Để không còn những bộ sách như tiếng Việt lớp 1 của Cánh Diều
Mấy tuần qua, dư luận dậy sóng với bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều. Đến lúc này cần đưa ra các giải pháp để không xảy ra tình trạng khi đưa sách vào thực tế mới phát hiện không phù hợp.
Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều bày bán ở các nhà sách – NGỌC DƯƠNG
SGK không được sai, không được xấu
Sách giáo khoa (SGK) là tài liệu dạy học chính thức và cơ bản nhất ở trường phổ thông, cung cấp kiến thức nền tảng, chuẩn mực, logic và có tính hệ thống mà qua đó, người thầy giúp học trò nắm vững tri thức và vận dụng tốt vào cuộc sống. Nếu tri thức và giá trị đó không chuẩn mực, thấp kém hay xấu xa, thì hậu quả không chỉ đối với học trò mà còn đối với cả xã hội.
Vì vậy, SGK không được sai, không được xấu và đảm bảo tính khoa học, dân tộc và nhân văn.
Trong hệ thống SGK, sách lớp 1 đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên kho tri thức của học trò. Trong đó, sách tiếng Việt là quan trọng nhất, vì nó vừa trang bị những tri thức nền, vừa truyền thụ những nét đẹp của cuộc sống, đặc biệt là của con người và văn hóa Việt Nam thông qua tiếng Việt.
Trước khi vào lớp 1, đứa trẻ đã nói trôi chảy, đã có thể hát, kể chuyện… rất hay và đã hiểu biết được nhiều điều. Sách tiếng Việt dạy cho học trò những kiến thức và kỹ năng cơ bản để sử dụng chữ viết với ý nghĩa cụ thể của nó, chứ không phải là dạy một loại chữ viết vô hồn, kiểu “công nghệ chữ”.
Những yếu tố ngôn ngữ được học phải là điều tốt đẹp và nâng nhân cách con người lên. Cái xấu nếu có chỉ để học trò nhận ra, tránh xa và đấu tranh với nó. Nhiều cái xấu, cái ác, cái thô tục hay tế nhị không thể được dạy. Nếu vì muốn phù hợp về âm hay từ ngữ trong bài mà bóp méo chuyện ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ… vốn rất hay, đẹp và đã in sâu vào lòng người, thì thật là phản giáo dục.
Như vậy, một bộ sách tiếng Việt có chất lượng tốt phải có những yếu tố sau: Truyền tải được những kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ cơ bản, để học trò nắm vững, vận dụng và phát huy. Truyền thụ được cái đẹp của cuộc sống, trước tiên là của con người và văn hóa Việt, thông qua tiếng Việt. Không làm cho học trò bị ảnh hưởng từ cái xấu, cái ác, cái vô cảm, cái tầm thường, cái dung tục…
Nhưng quy định pháp lý hiện hành liên quan đến SGK theo Thông tư 33 năm 2017 của Bộ GD-ĐT từ nội dung, quy trình biên soạn, thẩm định và cho phép sử dụng thì không thể khuyến khích hay đòi hỏi có được những bộ SGK có chất lượng cao như dư luận mong muốn. Và việc xuất hiện những bộ sách tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều cũng là điều dễ hiểu.
Vắc xin cho SGK
Video đang HOT
Có thể lấy việc sản xuất vắc xin như một tham khảo quý cho biên soạn SGK. Vắc xin rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Đại dịch Covid-19 đang diễn ra càng cho thấy nhu cầu sớm có vắc xin tốt để phòng bệnh. Để có vắc xin tốt, cần tuân thủ các quy trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, tiêu chuẩn đánh giá và nghiệm thu nghiêm ngặt. Nếu chất lượng vắc xin kém, thì cộng đồng sẽ lãnh chịu hậu quả. Một vắc xin đạt tiêu chuẩn là khi nó an toàn, không làm lây bệnh và không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm và hiệu quả cao, bảo vệ tốt cơ thể chống lại căn bệnh đó.
Tháng 8 vừa qua, Nga công bố sản xuất thành công vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên. Đây là tin vui chung. Tuy nhiên, dư luận không tin vào chất lượng và độ an toàn của vắc xin này vì Nga đã bỏ qua một bước thử nghiệm lâm sàng bắt buộc.
Đối với biên soạn SGK cũng vậy. Cần xây dựng ngay “Hướng dẫn biên soạn SGK” làm cơ sở pháp lý và khung chuyên môn cơ bản, gồm những nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, yêu cầu chất lượng phải đạt, những điều cần tránh, quy định riêng của từng môn học hay từng cấp học… giúp biên soạn đạt chất lượng cao, và tránh được những sai sót nghiêm trọng.
