Để học, làm tốt phần đọc hiểu, bài thi Ngữ văn THPT quốc gia
Phần đọc hiểu thường chiếm 3/10 điểm trong bài thi Ngữ văn, Kỳ thi THPT quốc gia. Làm thế nào để học sinh ôn tập và làm tốt phần nội dung bài thi này, dưới đây là chia sẻ của thầy Nguyễn Thanh Nhân – giáo viên Trường THPT Phú Điền, Tháp Mười, Đồng Tháp.
Tiết ôn tập phần đọc hiểu của thầy và trò trường THPT Phú Điền.
Nắm chắc lý thuyết
Theo thầy Nguyễn Thanh Nhân, điều đầu tiên, giáo viên cần cung cấp kiến thức cơ bản về phần đọc – hiểu và yêu cầu học sinh phải nắm vững. Bước này xem như phần lý thuyết; có nắm lý thuyết, học sinh mới vận dụng được vào bài tập.
Nếu một học sinh khi nhắc đến phong cách ngôn ngữ hoặc phương thức biểu đạt,… mà hoàn toàn không biết đó là gì, hoặc không kể tên ra được thì không thể giải quyết bài tập.
Việc cung cấp kiến thức không nên chi tiết dài dòng như một bài học mới mà cố gắng lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cơ bản nhất dạy cho học sinh cách nhận diện, phân biệt; cần trả bài phần lý thuyết để học sinh nắm vững kiến thức.
“Từ thực tế chấm bài kiểm tra, tôi thường đọc rất kỹ, chấm kỹ để tìm ra lý do vì sao hầu hết phần đọc hiểu các em thường đạt 50% số điểm, điểm tối đa không nhiều, chủ yếu chỉ đạt mức trung bình. Sau đó, tôi nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và các tư liệu tham khảo từ nhiều nguồn về cách ôn tập để đạt hiệu quả cao trong phần đọc hiểu. Xem lại các kiến thức về ngữ pháp tiếng Việt để có thể nắm vững những kiến thức cơ bản, từ đó hướng dẫn cho các em ôn tập lại.
Tôi sưu tầm nhiều ngữ liệu từ dễ đến khó để học sinh làm quen, thực hành nhiều lần để các em tự rút kinh nghiệm và hình thành kỹ năng” – thầy Nhân chia sẻ kinh nghiệm.
Học sinh Trường THPT Phú Điền trong giờ học Văn.
Hướng dẫn học sinh cách trả lời cụ thể một số dạng câu hỏi
Qua các lần thi học kì và thi THPT quốc gia, thầy Nguyễn Thanh Nhân nhận thấy trong một đề đọc hiểu có 4 câu hỏi với các mức độ: nhận biết – thông hiểu – vận dụng.
Cụ thể: Câu 1 là câu thường kiểm tra kiến thức tiếng Việt và văn học ở mức độ nhận biết. Do vậy sẽ có các đơn vị kiến thức tiếng Việt và văn học thường gặp và học sinh cần chú ý như: Phương thức biểu đạt (tự sự, nghị luận, biểu cảm, miêu tả…), phong cách ngôn ngữ (báo chí, sinh hoạt, nghệ thuật, chính luận,…), cách thức thức diễn đạt (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp,…), đề tài, thể thơ,…
Câu 2 là câu kiểm tra năng lực nắm bắt thông tin hoặc năng lực thông hiểu của người đọc. Ở câu này, người học chú ý câu hỏi dạng như: “Theo tác giả, (từ khóa/khái niệm/ý kiến…) là gì?”, hay “Anh/ Chị hiểu thế nào về (từ khóa/khái niệm/ý kiến…) có trong văn bản trên?”…
Câu 3 là câu kiểm tra năng lực thông hiểu của người đọc. Thường gặp các dạng câu hỏi như: Vì sao tác giả cho rằng (ý kiến)? Chỉ ra và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ (thường là so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, điệp từ, điệp ngữ, liệt kê,…)
Video đang HOT
Câu 4 là câu kiểm tra năng lực vận dụng của người học (khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hành). Các dạng câu hỏi thường gặp là: “Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/chị?, hay “Bài học anh/chị rút ra từ đoạn trích trên là gì?”…
“Tất cả các kiến thức ở trên đều thuộc về lý thuyết nhưng tôi nghĩ nó rất quan trọng vì có nắm vững lý thuyết học sinh mới trả lời đúng câu hỏi dạng nhận biết; có nắm vững kỹ năng làm bài học sinh mới trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Không phải nói đọc hiểu là muốn đọc và muốn hiểu như thế nào cũng có điểm” – thầy Nhân lưu ý.
Học sinh Trường THPT Phú Điền trong giờ học Văn.
Hướng dẫn kĩ năng làm bài
Các kĩ năng làm bài được thầy Nguyễn Thanh Nhân nhấn mạnh gồm: kĩ năng đọc đề, phân tích đề; kỹ năng làm bài.
Theo đó, với kĩ năng đọc đề và phân tích đề: Đa số học sinh hầu như không chú trọng điều này, đọc đề ít khi chịu suy nghĩ kĩ. Giáo viên phải hướng dẫn để học sinh có khả năng nhận biết đề như một yêu cầu bắt buộc.
