Để làm tốt bài thi môn Địa lý
Chỉ còn 1 tuần nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các thí sinh đang chạy nước rút để về đích. Cần làm thế nào để bài thi môn Địa lí đạt kết quả cao? Thầy Vũ Quốc Lịch-giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam có một số gợi ý sau đây cho các thí sinh.
Môn thi Địa lý, học sinh chú ý kỹ năng làm bài sẽ được điểm cao.
1. Về nội dung học cần bám theo cấu trúc đề thi
Với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa của Việt Nam, rất nhiều thí sinh năm nay đã “tủ” vấn đề biển Đông khi ôn thi tốt nghiệp THPT.
Chú trọng đến vấn đề biển Đông là đúng. Song nếu chỉ có vậy, hoặc quá tập trung vào vấn đề này thì sẽ hạn chế kết quả thi. Biển Đông dù “ nóng” đến đâu cũng không thể bao trọn nội dung chương trình. Và đề thi được ra vẫn phải bám vào “Cấu trúc đề thi tốt nghiệp Địa lí” mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
Cấu trúc bài thi tốt nghiệp địa lí gồm có 2 phần:
- Phần chung cho tất cả các thí sinh chiếm 8 điểm gồm có 3 câu: Câu I (3 điểm): các kiến thức của phần địa lí tự nhiên và địa lí dân cư; Câu II (2 điểm): các kiến thức của bài chuyển dịch cơ cấu kinh tế và địa lí các ngành kinh tế; Câu III (3 điểm): các kiến thức của phần địa lí các vùng kinh tế và địa lí địa phương.
- Phần riêng (2 điểm) thí sinh chỉ được làm một trong hai câu hoặc theo chương trình chuẩn hoặc theo chương trình nâng cao.
Với vai trò quan trọng chiến lược của biển Đông và đáp ứng yêu cầu giáo dục tư tưởng – chính trị xuyên suốt quá trình dạy – học có thể khẳng định chắc chắn sự có mặt của Biển Đông trong đề thi tốt nghiệp địa lí năm nay. Các bài học liên quan nhiều đến biển Đông là vị trí, phạm vi lãnh thổ; thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển, vấn đề phát triển ngành thủy sản; vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo…
Video đang HOT
Nhưng bên cạnh đó, thí sinh vẫn cần phải chú ý đến các vấn đề khác trong chương trình bám theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp.
2. Chú ý phần kĩ năng
Phần kiểm tra kĩ năng bao giờ cũng có trong một bài thi địa lí, bao gồm kĩ năng vẽ biểu đồ, phân tích số liệu, sử dụng Átlat Địa lí Việt Nam.
a) Vẽ biểu đồ: Cần rèn luyện vẽ các dạng biểu đồ cột, biểu đồ đường (đồ thị), biểu đồ kết hợp (cột và đường), biểu đồ tròn, biểu đồ miền. Vẽ biểu đồ cần nhanh, chính xác, đầy đủ các bước. Trên biểu đồ phải ghi đầy đủ các yếu tố như đơn vị, tên biểu đồ, bảng chú giải ghi chú…
Phần phân tích giải thích trong câu hỏi bài tập cần ngắn gọn, “hỏi gì đáp lấy” tránh dông dài, lan man.
b) Khi phân tích bảng số liệu cần chú ý số liệu có nội dung gì, số liệu thống kê ở một năm hay nhiều năm, quy luật thay đổi thế nào. Phải chỉ ra những biến động đặc biệt để phân tích chứ không phải liệt kê, mô tả theo bảng số liệu rất dài dòng, trình bày quá chi tiết mà không nêu được nội dung chính sẽ ít được điểm.
c) Átlat Địa lý là một công cụ ôn tập và tra cứu thi rất hiệu quả, ở đó có đầy đủ các địa danh cần thiết và các số liệu kinh tế – xã hội cập nhật hơn cả sách giáo khoa. Thậm chí các dạng biểu đồ thí sinh cũng có thể tham khảo trong átlat để hoàn thiện trong bài thi của mình. Cần nắm được cấu trúc của átlat gồm các trang nào, sắp xếp ra sao để khi nhìn đề có thể nhanh chóng xác định được các trang có liên quan.
