Để con có tâm lý tốt nhất trước kì thi, phụ huynh nên làm gì?
Gần mùa thi, tỉ lệ học sinh THPT rối loạn tâm lý do những căng thẳng, lo lắng về kỳ thi đại học có dấu hiệu tăng cao. Vấn đề này nếu không được khắc phục đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình ôn luyện, kết quả thi, thậm chí nếu kéo dài có thể trở thành tâm bệnh đối với các học sinh cuối cấp.
Nguyên do dẫn đến những rối loạn tâm lý mùa thi xuất phát từ áp lực được tạo ra từ chính bản thân các học sinh, hoặc khởi nguồn từ sự kỳ vọng cao của gia đình, thầy cô, bạn bè… Chính các áp lực tưởng như rất bình thường này đã mang đến hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo lắng và nguy hiểm hơn là mắc bệnh trầm cảm.
Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời con em mình, các bậc phụ huynh thường chung tâm lý lo lắng. Vì quá âu lo nên vô tình gây áp lực trong chuyện học hành cho con. (Ảnh: sưu tầm)
Nhiều bậc phụ huynh có tâm lý ép con học nhiều để yên tâm. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị T. ở Cầu Giấy (Hà Nội), chị có con trai đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị thi cử. Để có thời gian đốc thúc con học hành, chị đã nghỉ bán hàng 3 tháng nay. Mỗi khi thấy con có dấu hiệu sao nhãng học hành chị thường quát mắng hoặc đưa ra những lời trách móc: “Sao lại nghe nhạc/xem phim?”, “Bố mẹ rất vất vả mà con không biết suy nghĩ”, “Không nghe lời người lớn sau sẽ hối hận”…
Về phần con trai chị T, dù không thích theo đuổi ngành Y mà gia đình định hướng, nhưng buộc phải vâng lời bố mẹ và ôn luyện với cường độ cao. Những buổi học khuya, cậu thường uống nhiều cà phê, đeo tai nghe và bật nhạc ở mức âm lượng cao nhất để chống buồn ngủ. Việc học một cách căng thẳng và thiếu khoa học như thế này đã dẫn đến hệ quả hay quên, đau đầu liên miên và khiến con trai chị T. thường xuyên phải sử dụng thuốc giảm đau cùng với thuốc bổ thần kinh.
Bên cạnh đó, cũng có không ít các học sinh cuối cấp hiện đang rơi vào tình trạng: “Bố mẹ đặt đâu, con buộc phải chạy theo đấy”. Nhiều gia đình định hướng con phải thi đỗ trường này, theo học ngành nọ. “Cố đấm ăn xôi” dù không biết ngành học và trường học có phù hợp với khả năng cũng như nguyện vọng của con em mình hay không. Hệ quả là gánh nặng bài vở và sự kỳ vọng của gia đình đặt nặng lên vai, khiến các học sinh THPT vùi đầu vào học ngày cày đêm.
Khi bị gia đình bắt ép học để thi vào một trường nào đó mà bản thân không thích, đa phần các học sinh thường chọn cách im lặng. Chính việc dồn nén cảm xúc tiêu cực cùng với áp lực ngày càng tăng từ bài vở khiến các em dễ bị ảnh hưởng tâm lý, có khả năng biến chứng nguy hiểm thành bệnh lý. Có những học sinh bị áp lực đến mức mất niềm tin vào năng lực của bản thân, chán nản và bỏ bê học hành. Không ít trường hợp đã bỏ thi.
Bên cạnh đó, việc học bằng cách nhồi nhét cũng không mang đến hiệu quả cho học sinh. Học quá tải khiến não bộ mau quên, khó tập trung. Hậu quả của phương pháp học này là tình trạng học trước quên sau, loãng kiến thức.