SGK cần được dạy thử nghiệm ở một số đối tượng, phù hợp với việc đánh giá các công nghệ mới hay phương pháp giáo dục mới. Cần có 2 đợt thử nghiệm: Đợt 1 nên thực hiện tại các lớp sinh viên của các trường sư phạm. Đợt 2 tại các lớp học sinh trường phổ thông thực hành, cũng thuộc các trường sư phạm. Sau mỗi đợt thử nghiệm, có hội thảo và báo cáo đánh giá độc lập.
Thẩm định SGK mới cũng cần tiến hành 2 bước: Bước 1, thẩm định sau khi hoàn thành biên soạn. Bước 2, thẩm định sau khi hoàn thành các đợt dạy thử nghiệm.
Với các giải pháp nêu trên, hy vọng thế hệ học trò sau này không còn là vật thí nghiệm bất đắc dĩ cho những bộ SGK kém chất lượng nữa.
Chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1: Có giảm được sự lo lắng của xã hội?
Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều sẽ chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn có nên chỉnh sửa hay thu hồi sách khi học sinh đã học được gần nửa học kỳ? Và việc ồn ào xung quanh bộ sách này cũng cho thấy sự rủi ro khi xã hội hóa biên soạn SGK.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều. Ảnh minh họa
Sẽ chỉnh sửa ra sao?
Trước phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (sách do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP HCM phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020.
Hội đồng Thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng Thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.
Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá" trang 115, bài "Hai con ngựa" trang 157, bài "Lừa, thỏ và cọp" trang 163...; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "quà... quà", "chén"...
Hội đồng Thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài "đa nghĩa", nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. Bộ GD&ĐT yêu cầu Nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng Thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK (trong đó có bộ sách Cánh Diều), với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy (SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều là 1 trong số 46 quyển SGK lớp 1 được phê duyệt vừa qua).
Theo Bộ GD&ĐT, quy trình thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được tiến hành chặt chẽ ở các khâu, trong đó có khâu thực nghiệm và lấy ý kiến của Hội đồng Thẩm định Quốc gia.
Về quá trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong thời gian triển khai theo thời hạn quy định, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận 49 bản mẫu SGK của 9 môn học và hoạt động giáo dục ở lớp 1, từ 3 nhà xuất bản gửi về.
Tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập 9 Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các Hội đồng gồm đầy đủ các thành phần là: Nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
GS Mai Ngọc Chừ - Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 cho rằng, khi thẩm định SGK, Hội đồng Thẩm định đã thấy được các vấn đề như dư luận đề cập và đã có khuyến cáo với nhóm tác giả nên thay ngữ liệu - các tác giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Điều này đã được ghi vào biên bản thẩm định.
Cũng theo GS Mai Ngọc Chừ, khi thẩm định có 3 cấp độ: Chưa phù hợp, phù hợp trung bình và phù hợp cao. Những nội dung chưa phù hợp, Hội đồng Thẩm định sẽ yêu cầu bắt buộc phải sửa chữa. Nội dung phù hợp ở mức trung bình nhưng không sai thì hai bên sẽ trao đổi và Hội đồng tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả...
Rủi ro xã hội hóa SGK?
Nhìn lại các mốc: ngày 21/11/2017, Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Thay vì triển khai từ năm học 2018-2019, chương trình, SGK mới sẽ chính thức được triển khai từ năm học 2020-2021.
Đến ngày 27/12/2018, Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ngày 22/11/2019, Bộ GD&ĐT họp báo công bố chính thức 32 bản SGK lớp 1 đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt. Ngay sau đó, các NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh lần lượt công bố 5 bộ SGK lớp 1 mới.
Như vậy, nếu tính từ thời điểm 32 bản mẫu SGK lớp 1 được Bộ GD&ĐT công bố ngày 22/11/2019, các NXB, nhóm tác giả và các cơ sở giáo dục chỉ có 7- 8 tháng để thực hiện quy trình: Lựa chọn, tập huấn giáo viên, tổ chức in ấn, phát hành sách.
TS. Lê Thống Nhất - Chủ tịch HĐQT Công CP Trường học lớn Việt Nam (BigSchool) - cho rằng, để đảm bảo an ninh SGK, Bộ GD&ĐT cần phải tổ chức, biên soạn một bộ SGK riêng. Theo ông, chính sự "bí mật" của các cuốn SGK là điều không tốt. Nếu như những văn bản SGK được công bố trước công luận sớm hơn, ngoài Hội đồng thẩm định còn có các ý kiến của cộng đồng thì bộ sách sẽ được góp ý trước khi được đưa vào sử dụng.
Vừa qua dư luận bùng nổ là do sự bất ngờ, khi con em học bài phụ huynh nhìn vào mới phát hiện. Vì vậy, đối với SGK lớp 2, lớp 6 đã qua thẩm định vòng 1 rồi nên có cách công bố trước công luận để cùng thẩm định và "nhặt sạn"... Bộ GD&ĐT cũng nên đổi mới Hội đồng thẩm định sách.
