Dạy trẻ chưa biết chữ trước bằng… dọa dẫm?
Nhiều phụ huynh có những trải nghiệm vô cùng “thương đau” với quyết định không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Đó không chỉ là áp lực từ người thân trong gia đình mà đáng sợ hơn chính là “thái độ” của giáo viên.
Làm đúng cũng phải khóc
Con bị cô giáo la rầy trong khi tập đọc, tập viết, bố mẹ bị nhắc nhở, yêu cầu phải kèm cặp thêm… là những trải nghiệm không ít phụ huynh đã gặp phải khi lựa chọn không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Không phải là phổ biến vì thực tế hiện nay, số trẻ không học chữ trước khi vào lớp 1 rất ít. Phụ huynh được xem là “cá biệt” khi trong lớp chỉ mình con họ không học chữ trước.
Một lớp học chữ trước khi vào lớp 1 ở TPHCM.
Chị Trần Lệ Thủy, nhà ở Q.7, TPHCM cho biết, trước đây chị đã được nếm “mùi vị” khi có con chưa hề học viết, học đọc trước khi vào lớp 1. Khó khăn vì con chưa học chữ trước trong khi cả lớp các bạn đã biết viết, biết đọc vần đã đành nhưng căng nhất là từ giáo viên. Vào học được vào hôm, đi học về là con chị khóc, kể chuyện bị cô giáo cho ngồi ở góc lớp, gõ vào tay và chê, dọa đủ thứ. Mỗi lần chị đón con là cô giáo lại gặp chị than phiền là cháu không biết gì hết trơn, chậm, không bắt kịp nhịp học trong lớp.
Chị cũng liều nói với cô mình thực hiện theo quy định của Bộ, không học chữ trước nên bé chậm hơn là bình thường. Thế nhưng, chị nhớ như in khi chỉ mới đến trường được 2 tuần, cô giáo đã thản nhiên đánh giá: “Cháu học kém” kèm theo lời cảnh báo, thế này thì bé rất dễ bị đúp lớp, ảnh hưởng đến cô, đến trường, đến quận.
Cuối năm đó, con chị Thủy vươn lên nằm trong top đầu nhưng từ những trải nghiệm không mấy vui vẻ đó và xét nhiều yếu tố, chị chuyển sang trường quốc tế. Người mẹ này nói: “Giáo dục kiểu dọa dẫm con trẻ ngay từ những ngày đầu đến trường thì hỏi các em sẽ yêu thích việc học như thế nào?”.
Nhưng không phải ai cũng “cứng” như chị Thủy. Rất nhiều phụ huynh phải bật khóc trước áp lực từ giáo viên khi lựa chọn không cho con học chữ trước. Chị Phạm Nhọc Oanh, nhà P.3, Q. Bình Thạnh kể, ngày nào đi học con chị cũng bị la vì chưa biết viết chữ, mẹ thì bị cô gọi lên mắng vốn, nhắc nhở đủ kiểu, chị nghe chỉ biết gật. Dù biết quy định của ngành là không học chữ trước nhưng chị cũng không dám ý kiến lại.
“Cháu bị giao bài về nhiều nhất, giao theo kiểu cho những trẻ đã biết chữ. Về nhà, hai mẹ con tối nào cũng “đánh vật” để học chữ đến 10 giờ đêm. Nghĩ lại đến giờ tôi vẫn sợ, thấy thương con khi niềm vui đi học như mẹ tô vẽ không hề có”, chị Oanh nói. Sau này, con chị vẫn theo kịp nhưng chị phải thừa nhận gian nan và căng thẳng cho cả mẹ lẫn con. Đến đứa sau, chị cũng dự tính cho theo bước anh trai nhưng bị gia đình phản đối nên cháu đã học chữ trước.
May rủi tùy giáo viên
Nhiều phụ huynh cũng có những trải nghiệm khác nhau tùy thuộc rất nhiều vào cô giáo. Chị Đoàn Ngọc Phương, nhà Linh Đông, Thủ Đức cho hay, hai đứa con chị đều không học chữ trước nhưng tình cảnh lại trái nhau hoàn toàn. Cháu đầu vượt qua khá nhẹ nhàng khi gặp cô giáo đồng tình với việc trẻ không cần phải học chữ trước. Cô tận tâm, kiên nhẫn, không nóng lòng với thành tích dù con chị thuận tay trái.
