Để dạy và học trực tuyến hiệu quả – Bài 2: Văn hóa học đường thời học trực tuyến
Ngành giáo dục đang chú trọng đến các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc dạy, học trực tuyến (online) được thông suốt.
Song, để đạt được hiệu quả như mong đợi cũng như tránh những sự cố không hay trong dạy, học online, vấn đề văn hóa ứng xử, văn hóa học đường cần được chú trọng và xây dựng một bộ quy tắc ứng xử như trong lớp học truyền thống.
Sau các xung đột xảy ra gần đây giữa thầy và trò, tình trạng lớp học bị quấy nhiễu, các trường bắt đầu quan tâm, thiết kế, xây dựng các quy tắc ứng xử trong dạy, học online.
Cần có quy tắc ứng xử
PGS- TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), phân tích, việc giảng dạy online có nhiều khó khăn trong truyền đạt, nhất là khi thầy, trò không thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể và đôi mắt để giao tiếp.
Sự mất tập trung khi phải tham gia lớp online trong thời gian dài đối với người học là một vấn đề lớn phải giải quyết (theo nhiều chuyên gia, thời gian này thường giới hạn ở mức không quá 40-60 phút liên tục). Chất lượng đường truyền kém cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người học và giảng viên khi liên tục bị ngắt quãng trong giao tiếp. Những trục trặc về âm thanh, hình ảnh… dễ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của thầy và trò.
Học sinh tiểu học TPHCM trong một giờ học online. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Do đó, để tránh những xung đột, cần chuẩn bị tâm lý và hạ tầng kỹ thuật thật tốt cho các bên liên quan. Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường và truyền thông thật tốt để xây dựng một chuẩn mực chấp nhận được cho mọi thành viên. Trường ĐH Bách khoa đã xây dựng quy tắc ứng xử nói chung trong môi trường trường học. Bộ quy tắc này đang được xây dựng cụ thể hơn, đáp ứng đặc thù của hoạt động giảng dạy – học tập online.
Vấn nạn các nhóm “phá lớp học trực tuyến”
Hiện trên Facebook có rất nhiều fanpage và nhóm được công khai, mời gọi “phá lớp học trực tuyến”. Sau khi thử đăng ký tham gia các nhóm này, chúng tôi liên tục nhận được các thông báo như có lớp học từ thứ hai đến thứ sáu, được cung cấp mã lớp học, ID và mật khẩu để vào phá lớp học. Có rất nhiều nhóm riêng tư trên Facebook với mục đích phá lớp học online như nhóm “Share ID Pass Zoom/Chia sẻ ID Pass Zoom” (8.400 thành viên), nhóm “Phá Zoom” (4.200 thành viên), nhóm “Phá Zoom/Google Meet” (hơn 7.000 thành viên)…
Sau khi phá rối, nhiều thành viên chia sẻ công khai lên nhóm để mọi người vào bình luận. Các lớp học trực tuyến của học sinh THCS, THPT cũng thường xuyên được chia sẻ trong các nhóm này. Thậm chí, danh sách họ tên cả lớp lẫn số điện thoại, ID… đều được chụp lại chia sẻ cho các thành viên trong nhóm tìm cách phá”.
Theo GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, học online ở các em nhỏ có thể dẫn đến những ảnh hưởng khác như các vấn đề bệnh lý về mắt, về cơ thể. Một số em ngồi học lâu dễ có cảm giác uể oải, thậm chí xuất hiện những “triệu chứng giả” về mặt cơ thể mệt mỏi, bệnh tật…
Học sinh lớn tuổi và sinh viên có thể bị ảnh hưởng bởi kiểu giao tiếp gián tiếp và biến nó thành thói quen, sự ứng xử của chính mình. Từ đây, hệ lụy về giao tiếp đồng đẳng, cào bằng trên môi trường online có thể xảy ra. Nói thế để khẳng định, thay vì trách học sinh, sinh viên, chúng ta cần xem lại đã trang bị cho các em kỹ năng gì để học online?, bao nhiêu học sinh có thể làm chủ môi trường này?
Đội ngũ giáo viên, giảng viên cũng không ngoại lệ. Có thể vì chưa làm chủ phần mềm, hay những áp lực khi giảng online và sự giản đơn hóa về nhận thức khi sử dụng kênh online, dẫn đến khả năng một số giáo viên dễ dãi đôi phần khi dạy online hoặc xuề xòa một chút, khiến nhiều hệ lụy phát sinh… Thực tế cho thấy, sự chuẩn mực bị ảnh hưởng có thể tạo ra khá nhiều vấn đề trong tương tác về sau.
