Để Ban đại diện cha mẹ học sinh là ’sợi dây’ kết nối nhà trường, gia đình
Ban đại diện cha mẹ học sinh rất quan trọng trong hoạt động giáo dục của trường, của lớp. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề cần lưu ý để tổ chức này hoạt động thực chất, hiệu quả.
Ảnh minh họa/ITN
Hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết
Nhiều năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm và có con nhỏ đi học, cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Ban Mai – Hà Đông ( Hà Nội), được trải nghiệm, nhìn nhận Ban đại diện cha mẹ học sinh, từ góc độ phụ huynh trường ngoài công lập và góc độ nhà trường.
Với câu hỏi “Ban đại diện cha mẹ học sinh có thực sự cần thiết không, hoạt động có hiệu quả không? Câu trả lời của cô Thảo là: “Vai trò Ban đại diện cha mẹ học sinh rất quan trọng trong hoạt động giáo dục của trường, của lớp”.
Từ trải nghiệm của một phụ huynh, cô Trần Thị Thảo chia sẻ: Trường con tôi, giáo viên chủ nhiệm không phải thu các khoản phí của nhà trường. Về tài chính, cha mẹ học sinh làm việc độc lập và trực tiếp với kế toán trường nên khá minh bạch. Thậm chí, mỗi kì học hoặc đầu năm học, khi nhà trường đưa ra khoản thu nào/tăng học phí không hợp lí, đại diện ban phụ huynh lớp lắng nghe, tổng hợp ý kiến cha mẹ học sinh để trao đổi và làm việc với nhà trường…
Trong quá trình học sinh học tập và ăn ngủ bán trú tại trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp trao đổi với nhà trường về các vấn đề an toàn trường học và vệ sinh thực phẩm.
Trong mỗi hoạt động của các con như sinh nhật, trung thu, sơ kết, tổng kết lớp… Ban đại diện cha mẹ học sinh đều đại diện phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động cho các con; đồng thời thay mặt cha mẹ học sinh lớp chúc mừng thầy cô dịp lễ tết, thăm hỏi động viên học sinh ốm đau…
“Trên góc độ này, bản thân tôi thấy cần có Ban đại diện cha mẹ học sinh, vì đó là cầu nối thông tin hai chiều giữa nhà trường với cha mẹ học sinh; là tổ chức đồng hành cùng thầy cô và nhà trường trong các hoạt động giáo dục và giúp đỡ các cha mẹ học sinh khác khi không có điều kiện tham gia cùng.” – cô Trần Thị Thảo cho biết.
Ở vai trò người đã hơn 10 năm đảm nhiệm công tác giáo viên chủ nhiệm ở trường ngoài công lập, cô Trần Thị Thảo cũng đánh giá cao vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc đồng hành cùng thầy cô, nhà trường.
Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh được bầu lên là những cá nhân tích cực, có tinh thần xây dựng và nhiệt tình với các hoạt động của lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ được hỗ trợ nhiều. Ngược lại, Ban đại diện cha mẹ học sinh bầu lên chỉ cho có, giáo viên chủ nhiệm rất vất vả trong việc tổ chức hoạt động cho học sinh (góc độ giáo viên chủ nhiệm trường ngoài công lập, có nhiều hoạt động trong năm học).
Nếu có Ban đại diện cha mẹ học sinh mạnh/tốt, giáo viên chủ nhiệm dễ dàng triển khai các hoạt động và nhận được sự đồng thuận/góp ý trên tinh thần xây dựng. Từ đó, việc phối hợp giáo dục học sinh thuận lợi hơn.
Đối với trường ngoài công lập, Ban đại diện cha mẹ học sinh tập hợp ý kiến, đối thoại với nhà trường về các vấn đề chưa thống nhất/chưa phù hợp…(ảnh hưởng đến học sinh) để đi đến sự thống nhất hài hòa giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, cô Thảo cũng chia sẻ, ở một số trường ngoài công lập, ở một số Ban đại diện cha mẹ học sinh, hoạt động dân chủ này đôi khi đi quá giới hạn, diễn ra trong thời gian dài… làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của lớp, ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên….