Với các trường hợp cha mẹ và con cái bất đồng quan điểm trong chuyện chọn trường, phụ huynh cần thường xuyên trò chuyện để nắm được tâm lý con em mình. Tuy nhiên, đa số cha mẹ và con cái khi bất đồng rất ít khi ngồi lại với nhau. Cha mẹ áp đặt con cái bồng bột, không vâng lời, các con thì cho rằng cha mẹ lạc hậu, cổ hủ. Suy nghĩ áp đặt này hạn chế cơ hội trao đổi chân thành giữa hai bên và khiến không khí trong gia đình trở nên ngột ngạt, hay cãi vã. Đây cũng là lý do khiến nhiều gia đình tìm đến những chuyên gia tư vấn tâm lý học đường để được giải cứu.
Từng tư vấn cho một gia đình gặp trường hợp tương tự, chuyên viên Tư vấn tâm lý Khuất Thị Hoa (ĐH FPT) cho biết: “Vấn đề con cái và cha mẹ bất đồng trong việc chọn trường một phần xuất phát từ tư tưởng “cha truyền con nối”. Bố mẹ thường kì vọng con sẽ theo ngành nghề của mình nếu ngành nghề đó mang lại thu nhập và cuộc sống khá giả, ổn định. Tư tưởng này không khó hiểu khi mà trong xã hội hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp đang rất cao, nhưng nó sẽ trở thành lực cản nếu kì vọng của bố mẹ không thỏa mãn đam mê và phù hợp với năng lực của con. Để giúp những phụ huynh và học sinh đang gặp bế tắc trong trường hợp này, cần kết hợp giữa các kỹ năng tư vấn và các trắc nghiệm tâm lý để thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của từng bên, từ đó có những kỹ thuật tham vấn phù hợp”.
Tư vấn học đường và gỡ rối tâm lý là hỗ trợ cần thiết để học sinh cũng như phụ huynh giải quyết những bức xúc, hiểu lầm và tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần.
Hiện tại, dịch vụ tư vấn, tham vấn tâm lý vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số ít trường học tiên tiến đã nhận thấy tầm quan trọng của việc hàn gắn những vết thương tâm lý học đường và đưa tư vấn tâm lý vào môi trường giáo dục. Tại trường ĐH FPT, phòng tư vấn tâm lý được xây dựng với mục đích hỗ trợ sinh viên vượt qua các khó khăn trong tâm lý liên quan đến cuộc sống học đường, thực hành và phát triển kỹ năng học tập, cũng như kỹ năng mềm. Từ đó, bản thân mỗi sinh viên có thể khai thác tiềm năng của mình để cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, nhằm hỗ trợ tối đa cho quá trình học tập.
Video đang HOT
Với mong muốn hỗ trợ sinh viên các vấn đề khó khăn tâm lý trong cuộc sống học đường, trường ĐH FPT đã học hỏi mô hình “Tâm lý học đường” của Mỹ để triển khai Chương trình tâm lý học đường.
Tuy nhiên, những ngôi trường có mô hình như ĐH FPT còn rất ít. Và dù sao phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Các bậc phụ huynh nên ở bên cạnh lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc và cùng con thảo luận về những hướng đi khác nhau trong cuộc sống thay vì nhất quyết bắt con làm theo mong muốn của mình.
Và trong những trường hợp không thể ngồi xuống trò chuyện cùng con, các bậc phụ huynh có thể tìm đến những chuyên gia tâm lý học đường giàu kinh nghiệm để nhận sự hỗ trợ.
Mai Mai
Theo Dân trí
Trung Quốc muốn chấm dứt truyền thống tôn thờ thủ khoa đại học
Danh tính thủ khoa trong kỳ thi đại học năm 2018 sẽ bị cấm tiết lộ để không gây áp lực cho học sinh khác.
Lần đầu tiên, Bộ trưởng Giáo dục Chen Baosheng (Trần Bảo Sinh) tuyên bố Trung Quốc sẽ cấm tuyên truyền gương thủ khoa sau kỳ thi đại học (thường gọi là gaokao) năm nay, tổ chức ngày 7-8/6, theo Global Times ngày 17/5.
"Nếu phát hiện trường hợp vi phạm nào, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", ông nói trong hội nghị quốc gia mới đây và cho biết tỷ lệ đỗ đại học của từng địa phương cũng bị cấm tiết lộ.