Ứng xử văn minh
Dưới góc nhìn của xã hội học, chuyên gia Lê Minh Tiến, Trường ĐH Mở TPHCM, cho rằng: Từ năm 2020 đến nay, việc dạy, học online tại các trường ĐH, CĐ và cả bậc THPT không còn mới mẻ ở nước ta. Dù dạy, học online còn nhiều hạn chế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, đây vẫn là phương thức dạy và học thích hợp nhất. Việc thầy, trò có những ngôn từ không phù hợp khi dạy, học online dù chỉ là thiểu số nhưng vẫn cần khắc phục sớm.
Chuyên gia Lê Minh Tiến phân tích: So với việc dạy trực tiếp tại lớp, việc dạy online tạo nhiều áp lực và căng thẳng hơn cho thầy cô, vì các buổi học đều có ghi hình để lưu giữ cũng như giúp người học có thể xem lại bài học. Người dạy gần như chỉ tập trung vào việc truyền đạt nội dung.
Thầy cô chỉ độc thoại trước màn hình, không thể đi lại như đứng lớp – một cách làm giảm căng thẳng. Điều này cộng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh dễ khiến thầy cô căng thẳng tâm lý hơn. Do đó, họ dễ có những lời nói, ứng xử bộc phát và không đẹp như chúng ta đã thấy.
Video đang HOT
Cùng học online giúp con không cảm thấy bị “cô độc” và lơ là. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người học cũng có những căng thẳng như vậy. Nhiều môn dù học trực tiếp còn khó tiếp thu, huống chi học online. Khi không hiểu bài và không đáp ứng được yêu cầu của thầy cô, sự bất mãn nơi người học là điều chúng ta có thể thông cảm. Học online, các em cũng không có cơ hội “học từ bạn” một cách nhanh chóng và dễ dàng như khi học trực tiếp. Học kiểu “cô độc” như thế cũng là một yếu tố gây ức chế cho người học.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng chúng ta đang thiếu những quy tắc ứng xử khi tham gia dạy, học online. Đây là một bất cập chung của Việt Nam vì từng bị xếp vào nhóm các quốc gia có ứng xử kém khi tham gia mạng xã hội. Ứng xử kém khi tham gia mạng xã hội đã chuyển sang ứng xử kém khi tham gia học online như một thói quen. Vì vậy, các trường nên nhanh chóng ban hành hướng dẫn các quy tắc dạy, học online cho giảng viên và sinh viên.
Các quy tắc này giúp cho người dạy, người học ý thức được rằng mình đang ở trong môi trường giáo dục và mình là tầng lớp trí thức nên phải luôn có cách ứng xử văn minh, không chỉ trong việc dạy, học online mà còn trong đời sống thường nhật. Thói quen ứng xử văn minh trong đời thường, nếu được thiết lập, sẽ chuyển thành ứng xử văn minh trên mạng xã hội nói chung và dạy, học online nói riêng. Có như thế, văn hóa học đường, tinh thần tôn sư trọng đạo mới được duy trì và phát triển bền vững như khi dạy, học trực tiếp.
Theo cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), trong quá trình triển khai dạy, học online, giáo viên cần tạo cho mình thái độ lạc quan để sẵn sàng vượt khó, từ đó tạo được nguồn năng lượng tích cực lan tỏa cho học sinh, đồng nghiệp và cả phụ huynh. Không nên quan niệm “người trẻ thường ít kinh nghiệm” mà nên chủ động chia sẻ kinh nghiệm để trau dồi chuyên môn, qua đó tiếp thu những cách làm hay từ đồng nghiệp.
Với cô Trần Thanh Vân Anh, Trường THPT Lương Thế Vinh, nhiều giáo viên hiện nay đang hiểu sai rằng dạy, học online là phải giỏi công nghệ, biết nhiều phần mềm dạy học. Thực tế, giáo viên không cần quá giỏi công nghệ, tìm hiểu tất cả phần mềm dạy học. Thay vào đó, giáo viên cần tìm được công cụ phù hợp, duy trì cho mình trạng thái tinh thần tốt nhất, xuất hiện trước học sinh với gương mặt tươi cười thì hiệu quả dạy học sẽ tăng lên rõ rệt.