Video đang HOT
“Dù ở góc độ phụ huynh hay giáo viên chủ nhiệm, tôi vẫn mong muốn duy trì hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trên tinh thần: Ban đại diện cha mẹ học sinh nắm rõ điều lệ hoạt động của thông tư để thực hiện đúng vai trò và nhiệm vụ. Mục tiêu lớn nhất đồng hành với nhà trường, thầy cô trong quá trình giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục đối với học sinh.” – cô Trần Thị Thảo cho hay.
Ảnh minh họa/ITN
Vai trò quan trọng của người đứng đầu nhà trường
Ở góc nhìn trường công lập, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cũng nhận định Ban đại diện cha mẹ học sinh có ý nghĩa thiết thực trong việc kết nối giữa nhà trường và gia đình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học.
Ban đại diện cha mẹ học sinh nói lên tiếng nói, nguyện vọng của cha mẹ học sinh toàn trường, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh học sinh, thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình; phát huy được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, công tác xã hội hóa của một số nhà trường.
Ban đại diện cha mẹ học sinh còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện, phối hợp với nhà trường các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.
Để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả hơn nữa, cô Vũ Thị Anh cho rằng, mỗi cha mẹ học sinh luôn có ý thức trách nhiệm đối với gia đình, nhà trường. Đồng thời, tăng cường quản lý, giờ giấc học tập, vui chơi và sinh hoạt cá nhân của con em, kịp thời phát hiện những thay đổi về tâm sinh lý để có giải pháp giáo dục phù hợp. Phối hợp thường xuyên để liên lạc với nhà trường nắm bắt được tình hình học tập, hoạt động giáo dục của nhà trường.
Ngoài hình thức hoạt động qua các cuộc họp định kỳ giữa cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm, cần có những kênh, hoạt động khác để khuyến khích sự tham gia của cha mẹ học sinh như: Mời cha mẹ học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hoạt động “Lễ trưởng thành khi tôi 18″,…
Thu – chi luôn là vấn đề “nhạy cảm” ở các nhà trường, vì vậy để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả thì vấn đề thu – chi cần công khai, minh bạch, đúng quy định và có sự thống nhất giữa nhà trường và Hội cha mẹ học sinh. Hội cha mẹ học sinh phát huy tối đa vai trò huy động các nguồn lực vật chất để phục vụ tốt cho công tác giáo dục trong nhà trường. Sự kiên quyết, nghiêm túc thực hiện theo đúng các quy định của người đứng đầu nhà trường cũng vô cùng quan trọng, giúp vấn đề thu – chi công khai, minh bạch.
Cho biết hiện nhà trường đang triển khai tốt Thông tư về Điều lệ Ban đại diện Cha mẹ học sinh và không có vướng mắc, theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), điều tối quan trọng làm nên hiệu quả hoạt động của Ban đại diện là cha mẹ học sinh phải có thời gian, tâm huyết; cùng với đó, Hiệu trưởng nhà trường kiên quyết thực hiện nghiêm túc các quy định.
“Ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường thống nhất các nội dung thu chi theo quy định đầu năm, gần như không có thêm khoản thu nào khác. Còn các khoản vận động xã hội hóa, nhà trường thực hiện hồ sơ theo quy định mà không giao Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng hạn chế tối đa việc này do gia đình học sinh hầu hết còn khó khăn.” – thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho hay.
Chia sẻ thực tế phụ huynh đa phần không muốn vào Ban đại diện cha mẹ học sinh bởi nhiều công việc “vác tù và hàng tổng” và vì ngại phiền. Giải pháp cô Trần Thị Thảo đưa ra là vẫn có Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp từ 3-5 người, nhưng có vai trò leader, phân việc theo sự kiện và chia nhóm cha mẹ học sinh khác tham gia theo từng sự kiện. Nếu được, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể bổ sung thêm quy định như thế nào đó để khích lệ, động viên được nhiều cha mẹ học sinh tham gia hơn.
