Để cây xanh trường học không còn là nguy cơ với học sinh
Vụ việc cây phượng bật gốc trong sân trường khiến học sinh tử vong rất đau lòng, nhưng không phải vì thế mà nói ‘không’ với cây xanh.
Học sinh một trường THPT ở Q.1 (TP.HCM) học thể dục dưới bóng cây – ẢNH: THÚY HẰNG
Ngược lại, phải xem đây là dịp để có cách kiểm soát tốt hơn việc trồng cây xanh và những nguy cơ khác trong trường học.
Cây xanh không có lỗi
Trong trường học hay trong đô thị, cây xanh không có lỗi, nếu con người biết bảo vệ, chăm sóc cây đúng cách, đó là tài sản quý giá với môi trường sống.
Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia (Q.2, TP.HCM), đơn vị thường xuyên phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức chương trình trồng rừng, cho biết tùy từng trường học, địa hình từng nơi sẽ có danh mục những loại cây trồng phù hợp.
Video đang HOT
Ngày 28.5, trao đổi với các cơ quan báo chí, chị Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết đơn vị đang gửi tâm thư “Trường học cần cây xanh” tới các trường học trong TP.HCM. Trong thư, chị Huyền – người có hơn 20 năm kinh nghiệm bảo tồn thiên nhiên và giáo dục học sinh, bày tỏ nỗi lo lắng nếu vì lo ngại cây mất an toàn mà đốn bỏ hết cây xanh hoặc không trồng cây tại trường học thì đó sẽ là thiệt thòi lớn cho con người và môi trường.
Chị Huyền khẳng định: “Các mảng xanh trong trường học, đặc biệt là các trường học tại các thành phố lớn góp phần khích lệ và duy trì tương tác của học sinh với thiên nhiên, tạo sự cân bằng trong quá trình phát triển thể chất và tinh thần, khích lệ tính sáng tạo và tư duy tích cực của các em”.
Duy trì mảng xanh mà vẫn an toàn
Trong tâm thư, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia gợi ý các giải pháp để duy trì mảng xanh trong trường học mà vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh: Rà soát kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học hằng năm, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Hướng dẫn học sinh các quy tắc an toàn trong mùa mưa bão, đề phòng cây đổ, điện giật… Học sinh nên tránh không sinh hoạt dưới gốc cây, đặc biệt vào những ngày trời gió to hoặc sau trận mưa bão. Học sinh cũng cần học cách quan sát xung quanh, khẩn trương chạy ra xa khi thấy cây bắt đầu có hiện tượng rung lắc mạnh.
“Trước khi trồng cây tại khuôn viên các trường học, cần được sự tư vấn của các chuyên gia về cây xanh trong môi trường học đường để chọn được loài cây phù hợp. Khi trồng cây, cần lưu ý kỹ thuật trồng cây, đào hố đủ to, đủ sâu… giúp bộ rễ phát triển sâu rộng, bám vững vàng vào đất. Lưu ý kích thước cây, những cây to, đường kính thân lên tới 20 – 30 cm, khi trồng sẽ nhanh tạo bóng râm, nhưng rễ lại không bám sâu vào lòng đất, do vậy khả năng đổ ngã cao hơn so với trồng cây nhỏ hơn”, chị Huyền nhận định.
Tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của cây
Anh Ngọc Hồ, quản trị của diễn đàn “Thích trồng cây” với hơn 360.000 thành viên, chia sẻ: “Đi trên đường, gặp cây xanh thì cái nắng cũng hóa dịu mát. Trong trường học cũng vậy, cây xanh rất cần cho tâm hồn các em. Chúng ta thấy các bài văn, thơ, bài hát về trường học cho trẻ em đều gắn với cây xanh. Trường học không thể thiếu cây, nhiều trường còn phát động các em học sinh mang cây tới trường, trồng cây, treo cây tạo mảng xanh. Đó thật sự là việc nên làm trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắp nơi”.
