Đề kiểm tra của trường còn đáng sợ hơn
Tâm lý của nhiều giáo viên muốn thầy cô trong trường ra đề để đỡ vất vả ôn tập, học sinh đạt điểm cao. Quan trọng hơn là để hù dọa, thu hút học sinh học thêm.
LTS: Sau bài viết “Những hệ lụy từ việc sở, phòng ra đề thi, kiểm tra chung cho các trường” của tác giả Thạch Hoàng Sa, với mong muốn đưa ra những quan điểm và góc nhìn của mình về việc ra đề kiểm tra hiện nay, tác giả Sông Trà đã có bài viết chia sẻ.
Tôn trọng những ý kiến đánh giá khách quan và đa chiều của tác giả, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Bài viết: “Những hệ lụy từ việc sở, phòng ra đề thi, kiểm tra chung cho các trường” của tác giả Thạch Hoàng Sa đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 1/1/2020) nêu ra 5 điểm còn hạn chế khi các sở, phòng giáo dục và đào tạo ra đề kiểm tra học kỳ.
Nhưng với góc nhìn và sự trải nghiệm của một thầy giáo, một cán bộ quản lý ở trường trung học phổ thông, tôi nhận thấy cách đánh giá, phân tích của tác giả Thạch Hoàng Sa còn nặng cảm tính, suy diễn, thiếu thuyết phục.
Học sinh tham gia làm đề thi (Ảnh minh họa: TTXVN).
Người ra đề thi, đề kiểm tra bây giờ đều phải thực hiện theo quy trình các bước: thiết lập ma trận – làm đề – phản biện đề – soạn hướng dẫn (đáp án) chấm.
Nội dung, kiến thức phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.
Không có chuyện nhưtác giả viết: “ Có khi đề có độ khó, độ lạ nhất định nên học sinh bị điểm thấp có tỷ lệ cao, phải thi lại đề khác… dễ hơn”.
Còn việc: “ Có người không chịu tìm tòi, suy nghĩ để ra đề nên đã kiếm đề trên mạng internet, đem về sửa chữa kiểu thêm mắm dặm muối biến thành đề của mình” (trong bài đã dẫn).
Hạn chế này không chỉ tồn tại trong một số đề kiểm tra, đề thi của phòng, sở mà còn xuất hiện khá nhiều ở các đề kiểm tra của trường, do giáo viên ra.
Cho nên tác giả chỉ kể “tội” của chuyên viên phòng, sở giáo dục và đào tạo mà quên “tội” của giáo viên trường là chưa công bằng và thỏa đáng.
Đề kiểm tra, đề thi của phòng, sở hay của trường thì học sinh đều phảichi trả một khoản tiền cho việc in ấn, sao in đề thi và giấy thi. Chứ không phải chỉ có đề kiểm tra, đề thi của phòng, sở, các em học sinh mới chi trả các khoản đó.
Video đang HOT
Khi phòng, sở ra đề kiểm tra thì thường không có giới hạn nội dung, kiến thức, yêu cầu học sinh học, ôn tập đầy đủ, toàn diện.
Còn khi trường ra đề thi thường giới hạn đề cương rất gọn và sát với đề kiểm tra, học sinh chỉ cần học đề cương là làm được bài.
Tâm lý của nhiều giáo viên muốn thầy cô giáo trong trường ra đề để đỡ vất vả ôn tập, học sinh đạt điểm như ý. Cái quan trọng hơn là có tác dụng hù dọa và thu hút học sinh đi học thêm mình.
Về khâu chấm bài, tác giả đặt câu hỏi : “ Thay vì tổ chức chấm tại trường, làm đủ, làm đúng quy trình chấm thì việc chấm khách quan hơn.
Bài đưa về nhà chấm không đánh số mật mã, không rọc phách mà để nguyên cho gọn.
Thế thì xin hỏi có còn khách quan, có còn bí mật, có còn “vô tư” để giáo viên chấm bài thi của học sinh không?”.