3. Chú ý cách làm bài :
Ôn tập bài tốt rồi, thí sinh cần rèn cho mình kĩ năng làm bài thi, đó là tâm lý bình tĩnh, tự tin, đọc kĩ đề bài, định hướng chính xác yêu cầu đề bài và phân bố thời gian làm bài hợp lý.
Nên học cách làm bài khoa học, cần đọc kĩ đề để xác định dạng đề thi là trình bày, giải thích, so sánh, hay phân tích chứng minh; biểu đồ đề yêu cầu vẽ là biểu đồ tròn hay biểu đồ miền, số liệu đề ra đã được xử lý chưa hay là số liệu thô cần được xử lí…
Đọc đề xong không nên cắm cúi viết trả lời luôn mà nên dành thời gian ít phút để phác thảo đề cương mở trước khi viết bài, rồi sau đó sắp xếp ý viết bài, vừa làm vừa hoàn thiện đề cương để bài làm không sót ý. Viết theo dàn bài, bài viết sẽ mạch lạc và dễ phát hiện các ý thiếu để bổ sung.
Bài viết nên có bố cục rõ ràng, có thể phân ý 1, 2, a, b, thậm chí có thể sử dụng các gạch đầu dòng giúp giám khảo chấm bài dễ và cũng dễ có điểm số cao. Khi chấm bài giám khảo chấm theo ý được nêu trong đáp án, nên việc phác thảo đề cương mở là cách làm bài hữu hiệu để tránh sót ý giúp thí sinh có được kết quả tốt.
Cũng cần lưu ý rằng đề cương chỉ mang tính phác thảo ra các ý. Bởi trái ngược với nhiều thí sinh không làm đề cương thì một bộ phận không nhỏ thí sinh có làm đề cương song lại trình bày trong đó quá chi tiết để rồi sau đó gần như chép lại đề cương vào bài thi, tốn nhiều thời gian, thậm chí không đủ thời gian để làm các câu hỏi khác.
Nhiều thí sinh cứ băn khoăn làm câu nào trước, làm câu nào sau. Bởi câu em thuộc nhiều lại không xuất hiện đầu tiên trong đề thi. Kinh nghiệm khi làm bài là phần dễ làm trước, khó làm sau. Em trả lời câu nào trước hay sau điều đó không ảnh hưởng gì đến biểu điểm trong đáp án. Các câu dễ làm xong sẽ làm cho thi sinh thấy vợi bớt công việc, tạo nên tâm lí thoải mái để làm các câu tiếp theo.
Cần phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi: thí sinh nên phân bố thời gian đều và phù hợp cho các câu hỏi trong đề bài, đương nhiên là câu nào nhiều điểm thì phải dành thời gian cho câu đó nhiều hơn.
Thí sinh cần bỏ tư tưởng rằng đã làm câu nào thì phải thật hoàn hảo câu đó. Bởi thực tế không ít thí sinh cứ “đắm đuối” vào một số câu, cố “nặn óc” ra những ý mà em quên để mong có được một câu trả lời hoàn hảo câu em đang trình bày. Sự cầu toàn quá mức vào một số câu dẫn đến thiếu thời gian cho việc làm các câu còn lại và làm hỏng cả bố cục chung của toàn bài, làm thí sinh không được điểm cao.
Kinh nghiệm chỉ ra rằng thí sinh nên làm tất cả các câu chứ không nên tập trung vào một câu nào đó. Thang điểm cho mỗi câu đều có giới hạn, câu hỏi đề ra “trúng tủ” nhưng thí sinh vẫn phải bình tĩnh trình bày có chừng mực, còn để dành thời gian làm các câu khác. Với một câu hỏi thí sinh trình bày khá tốt rồi, dù biết thiếu ý thì cũng mạnh dạn chuyển sang câu khác, cuối giờ đọc lại nếu nhớ được ý thì bổ sung. Cần nhớ rằng các câu hỏi kiểm tra các môn xã hội không khó, nhưng việc chấm bài theo ý, để giành trọn vẹn điểm của một câu hỏi không dễ nhưng để giành 2/3 số điểm của mỗi câu thì dễ hơn nhiều. Nên đừng cố giành nốt 0,25 điểm của câu 3 điểm (thí sinh cố nhớ ý mình thiếu) mà không đủ thời gian làm các câu còn lại, phải làm sơ sài, bỏ ý, thậm chí bỏ cả câu, mất số điểm lớn thì thật đáng tiếc.