Nhiều người suy đoán động thái này xuất phát từ mối lo ngại về giá trị thương mại gắn liền với từng thủ khoa. Việc tuyên dương người đạt điểm cao nhất cũng mang lại quá nhiều áp lực cho phụ huynh và học sinh.
Đồng thời, đây cũng được coi là dấu hiệu Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy "phát triển giáo dục toàn diện", vốn được đề cập nhiều năm nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, chia sẻ động lực quan trọng để công khai danh tính thủ khoa là sự tôn thờ của xã hội với những người đạt thành tích cao trong thi cử. Thủ khoa mang lại danh tiếng cho trường đại học, thậm chí cho cả chính quyền địa phương nên luôn được tuyên truyền rộng rãi.
Nhà giáo dục Xiong Bingqi bổ sung rằng vấn đề then chốt đằng sau việc tôn thờ thủ khoa là hệ thống giáo dục hướng đến thi cử. "Nếu cấm tuyên truyền mà không xác định mục tiêu hay người thực hiện, nó có thể trở thành một cuộc nói chuyện trống rỗng", ông nói.
Thí sinh đạt điểm cao nhất của tỉnh Hồ Bắc trong kỳ thi đại học năm 2015 dự lễ tuyên dương và được trao thưởng hơn 10.000 nhân dân tệ (1.570 USD). Ảnh: IC
Kiếm bộn tiền nhờ đỗ thủ khoa
Ở Trung Quốc, từ "zhuangyuan" chỉ những người đạt điểm cao nhất kỳ thi xuất phát từ thời nhà Tùy (581-618). Trong suốt chiều dài lịch sử, người dân luôn tôn thờ những người "tuổi trẻ tài cao".
Tháng 8/2017, báo chí đưa tin về việc bốn thí sinh ở huyện Bác Bạch, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được rước bằng xe hơi trang trí hoa lụa đỏ, đằng sau là một đoàn xe, một ban nhạc và đội múa lân. Các em vẫy chào người đi đường như những ngôi sao nhạc pop.
Những lễ tuyên dương như vậy không chỉ khiến thủ khoa được người dân ngưỡng mộ, trầm trồ mà còn mang lại lợi ích về kinh tế. Ngoài tiền thưởng, vài thủ khoa còn được tặng ôtô hoặc nhà.
Hãng truyền thông Meirirenwu ở Bắc Kinh cho biết thủ khoa năm ngoái của thị xã Ân Bình, tỉnh Quảng Đông đã được một công ty thưởng căn nhà 130 mét vuông, trị giá ít nhất 500.000 nhân dân tệ (78.587 USD).
Các tổ chức giáo dục hay thậm chí công ty cung cấp sản phẩm chăm sóc sức khỏe có thể tiếp cận thủ khoa để nhờ quảng bá thương hiệu.
Trên trang web thương mại điện tử Taobao, những ghi chú viết tay của thủ khoa được rao bán với giá trung bình 350 nhân dân tệ, cao nhất là 2.000 nhân dân tệ.
Một thủ khoa giấu tên ở tỉnh Hà Bắc cho biết mỗi bài phát biểu sau khi được vinh danh có giá 8.000 nhân dân tệ.
Đa số thủ khoa hài lòng với việc thương mại hóa tên tuổi, thể hiện ở con số 70% thủ khoa tham gia một khảo sát năm 2016 sẵn sàng hợp tác với các công ty.
Zheng Shuhao, một trong những người đạt điểm cao nhất về khoa học trong kỳ thi đại học năm 2017 của tỉnh Sơn Tây, cũng được các cơ sở giáo dục mời chia sẻ kinh nghiệm và dạy các khóa học. "Học sinh sẵn sàng lắng nghe chúng tôi hơn giáo viên và phụ huynh. Những gì chúng tôi nói mang lại lợi ích cho họ", chàng trai chia sẻ.
Tuy nhiên, Zheng thừa nhận rất áp lực khi tham gia chương trình truyền hình nổi tiếng Super Brain, bởi "Tôi là thủ khoa nên không thể thua".
