ĐBQH: Đồng tiền làm phai nhạt tính công tâm của cơ quan công quyền
“Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của nhiều cơ quan công quyền. Đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách. Minh chứng cho vấn đề này là chuyện ‘chạy’…” – ĐB Đặng Thuần Phong đánh giá về nỗi bất an của xã hội.
ĐB Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề cập đến 6 nỗi bất an của xã hội hiện nay tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng nay, 9.6, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước…
Ông Phong đặt vấn đề tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính, trong khi có cả hệ thống chính trị? Bất an thứ hai là vấn nạn tham nhũng và lãng phí vẫn quá lớn và chưa được chặn đứng, gây bức xúc mạnh trong nhân dân.
ĐB Đặng Thuần Phong. Ảnh: Đàm Duy
Bất an thứ ba là đang xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định của sự bền vững nên kinh tế vĩ mô chưa cao, các yếu tố tăng trưởng chưa rõ nét.
“Hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao. Trung bình mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000USD tiền nợ và xu hướng còn tăng trong những năm tới. Áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%. Mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng, nghĩa là làm 1 đồng ăn 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn” – ĐB Phong nhấn mạnh.
Video đang HOT
Vấn đề bất an thứ tư được ĐB Đặng Thuần Phong chỉ ra là tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội. Ông nhìn nhận: Đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền, đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách, minh chứng cho vấn đề này là chuyện “chạy”…
“Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ. Rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Khi vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, chạy truy tố, chạy án, thậm chí chạy để bỏ Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ tội phạm” – ĐB Phong dẫn chứng.
Vẫn theo ĐB Phong, bất an thứ năm là rừng bị chặt phá nhiều, tài nguyên khoáng sản quốc gia ngày càng cạn kiệt, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào không có. Trong khi đất nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí còn phát canh thu tô.
Bất an thứ sáu là an toàn sống. Bữa cơm trong nhà người người lo ngại vì thực phẩm không an toàn. Ra đường bất an vì an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì sợ vạ lây…
“Còn nhiều vấn đề bức xúc, nhưng tôi xin nêu 6 vấn đề bất an để Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc trong chỉ đạo điều hành nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong điều hành phát triển kinh tế -xã hội của đất nước” – ĐB Phong kiến nghị.
Theo Danviet
Cử tri mong gì trước kỳ họp mới của Quốc hội
Cử tri mong muốn ĐBQH nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực, tích cực tham gia góp ý kiến chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri tới diễn đàn Quốc hội.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc vào sáng mai (22/5). Đây là kỳ họp giữa năm, diễn ra sau thời điểm Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa kết thúc với không khí tin tưởng, phấn khởi của các tầng lớp nhân dân.
Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội được đông đảo cử tri và nhân dân kỳ vọng sẽ đánh giá đúng thực trạng kinh tế-xã hội; xây dựng pháp luật phù hợp, khả thi để các cơ quan hành pháp và tư pháp quản lý, điều hành hiệu quả.
Tin tưởng và kỳ vọng là tâm trạng của nhiều cử tri trước thềm kỳ họp thứ 3 của Quốc hội lần này. Bởi kỳ họp này diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 kết thúc với việc ban hành 3 Nghị quyết quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước và xem xét xử lý cán bộ.
Đông đảo cử tri và nhân dân cho rằng, việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử. Nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý nghiêm minh. Cử tri Lâm Văn Bảng (Phú Xuyên, Hà Nội) bày tỏ sự phấn khởi trước quyết tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước song cho rằng việc xem xét, phát hiện, xử lý cán bộ cần tiếp tục, liên tục, không để đến lúc sai phạm rồi mới kỷ luật. Cử tri Lâm Văn Bảng cũng mong muốn Ban Bí thư cũng như Quốc hội cần kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên liên tục để xây dựng những cán bộ có đủ tố chất, phong cách, đạo đức làm việc vì dân.
Cử tri Bùi Đăng Quảng (phường Cống Vị, quận Ba Bình, Hà Nội) mong Quốc hội kì này sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, nhất là các luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
"Những việc lớn, bức xúc của đất nước, Quốc hội đều quan tâm và đi đến tận cùng của sự việc. Đặc biệt là ở công tác phòng chống tham nhũng, tôi rất hy vọng và ủng hộ, mong muốn được giải quyết nhanh. Quốc hội ngoài việc bổ sung, sửa đổi, vạch chính sách mới để giải quyết nó, đồng thời cử nhiều đoàn giám sát. Với những gì chúng ta đã làm được, tôi hy vọng những vấn đề lớn của đất nước ở kỳ họp này sẽ được đặt ra và giải quyết từng bước có hiệu quả", cử tri Bùi Đăng Quảng bày tỏ quan điểm.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm nay. Do vậy, cử tri Hà Nội đánh giá đúng thực trạng, phân tích làm rõ những yếu kém, hạn chế trong quản lý, điều hành để tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế phát triển.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: "Nhân dân rất băn khoăn về một số vấn đề lớn của đất nước. Một số nội dung mà trước đây đã hạn chế nhưng còn chậm khắc phục, trong đó, có chất lượng tăng trưởng kinh tế. Cử tri cũng lo lắng tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay tuy đã đảm bảo kinh tế vĩ mô nhưng chậm hơn so với 2015-2016. Đồng thời những vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Câu chuyện "được mùa rớt giá"vẫn lặp đi lặp lại. Cử tri cũng đề xuất giúp hỗ trợ cho người nông dân để tháo gỡ khó khăn, đưa nông nghiệp của ta phát triển".
Theo đánh giá của nhiều cử tri Hà Nội, tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm vẫn gặp khó khăn. Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn tiếp tục tái diễn, tình trạng giá thịt lợn trong nước giảm sâu, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Cử tri Nguyễn Thị Kim Liên (quận Cầu Giấy) mong muốn Quốc hội cần kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sớm có các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục tình trạng này.
"Mấy năm nay là giá dưa hấu, nay là giá lợn, vấn đề này là do sự phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp không chặt chẽ, không có kế hoạch điều chỉnh kịp thời về chính sách, chủ trương khiến nông dân bị thất bát. Tôi mong mỏi Bộ Công thương phải sớm tích cực kết hợp với Bộ nông nghiệp để làm thế nào sản xuất phải đi đôi với tiêu dùng", cử tri Nguyễn Thị Kim Liên đề nghị.
Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm đến vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhất là tình trạng "Cát tặc" vẫn diễn ra như thách thức chính quyền. Tình trạng ô nhiễm từ nước thải nhà máy, khu công nghiệp vẫn đang hàng ngày hàng giờ tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhiều khu dân cư. Nhiều cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội; Tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, nhất là sản xuất và nhập lậu thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp.
Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của mình, tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Có như vậy, Quốc hội mới thật sự gần dân, sát dân, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của đất nước.
Theo Minh Châm-Lại Hoa (VOV)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm nông thôn mới kiểu mẫu Hà Tĩnh Sáng nay (28.4), trong chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội thứ 3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới thăm nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Toàn xã có 4 doanh nghiệp, 1 trung tâm dịch vụ thương mại, 6 hợp tác xã, 11 tổ...