Đề nghị bắt buộc xác định giới tính thai nhi ở Ấn Độ
Một đề nghị mới được đưa ra đối với các thai phụ ở Ấn Độ là bắt buộc phải đi xác định giới tính của thai nhi, một biện pháp được cho nhằm hạn chế tình trạng phá thai có giới tính nữ.
Ấn Độ lâu nay vẫn áp dụng chính sách cấm xác định giới tính thai nhi – Ảnh: Reuters
Một đề nghi nghe có vẻ trái với tự nhiên được đưa ra bởi một bộ trưởng của Ấn Độ phụ trách những vấn đề về phụ nữ và trẻ em.
Ấn Độ lâu nay vẫn áp dụng chính sách cấm xác định giới tính thai nhi nhằm hạn chế tình trạng phá thai. Nhiều người Ấn Độ vẫn còn có lối suy nghĩ bảo thủ, thích con trai hơn con gái, vì vậy khi phát hiện thai nhi là nữ nhiều ông bố, bà mẹ ở đất nước này quyết định phá thai. Cấm xác định giới tính thai nhi được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng nhằm ngăn chặn hiện tượng chênh lệch về tỷ lệ nam, nữ.
Tuy nhiên, bà Bộ trưởng Maneka Gandhi cho rằng cần phải bắt các thai phụ đi khám thai và xác định giới tính thai nhi, theo AFP hôm nay 2.2. Theo bà Gandhi, bằng cách bắt buộc thai phụ đi xác định giới tính thai nhi, giới chức y tế có cơ sở để biết được tình trạng mang thai của các thai phụ cho đến khi họ sinh em bé.
Thông tin dữ liệu về thai nhi, kể cả giới tính được lưu vào hệ thống máy tính và được theo dõi liên tục, khiến các ông bố, bà mẹ phải dè chừng trước quyết định phá thai khi họ không hài lòng với giới tính của thai nhi mà họ sẽ sinh ra.
Cha mẹ và bác sĩ có thể bị phạt đến 5 năm tù nếu yêu cầu hoặc thực hiện việc kiểm tra xác định giới tính của thai nhi, thế nhưng việc làm này vẫn xảy ra phổ biến ở Ấn Độ và phá thai tràn lan. Một thống kê hồi năm 2011 của tờ báo y khoa The Lancet (Anh) cho biết có 12 triệu trường hợp thai nhi có giới tính nữ bị phá trong vòng 3 thập niên ở Ấn Độ.
Ở Ấn Độ, cứ 1.000 đàn ông thì có 940 nữ, theo số liệu thống kê của giới chức địa phương hồi năm 2011 so với con số 933 nữ của năm 2001.
Vinh Sơn
Video đang HOT
Theo Thanhnien
Cuộc sống như địa ngục của nhiều thanh niên Hàn Quốc
Thất nghiệp, áp lực kiếm tiền cùng mâu thuẫn quan điểm với cha mẹ khiến ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 coi cuộc sống là địa ngục.
Công sở sáng đèn lúc nửa đêm là chuyện phổ biến ở Hàn Quốc. Ảnh: Washington Post
Theo Washington Post, những thanh niên này gọi Hàn Quốc là "Joseon địa ngục", cụm từ chỉ triều đại Joseon tồn tại 5 thế kỷ (1392 - 1910), dài nhất trong lịch sử đất nước. Thời kỳ này, Nho giáo ăn sâu cắm rễ trong xã hội phong kiến bảo thủ.
"Tôi chả bao giờ nghĩ đến chuyện lấy chồng sinh con", Hwang Min-joo, nhà văn 26 tuổi viết kịch bản truyền hình nói. Hwang thường vác cả vali đi làm vào sáng thứ hai, ở lì tại cơ quan cho đến hết đêm thứ năm mới về. Cô ăn uống, tắm rửa, ngủ ở giường tầng tại văn phòng.
"Hôm nào làm xong việc trước 9h tối, được coi như là sớm", Hwang nói. Lương lậu thất thường, có lúc không có nếu chương trình bị hủy, bởi vì cô không được ký hợp đồng chính thức.
"Lúc đi ngủ, tôi tự hỏi ngày mai còn có việc làm không. Nhà sản xuất có thể sa thải tôi đơn giản bằng cách gửi vài dòng tin nhắn. Nếu chương trình không được phát sóng, tôi không được trả tiền. Tôi ở cùng bố mẹ, đó là cách tôi sống sót", Hwang nói.
"Nếu có tiền, Hàn Quốc là thiên đường. Nhưng nếu không...", Hwang im lặng.
Nhiều thanh niên cùng thế hệ với Hwang cũng quan niệm như vậy. Bố mẹ họ trưởng thành trong thời kỳ Hàn Quốc tăng trưởng kinh tế vượt bậc thập niên 60, 70; sau đó trở thành một nước dân chủ những năm 80. Tuy nhiên, thế hệ sinh sau đẻ muộn chỉ thấy mặt trái của sự phát triển kinh tế này.
Sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, nhiều người mất việc, nhà cửa và cả hy vọng. Ở Hàn Quốc, những mất mát đó trở nên rõ rệt và sâu sắc hơn vì sự đối lập với thời kỳ công nghiệp hóa hoàng kim.
Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm lại còn 2,6% năm ngoái, kéo theo số lượng việc làm "tạm bợ" không hợp đồng, không bảo hiểm ngày càng tăng. Gần hai phần ba thanh niên trở thành lao động thời vụ, theo số liệu của Viện Lao động Hàn Quốc.
Ngay cả những tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, hay Doosan cũng gặp khó khăn, buộc phải sa thải lao động hay kêu gọi nhân viên nghỉ hưu sớm. Với những triển vọng kinh tế u ám, ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc lên mạng xã hội than phiền hoàn cảnh của mình.
Áp lực
Nhóm "Joseaon Địa ngục" trên Facebook thu hút hơn 5.000 thành viên. Thậm chí có cả một trang web có tên "Hàn Quốc Địa ngục", thường xuyên đăng tranh ảnh về cuộc sống khủng khiếp ở nước này như tình trạng làm việc nhiều giờ liên tục, tỷ lệ tự tử cao, thậm chí đồ ăn vặt đắt tiền.
"Nếu cuộc đời tôi còn tiếp diễn theo lối này, tôi thực sự không nhìn thấy tương lai", Lee Ga-hyeon, 22 tuổi, vừa học luật vừa làm thêm kiếm tiền nói. "Ở Hàn Quốc, 'làm bán thời gian' nghĩa là làm toàn thời gian với mức lương thấp nhất".
Vừa học, Lee vừa làm thêm tại cửa hàng McDonald và một hiệu bánh khoảng 6 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần. Tiền kiếm được mất phân nửa để thuê căn phòng trọ bé xíu như hộp diêm, giá 450 USD một tháng.
"Tôi muốn trở thành một luật sư chuyên về lao động để giúp đỡ mọi người lâm vào hoàn cảnh tương tự như tôi", Lee nói.
Hwang Min-joo, 26 tuổi, không nghĩ đến việc lấy chồng sinh con. Ảnh: Washington Post
Ngay cả những người có việc làm ổn định cũng không hạnh phúc hơn. Xã hội Hàn Quốc tồn tại quan niệm ưu tiên số một cho công việc, do đó, làm việc 14 giờ một ngày được coi là chuẩn mực.
"Lúc nhỏ tôi từng sống ở Đức. Bố mẹ tôi lúc đó đang học tiếng Đức và quyết định hồi hương khi Hàn Quốc dân chủ hóa. Tôi cho rằng mình lớn lên trong một gia đình trung lưu nhưng không biết liệu có đủ khả năng giống bố mẹ không", Chang Han-sol, 21 tuổi, đang học báo chí, tâm sự.
Đối với những người lập gia đình, áp lực càng lớn hơn. Song, 34 tuổi, chuyển sang làm tại một công ty nhỏ hơn từ lúc vợ nghỉ việc sinh con hồi năm ngoái, vì ở chỗ cũ, anh thường xuyên phải làm việc từ 8h sáng đến 1h đêm.
"Mơ về tương lai và nuôi dạy con cái ở đây là chuyện rất khó khăn. Người lao động không thể tan sở đúng giờ vì áp lực công việc, còn công ty luôn khuyến khích làm thêm giờ. Tôi từng đi làm tại một công ty lớn. Sếp lúc nào cũng ra rả: 'Công ty là số một, gia đình chỉ là số hai'", Song nói, yêu cầu giấu họ vì sợ ảnh hưởng tới công việc.
Điều khó chịu nhất với nhiều thanh niên lại chính là thái độ của các bậc phụ huynh, những người từng dành hết thời giờ làm việc để dựng xây "giấc mơ Hàn Quốc", luôn cho rằng thế hệ ngày nay cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
"Bố mẹ lúc nào cũng cho rằng tôi không cố gắng hết sức", Yeo Jung-hoon, 31 tuổi, nói. Anh từng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về môi trường nhưng đã nghỉ, nay điều hành một nhóm trên Facebook có tên "Liên đoàn Công nhân Không có chuyên môn".
"Một hôm họp xong, sếp nói trước mặt mọi người rằng, 'Tôi cho là anh không hợp với việc này'", Yeo kể. "Tôi cảm thấy bị sỉ nhục, nhưng lại không dám bỏ việc vì cần tiền. Thật là địa ngục không lối thoát".
Hồng Hạnh
Theo VNE
Kẻ bắn chết phi công Su-24: Báo thù là quyền tự nhiên Lý giải cho việc bắn chết phi công Su24 của Nga, tay súng gốc Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định báo thù là một trong những quyền tự nhiên nhất. Mới đây, Alparslan Celik, một chỉ huy lữ đoàn Turkmen đối lập tại Syria, người được cho là đã bắn chết phi công Nga lái chiến đấu cơ Su-24 khi bung dù khỏi máy...