Dạy trực tuyến cần phải có chuẩn mực
Nhiều chuyên gia cho rằng việc thiếu chuẩn mực trong các tiết học trực tuyến sẽ làm giảm hiệu quả của một phương thức dạy học hiện đại, ưu việt.
Giáo viên tại TP.HCM thực hiện một buổi học trực tuyến – Ảnh: Đăng Nguyên
Theo tiến sĩ văn học Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên (GV) ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), học trực tuyến, online trên các phần mềm, trên truyền hình… là xu hướng dạy và học phù hợp với xu thế thời hiện đại, mở rộng khả năng tương tác, xóa bỏ những khoảng cách về không gian.
Dạy online càng trở thành một lựa chọn đặc biệt ưu việt trong thời dịch Covid-19. Tuy nhiên, thái quá sẽ bất cập, dục tốc sẽ bất đạt. Hình thức dạy học truyền thống dù đi tắt đón đầu cũng không thể một sớm một chiều chuyển sang online không bước đệm. Cho nên hiện tượng sai kiến thức, vụng kỹ năng, thiếu chuẩn mực trong các tiết học trực tuyến làm giảm hiệu quả của một phương thức dạy học hiện đại, ưu việt.
Lo ngại của tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết xuất phát từ việc hiện nay hầu như GV phải tự tìm tòi để dạy, chưa được tập huấn nhiều để quen thuộc dạy học từ xa (trực tuyến và truyền hình).
Là người tổ chức các lớp học miễn phí về dạy trực tuyến cho GV thời gian qua, tiến sĩ Vũ Thế Dũng, sáng lập và điều hành Thinking School, cho biết GV có nhiều cái khó vì các trường học không có nền tảng trực tuyến. Đưa tài liệu lên hệ thống, tạo phòng học tương tác trực tuyến hầu hết các trường tiểu học, phổ thông hiện nay không có, trừ một số trường lớn. Vì vậy, hiện nay GV cũng còn tâm lý đối phó, phân vân giữa việc dạy trực tuyến là chính hay dạy tạm để sau này dạy bù.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một giảng viên Trường ĐH Văn Lang, nơi thực hiện dạy học trực tuyến đã 5 tuần, cho biết: “Việc học online còn tùy môn học và giảng viên dạy. Môn học của tôi, sinh viên tham gia khoảng 90%, do tôi cũng áp dụng công nghệ nhiều và tăng cường kết nối lớp học. Tuy nhiên, với giảng viên lớn tuổi, việc dạy online kiểu này cũng có nhiều khó khăn. Học online ở Việt Nam hiện nay, hiệu quả tiếp thu của sinh viên sẽ không bằng cách học truyền thống vì sinh viên chưa quen tự học, tự đọc sách, nghiên cứu”.
Video đang HOT
Theo giảng viên này, muốn dạy trực tuyến hiệu quả, hệ thống e-learning của trường phải ổn. Bài giảng quay, phụ đề hoặc theo slide chỉ nên giảng (nói) trong khoảng 15 – 45 phút. Slide bài giảng nên có chữ ít, hình ảnh nhiều, thậm chí có thể làm clip sinh động để sinh viên dễ tiếp thu. Giảng viên cần tương tác chat, cửa sổ trò chuyện trên nền tảng chọn dạy trực tuyến với sinh viên để giải đáp câu hỏi, bài tập…
Chị Nguyễn An, đang làm việc tại một công ty tại Canada, cho biết chị có chứng chỉ dạy online của một tổ chức có trụ sở chính ở Anh, đã từng dạy online cho các nhân viên ở nhiều nước. Từ kinh nghiệm, chị thấy rằng dạy học online chỉ hiệu quả trong vòng 1 tiếng, quá thời gian đó cả người dạy và người học đều mệt, hiệu quả kém.
Chia sẻ về kinh nghiệm học trực tuyến của con mình, anh Vũ Thượng, phụ huynh có con học tại một trường phổ thông tư thục tại TP.HCM, cho biết: “Để tăng độ hiệu quả khi học online, bài giảng, nên ghi hình video trước. Cần khuyến khích học chủ động. Yêu cầu HS đọc trước sách giáo khoa, xem video bài giảng và chuẩn bị câu hỏi để hiểu bài học tốt hơn. Đầu giờ GV sẽ hỏi HS về nội dung đã tiếp thu được, các câu hỏi cần thảo luận và chỉ trả lời giảng lại những điểm còn khó hay chưa hiểu thấu đáo. Cần tăng cường hỏi đáp 1-1 với HS và nên đưa các câu hỏi nhỏ vào trong bài giảng. Đây là cách để tạm dừng, giảm sự nhàm chán, thu hút sự tham gia của người học cũng như giúp củng cố kiến thức đã thu nhận. Cũng cần yêu cầu HS giữ cấu trúc tiết học như ở trường với giờ học cộng thêm 10 phút nghỉ giải lao bắt buộc. Nên xen kẽ các giờ học văn hóa với các giờ học khác, học vận động, thể thao…”.
Bộ GD&ĐT nên ra đề minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay?