"Thực tế có những tác giả rất nổi tiếng viết SGK đã làm đơn xin rút khỏi tác giả viết SGK. Thậm chí, sau một năm đầu tiên, có những bộ sách sẽ không được tổ chức, biên soạn ở các lớp tiếp theo. Như vậy tới chương trình lớp 2, có thể học sinh phải chuyển sang học bộ sách khác. Nếu có một rủi ro nào đó họ có thể sẽ không viết nữa.
Cho nên tôi vẫn ủng hộ quan điểm Bộ GD&ĐT phải có một bộ SGK riêng. Nếu Bộ GD&ĐT không có một bộ SGK riêng thì an ninh sách giáo khoa rất nguy hiểm. Khi SGK bây giờ là do các NXB, các công ty cổ phần tổ chức biên soạn, nếu đến một lớp nào đó, thời điểm nào đó, họ không tổ chức viết sách nữa thì thế nào?", theo TS. Lê Thống Nhất nói.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương - chuyên gia giáo dục, để có SGK tốt phải chấp nhận thực hiện nghiêm túc cơ chế một chương trình nhiều SGK. Trong đó, Bộ GD&ĐT chỉ nên làm chương trình và xét duyệt bản thảo đăng kí làm SGK. Người trong ban soạn thảo chương trình không được xét duyệt bản thảo SGK hay trở thành chính tác giả của SGK. Người trong các hội đồng thẩm định cũng không được viết SGK.
Theo GS Mai Ngọc Chừ, quá trình thực nghiệm SGK lớp 1 vừa qua quá vội vàng. Quá trình này nếu được Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ khách quan và tốt hơn. Năm bộ sách đều được tổ chức thực nghiệm, nhưng thời gian chỉ có vài tháng. GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều cũng cho hay, nhóm tác giả sẽ lắng nghe và điều chỉnh những gì chưa hợp lý trong sách. Tuy nhiên, ông mong dư luận hãy bình tĩnh trước khi phán xét.
Chuyên gia giáo dục Phan Hồ Điệp bày tỏ: "Từ hôm trước tới giờ, mình đọc được nhiều ý kiến về ngữ liệu đọc trong SGK Tiếng Việt 1, rằng bài cho học sinh đọc sao mà ngây ngô, trúc trắc rồi sai kiến thức, rồi thiếu gì những câu chuyện hay, nhân văn, đẹp đẽ sao không đưa vào? Có những ý kiến đóng góp của các bạn mình thấy cực kì xác đáng vì nhiều ngữ liệu thiếu "độ đẹp", thiếu tính nhân văn. Và nữa, một câu hỏi lớn: Bộ sách mới khác/ giống/ có gì ưu việt hơn bộ sách cũ?
Mình nhớ trong cuốn Đối thoại với tương lai của Nguyễn Trần Bạt có một đoạn mình cực kì thích: "Tôi cho rằng, cải cách giáo dục là tổ chức một loạt các công nghệ hợp lý và tổ chức một thái độ hợp lý. Thái độ hợp lý và công nghệ hợp lý đối với chúng ta hiện nay là nhặt nhạnh và vứt bỏ một cách rất yên tĩnh tất cả những yếu tố không còn hợp lý trong nền giáo dục đang có và bỏ vào đấy một cách yên tĩnh những cái mới. Tất cả sự lấy ra và bỏ vào ấy phải đảm bảo tính yên tĩnh của một nền giáo dục, không được làm náo động tâm lý của thầy và trò. Nó thiếu sự yên tĩnh và cũng thiếu sự tôn trọng cần thiết cho nhà trường, cho thầy cô giáo".
Ai chịu trách nhiệm?
Nhiều ý kiến cho rằng việc để "lọt sạn" thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về tác giả và Hội đồng thẩm định. Thông tư số 33 quy định: Hội đồng quốc gia thẩm định SGK là tổ chức do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học, giúp Bộ trưởng Bộ GD&DT thẩm định sách. Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục khác cho rằng, để "lọt sạn" trong SGK Tiếng Việt 1, trước hết tác giả phải chịu trách nhiệm. Nhưng chính bởi Hội đồng thẩm định chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo, nên đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần "siết" lại quy trình thẩm định, tránh việc "lọt sạn" trong những bộ sách tiếp theo.
Tiếng Việt 1, tập 2 bộ Cánh Diều cũng nhiều sạn Trong cuốn sách Tiếng Việt tập 2 cũng có một số bài đọc mang yếu tố bạo lực và không có tính giáo dục cũng cần được thay thế. Sau rất nhiều tranh cãi về những hạt sạn trong bộ sách giáo khoa Cánh Diều thì cuối cùng Hội đồng thẩm định và tác giả cũng phải thừa nhận những góp ý của...