Dạy trực tuyến quá lâu, giáo viên than trời vì căng thẳng, mệt mỏi
Dạy trực tuyến nhưng thời khóa biểu trực tiếp, học sinh không trả lời, bật nhạc, xem phim trong giờ học… khiến nhiều giáo viên phải ‘than trời’.
Do dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM, nên từ đầu tháng 5 đến nay học sinh trên địa bàn thành phố vẫn phải học trực tuyến tới hết học kỳ 1.
Giáo viên mệt mỏi, quá tải
Học sinh không trả lời, không tương tác, giáo viên độc thoại,… là thực trạng chị Thu Nguyệt, giáo viên một trường THPT ở quận Tân Bình (TP.HCM) gặp phải trong quá trình dạy trực tuyến. Những giờ học như vậy kéo dài khiến chị Nguyệt cảm thấy bất lực và mệt mỏi.
“Gọi đến 3-4 lần mà học sinh không trả lời, mình dạy học mà không có tương tác, mình nói rồi mình nghe như độc thoại, mệt mỏi, áp lực lắm, thực sự học trực tuyến hiệu quả không cao” , chị Nguyệt chia sẻ.
Ảnh minh họa.
Theo Công văn 2379 ngày 31/8 của Sở GD&ĐT TP.HCM về hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học đầu năm học 2021 – 2022, Sở đã quy định thời lượng trong dạy học qua môi trường Internet, tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu học trực tiếp, sẽ gây quá tải cho người dạy, người học và không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên Internet.
Thời lượng dạy học được tính bằng tổng thời lượng tổ chức khóa/chủ đề dạy học gồm các hoạt động: chuyển giao nhiệm vụ học tập, giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, tổng kết, kết luận, đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu học.
Tuy nhiên, theo chị Nguyệt, hiện trường chị vẫn áp dụng thời khóa biểu bình thường như khi học trực tiếp cho dạy học trực tuyến, không cắt giảm tiết học cũng như thời lượng dạy học. Điều này khiến chị và không ít giáo viên khác bị áp lực về thời gian, căng thẳng, mệt mỏi và quá tải trong dạy học.
Video đang HOT
“Trường đồng nghiệp tôi dạy trực tuyến giảm tiết, ví dụ như môn học 2 tiết/tuần thì giảm xuống 1 tiết, 50% giao bài còn 50% thực dạy. Nhưng trường tôi thực dạy 100%, không đúng với công văn của Sở, giáo viên đã gặp khó khăn dạy trực tuyến như em có míc (âm thanh) em không, em tiếng thì lại không có cam (hình ảnh),… giờ lại còn áp lực về thời gian, học trực tuyến mà dạy như bình thường, cố hoàn thành nhưng không hiệu quả được, quá tải, căng thẳng” , chị Nguyệt nói.
Không phải độc thoại hay quá tải thời lượng dạy học như chị Nguyệt, chị Kim Ngân, giáo viên một trường THCS ở quận 7 lại gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười” đến căng thẳng, mệt mỏi khi dạy trực tuyến.
Theo chị Ngân, qua màn hình trực tuyến khó mà bao quát được hết học sinh có chăm chú nghe giảng hay không, giáo viên giảng bài nhưng học sinh lại làm việc riêng, nhắc nhở nhưng học sinh không tập trung khiến cho buổi học không đạt kết quả tốt.
“Tôi đang giảng bài thì có tiếng nhạc vang lên, nhắc được em này thì lại có tiếng phim truyền hình ở màn hình của em khác, thật sự “dở khóc dở cười”, đau đầu với học sinh lắm, nhiều lúc tôi cũng bất lực lắm, chỉ biết “kêu trời” nhưng không thể bỏ giở vì các em không học trực tiếp là thiệt thòi. Hơn nữa tự học ở nhà khó tránh khỏi sao nhãng, ham chơi” , chị Ngân nói
Theo chị Ngân, dạy trực tuyến khác với học trên lớp nếu giáo viên không thay đổi nhanh theo hướng sử dụng công nghệ rất dễ “mất phương hướng” dạy học. ” Thực tế thời gian đầu tôi cũng mất phương hướng trong cách dạy vì quen theo truyền thống. Trên lớp mình có thể nói trực tiếp với học sinh, các em nghe lời hơn, còn đây qua mạng rất khó nói các em nghe, đó là cái căng thẳng của giáo viên, giáo viên stress nặng nếu cứ kéo dài học qua Internet này” , chị Ngân chia sẻ.
Phải thay đổi
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, rất nhiều giáo viên cũng phải đương đầu với những stress do đại dịch mang lại như áp lực kinh tế, áp lực công việc thời giãn cách và áp lực chăm sóc con cái, học sinh; mất kết nối giữa người người, mất cảm giác về thời gian trôi đi, lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng… Tất cả khiến cho giáo viên căng thẳng và đuối sức không thể toàn tâm toàn ý cho dạy học.