Ở góc độ nhà trường, theo cô Thảo, các khoản thu về tài chính nên tách khỏi hoạt động của cha mẹ học sinh để tránh tâm lý đi họp chỉ để đóng tiền.
Giải tỏa chông chênh khi chọn nghề nhờ hướng nghiệp sớm
Giáo dục hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn được nghề phù hợp với năng lực và sở thích của mình.
Nhờ hoạt động này, những khó khăn, trăn trở của các em sẽ được tháo gỡ.
Công tác hướng nghiệp cho học sinh cần có sự phối hợp giữa trường phổ thông - trường đại học và doanh nghiệp.
Cần hướng nghiệp sớm cho học sinh
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ở các quốc gia phát triển, định hướng nghề nghiệp bắt đầu rất sớm, ngay từ bậc phổ thông.
Hoạt động này thường được tổ chức bài bản thông qua các buổi chuyên đề giữa phụ huynh với học sinh, nhà trường với học sinh. Các em cũng được làm bài trắc nghiệm hướng nghiệp để đánh giá bản thân phù hợp với nghề nào. Hướng nghiệp ngay từ cuối cấp THCS, đẩy mạnh hơn ở cấp THPT là phù hợp với sự phát triển tâm lý học sinh.
Ở cấp tiểu học, các em còn những ước mơ trẻ con về nghề nghiệp. Tuy nhiên bước vào giai đoạn thiếu niên, các em đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về nghề nghiệp tương lai. Từ đó có sự thay đổi trong xu hướng học tập: Tập trung nhiều hơn vào các môn liên quan đến nghề nghiệp mình quan tâm. Vì vậy, giai đoạn này cần có sự tác động của công tác hướng nghiệp để kịp thời điều chỉnh những lựa chọn nghề chưa chín chắn, chưa phù hợp.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngày nay, nếu chỉ nhận thức hướng nghiệp là hoạt động phụ, cần thiết cho học sinh cuối cấp THPT trong chọn nghề, chọn trường thì đây chắc chắn là một sai lầm.
Trước tình hình thị trường đang "khát" lao động được đào tạo tay nghề vững vàng, việc Chính phủ phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" là bước tiến dài, đồng thời chứng tỏ vai trò quan trọng của hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Do đó, PGS Chu Cẩm Thơ khẳng định, hướng nghiệp cho học sinh càng sớm càng tốt. Hướng nghiệp cần được tổ chức tích hợp trong các hoạt động giáo dục khác, như là một mục tiêu thường trực của mỗi hoạt động.
Thấu hiểu tâm lý đó, cùng với trăn trở và trách nhiệm của những người lãnh đạo trong ngành giáo dục, Trường Đại học Phenikaa đã phối kết hợp cùng Mạng lưới Giáo dục không biên giới - EduLightenUp và các doanh nghiệp đồng hành hướng nghiệp sớm cho học sinh THPT thông qua tam giác trường THPT - trường đại học - doanh nghiệp với dự án "Tam giác hướng nghiệp hiệu quả".
Dự kiến dự án sẽ có các nhóm hoạt động chính dành cho học sinh THPT bao gồm đề tài nghiên cứu được hướng dẫn dài hạn; tham quan, trải nghiệm tại các trường đại học; các chương trình khởi nghiệp, thực tập nghề nghiệp...
Đẩy mạnh hoạt động của "tam giác hướng nghiệp"
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: "Chúng tôi mời các chuyên gia tập đoàn Qualcomm, Panasonic và Phenikaa-X đến chia sẻ với các thầy cô và học sinh về công nghệ mới trên thế giới và những giải pháp phát triển sản phẩm ứng dụng. Điều này giúp các em nhận ra rằng một số mối quan tâm của bản thân cũng là hướng đi mà các tập đoàn đang hướng đến. Từ đó, các em cảm thấy tự tin và nhận ra rằng những đề tài mà mình ấp ủ tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã có tinh thần doanh nghiệp".
