Đề nghị công nhận trình độ đào tạo bác sĩ tương đương thạc sĩ
Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị bác sĩ, kỹ sư đào tạo từ 5 năm trở lên được công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu ngày 13/3. Ảnh: QH
Theo dự luật Giáo dục đại học Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội ngày 13/3, thời gian đào tạo đại học là 3 đến 5 năm học tập trung liên tục tùy theo ngành đối với người tốt nghiệp THPT. Những người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, thời gian học tập do cơ sở đào tạo quyết định căn cứ vào kết quả học tập.
Thời gian đào tạo thạc sĩ từ một đến hai năm học tập trung liên tục đối với người đã tốt nghiệp đại học. Còn đào tạo trình độ tiến sĩ 3-4 năm học tập trung liên tục đối với người đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian cụ thể đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học theo từng lĩnh vực, hình thức tổ chức đào tạo.
Trường đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học, học từ xa với cơ sở giáo dục bảo đảm yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý; không liên kết đào tạo đối với các ngành bác sĩ để đảm bảo chất lượng các ngành này.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, đa số ý kiến đề nghị có sự phân định giữa trình độ đại học 3-4 năm với trình độ đại học từ 5 năm trở lên. Hướng phân định là người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư (học từ 5 năm trở lên)… được công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ, phù hợp với quy định hiện nay trong Khung trình độ quốc gia và cũng phù hợp với cách xử lý trên thế giới.
Bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội băn khoăn, dự luật đã bao quát được đặc điểm riêng biệt của ngành y hay chưa? Điều 6 dự luật nêu Chính phủ sẽ quy định đặc thù trong đào tạo ngành y, tuy nhiên cần nêu rõ quy định này phải phù hợp với thời gian đào tạo đại học 3-5 năm, thạc sĩ 1-2 năm, tiến sĩ 3-4 năm học tập trung liên tục. Như vậy, theo dự luật để đạt trình độ thạc sĩ mất từ 4 đến 7 năm, tiến sĩ mất từ 6 đến 9 năm.
“Đối chiếu với thời gian đào tạo hiện nay của ngành y mất 6 năm, bác sĩ nội trú 9 năm – cao hơn đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở một số ngành. Vì vậy, tôi cho rằng, đối với hình thức đào tạo đặc thù cần quy định cụ thể trong luật là tốt nhất. Trường hợp ủy quyền cho Chính phủ thì phải phù hợp với luật”, bà Thúy Anh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Luật có quy định dành cho những ngành đặc thù. Ngành y đang học 6 năm, theo luật Khám bệnh chữa bệnh thì sau đó các em phải đi thực tế, thực hành ở bệnh viện 1,5 năm nữa mới được cấp giấy chứng nhận khám chữa bệnh. Như vậy là những em này mất 7,5 năm mới được động đến bệnh nhân nhưng thang bảng lương lại bằng người học 4 năm.
Video đang HOT
“Tất nhiên không thể dùng Luật giáo dục đại học để bao quát hết được nhưng cũng phải có khung, định hướng quy định thế nào, để sau này bằng các văn bản khác quy định chế độ lương bổng với đối tượng này, giúp các em đỡ thiệt thòi vì ngành y là ngành cao quý, rất vất vả”, ông Định nói
Theo VNE
Thay miễn học phí bằng vay tín dụng
Thay vì miễn học phí, học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay này...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: HG
Ngày 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.
Lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm
Theo tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Chính phủ nêu rõ, chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm đã thực hiện được 20 năm.
"Hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành Sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm. Vì vậy, dự thảo không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói.
Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) cho biết, vấn đề này còn 2 loại ý kiến.
Theo đó, ý kiến thứ nhất tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành Giáo dục và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Quan điểm của Thường trực Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ là dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành Giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Cùng với đó, là sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục trong thời gian tới.
Cần có cơ chế tài chính biên soạn sách giáo khoa
Một vấn đề khác, dự thảo luật sửa đổi Điều 29 về Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất nhưng được tổ chức thực hiện linh hoạt; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa và có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Ông Phan Thanh Bình, Thường trực Ủy ban cho rằng việc sửa đổi, bổ sung như đề xuất là cần thiết nhưng chưa đầy đủ.
"Đề nghị cần có những quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật Giáo dục về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa; quy định về cơ chế tài chính trong việc biên soạn, in, phát hành sách giáo khoa (trợ giá, đấu thầu, đặt hàng...) bảo đảm công bằng, minh bạch, phù hợp với Luật Xuất bản và pháp luật có liên quan", ông Bình nêu rõ.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định về việc thí điểm chương trình giáo dục phổ thông, về việc thực hiện nhiều chương trình trong cơ sở giáo dục phổ thông, về việc sử dụng các tài liệu dạy học khác song song hoặc thay thế sách giáo khoa.
Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cũng nhận thấy, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra trong Tờ trình. Nhiều quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 29-NQ/TW từ năm 2013 chưa được thể chế hóa; giáo dục vẫn chưa được đặt đúng vị trí là "quốc sách hàng đầu"; các điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong bối cảnh giáo dục mới chưa được tiếp cận.
Phục vụ quốc phòng, dữ liệu đo đạc, bản đồ có cấp miễn phí?
Trước đó, báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Phan Xuân Dũng cho hay, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, bổ sung quy định việc cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giám sát tài nguyên và môi trường.
"Điều 10 Luật Phí và Lệ phí năm 2015 quy định về miễn, giảm phí, lệ phí và thẩm quyền quyết định đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí. Phụ lục 1 kèm theo Luật này quy định việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phải trả phí. Do vậy, việc miễn phí cung cấp thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí", thường trực Ủy ban KHCN&MT và ban soạn thảo giải trình.
Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, những thông tin do Bộ Quốc phòng tiếp nhận vì nhiệm vụ quốc phòng thì được miễn lệ phí. Còn tất cả các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng tiếp nhận những thông tin này vì mục đích kinh doanh, không phục vụ nhiệm vụ quốc phòng thì vẫn phải trả lệ phí như các lĩnh vực khác.
Cũng đồng tình cấp miễn phí khi thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, chỉ áp dụng với thông tin do đơn vị công thực hiện. "Dự thảo Luật này quy định, ngoài cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước còn có cả tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ", ông Định lưu ý, có những thông tin khai thác có thể miễn phí nhưng cũng có cái không được miễn phí.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, chính sách miễn giảm phí sử dụng dữ liệu đo đạc và bản đồ cho quốc phòng an ninh, phòng chống bão lũ sẽ có quy định về nguyên tắc. Còn những vấn đề cụ thể phải được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan, hoặc giao cho Chính phủ quy định.
Cùng ngày, UBTVQH thống nhất với Chính phủ cần thiết ban hành Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trong giai đoạn từ 1/1/2017 đến 30/6/2018 để khắc phục khoảng trống pháp lý.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nguyên tắc là không được mở rộng đối tượng, không tăng chi ngân sách, nhưng cũng không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng hỗ trợ. UBTVQH đề nghị, rà soát lại các đối tượng được hưởng hỗ trợ trên tinh thần Nghị định 67/NĐ-CP. Riêng người nghèo, sẽ được hỗ trợ cho toàn bộ các hoạt động sản xuất thay vì chỉ một số hoạt động như các đối tượng khác.
Theo Thanhtra.com.vn
Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TPHCM) kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) vừa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1957-2017). ảnh minh họa Qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ một ngôi trường nhỏ chỉ có 20 lớp học, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng quy mô đào tạo, đến nay...