Rõ ràng, nhà trường của tác giả hay ở đơn vị khác đã thực hiện không đúng yêu cầu của cấp trên.
Ngay cả trường ra đề, lâu nay, các đơn vị đã tiến hành làm phách, rọc phách để đảm bảo tính khách quan, công bằng…không có chuyện để nguyên bài kiểm tra cho giáo viên đem về nhà chấm.
Cuối bài tác giả kết luận : “Như vậy, việc sở, phòng ra đề thi, kiểm tra rõ ràng đã vô hiệu hóa tính chính xác của tỷ lệ điểm giữa các trường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chỉ đạo chuyên môn của sở, của phòng…
Rõ ràng, việc sở, phòng ra đề là việc làm “đầu voi đuôi chuột”, không thống nhất, theo sát từ khâu ra đề đến khâu tổ chức thi và khâu đánh giá, chấm bài“.
Tôi lại nghĩ khác, đề kiểm tra, đề thi của phòng, sở giáo dục và đào tạo nếu được ra chuẩn theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ đánh giá chính xác, công bằng thực trạng, chất lượng dạy học của thầy và trò tại các đơn vị trên cùng một địa bàn.
Trường nào dạy học tốt, trường nào dạy học chưa tốt, sẽ đều lộ ra hết.
Nếu để cho các trường, giáo viên “tự tung tự tác” trong khâu ra đề thì hệ lụy của nó còn khủng khiếp hơn.
Tình trạng học sinh bị chèn ép đi học thêm tràn lan vẫn không có hồi kết, vẫn bức xúc và nhức nhối như lâu nay.
Bạn đọc MẠNH CƯỜNG nhận xét: “ Bài viết có vẻ thiếu thực tế, đầy cảm tính. Đề ra bây giờ đã có quy định theo ma trận để phân bổ đề có khó, có dễ, có vừa phải và nằm trong chương trình. Có như vậy việc đánh giá năng lực học sinh cả khu vực sẽ chính xác”.
Tài khoản Trọng Nhân nhận định: “ Việc sở, phòng ra đề thi, kiểm tra chung là cần thiết để đảm bảo đánh một cách công bằng, chính xác, công khai.
Tuy nhiên, cần được triển khai một cách khoa học, bài bản. Hướng đến việc giáo viên dạy theo chương trình môn học, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Cần có các trung tâm đánh giá độc lập, các trường đặt hàng với trung tâm ra đề, chấm bài. Chuyển bảng điểm cho trường để đánh giá chất lượng dạy và học. Chỉ như vậy mới không còn tiêu cực trong thi cử, mới hết dạy thêm học thêm vô tội vạ”.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc
Những hệ lụy từ việc sở, phòng ra đề thi, kiểm tra chung cho các trường
Việc sở, phòng ra đề là việc làm "đầu voi đuôi chuột": không thống nhất, theo sát từ khâu ra đề đến khâu tổ chức thi và khâu đánh giá, chấm bài.
LTS: Chia sẻ về những bất cập, những mặt chưa được của việc các sở, phòng ra đề thi, tác giả Thạch Hoàng Sa đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nếu xét về ý nghĩa tích cực, về cái được thì việc sở, phòng giáo dục ra đề kiểm tra học kỳ (học kỳ 1 và học kỳ 2) nhằm mục đích kiểm tra một cách tổng thể việc thực hiện chuyên môn, giảng dạy của các trường có theo kịp tiến độ và chất lượng giảng dạy, học tập qua từng học kỳ...
Từ cơ sở đó, có thể đánh giá, nhận xét việc thực hiện chương trình giảng dạy của các trường như thế nào để uốn nắn, nhắc nhở kịp thời...
Học sinh làm bài thi (Ảnh minh họa: TTXVN).
