Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu ý kiến về chuẩn tiến sĩ
Ngày 15/7, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ GD-ĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Theo nội dung công văn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021. Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo như sau:
Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc; có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ.
Đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp bảo đảm chất lượng.
Quy chế mới về đào tạo tiến sĩ gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa
Video đang HOT
So với Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ có nhiều điểm mới, trong đó, đáng lưu ý là nới lỏng yêu cầu kết quả công bố trong luận án trước khi bảo vệ.
Theo Quy chế cũ, nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Trong khi đó, theo Quy chế mới, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục WoS/Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, Quy chế mới bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên). Cách tính điểm sẽ căn cứ khung điểm tối đa của Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định, với tổng điểm đối với người đủ điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh là 4,0 và đối với đầu ra của nghiên cứu sinh là 2,0.
Một điểm khác là Quy chế mới bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ, theo đó minh chứng sử dụng các chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL theo quy định trước đây.
Quy chế mới cũng điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn trong cùng một thời gian cụ thể, giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 nghiên cứu sinh; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh. Theo quy định trước đây, số nghiên cứu sinh tối đa hướng dẫn tương ứng là 5, 4 và 3.
Theo nhận định của TS Lê Văn Út, Trưởng Nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, việc nới lỏng như trên trước mắt là sẽ góp phần tăng số lượng tiến sĩ được đào tạo, còn về chất lượng thì khó có thể tăng lên so với quy chế mới.
Ông đề nghị, nên chăng Bộ GD-ĐT có thể tăng cường quyền tự chủ hơn nữa cho các đại học trong việc đào tạo tiến sĩ. Có thể có xem quy chế trên là quy định mức tối thiểu và cho phép các đại học được phép xây dựng chuẩn riêng trong việc đào tạo tiến sĩ của đại học mình và không mâu thuẫn với quy chế của Bộ GD-ĐT vừa ban hành.
Ngoài ra, nên chăng Bộ GD-ĐT cân nhắc thêm việc đào tạo tiến sĩ ứng dụng (đặc biệt là đối với một số lĩnh vực đặc thù), không nhất thiết phải có các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong luận án tiến sĩ, mà luận án tiến sĩ có thể chỉ là các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn
Trong khi đó, trao đổi trên báo VietNamNet, GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam bày tỏ mối lo về chất lượng giảng viên.
Điều mà GS Trung cho rằng “ngược đời” là việc Quy chế mới cho phép người hướng dẫn không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có 2 công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình trong 5 năm cuối, còn thấp hơn cả chuẩn đầu ra 3 công bố cùng loại của nghiên cứu sinh.
“Như vậy, tiến sĩ tốt nghiệp xong có thể đào tạo tiến sĩ mới gần như ngay lập tức, chỉ cần sau 1 năm giảng dạy. Với chuẩn đầu ra thấp như thế này thì sau vài năm liệu có còn “thầy giỏi” để đào tạo ra “trò giỏi”?”.
GS Trung cũng bình luận rằng: “Nếu tôi là nhà quản lý thì tôi chỉ cần đặt chuẩn đầu ra tiệm cận chuẩn mực quốc tế (có 1 bài ISI loại không thể mua được) còn bỏ mặc chuẩn đầu vào cho cơ sở đào tạo quyết định. Đầu ra cao, không thể chạy được, thì tự khắc thầy và trò phải giỏi”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến góp ý chuẩn tiến sĩ mới
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ GD&ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới.
Trong công văn gửi Bộ GD&ĐT nêu rõ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Thông tư số 18 năm 2021
Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: VGP)
Ngày 28/6, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới, trong đó bỏ quy định nghiên cứu sinh tiến sĩ phải có ít nhất 2 công bố trên tạp chí quốc tế. Thông tin này nhận được nhiều sự quan tâm.
Bên cạnh ý kiến ủng hộ, nhiều chuyên gia cho rằng, nghiên cứu sinh tối thiểu phải có công bố quốc tế (ngoài các công bố trong nước, chí ít phải thêm bài kỷ yếu hội thảo quốc tế, hoặc tạp chí quốc tế bằng tiếng nước ngoài, chưa yêu cầu phải ISI/Scopus) để tăng cường khả năng hội nhập. Thế nhưng quy chế mới lại không cần công bố quốc tế cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh.
Theo các chuyên gia nếu chuẩn đầu ra không cao hơn, thì ít nhất cũng nên giữ như quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ năm 2017 chứ không nên quay về cách đo chất lượng như quy chế cũ từ lâu đời. Đó rõ ràng là bước lùi của khoa học.
Quy chế đào tạo tiến sĩ mới có "nới" nhưng không hẳn "lỏng" Khi xác định đúng mục tiêu đào tạo tiến sĩ thì chắc chắn sẽ lựa chọn đúng xu hướng phát triển và chất lượng chứ không chạy theo là số lượng và tấm bằng. LTS: Ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế...