Dạy trẻ biết nói lời xin lỗi
Nếu bị ép nói xin lỗi khi chưa sẵn sàng, trẻ có thể ấm ức hơn và không thực sự biết cách đối diện với cảm xúc của bản thân.
Bài viết của tác giả Alice Hanscam trên Motherly chỉ ra sai lầm của nhiều phụ huynh trong cách dạy con.
“Nói xin lỗi đi!”.
“Con có vẻ không thật lòng muốn xin lỗi mẹ”.
“Bạn ấy sẽ không chơi với con nữa nếu con không xin lỗi ngay bây giờ”.
Những câu trên nghe rất quen thuộc. Đây là một chủ đề mà nhiều phụ huynh quan tâm. Chúng ta muốn trẻ cư xử đúng mực, đồng cảm và thể hiện lòng trắc ẩn đối với người khác, biết cách xin lỗi thật tâm. Thế nhưng khi bắt chúng phải nói lời xin lỗi, bạn có nghĩ mình đang đi đúng hướng?
Ảnh: Motherly
Tôi nghĩ ép trẻ xin lỗi đồng nghĩa với việc phụ huynh đang truyền đạt những điều sau:
- Mẹ cần con xin lỗi để mẹ cảm thấy khá hơn về những chuyện vừa xảy ra.
- Đây là cách chúng ta giải quyết rắc rối.
- Mẹ muốn con làm theo những gì mẹ nói.
- Con cần được mẹ chỉ cho cách cảm nhận và cư xử trước mọi chuyện.
- Mẹ là người có quyền (kẻ lớn hơn và mạnh hơn là kẻ thắng).
Video đang HOT
Có lẽ đó không phải thông điệp mà bạn thực sự muốn nói với trẻ. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần khuyến khích trẻ học cách đánh giá tình huống, cảm nhận từ bên trong và nói ra lời xin lỗi mà không phải do ai ép buộc. Hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ. Bạn cảm thấy thế nào sau khi xích mích với một người bạn, bản thân vô cùng ấm ức nhưng bị buộc nói lời xin lỗi? Có thể bạn sẽ thấy tổn thương, cô độc và bị hiểu nhầm, từ đó khoảng cách với người bạn kia càng lớn thêm.
“Con xin lỗi”, “Tớ xin lỗi” – Thực chất đó là những câu xuất phát từ nhu cầu của bố mẹ, không phải từ chính đứa trẻ. Bắt trẻ nói xin lỗi không giúp trẻ hiểu cảm xúc bản thân, lý giải cảm xúc và cách đối diện với nó. Để đạt được hiệu quả trong cách nuôi dạy con, bạn có thể làm theo những lời khuyên dưới đây.
1. Làm gương cho trẻ
Bạn hãy thành thật mỗi khi nói lời xin lỗi. Giọng nói và thái độ của bạn là những gì trẻ sẽ quan sát và bắt chước.
2. Xác định cảm xúc của người trong cuộc
Bạn hãy tưởng tượng, sau cuộc cãi vã đầy nước mắt giữa bạn và đứa con đang ở tuổi thanh thiếu niên, chồng bạn nói: “Anh biết chuyện này rất khó khăn. Anh sẽ ôm em một phút để em bình tĩnh lại nhé”. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Chắc hẳn nhẹ lòng hơn vì được thấu hiểu, quan tâm, từ đó dễ dàng nói lời ra xin lỗi với con vì đã quá nóng giận. Lời xin lỗi khi đó sẽ xuất phát từ tận đáy lòng.
3. Đưa ra những lựa chọn hoặc gợi ý
“Con có thể làm gì để giúp bạn đỡ buồn nhỉ?”.
“Khi nào con cảm thấy sẵn sàng để làm hòa, bạn ấy sẽ vui lắm đấy”.
“Con có muốn nói gì hay làm gì để bạn ấy biết là con thấy có lỗi không?”.
Lời nói nhẹ nhàng, nụ cười, việc chia sẻ một món đồ chơi hay ngồi bên cạnh bạn cũng là cách trẻ xin lỗi, không nhất thiết phải nói một câu rõ ràng khi chưa thực sự thoải mái.
Bạn cũng nên khen ngợi để khuyến khích trẻ: “Ồ, con thật tốt bụng khi tặng con gấu bông yêu thích cho bạn ấy. Bạn ấy chắc chắn sẽ cảm thấy khá lên đấy. Cách xin lỗi của con thật dễ thương”.