Nhận biết rõ ngữ liệu trích dẫn trong đề là ngữ liệu được trích ở đâu (sách giáo khoa, báo chí, tác phẩm văn học ngoài sách, hoặc các nguồn khác…); thể loại văn bản được trích dẫn là gì (văn xuôi, thơ, các loại văn bản khác); văn bản được trích dẫn thuộc phong cách ngôn ngữ nào; có tất cả mấy câu hỏi trong yêu cầu, mỗi câu hỏi có mấy ý cần trả lời; nội dung yêu cầu của từng câu hỏi ra sao, mỗi nội dung đó cách trả lời như thế nào?….
Kỹ năng làm bài: Về hình thức, chữ viết phải rõ ràng, cách trả lời phải theo từng yêu cầu đề, không được trả lời chung chung. Mỗi câu phải tách bạch bằng việc đánh số câu tương ứng với số câu trong đề, trả lời trọn vẹn những ý đã hỏi.
Khi hết câu phải xuống đoạn đánh số và trả lời câu hỏi khác, không viết dài dòng mà chỉ trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm. Tùy theo câu hỏi mà có thể trả lời bằng một đoạn văn hoặc bằng những ý gạch đầu dòng cho tương ứng.
Về nội dung phải trả lời đúng với yêu cầu câu hỏi, sát nghĩa, sâu và mang tính khoa học. Không được hỏi một đằng trả lời một nẻo, hỏi hai vấn đề nhưng chỉ trả lời một, cũng không trả lời câu này chưa xong lại sang câu khác.
Tôi thường sưu tầm bài tập, đưa nhiều ngữ liệu để học sinh tiếp cận càng nhiều càng tốt, thông qua việc làm bài tập dần dần các em sẽ tự mình hình thành được các kỹ năng mà giáo viên hướng dẫn.
Ở phần thực hành này, tôi thường thực hiện theo hai cách:
Thứ nhất, photo và đưa bài tập cho các em. Chỉ đưa phần bài tập, mỗi bài tập sẽ chừa khoảng trống để học sinh làm. Sau đó, gọi học sinh lên bảng sửa và hướng dẫn chốt lại. Có khi tôi sẽ thu bài về nhà chấm, sau đó sửa và nhận xét cụ thể.
Thứ hai, sử dụng máy chiếu. Đưa bài tập và hướng dẫn một cách trực quan, nhìn vào ngữ liệu lần lượt gọi học sinh phát biểu; sau đó gợi ý và định hướng chốt lại. Cách này tôi thấy hiệu quả rất cao vì học sinh được nhìn một cách trực quan trên màn hình, vừa được nghe giáo viên giảng chỉ dẫn những từ ngữ, hình ảnh cần lưu ý nên tiếp thu bài rất tốt.
Thầy Nguyễn Thanh Nhân
Theo GDTĐ
Giúp học sinh "nằm lòng" nội dung và nghệ thuật các tác phẩm văn xuôi lớp 12
Trong quá trình giảng dạy và ôn tập Ngữ văn 12, thầy Nguyễn Thanh Nhân - Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Phú Điền, Tháp Mười, Đồng Tháp nhận thấy rất nhiều học sinh lớp 12 khi làm bài văn nghị luận về một tác phẩm văn xuôi hay nghị luận về nhân vật, chi tiết, hình ảnh, thường diễn đạt nhầm lẫn nội dung của tác phẩm này với một tác phẩm khác, nhân vật này với nhân vật khác dẫn đến bài làm văn "đầu voi đuôi chuột".
Ảnh minh họa/internet
Đây chính là một lỗ hổng cho phương pháp học không chuyên tâm và s ự cảm thụ hời hợt của học sinh đối với tác phẩm văn học.
Cụ thể với đề: Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, có em viết "Cái đói đã làm người đàn bà mất hết nhân tính, bà ăn liền một chập bốn bát bánh đúc, khi đến tòa án huyện chắp tay vái lạy quan tòa..."(Trích bài làm của học sinh).
Hay đề: Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, lại diễn đạt sang nhân vật A Phủ như "Tnú mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ được dân làng Xô Man nuôi dưỡng, sau đó bị bán, đánh con quan bị bắt ở đợ..."(Trích bài làm của học sinh).
Từ đó, khi giảng dạy tác phẩm văn xuôi thầy cho rằng cần phải dạy kỹ (điểm nhấn) đặc điểm con người và phong cách nghệ thuật của tác giả .
Thầy chia sẻ: "Nhằm khắc phục việc nhầm lẫn giữa phong cách nghệ thuật của các tác giả, hướng tới đạt điểm cao trong bài văn, giáo viên cần giúp học sinh nắm kỹ phong cách nghệ thuật, sau đó mới "nghiền ngẫm" nội dung. Qua đó, các em mới có cơ sở để nắm bắt nghệ thuật, nội dung và tinh thần của cả tác phẩm.