Dạy, học online là sinh hoạt trong môi trường mạng, do vậy các yêu cầu về tuân thủ Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 của Bộ trưởng Bộ TT-TT) phải được đảm bảo. Cụ thể: cần tuân thủ các quy tắc như tôn trọng, tuân thủ pháp luật; tuân thủ quy tắc lành mạnh về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Cần chia sẻ thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không sử dụng ngôn từ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước – con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực…
Để làm được điều này, thầy, trò cần quan tâm đến hành vi, thái độ của mình, nhất là đừng quá vô tư hay dễ dãi với bản thân, vì điều này rất quan trọng để làm việc hiệu quả và an toàn đích thực. Các nhà quản lý cũng cần vận dụng yêu cầu này vào các văn bản, hướng dẫn dạy và học; đánh giá, thi cử; xây dựng văn hóa cơ sở, bởi đó là nội dung quan trọng và cần thiết.
GS Việt ở Mỹ: Học online, trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà quản lý
Mới đây, GS Phan Văn Tuộc, GS Toán của Trường ĐH Tennessee (Mỹ) đã có những chia sẻ với VietNamNet về việc học trực tuyến tại Mỹ.
Theo GS Tuộc, dạy và học trực tuyến là xu thế trong bối cảnh cả thế giới bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Những tiện ích của dạy học online vẫn được thầy cô áp dụng,... ngay cả khi nước Mỹ đã cho học sinh trở lại trường.
Năm 2002, GS Phan Văn Tuộc là một trong những lứa sinh viên Toán học đầu tiên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM làm nghiên cứu sinh ở Mỹ
PV: Khi các trường học của Mỹ tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, theo quan sát của GS, việc dạy, học online đã được tổ chức như thế nào?
GS Phan Văn Tuộc: Ở Mỹ, khi bắt đầu triển khai dạy học online vào năm ngoái, khối lượng công việc cực kỳ lớn thuộc về những nhà quản lý giáo dục.
Đầu tiên và cấp thiết nhất trước khi bắt đầu dạy học trực tuyến là phải xây dựng và thông qua các quy chế cũng như nội qui cho việc giảng dạy, học tập, kiểm tra, và thi cử. Hội đồng giáo dục, các hiệu trưởng và các nhà quản lý làm việc ngày đêm, tham khảo rộng rãi ý kiến giáo viên và chuyên gia để xây dựng và thông qua các quy chế cho phù hợp với hoàn cảnh mới nhanh nhất có thể. Khi đã có quy chế và nội qui, việc giảng dạy và học tập của thầy cô, học sinh và nhà trường tuân thủ theo và có thể xử lý trong những tình huống phát sinh.
Sau khi thông qua quy chế, công việc còn lại của các nhà quản lý giáo dục là tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở vật chất và tập huấn cho giáo viên.
Trước khi bắt đầu học trực tuyến, học sinh sẽ được phát máy tính (thường là Chromebook). Phụ huynh phải sắp xếp thời gian theo lịch của trường để đến trường nhận sách, tài liệu, nhận máy tính cho con em mình và trả lại vào cuối năm học.
Ở những nơi hạn chế về đường truyền Internet, các nhà quản lý phải lên phương án để đưa internet tới từng hộ gia đình, hướng dẫn phụ huynh cài đặt. Điều này nhằm đảm bảo 100% học sinh tham gia học trực tuyến sẽ có được internet cần thiết cho việc học trực tuyến.
Một vấn đề khó ở Mỹ là học sinh có hoàn cảnh khó khăn vốn được ăn trưa miễn phí ở trường. Rất nhiều học sinh phải phụ thuộc vào phần trợ cấp này của nhà nước. Vì thế, kể cả khi học online, những nhà quản lý vẫn phải tìm cách để đảm bảo cung cấp thức ăn tới cho những học sinh có nhu cầu.
Tập huấn cho giáo viên cũng là điều được chú trọng. Tất cả giáo viên chưa thành thạo đều được tham gia vào các khóa tập huấn sử dụng phần mềm hay hướng dẫn phương pháp giảng dạy online sao hiệu quả trước khi triển khai hình thức học này.
Đồng thời, việc phân công giảng dạy (với lớp học hoàn toàn online, onsite, lớp học trực tuyến kết hợp trực tiếp) phải rất khoa học. Điều này cần rất nhiều thời gian và sức lực của các nhà quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó, và phòng giáo dục,..).
- Vậy, việc học online với các con anh có gặp trở ngại nào không?
GS Phan Văn Tuộc: Ở Mỹ cho phép giáo dục tại nhà (home school). Cháu nhỏ thì tôi cho home school, nghĩa là mình tự lên chương trình, giáo trình, môn học và tự dạy. Đứa lớn hơn đang học trung học nên cũng tương đối tự lập, nhà tôi cho bé theo học trực tuyến.