Khẳng định học qua internet, truyền hình chỉ là giải pháp tình thế, không đạt hiệu quả cao, một số học sinh, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, năm học "đặc biệt" này, Bộ nên có hướng dẫn giảm tải và ra đề minh hoạ để họ có cơ sở ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên công bố đề minh hoạ riêng cho kỳ thi năm nay
Không nên huỷ kỳ thi
Em Nguyễn Phương Nhung, học sinh lớp chất lượng cao, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, dù Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia lần thứ 2 đến giữa tháng 8 có vẻ hợp lý nhưng học sinh lớp 12 năm nay sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Nhung phân tích, trong thời gian nghỉ, học sinh có học online, truyền hình nhưng việc này không hiệu quả bằng nghe thầy cô giảng trên lớp. Có những bài học sinh không hiểu, cũng khó có thể hỏi, trao đổi được với giáo viên. Khi đi học trở lại là thời điểm tháng 7, thi THPT quốc gia vào tháng 8 thời tiết nắng nóng, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập.
Vì thế, Nhung cũng như các bạn mong muốn muốn Bộ sẽ giảm tải chương trình vì thời gian, chất lượng học cũng bị ảnh hưởng. Khi giảm tải nội dung, Nhung mong muốn Bộ có thể xây dựng đề minh hoạ riêng cho kỳ thi năm nay để học sinh bám vào đó ôn tập.
Cô Đoàn Khanh, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, việc lùi kỳ thi như năm nay đã hợp lý nhưng đến thời điểm này nhiều học sinh "kêu" học trực tuyến không hiệu quả như mong muốn. Học sinh sốt ruột, căng thẳng nên cô rất mong muốn trong bối cảnh đặc biệt, Bộ GD&ĐT có giải pháp cụ thể hơn.
Ví dụ như, năm ngoái học sinh phải học toàn bộ chương trình lớp 12, 1 phần lớp 11 thì nay nên giảm tải một phần ngay từ chương trình. "Tuy nhiên, Bộ phải có hướng dẫn cụ thể, bản thân giáo viên các nhà trường sẽ không có căn cứ nào lược bỏ, giảm tải phần nào trong chương trình, SGK", cô Khanh nói.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) nêu quan điểm, năm nay là năm học "đặc biệt" ngoài mong muốn, học sinh nghỉ học đã gần 2 tháng, dạy học truyền hình hay trực tuyến chỉ là giải pháp ứng phó. Do đó Bộ nên có tính toán để có điều chỉnh nhất định về nội dung, hình thức thi. Cụ thể, Bộ nên có đề minh hoạ để học sinh, các nhà trường yên tâm bám vào đó dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản.
Còn đề như năm ngoái đòi hỏi học sinh phải có đủ thời gian học và ôn tập mới đảm bảo chất lượng. "Đòi hỏi này xác đáng bởi Thủ tướng cũng đã chỉ đạo năm nay phải giảm tải cho học sinh. Các giải pháp học trên truyền hình, online hiện nay chưa đồng bộ giữa các địa phương nên học sinh các vùng miền sẽ thiệt thòi", ông Bình nói.
Vì sao nên công bố đề minh hoạ?
Cũng theo ông Bình, ông không đồng tình với những ý kiến cho rằng, nên huỷ bỏ kỳ thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp năm nay. Vì thời điểm từ nay đến kỳ thi không còn nhiều, có những thay đổi quá lớn sẽ gây xáo trộn không cần thiết cho nhiều người. Hơn nữa, chỉ có thi mới đánh giá được chất lượng học tập.
Còn Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), ông Nguyễn Xuân Khang đã gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ nên giữ 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bỏ 2 bài thi tổ hợp KHTN, KHXH (6 môn) như năm trước. Ngoài ra, nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Khang cũng chung quan điểm khi cho rằng, năm nay khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GD-ĐT chủ trương học sinh ôn tập thi căn cứ vào đề thi, đề minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia năm trước. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học "đặc biệt" này.
Trao đổi với PV, lãnh đạo 1 sở GD&ĐT cho rằng, trước đây, Bộ không thừa nhận kết quả dạy học trực tuyến nên địa phương chỉ đạo các nhà trường cho giáo viên giao bài tập, ôn tập kiến thức cũ. Thời điểm này, Sở cũng chưa triển khai được dạy học được trên truyền hình.
"Thực tế, không phải học sinh, phụ huynh nào cũng có tâm thế, ý thức cho việc học từ xa vì thế hiệu quả không cao", ông nói.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở này cũng cho rằng, hiện nay, ngay cả lịch nghỉ học của học sinh THPT cũng khác nhau, hàng chục địa phương cho nghỉ, cũng có nhiều địa phương tiếp tục học; việc dạy học trên truyền hình cũng chỉ mới thực hiện ở một số tỉnh, TP...dẫn đến chất lượng học không đồng đều mà trong bối cảnh dịch bệnh, địa phương khó tự chủ được.
Trước bối cảnh học sinh nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh, mới đây Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh chương trình khung năm học, lùi kỳ thi THPT quốc gia lần 2 đến 8-11/8. Theo kế hoạch trước đó, năm nay Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh hoạ mà yêu cầu học sinh, giáo viên bám đề thi, đề minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia 2019 để ôn tập.
Theo tienphong.vn
Dạy và học trực tuyến không phải để... vui là chính! Giáo viên chưa có kinh nghiệm, phụ huynh không biết sử dụng các thiết bị công nghệ, học sinh chưa có tinh thần tự học cao, các ứng dụng dạy học bị hạn chế... là những khó khăn gặp phải khi triển khai dạy học trực tuyến. Học sinh tại TP.HCM tham gia học trực tuyến, học qua truyền hình - Ảnh: Hoàng...