Ngoài các công ty, chính quyền địa phương và trường học cũng tôn vinh những "anh hùng" trẻ tuổi. Sau khi đào tạo được một thủ khoa, trường trung học sẽ công bố đội ngũ giáo viên và thế mạnh để thu hút nhiều học sinh giỏi. Một số trường tận dụng cơ hội để tăng phí thi đầu vào.
Chú trọng điểm số thái quá
Khi giáo dục hướng đến thi cử, phụ huynh và học sinh đều sẽ quan tâm đến điểm số và thứ hạng. Tuy nhiên, ông Chu nói những thước đo này không thể đánh giá toàn diện về hiệu suất học tập.
Mặc dù chính phủ đề xuất ý tưởng "phát triển toàn diện giáo dục" từ những năm 1990, ông cảm thấy khẩu hiệu này quá trừu tượng và chưa được đưa vào thực tiễn.
Trong khi các cơ quan giáo dục yêu cầu trường học giảm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh vẫn tiếp tục đưa con đến lớp học thêm để tránh "thua từ vạch xuất phát".
Học sinh Trung Quốc vùi đầu trong sách vở để chuẩn bị cho kỳ thi sinh tử. Ảnh: Business Insider
Khác với phụ huynh phương Tây, phần lớn cha mẹ Trung Quốc coi con cái như huyết mạch, hy vọng con đạt được ước mơ mà bản thân không thể hoàn thành.
Hiện tượng coi trọng điểm số, tôn thờ thủ khoa không chỉ xảy ra ở mỗi đất nước này. Hàn Quốc cũng tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học rất gắt gao. Học sinh khóa dưới thường đứng đợi bên ngoài phòng thi từ sáng sớm và cúi đầu, cầu chúc anh chị cuối cấp thi tốt.
Cải cách thi đại học
Theo Bộ trưởng Giáo dục, để giải phóng gánh nặng của hệ thống giáo dục hướng đến thi cử, Trung Quốc phải cải cách, thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng toàn diện, không xếp hạng học sinh theo điểm số.
Hệ thống thi cử đang áp dụng hình thức "3 X", trong đó học sinh thi ba môn chính là Toán, tiếng Trung và tiếng Anh cùng một số môn tự chọn thuộc lĩnh vực khoa học (vật lý, sinh học và hóa học) hoặc nhân văn (địa lý, lịch sử và chính trị).
Nhiều người tin rằng thi đại học là cách công bằng nhất, bởi nó tạo cơ hội cạnh tranh cho thí sinh thuộc mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát trực tuyến do People's Daily thực hiện năm 2012, 53% số người được hỏi (5.882 người) tin rằng kỳ thi gaokao không còn công bằng như trước do sử dụng nhiều đề thi, lập nhiều điểm thi cho thí sinh ở các tỉnh.
"Với cách đánh giá duy nhất là chú trọng vào điểm số, chúng ta không thể phá vỡ nền giáo dục theo định hướng thi cử", Xiong nói.
Cả hai chuyên gia về giáo dục, Chu và Xiong, cùng đề xuất một giải pháp cải thiện hệ thống giáo dục hiện tại. Thay vì phụ thuộc cơ quan giáo dục, các trường đại học nên tự xây dựng đề thi và thành lập đội ngũ tuyển sinh riêng để lựa chọn ứng viên phù hợp.
Hiện Bộ Giáo dục Trung Quốc chưa ban hành hướng dẫn chi tiết về việc triển khai lệnh cấm tuyên truyền gương thủ khoa, trong khi kỳ thi đang đến rất gần.
Thùy Linh
Theo vnexpress.net
Trẻ luyện thi cấp tốc giành suất vào lớp 6 trường top ở Hà Nội Kết thúc buổi học chính khóa ở trường, Minh được mẹ chở đến trung tâm luyện thi ba buổi mỗi tuần, ba buổi còn lại thì học với gia sư. Hơn 17h, kết thúc một ngày học tập ở trường tiểu học công lập thuộc quận Cầu Giấy, Hoàng Minh được mẹ chở đến trung tâm cách đó 5 km để kịp buổi...