Dạy trẻ ngăn nắp, sạch sẽ
Nhiều phụ huynh đau đầu, mệt mỏi khi mỗi lần đi làm về thấy nhà cửa bừa bộn như bãi chiến trường. “Thủ phạm” không ai khác chính là lũ trẻ.
Cần tạo thói quen ngăn nắp và vệ sinh cho trẻ ngay từ bé – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chị Nguyễn Thúy Hiền (ở P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có 2 con trai sinh đôi 5 tuổi, chia sẻ: “Công việc trên cơ quan căng thẳng, về đến nhà lại gặp ngay bãi chiến trường của hai ông giặc con. Nào đồ chơi, sách vở, kẹo bánh, giày dép, la liệt khắp phòng khách cho tới phòng ngủ, bếp. Chân tay chúng thì ôi thôi, cứ như vừa đi tắm đất tắm cát ở đâu về. Mặc dù nói rát cả cổ họng, dùng cả roi để dọa nhưng bọn trẻ vẫn đâu vào đấy, không thể ngăn nắp và sạch sẽ hơn được”.
Đây chính là nỗi mệt mỏi của rất nhiều phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ suy nghĩ sai lầm rằng con nít thì bày bừa, dơ bẩn là chuyện đương nhiên, và người lớn sẽ giúp chúng dọn dẹp, rửa ráy. Chính vì thế, cha mẹ luôn làm thay cho con từ những việc nhỏ nhất – nguyên nhân dẫn đến việc trẻ sẽ trở nên thiếu ý thức về sự gọn gàng, sạch sẽ khi lớn lên.
Video đang HOT
Cô Lê Thị Thu Hồng (phụ trách lớp mầm 3, Trường mầm non Hoa Anh Đào, Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Ngay từ khi đi mẫu giáo, bé đã được nhà trường dạy cách giữ gìn vệ sinh và ý thức gọn gàng, ngăn nắp. Hằng ngày đến lớp, bé được cô cho tự rửa tay theo hướng dẫn và tự lau mặt, chải răng. Các bé sẽ biết phân biệt dép đi trong lớp học và đi trong nhà vệ sinh. Trước và sau khi ăn đều rửa tay sạch sẽ”. Cô Hồng cho biết thêm đến giờ chơi, trẻ luôn được cô nhắc nhở, hướng dẫn lấy đồ chơi ra, sau khi chơi xong phải cất đúng chỗ. Bé nào làm tốt sẽ được động viên bằng cách dán sổ bé ngoan và nêu gương trước lớp vào ngày cuối tuần.
Thế nhưng, có khi ở lớp thì trẻ rất ngoan, về nhà trẻ lại bướng bỉnh và cố tình quên các bài học trên lớp. Vì sao? Chị Lê Thanh Hòa (ngụ Q.3, TP.HCM) có con học lớp lá, lý giải: “Có lẽ vì cha mẹ chưa nghiêm, chiều chuộng con nên con ỷ lại, cứ chơi, cứ bày biện vì nghĩ đã có cha mẹ dọn. Kinh nghiệm của tôi ở nhà là luôn để trẻ phải biết tự thu dọn đồ đạc của mình, thay đồ ra tự bỏ vào giỏ, quần áo khô tự gấp cho vào hộc tủ theo đúng quy định. Đi học về thì giày tự bỏ vào tủ, cặp sách treo lên giá, sau đó vô phòng vệ sinh rửa chân tay, mặt mũi…”. Không những thế, chị Hòa còn lưu ý, cha mẹ mà sạch sẽ, ngăn nắp thì con cũng sẽ học theo.
Theo TNO
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Có những việc trẻ có thể làm được nhưng do cha mẹ cứ lo lắng, ôm đồm làm thay mọi việc khiến họ trở thành "gấu mẹ" của một thế hệ "gấu bông".
6 tuổi làm được, 9 tuổi lại không ?
Tập cho trẻ làm việc phù hợp với độ tuổi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cuối tuần, dù vợ chồng chị Lê Vân Quyên, nhân viên một ngân hàng quốc tế tại Việt Nam, ra khỏi nhà từ sớm nhưng không phải băn khoăn nhiều cho 2 con gái ở nhà. Khi em gái hơn 2 tuổi ngủ dậy, Chi Mai (6 tuổi) làm vệ sinh cá nhân, thay đồ cho em sau đó cùng ăn bánh, uống sữa. Ăn sáng xong, 2 chị em chơi trò chơi. Chị Vân Quyên dặn con: "10 giờ 30 Chi Mai cắm nồi cơm điện chờ 11 giờ mẹ về chế biến thức ăn cho bữa trưa". Ngoài ra, hằng ngày Chi Mai còn có nhiệm vụ rửa chén, thu và xếp quần áo còn em Hiền Anh thì dọn chén vào bồn, cất khăn ăn...
Trong khi đó, một phụ huynh than thở: "Hai con nhà mình, một cháu 8 tuổi, cháu 10 tuổi, lười quá. Quần áo đi học, đi đá banh về chúng rải từ tầng 1 lên tầng 4, suốt ngày mình phải đi nhặt để giặt. Thức ăn có xương không ăn, lớn như thế mà bố vẫn phải tắm cho đấy...". Có phụ huynh vẫn phải bóc tách trái nhãn, chôm chôm cho con đã 9 tuổi vì con không biết làm!
Còn một phụ huynh tại Q.1 đã từng điện thoại đến trung tâm tư vấn của Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM xin tư vấn cách dạy con. Phụ huynh này lo âu: "Nhìn thấy mẹ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi trần nhà cao, nguy hiểm vậy mà con trai tôi đang học THPT vẫn ngồi xem ti vi, không hề đứng dậy phụ giúp mẹ".
Mạnh dạn giao việc tùy theo sức của trẻ
Nhiều người cho rằng trẻ con ở nông thôn có ý thức tự giác đỡ đần việc nhà cho cha mẹ hơn trẻ con ở thành phố. Lý do một phần vì trẻ con nông thôn phải cùng cha mẹ lao động hằng ngày.
Gia đình chị Lê Vân Quyên thống nhất không thuê người giúp việc mà sẽ tự làm việc nhà và hướng dẫn con cái làm cùng. Chị Quyên cho biết: "Khi các cháu còn nhỏ thì khuyến khích các cháu làm những công việc nhỏ, đơn giản, hợp với thể lực và tư duy của trẻ như dọn dẹp đồ chơi khi chơi xong, lau bàn ghế, cất chăn màn, mang rác ra thùng... Lớn hơn một chút các cháu giúp mẹ những công việc phức tạp hơn như nhặt, rửa rau quả, quét, lau nhà, phơi, gấp, rút quần áo hay làm một số đồ ăn đơn giản như pha nước ngọt, làm sữa chua...".
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh giải thích: "Ngay từ 2 tuổi, trẻ thích làm theo người lớn nên hãy tập cho trẻ làm". Bà Linh hướng dẫn: Đến 5 tuổi tập cho trẻ thói quen ngồi bàn, học xong phải sắp xếp gọn gàng, thay đồ để đúng vị trí. 8 tuổi cho trẻ nấu cơm bằng nồi cơm điện nhưng phải đảm bảo an toàn, hướng dẫn kỹ năng xử lý thì lúc giao việc sẽ không cảm thấy lo lắng. Hãy phân công công việc tùy theo độ tuổi hay chọn một ngày trong tuần để cả gia đình cùng làm.
Ngoài việc biết giúp đỡ ba mẹ, tạo thói quen cho con làm việc nhà, tự lập còn có nhiều lợi ích khác. Bà Mỹ Linh nhấn mạnh: "Trẻ được rèn kỹ năng làm việc sẽ dễ hòa nhập cộng đồng hơn những trẻ chưa từng làm việc. Khi trưởng thành, biểu hiện rõ nhất là sẽ tự tin, biết cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc tốt hơn. Ngoài ra, không chỉ có ý thức tự lập sớm, biết chăm sóc bản thân mà trẻ còn biết quan tâm chăm sóc người khác".
Theo TNO
Dạy điều học sinh cần Bộ GD-ĐT cho 6 trường trong cả nước thí điểm "Phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông" để các trường chủ động thiết kế chương trình học phù hợp với học sinh. Giáo viên tự chủ thiết kế chương trình Học sinh Trường trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), một trong những trường thí điểm chương trình...