Phương pháp giúp học sinh ghi nhớ hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
Tác phẩm văn học ra đời đều dựa trên những tác động và ảnh hưởng của thời cuộc mà nhà văn đang sống. Do đó, khi dạy hoàn cảnh ra đời cần cho học sinh xem đoạn phim tài liệu, xem tranh ảnh hay cho các em sưu tầm tư liệu trước ở nhà sẽ giúp các em vừa nắm được sự kiện lịch sử vừa hiểu được tinh thần của tác phẩm. Qua đó sẽ giúp học sinh dễ nhớ tác phẩm.
Ví như khi dạy tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, giáo viên tạo tâm thế cho học sinh bằng cách cho xem đoạn phim tài liệu về lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ.
Kết hợp với tranh ảnh, định hướng cho học sinh thấy đầu năm 1965 Mĩ đổ quân vào miền Nam và tiến hành đánh phá ác liệt ra miền Bắc, tác phẩm được viết vào đúng thời điểm cả nước sục sôi đánh Mĩ. Nắm được hoàn cảnh như vậy, học sinh mới thấy được cái hay của tác phẩm, tính sử thi của nhân vật Tnú.
Thầy Nguyễn Thanh Nhân (thứ 5 từ phải qua) chụp hình lưu niệm cùng lớp chủ nhiệm 12cb4, năm học 2019-2020.
Tổ chức cho học sinh sắm vai nhân vật kể chuyện
Để viết được bài văn hay đòi hỏi học sinh phải nắm vững cốt truyện cũng như nội dung tác phẩm, từ đó định hướng được cách làm bài.
Giáo viên phân vai cho các em theo sở thích, cho về nhà đọc trước tác phẩm, yêu cầu nắm vững cốt truyện, thuộc một vài lời thoại tiêu biểu.
Đến tiết học, gọi các em kể theo sự phân công khoảng 6 phút ( có khi gọi 3 học sinh tương ứng với 3 vai), nhận xét và cho điểm miệng. Sau khi học sinh nắm vững cốt truyện mới tiến hành phân tích.
Khai thác chi tiết "đắt giá" trong tác phẩm
Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện. Trong các "chi tiết đắt" sẽ thể hiện tư tưởng tác phẩm. Việc hướng dẫn học sinh phân tích sâu ý nghĩa gợi ra từ chi tiết "đắt" sẽ giúp các em dễ "nằm lòng" nội dung và nghệ thuật của các phẩm.
Dạy bài Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), cho học sinh thảo luận về chi tiết "Căn buồng Mị nằm kín mít, chỉ có ô vuông bằng bàn tay trông ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị cứ ngồi đấy mà trông ra ngoài, đến khi nào chết thì thôi".
Giáo viên chỉ cho học sinh thấy đây là chi tiết nằm ở phần giữa tác phẩm, miêu tả không gian sống của Mị ở nhà thống lí Pa Tra. Hình ảnh đó giàu sức gợi, khiến người ta liên tưởng đến nhà tù, một thứ ngục thất đang giam hãm đời Mị. Chi tiết đó đã góp phần thể hiện tư tưởng, thái độ của nhà văn .
Đa dạng phương pháp ôn tập
Nhằm khắc phục việc nhầm lẫn nội dung kiến thức giữa các tác phẩm này với tác phẩm khác, thầy Nguyễn Thanh Nhân vận dụng nhiều phương pháp trong ôn tập.
Thứ nhất, khi ôn phần tác giả và hoàn cảnh sáng tác các tác phẩm văn xuôi. Thầy dán bảng phụ (hoặc trình chiếu powerpiont) hay phát phiếu học tập cho các em điền thông tin, hay lên bảng ghi, đọc nêu đặc điểm con người và phong cách nghệ thuật của từng tác giả.
Cách này giúp học sinh khắc sâu được kiến thức, không nhầm lẫn giữa các tác giả, dễ " nằm lòng" hoàn cảnh sáng tác, vì các em đã có sự so sánh, đối chiếu thấy được ở mỗi tác giả đều có phong cách riêng và hoàn cảnh ra đời ở mỗi tác phẩm cũng không giống nhau.
Thứ hai, tổ chức cho học sinh thi "Ai nhanh hơn?" giúp cho các em nắm vững lại cốt truyện, nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Giáo viên phát cho mỗi nhóm 1 tập giấy dán, trong đó từng mảnh giấy là các nhân vật, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu. Các nhóm lên bảng dán theo sơ đồ tổng thể mà giáo viên đưa ra.
Thứ ba, ôn tập phần nội dung và nghệ thuật theo chuyên đề, giai đoạn văn học, so sánh đối chiếu giữa các nhân vật, giữa các hình ảnh.
Với việc vận dụng các giải pháp giảng dạy và ôn tập trên, nhiều năm liền các lớp thầy Nguyễn Thanh Nhân dạy đều đạt chất lượng cao. Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học.
Nguyễn Thị Bé (GV.Trường THPT Phú Điền, Tháp Mười, Đồng Tháp)
Theo GDTĐ
Việc làm bình dị của bà Sáu Thia Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ em ở nước ta, đến nỗi nó trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của các bậc phụ huynh. Có một người phụ nữ đã dang rộng vòng tay đón các em vào lòng, dạy từng bước để các em đủ tự tin trên dòng sông,...