Video đang HOT
Tiếp thêm động lực, đứa thứ hai chị không cho học chữ trước dù thời điểm đó, việc phải học chữ trước như là hiển nhiên. Nhưng lần này, họ không gặp may, hai mẹ con “tiêu điều” khi cô giáo của con là tổ trưởng khối 1, cô nói thẳng: “Chị nghĩ sao mà không cho bé đi học trước”. Và mấy tháng đầu, chị bị cô gọi nhiều nhất để nói đi nói lại về việc con chị không học chữ trước nên giờ khổ bao nhiêu người. Thậm chí, chị khóc trên đường sau khi cô giáo đề nghị chị lên lớp nhìn con mình viết.
Ngày đầu tiên đến trường của học sinh lớp 1 trở nên khó khăn hơn lúc nào hết vì việc học chữ trước hay không (ảnh minh họa)
Vấn đề từng được đặt ra, chương trình ở lớp 1 nặng, sĩ số đông nên giáo viên cực khó để có thể kèm cặp học sinh trong lớp chưa biết chữ theo kịp nội dung. Đối với lớp 1, việc để ổn định trật tự trong lớp đã là một bài toán không hề dễ dàng đối với giáo viên.
Bên cạnh đó, quản lý một trường học ở TPHCM đặt ra vấn đề, cũng cần xem lại cả chương trình học và phương pháp giảng dạy của lớp Lá (5 tuổi). Trong chương trình, phần Ngôn ngữ có nội dung “chuẩn bị cho học Đọc – Viết”. Nếu không vững vàng và thực hiện đúng mục đích yêu cầu thì giáo viên mầm non có thể đơn giản hóa nội dung này bằng cách dạy các cháu rèn chữ, đánh vần. Đa phần phụ huynh không nắm vững và cùng hỗ trợ nội dung này. Tiếp nữa, giáo viên lớp 1 lại xem việc các cháu biết đọc, biết viết trước là đương nhiên trên nền tảng số đông. Điều này kéo theo vấn đề luẩn quẩn.
Trước thực trạng cô giáo gây áp lực đối với trẻ chưa biết chữ trước, nhiều năm gần đây, trước khi bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT TPHCM đều không quên gửi văn bản cho tất cả các trường “nhắc nhở” và yêu cầu giáo viên không được phân biệt học sinh biết và chưa biết chữ. Ngành cũng nhấn mạnh, thời gian đầu tập trung vào việc hướng dẫn học sinh làm quen với lớp trước khi vào chương trình.
Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng hình thành tâm lý đối với việc học của trẻ, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý giáo viên tuyệt đối không dọa nạt, to tiếng làm học sinh sợ hãi và cần thường xuyên trao đổi hợp tác với cha mẹ học sinh về những trường hợp trẻ có biểu hiện sợ sệt, khóc nhè…, giúp học sinh tự tin và thích đi học.
Tuy nhiên, nhắc là nhắc, không ít giáo viên nghe rồi để đó và gây căng thẳng với phụ huynh, với trẻ không học chữ trước với đủ lý do. Chính điều này góp phần làm cho việc con trẻ vào lớp 1 của nhiều gia đình lẽ ra nhẹ nhàng, vui vẻ lại trở nên áp lực, căng thẳng.
Nghịch lý không thể chấp nhận nổi đang tồn tại là trẻ vào lớp 1 để bắt đầu học chữ, học viết lại phải biết chữ trước. Đã đến lúc tất cả mọi người cùng phải nghiêm túc nhìn lại, khắc phục để con trẻ không bị áp lực không đáng có ngay từ những ngày đầu đi học.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Bị gây áp lực vì không cho con học chữ trước khi vào lớp 1
Có nhiều phụ huynh kiên quyết không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 bị kỳ thị và bị chính những người thân trong gia đình gây áp lực.