Tuy nhiên, theo anh Hồ, trồng cây ở trường học, cần tuân thủ danh mục cây được phép trồng và điều quan trọng nhất, hãy tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của cây.
“Đơn vị trồng cây và đơn vị làm bê tông, các công trình ngầm lại không phải cùng một bên nên nhiều khi vì để thuận tiện cho công việc của mình, sợ rễ cây chồi lên làm hư hỏng mặt đường bê tông, làm hỏng đường ống nước, hoặc để trồng cây xanh, người ta cắt bỏ rễ cọc của cây đi, thế là thành “cây không chân”. Cây thân gỗ, cây lâu năm sống bằng rễ cọc, nó luồn sâu bám chặt vào lòng đất, nếu không có rễ cọc, chỉ có các rễ chùm vươn ra thì cây không thể vững chãi, có thể đổ bất cứ lúc nào”, anh Ngọc Hồ nói.
Đồng Nai: Ban hành văn bản bảo đảm an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão
Sau vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) bật gốc khiến một học sinh tử vong, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản, chỉ đạo bảo vệ an toàn cho học sinh.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du tập thể dục dưới những tán cây cổ thụ - LÊ BÌNH
Ngày 27.5, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, đã có văn bản gửi các phòng giáo dục, trường THPT và các đơn vị trực thuộc yêu cầu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trường học trong mùa mưa bão.
Theo đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thời gian năm học 2019-2020 phải kéo dài sang mùa hè cũng là mùa mưa bão của năm 2020. Thời điểm này, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như mưa, bão, giông, lốc, sấm sét, mưa đá....
Để đảm bảo an toàn trường học, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên... do mưa, giông, lốc gây ra, Sở yêu cầu: "Tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên về biện pháp ứng phó, phòng tránh đối với các nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão và các tai nạn do điện giật, sấm sét, giông, lốc, đổ, gẫy cây xanh, tường bao, rào chắn... gây ra; phòng, tránh đuối nước do tắm hồ, ao, lũ lụt, sạt lở đất, bờ kè sông, suối...".
Học sinh vui chơi những tán cây rậm rạp ở Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) - LÊ BÌNH
"Thực hiện việc chặt, cắt, tỉa đối những cây nặng tán, khô cành, có nguy cơ bật gốc, gãy, đổ trong khuôn viên, đường nội bộ và xung quanh trường; thường xuyên kiểm tra các khu vực dễ sạt lở, đổ, sập, có nguy cơ gây mất an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị như phòng học, phòng làm việc, sân chơi, bãi tập, hồ bơi, tường bao, rào chắn, bờ kè, hệ thống điện... Kịp thời thực hiện các biện pháp sửa chữa, gia cố, khắc phục để đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên đơn vị. Tuyệt đối không huy động học sinh tham gia lao động đối với những công việc nêu trên", văn bản chỉ đạo.
Thầy Nguyễn Văn Thành, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết mỗi năm vào mùa tựu trường đều cắt tỉa cành nhánh, bảo đảm an toàn cho học sinh - LÊ BÌNH
Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, thầy Nguyễn Văn Thành, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) cho biết ngôi trường ông có một số cây xà cừ cổ thụ và nhiều cây bàng lớn. Hằng năm, nhà trường đều có kế hoạch cắt tỉa cành nhánh già cỗi, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. "Tuy nhiên, sau sự cố cây phượng đổ đè học sinh ở TP.HCM, ban giám hiệu nhà trường cũng sẽ học bàn, đề xuất cắt tỉa thêm để đảm bảo an toàn hơn nữa cho các em học sinh", thầy Thành cho hay.
Đại học sắc màu 'khoe' diện mạo mới lung linh mùa 'comeback' Đón hàng triệu sinh viên cả nước vào mùa trở lại giảng đường, nhiều trường đại học đã kịp khoác cho mình chiếc áo mới đầy ấn tượng. Danh sách các trường đại học có màn 'comeback' xuất sắc chắc chắn phải kể đến trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) - Đại học sắc màu giờ đây không chỉ có sắc màu!...