Chuyển sang dạy học trực tuyến cũng tạo ra nhiều áp lực cho giáo viên. Giáo viên cần phải thay đổi so với dạy học trực tiếp, từ dạy truyền thống sang dạy học sử dụng công nghệ.
“Trong lớp học trực tuyến giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà phải trở thành người dẫn dắt, kiến tạo kiến thức cho học sinh. Rất nhiều vai trò mới phải thực hiện như hỗ trợ việc học tập của học sinh ở nhà; giúp đỡ về mặt tâm lý, phối hợp với phụ huynh trong hoạt động học tập của học sinh; thiết kế các chương trình dạy học cá nhân hóa cho từng học sinh, thiết kế bài giảng sử dụng công nghệ…. phải linh hoạt nhiều thứ nếu không giáo viên dễ áp lực, căng thẳng” , PGS Nam nói.
Giáo viên có thể sử dụng công cụ quản lý lớp học trực tuyến để quản lý sự tập trung và tạo tính kỷ luật hơn cho học sinh, giảm căng thẳng cho giáo viên. Các lớp học trực tuyến nên bắt đầu bằng khởi động vui nhộn tạo không khí vui vẻ, tạo cơ hội trò chuyện để tạo hứng thú bắt đầu bài học. Các bài dạy kiến thức mới nên thiết kế ngắn gọn, tối đa hóa dưới dạng trò chơi, đặt ra câu hỏi tạo sự quan tâm và tranh luận, sử dụng các ứng dụng để tăng tương tác.
” Thái độ của giáo viên trong tương tác với học sinh phải làm sao để mọi học sinh đều được chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt giữa các em, giúp lớp học vui hơn, thoải mái hơn, từ đó tạo hiệu quả cao, bớt áp lực. Quan trọng là ngành giáo dục cần có những điều chỉnh nội dung chương trình học để giảm tải cho giáo viên, tránh kiệt sức” , ông Nam nói.
Chuyên gia 'mách' cách học online hiệu quả khi ở nhà
Trong khi ngành giáo dục chưa có quy định chuẩn về hình thức học online, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, một số chuyên gia tham vấn về phương pháp giảng dạy cho giáo viên, cũng như tư vấn để phụ huynh giúp con học online có hiệu quả khi vẫn chưa được đến trường vì dịch COVID-19.
Sau một tuần học sinh nhiều tỉnh, thành trên cả nước học trực tuyến ở nhà vì dịch COVID-19, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về hình thức học này. Nhiều nơi vẫn bê nguyên phương pháp dạy trực tiếp sang hình thức học trực tuyến, thời lượng ngồi máy tính rất nhiều đối với học sinh tiểu học... đã có tác động không nhỏ đến sức khoẻ, tâm lý của học sinh.
Học sinh học trực tuyến. Ảnh: TTXVN
TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Times School: Khuyến khích giáo viên dạy học qua các trò chơi
Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Trường Tiểu học Times School tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh toàn trường. Phương pháp dạy học có được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh vào tinh thần của môn học và lõi kiến thức của bài học, duy trì tương tác qua các trò chơi và khuyến khích học sinh tự học, tự đọc sách ở nhà.
Phương pháp giáo dục chủ đạo của chúng tôi là phương pháp Đồng kiến tạo. Theo phương pháp này thì học sinh được trao quyền và trao cơ hội để khám phá và tạo ra kiến thức cho mình, thay vì bị áp đặt từ phía thầy cô. Chính vì thế, khi dạy trực tuyến, tinh thần đồng kiến tạo này vẫn được duy trì và khuyến khích. Vì thế, chúng tôi không tham lam nhồi nhét kiến thức mà nhấn mạnh vào tinh thần chung của môn học và kiến thức cốt lõi của từng bài học. Những nội dung còn lại chúng tôi sẽ khuyến khích học sinh tự học, tự khám phá.
Tôi vẫn cho rằng phải giữ được niềm vui học tập thì việc học mới có hiệu quả. Vì thế, ngoài tinh thần đồng kiến tạo, chúng tôi có cả một quy trình khởi động và triển khai tiết học để tạo ra bối cảnh học tập phù hợp. Chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên dạy học qua các trò chơi để tăng cường kết nối thầy - trò trong quá trình học và duy trì không khí vui vẻ trong lớp học, dù là trực tiếp hay trực tuyến.
Tôi cho rằng việc dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả, ngoài các vấn đề kỹ thuật như đường truyền internet, phần mềm sử dụng, thì phương pháp dạy học rất quan trọng. Phương pháp phù hợp nhất là phương pháp đồng kiến tạo. Theo đó, học trò được trao quyền và trao cơ hội khám phá và tạo ra kiến thức cho chính mình. Ngoài ra, văn hóa dạy thật - học thật - sống thật cũng rất quan trọng .
