đạt logic khi yêu cầu học trò: Phân tich sự đối lập giữa vẻ đẹp của ngoại cảnh khi chiếc thuyền ở ngoài xa và bức tranh hiện thực cuộc sống khi chiếc thuyền tới gần. Từ đó, anh/ chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa thế giới của phố huyện lúc đêm khuya và ” thế giới khác” mà đoàn tàu đem đến để nhận xét về cách nhìn hiện thưc của hai tác giả.
Nhìn chung, đề văn QG đã có những đổi mới theo hướng tích cực nhưng vẫn cần quan tâm nhiều hơn về khả năng triển khai vấn đề của trò trong câu hỏi đọc hiểu và NLXH, về tính logic trong yêu cầu nghị luận của câu hỏi NLVH.
T.S Trịnh Thuy Tuyết
(Nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội)
Mỹ Hà (ghi)
Theo Dân trí
Nóng: Gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2018
Hơn 913.000 thí sinh vừa hoàn thành bài thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đề văn gồm 4 câu, trong đó có câu hỏi về tiềm lực kinh tế Việt Nam. Dưới đây là gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn.
Đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2018
Gợi ý giải đề thi như sau:
Phần I: ĐỌC HIỂU
Câu 1: Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố về tiềm lực tự nhiên của đất nước gồm đất đai, khoáng sản, châu báu, núi non, thềm lục địa, biển ( bể), rừng, phù sa, sông.
Câu 3:
Hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích:
- Gợi suy nghĩ, nhận thức về thực trạng sử dụng tiềm lực tự nhiên của đất nước.
- Nhắc nhở con người về việc sử dụng tiềm lực tự nhiên của đất nước.
- Tác giả thể hiện niềm tự hào trước những tiềm lực tự nhiên của đất nước nhưng đồng thời cũng bộc lộ những trăn trở, suy tư, lo nghĩ về việc sử dụng , phát huy những tiềm lực đó.
Câu 4:
Học sinh nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, lí giải hợp lí, thuyết phục về việc sử dụng tiềm lực trong thực tiễn hiện nay.
Phần II: LÀM VĂN
Câu 1:
* Xác định yêu cầu cần nghị luận
Sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.
* Nội dung:
- Giải thích:
Sứ mệnh là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng của mỗi con người.
Tiềm lực là những sức mạnh tiềm tàng.
Sứ mệnh đánh thức tiềm lực là nhiệm vụ quan trọng của mỗi người về việc khơi dậy, phát huy những sức mạnh của dân tộc về môi trường tự nhiên của đất nước.
- Học sinh trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân, có thể làm theo hướng sau:
Nhìn nhận về tiềm lực của đất nước, con người Việt Nam hiện nay.
Ý nghĩa của việc đánh thức tiềm lực: phát huy, phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
Các phương diện để đánh thức tiềm lực:
Đối với môi trường tự nhiên: trân trọng, giữ gìn và bảo vệ giá trị thiên nhiên như: rừng, biển và các giá trị khoáng sản, đất đai,... Đối với môi trường kinh tế - văn hóa: phát triển kinh tế - xã hội ngày càng giàu đẹp, bồi dưỡng vẻ đẹp văn hóa, hướng tới quan hệ quốc tế....
Tiếp tục cập nhật...!
Tổ Ngữ Văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI
PV
Theo Dân trí
Chăm sóc con bằng cách dạy con tự chăm sóc chính mình Làm cha mẹ ai cũng muốn mang lại mọi thứ tốt nhất cho con. Nhưng đôi khi vì quá yêu thương con, chính cha mẹ lại lấy mất cơ hội được học kĩ năng tự chăm sóc bản thân của bé. Để tình yêu thương trở thành sự quan tâm, cha mẹ hãy dạy con cách chăm sóc chính mình. Điều này giúp...