Theo Dantri
Thanh Hóa: 2 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn tiếng Nga
Chiều ngày 22/5, Sở GD-ĐT Thanh Hóa tổ chức họp báo về công tác thi tốt nghiệp THPT, BTTHPT năm học 2013 - 2014 và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2014 - 2015. Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh chỉ có 2 thí sinh đăng ký thi môn tiếng Nga.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, tỉnh Thanh Hóa có 39.223 thí sinh đăng ký dự thi (Năm 2013, có 43.298 thí sinh ở cả hai khối THPT và Bổ túc THPT dự thi. Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp khối THPT là 99,42%, Bổ túc THPT là 88,33%). Trong đó, khối THPT 36.023 thí sinh và khối Bổ túc THPT có 3.200 thí sinh đăng ký dự thi; thí sinh tự do 487 thí sinh.
Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013.
Toàn tỉnh Thanh Hóa thành lập 96 Hội đồng coi thi, trong đó có 59 Hội đồng độc lập và 37 Hội đồng liên trường; có tổng số 1.671 phòng thi. Các đơn vị có thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên đều phải tổ chức thi liên trường với THPT công lập tại một trường phù hợp nhất trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Thí sinh đăng ký dự thi các môn như: Toán, Văn, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp. Trong đó, môn Lịch Sử có 6.422 thí sinh đăng ký thi (khối THPT có 4.369, khối Bổ túc THPT có 2.053 thí sinh đăng ký thi); môn tiếng Nga có 2 thí sinh đăng ký thi, môn tiếng Pháp có 18 thí sinh đăng ký thi.
Để phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã huy động 6.300 người làm công tác lãnh đạ hội đồng, giám thị, thanh tra và phục vụ kỳ thi.
Trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, các buổi chiều ngày 2, 3 và buổi sáng ngày 4/6 tổ chức thi 2 môn, Sở GD-ĐT đã đề nghị Ban chỉ đạo thi các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Hội đồng coi thi bố trí địa điểm cho học sinh thi ca hai chờ thi, không để xảy ra tình trạng lộn xộn, tắc đường hoặc tập trung đông người trước cổng trường, đề phòng trường hợp mưa gió, học sinh không có chỗ trú mưa, ảnh hưởng đến việc thi của các thí sinh.
Về công tác chuẩn bị, đến thời điểm này, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT và thi tuyển đầu cấp. Qua kiểm tra hồ sơ của học sinh đến thời điểm này chưa có vấn đề gì.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng đã tập trung giải thích thêm về các điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014. Trong đó đặc biệt chú ý đến các môn thi có thí sinh đăng ký dự thi đông.
Theo chỉ đạo của ngành giáo dục Thanh Hóa là tạo điều kiện thuận lợi và chỉ đạo các nhà trường phải đáp ứng, tạo điều kiện cho các em học sinh tự chọn môn thi; việc chênh lệch trong chọn môn thi không ảnh hưởng đến việc bố trí phòng thi cho các thí sinh. Thực tế, trên địa bàn Thanh Hóa có trường chỉ có một thí sinh chọn môn tiếng Anh và quan điểm của Sở chỉ đạo trường đáp ứng đầy đủ điều kiện cho việc thi của thí sinh.
Theo Dantri
An Giang công bố tuyển giáo viên năm học 2014 - 2015 Năm học 2014 - 2015, Sở GD-ĐT tỉnh An Giang tiếp tục ra đề thi phần kiến thức chung và soạn giáo án. Riêng năm học 2015 -2016, các phòng GD-ĐT, các đơn vị được phân cấp tuyển dụng sẽ tự ra đề thi theo nội dung mà Sở đã quy định. Mới đây, Sở GD-TĐ tỉnh An Giang vừa công bố tuyển...