Khổ sở ngăn con học chữ trước
Thời điểm này, mùa nhập học đang đến gần, ở nhiều nơi, các lớp học chữ trước khi vào lớp 1 lại sôi động hơn bất cứ lúc nào. Như ở TPHCM, các điểm dạy chữ trước nhan nhản khắp mọi ngóc ngách thường ở quy mô nhỏ lớp từ vài trẻ đến vài chục trẻ được cô giáo uốn nắn từng nét chữ.
Trong "cơn bão" học chữ trước khi vào lớp 1 ngày càng lan rộng này, có những phụ huynh đi ngược để bảo vệ con trở thành những người chống đối và gặp không ít áp lực từ người xung quanh, người thân trong gia đình.
Một lớp học chữ trước khi vào lớp 1 ở TPHCM
Không dám nhận mình là người tân tiến hay không chạy theo phong trào nhưng chị Lê Ngọc Ánh, nhà ở quận 11 luôn cố gắng bình thường hóa chuyện học hành của con nhỏ. Chị xác định, vào lớp 1, trước sau gì rồi con cũng biết viết, biết đọc nên không có gì phải vội, phải học chữ trước làm gì. Trong khi nhiều cháu nhỏ 4 - 5 tuổi đang "cày" miệt mài ở các lớp học chữ thì bé nhà chị vẫn còn tung tăng dù chỉ vài tuần nữa là vào lớp 1.
Con thoải mái bao nhiêu thì mẹ "đau đầu" bấy nhiêu. Suy nghĩ không cho con học trước của chị Ánh trái hẳn với bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều người cảnh báo chị, bé không biết chữ trước thì vào lớp 1 sẽ bị cô giáo phân biệt, không quan tâm và rất khó theo kịp bạn bè. Chị Ánh bác bỏ điều này thì bị cho là "tinh vi".
Nhưng áp lực lớn nhất là từ chính người thân trong gia đình. Nhiều năm nay, suy nghĩ của chị đã bị phản đối. Và càng căng thẳng từ đầu mùa hè này, khi con chuẩn bị vào lớp 1. Phải nói rằng, ngày nào ông bà nội cũng lôi ra nói, thậm chí là chửi bới "mẹ ngu dốt". Chị đưa các bài báo, các thông tin khoa học về việc không nên học chữ trước đều bị gạt đi vì "mấy đứa bằng cu Tin giờ đọc viết lèo lèo".
"Tôi đang làm điều bình thường cho con lại trở nên bất thường. Nhiều khi cũng tặc lưỡi, để con đi học cho xong nhưng nếu tôi đầu hàng thì chẳng khác nào biết hại con mà vẫn làm", chị Ánh nói.
Trong tình cảnh tương tự, những tháng qua, gia đình chị Nguyễn Ngọc Chín, ở P.16, Gò Vấp căng thẳng vì quyết tâm không cho con học chữ trước của chị. Chồng chị, ông bà nội và cả anh em họ hàng lắc đầu, phản đối việc con chị giữa tháng 8 này nhập học nhưng chưa biết viết, biết đọc.
Chị nói rõ lập trường, con sẽ không học viết, học đọc trước mà chờ vào lớp 1, không cần phải vội. Điều chị buồn lòng nhất là mọi người, có thể nói chị không được liền quay sang "miệt thị" bé Nấm. Ông bà chê, sau này đi học dốt nhất lớp, bị cô giáo ghét nhất lớp. Đến chồng chị cũng nói vợ "dở người" nên muốn biến con thành "người dở".
Người mẹ nghẹn ngào: "Con có thua kém thì cũng không do chưa biết đọc, biết chữ trước mà bởi thái độ, kỳ thị của mọi người". Chính điều này làm chị lo ngại, khi vào lớp con bị giáo viên phân biệt.
Không áp lực việc học với con, không đặt mục tiêu con phải bằng bạn bằng bè nên chị Trần Ngọc Hiền, ở Thủ Đức, TPHCM cũng xác định, học đến đâu, biết đến đấy. Mọi người xung quanh nói ra nói vào, chị đều lờ đi, cố gắng trì hoãn cho đến khi con vào năm học mới.