Suy cho cùng, nếu thầy dạy thật, trò học thật, và nhà trường biết cách tạo điều kiện và văn hóa học đường sao cho việc dạy thật - học thật - sống thật đó được diễn ra một cách tự nhiên, thì dù là học trực tuyến hay trực tiếp, thì việc dạy và học vẫn diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
PGS TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội): Thời gian tiếp xúc với màn hình đối với trẻ từ 12 tuổi trở xuống không quá 2 giờ/ngày
Để con học trực tuyến một mình có hiệu quả thì cha mẹ lại phải đồng hành với con để rèn lại các kỹ năng. Dạy kèm con học trực tuyến như dạy con đi xe đạp vậy. Chúng ta phải hướng dẫn cụ thể từng bước một như dạy đi xe đạp như chân để bàn đạp ở đâu, tay như thế nào, thậm chí phải hỗ trợ giữ thăng bằng xe cho con. Đến khi con hình thành thói quen học rồi thì thỉnh thoảng cũng phải hỏi chuyện, để biết con gặp vấn đề gì. Con thành thạo hẳn và có kỹ năng tự học mới có thể để con học một mình. Như vậy, cha mẹ càng đầu tư thời gian nhiều vào giai đoạn đầu để hình thành thói quen thì càng tiết kiệm thời gian cho sau này.
Về thời gian học với bậc tiểu học, các nghiên cứu tâm lý cho thấy việc học trực tuyến sẽ có hiệu quả nhất khi được kết hợp với các nhiệm vụ trực tiếp xen lẫn những khoảng thời gian nghỉ. Căn cứ vào các nghiên cứu về sự chú ý khi xem các chương trình truyền hình. Mức độ tập trung chú ý của cá nhân chỉ cao trong khoảng 15-18 phút vì vậy các phần học online có lẽ cũng chỉ nên thiết kế trong khoảng 15-18 phút. Sau đó đến các phần giao nhiệm vụ thực hiện trên thực tiễn và nghỉ ngắn trước khi tiếp tục một phiên học online khác.
Tuy chưa có những bằng chứng nghiên cứu trực tiếp về tổng thời lượng học trực tuyến bao nhiêu một ngày là vừa phải nhưng dựa trên khuyến cáo của những nhà nghiên cứu tâm lý học thần kinh thì thời gian tiếp xúc với màn hình đối với trẻ từ 12 tuổi trở xuống không quá 2 giờ /ngày, người từ 12- 18 tuổi không quá 5 giờ /ngày.
Để tiếp tục học trực tuyến, cha mẹ cần tìm hiểu phong cách học tập của con, trẻ cũng cần hiểu về cách đầu óc của chúng hoạt động và tiếp thu hiệu quả hơn qua kênh hình hay kênh tiếng, điểm mạnh và điểm yếu trong phản xạ học tập, những khó khăn học tập hiện tại, những khiếm khuyết về thính lực, thị lực để từ đó lập kế hoạch cho việc các em muốn học như thế nào; lên kế hoạch theo dõi tự đánh giá để tự khắc phục điểm yếu, thành công hơn trong học tập trực tuyến.
Phụ huynh cần nhận diện sớm các dấu hiệu mất cân bằng thời gian dành cho màn hình và các hoạt động thể chất khác. Hạn chế con tiếp xúc với thiết bị điện tử, trò chơi, youtube hoặc tivi ngoài giờ học trực tuyến một cách hợp lý. Cài đặt chế độ (giảm sáng, dán màn hình...) để hạn chế ánh sáng xanh của màn hình có hại cho mắt. Giúp con thiết lập một không gian học tập riêng và cố định để tạo sự liên kết giữa không gian và hoạt động học tập. Có quy định để các thành viên không được xâm phạm không gian này khi con học. Bố trí đầy đủ thiết bị và tiện nghi vào đó.
Đặt ra quy tắc, bắt đầu một buổi học trực tuyến bằng một hoạt động nhẹ nhàng bên ngoài với thiên nhiên. Như đơn giản như đi dạo một vòng ở sân, vườn nơi có không gian xanh, ngồi trên ban công mở cửa sổ đón không khí trong lành, ngắm mây bay và nói những gì con tưởng tượng dựa trên hình những đám mây, giúp bố mẹ chăm sóc cây hoa... Hoặc những hoạt động nào mà con thích mang lại sự thoải mái như tắm hoặc làm một vài động tác thể dục, yoga, thiền mindfulness.
Lớp học tiếng Anh 1.000 đồng, học sinh được ăn bánh và sữa miễn phí Học phí mỗi buổi học chỉ 1.000 đồng nhưng các em học sinh nghèo tại Đà Nẵng còn được ăn bánh, uống sữa miễn phí từ lớp học do nhóm 5 bạn trẻ tại đây khởi xướng. Đều đặn thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, căn nhà nhỏ tại 68 Lý Triện (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) lại rộn ràng tiếng cười...