Thú thật là thời gian đầu cũng hồi hộp nhưng sau vài tuần thì thấy ổn. Vì học trung học, nên chương trình học theo tiết và có giải lao giữa các tiết học. Các thầy cô cũng cập nhật rất nhanh, và cố gắng hết sức để làm cho lớp học vui nhộn nhất có thể. Tuy nhiên, bé cũng rất căng và chán do không được tiếp xúc và vui chơi với bạn bè.
Bài tập về nhà thì tùy lớp, và nhiều khi tùy theo học sinh nữa mà thầy cô có thể cho bài khác nhau. Có người cho nhiều, có người ít hơn. Tuy nhiên, nhìn chung bài tập tương đối đa dạng hơn so với học trực tiếp do có hệ thống phần mềm hỗ trợ.
Hoc online giúp tiếp cận tri thức bình đẳng và tiết kiệm
- Từ thực tế giảng dạy tại trường đại học và có con học phổ thông, theo GS, việc dạy và học online có những thuận lợi và khó khăn cụ thể gì?
GS Phan Văn Tuộc: Với những học sinh xuất sắc, có thể việc thay đổi từ học trực tiếp sang học online sẽ không ảnh hưởng quá lớn.
Nhưng với phần lớn thì việc học trực tuyến có nhiều hạn chế như sự tương tác giữa người học - người dạy, người học - người học không cao, dễ khiến buổi học trở thành tương tác một chiều nhàm chán, không tạo được nhiều động lực cho người học. Việc tranh luận, hoạt động nhóm... bị hạn chế trong khi đây là yếu tố cốt lõi của việc học bởi kiến thức mà thầy cô cung cấp chỉ là 'phần cứng', góc nhìn và cách tiếp cận, vận dụng kiến thức ra sao mới làm cho kiến thức năng động và 'sống' được.
Thực tế, nếu chỉ cung cấp những kiến thức sẵn có và giao bài tập cho người học, học sinh có thể vẫn làm được, nhưng phần lớn làm xong sẽ quên ngay và không hiểu gì cả, đây hoàn toàn không phải là mục tiêu của giáo dục.
Với trẻ nhỏ hơn, việc học trực tuyến có thể là giảm khả năng giao tiếp, tương tác với bạn bè. Điều này lâu dài có thể dẫn tới chứng trầm cảm.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi thế của dạy học online. Nhờ hình thức này, người học sẽ có nhiều lựa chọn hơn, bình đẳng hơn trong tiếp nhận thông tin. Giờ đây, dù ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều có thể tham gia vào những bài giảng ở khắp các châu lục, miễn là có thiết bị và có thể kết nối internet.
Bài giảng trực tuyến cũng sinh động và đa dạng hơn do có thể kết hợp nhiều hình ảnh, video hay học liệu. Ví dụ như giáo viên có thể đưa vào bài giảng những câu hỏi hoặc các cuộc thăm dò ý kiến và cho ra kết quả tức thời.
Ngoài ra, lợi thế không thể không nhắc đến là sẽ rất tiết kiệm chi phí (đi lại, ăn ở) khi học online.
- Trong thời gian qua, Mỹ đã mở cửa lại trường học như thế nào?
GS Phan Văn Tuộc: Trong một năm qua, các trường đều nỗ lực duy trì cùng lúc 3 hình thức lớp học: có những lớp học hoàn toàn trực tuyến, có lớp lại chia ca theo thứ tự họ tên như 1/2 lớp học trực tiếp và 1/2 lớp học online và thay phiên nhau. Có những lớp sẽ hoàn toàn trực tiếp nhưng học sinh sẽ được sắp xếp ngồi ở phòng to hơn và bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Phụ huynh được lựa chọn hình thức học mà mình mong muốn cho con em của mình.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường học trở lại với việc dạy học trực tiếp 100%. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt mà người học không thể tới lớp, ví dụ như vì lý do sức khỏe, học sinh vẫn có thể theo dõi bài giảng bằng hình thức trực tuyến.
Tại trường học khu nhà tôi, hè rồi nhà trường có tổ chức các lớp phụ đạo, sau 1 năm học trực tuyến, những học sinh không thể tập trung hay tiếp cận đầy đủ được nội dung của chương trình được nhà trường bổ sung kiến thức thông qua các khóa học này. Điều này nhằm giúp các em được trang bị kiến thức cần thiết cho năm học tới.