Thế nhưng, mới đây chị điếng người khi cậu con trai khóc lóc khổ sở vì ghét phải đi học chữ. Hóa ra, lâu nay, cứ vào sáng thứ 7, khi chị đi làm là chồng chị "lén" gửi con đến lớp học chữ tổ chức ở trong chung cư. Giờ chị mới biết, gần 2 tháng nay, lịch vui chơi, đi bơi sau giờ học của con chị đã "lén" chuyển thành lịch học chữ.
"Tôi đi làm về trễ nên ông bà đón cháu. Hóa ra, chồng tôi đã gửi con cho cô giáo dạy chữ ngay sau giờ học. Cháu học trễ, đọc chậm, viết chậm nên thường bị cô phạt ngồi riêng một góc để học nên giờ sợ lắm", chị Hiền nói như muốn khóc.
Giáo dục tạo ra, phụ huynh phải... đi dập lửa?
Nguyên trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, phong trào trẻ phải học chữ trước được "bình thường hóa" nhiều năm gần đây bắt nguồn từ chính ngành giáo dục. Trước đây, một số nơi tổ chức khảo sát đầu vào dựa trên cơ sở học chữ, toán đối với học sinh lớp 1 nên phụ huynh phải chạy theo, buộc phải cho con học chữ trước.
Bà cho hay, đến nay, việc học chữ trước được cảnh báo là nguy hại thế nhưng điều này đã ăn sâu trong tiềm thức của phụ huynh và cả giáo viên. Nhiều giáo viên cho rằng trẻ phải biết chữ trước khi vào lớp 1. Chính điều này, tạo áp lực lên con trẻ và phụ huynh. Chưa kể, phải nói đến nguyên nhân, chương trình học chưa thật sự phù hợp cũng tác động đến việc con trẻ phải biết đọc, biết viết trước, nếu không là "chạy" không kịp.
Trẻ bị áp lực phải biết đọc biết viết trước vì chương trình học và cả tư duy của giáo viên lẫn phụ huynh (Ảnh minh họa)
Không muốn con học chữ trước nhưng gánh đủ áp lực và cả nỗi sợ là tình cảnh của không ít phụ huynh. TS Nguyễn Khánh Trung (Giám đốc Trung tâm Emile Việt Education) chia sẻ, trong các buổi tọa đàm, tư vấn về giáo dục, ông gặp rất nhiều câu hỏi của phụ huynh liên quan đến việc học chữ trước khi vào lớp 1. Trong đó, nhiều phụ huynh biết là không nên học trước, họ thực hiện nhưng lại trở thành người đi ngược, lạc loài.
Theo TS Nguyễn Khánh Trung, trong điều kiện như hiện nay thì chính mỗi phụ huynh phải tạo ra sự thay đổi trước khi chờ hệ thống thay đổi. Họ phải tận dụng mọi cách để hành động, đấu tranh cho điều tốt đẹp của con và chắc chắn quá trình này sẽ gặp rất nhiều cản trở. Nhưng đó là điều mỗi phụ huynh cần phải làm vì biết sai mà im lặng thì chính con mình gánh hậu quả và không thể thay đổi việc sai đang được xem là bình thường.
Phụ huynh cần tìm cách đối thoại với người thân, đối thoại với cả giáo viên và quản lý nhà trường về quan điểm của mình để giảm tối đa các tác động lên con.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh đổ lỗi vì lý do này, lý do nọ nên buộc phải cho con học chữ trước. Như vậy, họ đã chấp nhận cái sai áp lên người con mình. Các chuyên gia giáo dục đều có chung khuyến cáo, việc học chữ trước là không cần thiết, gây nguy hại đến quá trình học tập lâu dài của con trẻ. Việc học là việc cả đời, cần tính bền vững, ai càng vội chạy sớm, đốt cháy giai đoạn thì càng dễ hụt hơi.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Mặt trái của lớp học thời hiện đại: Điểm số có thể tụt dù đã rất cố gắng Tác động của công nghệ có thể là cả trực tiếp lẫn gián tiếp, mà bạn không thể ngờ đến đâu. Ở thời đại của công nghệ, các lớp học cũng dần xa rời truyền thống mà được thay thế bằng rất nhiều công cụ hiện đại bổ trợ. Đặc biệt là với sinh viên đại học, họ được phép sử dụng laptop...