Nhưng, xét về sự bất cập, về những mặt chưa được thì có thể thấy việc các sở, phòng ra đề đã gây ra nhiều "hiệu ứng" không tốt, như sau:
Một là: đề thi do một người (chuyên viên phụ trách) hoặc một nhóm người thực hiện. Do nhiều nguyên nhân, có khi đề có độ khó, độ lạ nhất định nên học sinh bị điểm thấp có tỷ lệ cao, phải thi lại đề khác... dễ hơn.
Có người không chịu tìm tòi, suy nghĩ để ra đề nên đã kiếm đề trên mạng internet, đem về sửa chữa kiểu thêm mắm dặm muối biến thành đề của mình.
Đây là hành vi "đạo đề" cần nghiêm cấm, vì theo quy định về tài chính thì việc ra đề phải trả tiền thù lao cho những người làm công việc này. Không nên để xảy ra tình trạng "đạo đề ăn tiền" trong ngành giáo dục.
Hai là: học sinh thêm một khoản tiền chi trả cho việc in ấn, sao in đề thi và giấy thi. Hàng ngàn học sinh đóng tiền cho việc này là một con số không hề nhỏ.
Tiền thu - chi thế nào có được các sở, phòng công khai tài chính không? Nếu phải thi lại đề khác, số tiền sao y, photo đề thi ai chịu trách nhiệm chi trả?
Ba là: học sinh phải học bài, ôn tập rất căng thẳng theo đề cương từ trên đưa xuống. Mỗi môn có một đề cương, có độ dày từ 15 đến 20 trang giấy A4. Tất nhiên học sinh cũng phải đóng tiền photo, đóng thành tập đề cương chứ không ai cho không cả.
Theo quy định, học gì thi nấy nhưng đề cương chỉ "giới hạn" những bài sẽ có trong đề thi. Giáo viên chỉ việc dạy thật nhuyễn, làm bài mẫu cho học sinh học thuộc lòng để có điểm cao.
Mặc dù biết rằng đó chỉ là điểm ảo, không thực chất nhưng không những học sinh mê mà phụ huynh cũng khoái.
Bốn là : khâu chấm bài lại do... các trường tự chấm sau khi thảo luận, thống nhất biểu điểm, đáp án trong hướng dẫn chấm của từng bộ môn.
Tổ trưởng phát bài cho giáo viên chấm và hẹn ngày nộp lại để giao cho người khác chấm. Thay vì tổ chức chấm tại trường, làm đủ, làm đúng quy trình chấm thì việc chấm khách quan hơn. Bài đưa về nhà chấm không đánh số mật mã, không rọc phách mà để nguyên cho gọn.
Thế thì xin hỏi có còn khách quan, có còn bí mật, có còn "vô tư" để giáo viên chấm bài thi của học sinh không?
Năm là: nhiều trường báo lên cấp trên, nếu điểm có tỷ lệ trên trung bình cao thì được, nếu tỷ lệ điểm dưới trung bình nhiều thì nhắc nhở... xem lại các cặp chấm. Nếu thấp quá nhiều thì thi lại như chuyện đã xảy ra ở một trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội.
Như vậy, việc sở, phòng ra đề thi, kiểm tra rõ ràng đã vô hiệu hóa tính chính xác của tỷ lệ điểm giữa các trường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chỉ đạo chuyên môn của sở, của phòng ...
Rõ ràng, việc sở, phòng ra đề là việc làm "đầu voi đuôi chuột", không thống nhất, theo sát từ khâu ra đề đến khâu tổ chức thi và khâu đánh giá, chấm bài.
THẠCH HOÀNG SA
Theo giaoduc
Lý giải nguyên nhân đề kiểm tra học kỳ 1 luôn khó như... lên trời Dù đề ra dễ hay khó đều có mục đích của người ra đề. Với góc nhìn của người trong cuộc, chúng ta thử vén bức màn bí mật này. Tại thời điểm này, các trường học ở cả ba bậc học gần như đã hoàn thành việc kiểm tra đánh giá định kỳ lần 2 (kiểm tra học kỳ 1). Dù đề...