Với vai trò là chuyên gia trong mạng lưới chia sẻ/đào tạo/cung cấp về các kỹ năng, bộ năng lực cốt lõi để học sinh được hướng nghiệp sớm và có thể thành công trong sự nghiệp, bà Phan Thị Hồng Dung - Chủ tịch EduLightenUp cho biết, doanh nghiệp muốn có nguồn lao động tốt không chỉ tập trung đào tạo nhân sự đầu vào và cũng không chỉ mở rộng đến các chương trình thực tập với sinh viên đại học mà phải kết hợp với trường phổ thông để hướng nghiệp từ sớm; cùng xây dựng cho các em những phẩm chất tốt làm nền tảng cho quá trình hội nhập và thích ứng được với thế giới việc làm đầy biến động sau này.
Bà Phan Thị Hồng Dung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý giáo dục, Chủ tịch EduLightenUp.
"Song song với đó, các trường phổ thông muốn đào tạo ra thế hệ học sinh tự tin hội nhập, trở thành nhân sự chất lượng cao cũng phải kết nối với trường đại học và doanh nghiệp để tăng trải nghiệm thực tế, đưa các em tiến dần vào thực tiễn cuộc sống để học được các năng lực sinh tồn và phát triển" - bà Phan Hồng Dung nhấn mạnh.
Đến nay, Dự án đã chọn được 8 đề tài thuộc 8 trường THPT ở các tỉnh/thành như: Trường THPT Mỹ Lộc (Nam Định); THPT Gang Thép Thái Nguyên; THPT Yên Lãng (Hà Nội)... Thông qua dự án, học sinh đã có cơ hội trải nghiệm những hoạt động khoa học lý thú trong chính ngôi trường đại học mơ ước, để từ đó có động lực nuôi dưỡng đam mê và sẵn sàng cho con đường các em mong muốn theo đuổi trong tương lai.
"Chương trình này rất thiết thực. Các em có những trải nghiệm làm việc thực tế, cơ hội giao lưu, gặp gỡ các thầy cô. Tôi chỉ tiếc là khoảng cách địa lý và thời gian học trên lớp của các em nhiều nên chưa có cơ hội được làm việc nhiều cùng thầy cô" - cô Lê Thương, giáo viên Trường THPT Mỹ Lộc cho hay.
Hướng nghiệp sớm cho học sinh rất quan trọng và cần thiết.
Chia sẻ về quá trình hướng dẫn học sinh, TS Nguyễn Đức Nam - Giảng viên Khoa Cơ khí - Cơ điện tử (Trường Đại học Phenikaa) cho biết, trong quá trình học tập và làm việc, học sinh thực sự có thái độ nghiêm túc và ham học hỏi. Mặc dù cả thầy và trò đều không thường xuyên gặp mặt nhưng các em thường xuyên chủ động liên lạc và trao đổi khi cần.
"Trong xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là tác động của cách mạng 4.0, xã hội đang có sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề. Học sinh phổ thông là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của sự dịch chuyển này. Vậy nên việc định hướng sớm trong học tập để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp rất cần thiết trong nhà trường" - TS Nguyễn Đức Nam nhấn mạnh.
Ngày 24/8, Trường Đại học Phenikaa tổ chức hội thảo "Đồng hành của Doanh nghiệp và Trường Đại học trong công tác hướng nghiệp học sinh phổ thông" với mục tiêu thông qua kết quả thực tiễn, nhấn mạnh vai trò kết nối của doanh nghiệp và trường đại học trong việc đa dạng hóa hình thức hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Như vậy, trách nhiệm của tam giác: Trường THPT - trường đại học - doanh nghiệp là đồng lòng và nhận thức được hướng nghiệp tự nhiên, gắn liền với bối cảnh địa phương. Doanh nghiệp cũng cần nhận ra tuyển dụng cần đi kèm với "hướng nghiệp sớm" cho học sinh vì đấy chính là nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong tương lai.
Nâng cao vai trò của giáo dục thể chất trong trường phổ thông Giáo dục thể chất trong trường học là một trong những hoạt động giáo dục rất quan trọng. Việc giáo dục thể chất không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn rèn luyện tính kỷ luật, lối sống lành mạnh, và giúp các em phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông hiện nay vẫn...