- Vậy việc học online còn giá trị gì khi giáo viên và học sinh quay trở lại trường?
GS Phan Văn Tuộc: Mình nhấn mạnh là hình thức online trong năm rồi cũng chỉ là "giải pháp" tạm thời trong tình hình dịch bệnh căng thẳng chưa biết về đâu. Giờ hầu như các trường ở Mỹ đều dạy học trực tiếp trên lớp.
Tuy nhiên, những tiện lợi của online vẫn được nhiều giáo viên áp dụng vào việc dạy trực tiếp trên lớp. Qua theo dõi việc học của con, tôi nhận thấy với một số môn học, việc học online cũng rất ổn, hoàn toàn không như hình dung trước đó của tôi. Ví dụ như đứa con lớn của tôi lần đầu học môn nhạc hòa tấu và học hoàn toàn online. Cuối học kỳ, tất cả học sinh học trực tuyến và tại lớp cùng biểu diễn chung live các bài nhạc được học tương đối thành công và đầy ấn tượng.
Còn các nhà khoa học, hay nghiên cứu sinh, học online giúp mọi người có thể tiếp cận tri thức bình đẳng và tiết kiệm.
Với ngành Toán, những nhà toán học, sinh viên và nghiên cứu sinh có thể tham dự các bài giảng, gặp gỡ các nhà nghiên cứu dù ở bất cứ đâu. Các chương trình online mang lại nhưng lợi ích không nhỏ cho sinh viên, những nghiên cứu viên trẻ, đặc biệt là khi chi phí còn hạn hẹp.
GS Phan Văn Tuộc dạy Toán ở ĐH Tennessee
Chẳng hạn chương trình "Diễn giải toán học", "Gặp gỡ mùa hè" , "Toán không màu" , ... rất thành công với những bài giảng, các buổi nói chuyện với sự tham gia đông đảo của sinh viên Việt Nam và các diễn giả người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Điều này, tất nhiên là không thể nào thực hiện được nếu làm trực tiếp trên giảng đường.
Ví dụ cụ thể như là chương trình Diễn giải Toán học do GS Lê Quang Nẫm (ĐH Indiana) và GS Trần Vĩnh Hưng (ĐH Wisconsin-Madison) tổ chức. Mục tiêu của chương trình là đem đến cho sinh viên Việt Nam những kiến thức toán học đương đại thông qua bài giảng từ các nhà toán học hàng đầu người Việt.
Hàng năm, có khoảng 2 bài giảng online và mỗi bài giảng dài tầm 90 phút, theo sau là các câu hỏi và thảo luận. Các chủ đề Toán học mà thế giới quan tâm, các kết quả, ý tưởng, kỹ thuật, và các hướng nghiên cứu Toán học hiện đại trên thế giới sẽ được diễn giải một cách đơn giản và cụ thể để sinh viên từ năm thứ 2 có thể theo học.
Chi tiết bài giảng sẽ được đăng tải trên mạng trước vài tuần, và các bài giảng được ghi hình, và đăng tải trên YouTube. Các bài giảng hoàn toàn bằng Tiếng Việt và bất kỳ sinh viên hay học giả nào cũng có thể xem đi xem lại nhiều lần, theo học và tìm hiểu từng chi tiết bất cứ lúc nào có thể.
GS Phan Văn Tuộc (quê ở Mỏ Cày, Bến Tre), là cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Thời đi học ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, GS Tuộc đã được GS Dương Minh Đức hướng dẫn làm luận văn và giúp đỡ đi làm TS ở nước ngoài.
Năm 2002, GS Tuộc là một trong những lứa sinh viên Toán học đầu tiên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên làm nghiên cứu sinh ở Mỹ sau khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Minnesota, nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH British Columbia (Canada), GS Tuộc hiện làm việc tại khoa Toán của Trường ĐH Tennessee. Hướng nghiên cứu của GS Tuộc liên quan đến giải tích và phương trình hàm riêng. Đây cũng là hướng nghiên cứu gắn liền với truyền thống phát triển của Khoa Toán, ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM.
Để hoạt động dạy online hiệu quả hơn Hoạt động dạy học trực tuyến ban đầu từ chỗ là một giải pháp tình huống tạm thời, cho đến nay trở thành một xu thế mà nhiều địa phương đã và đang thực hiện. Để hoạt động dạy online hiệu quả hơn Khai thác hiệu quả ứng dụng CNTT Muốn dạy học online có hiệu quả, yếu tố tiên quyết phải phụ...