Như vậy, bạn đang giúp con tìm hiểu cách tạo dựng mối quan hệ lành mạnh. Dần dần, con sẽ tự giác nói lời xin lỗi do bản thân thực sự muốn thế. Một đứa trẻ cần nhiều thời gian để học hỏi và phát triển kỹ năng, do đó điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần nhớ khi nuôi dạy con là sự kiên nhẫn.
Thùy Linh
Theo VNE
Phụ huynh có nên xin lỗi trẻ?
Xin lỗi như thế nào để làm gương cho trẻ trong cách cư xử? Tình huống nào bạn không nên xin lỗi dù khiến trẻ không vui?
Tác giả Gia Miller chia sẻ trên Washington Post về quan điểm gây tranh cãi khi nuôi dạy con.
Khi một phụ huynh nói với tôi anh ấy tin rằng cha mẹ không bao giờ nên xin lỗi con cái, tôi không biết phải trả lời như thế nào. "Chúng ta là người lớn, và người lớn không nên xin lỗi trẻ em", anh nói. Ông bố này nghĩ lời xin lỗi là không cần thiết, ngay cả khi anh thực sự mắc lỗi. Tôi thì ngược lại, tôi thường xin lỗi các con để chứng minh rằng tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm, và khi làm sai, một lời xin lỗi chân thành là cần thiết.
Cuộc trò chuyện đó khiến tôi đặt câu hỏi về quyết định trước giờ của bản thân. Tôi có nên lúc nào cũng xin lỗi con hay không? Hay chỉ nên xin lỗi trong một số trường hợp nhất định? Và tôi có đang xin lỗi theo cách thích hợp không?
Ảnh: iStock
Tôi đã trao đổi với một số chuyên gia, họ tin rằng phụ huynh nên xin lỗi trẻ. Nhưng xin lỗi khi nào và xin lỗi như thế nào phụ thuộc vào từng tình huống và độ tuổi của trẻ.
"Phụ huynh nên làm mẫu nếu muốn trẻ cư xử đúng mực với bạn bè và những người lớn khác", Julia Colangelo, nhân viên công tác xã hội ở thành phố New York nhận định về hành vi xin lỗi trẻ.
Một lý do khác mà bạn cần quan tâm là những đứa trẻ biết cách nói lời xin lỗi chân thành sẽ có khả năng giải quyết tranh chấp trên sân chơi, kiểm soát nhiều tình huống trong những năm tháng hỗn loạn của tuổi thanh thiếu niên, xử lý tốt những rắc rối trong cuộc sống khi trưởng thành.
Các tình huống cần xin lỗi
Chúng ta đều từng quát tháo con cái. Chúng ta làm tổn thương cảm xúc của con. Chúng ta thậm chí còn vô tình làm hỏng một món đồ chơi hoặc đồ vật có ý nghĩa quan trọng với chúng. Đây là những tình huống bạn cần nói lời xin lỗi, ngay cả với trẻ mới biết đi.
Theo Lynn Zakeri, cựu nhân viên công tác xã hội ở trường tiểu học, phụ huynh nên xem lời xin lỗi như một cơ hội học tập dành cho trẻ. Nếu chúng ta nói xin lỗi một cách hợp lý, mỗi sai lầm chúng ta mắc phải có thể dạy cho trẻ nhỏ cách cư xử và chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
"Hãy giải thích rằng bạn đến đón con trễ vì bạn đã không lường trước chuyện bị kẹt xe, chứ không phải do kẹt xe. Bạn làm hỏng chiếc xe đồ chơi của trẻ vì bạn không quan sát cẩn thận, không phải do nó cản đường bạn. Thay vì đưa ra một cái cớ, những lời xin lỗi này giải thích tình huống xảy ra như thế nào, và bạn không cố ý làm tổn thương cảm xúc của trẻ", Zakeri gợi ý.
Vậy còn những lúc chúng ta mất kiên nhẫn và nóng nảy thì sao?
"Tôi chưa gặp bà mẹ nào chưa từng la hét với con khi bực tức hoặc khi vội vàng vì sắp trễ giờ. Nhưng đó không phải lỗi của trẻ. Khi đã yên vị trên xe, bạn nên xin lỗi vì đã quá nóng nảy, giải thích rằng cuộc họp sáng nay rất quan trọng nên mẹ cần đến đúng giờ. Mẹ sẽ cố gắng để lần sau nhắc con nhẹ nhàng hơn thay vì quát tháo", cô nói.
Thảo luận về cảm xúc sau lời xin lỗi sẽ giúp trẻ xác định và hiểu tâm trạng của người khác. Tuy nhiên, theo Julia Colangelo, cuộc thảo luận này có thể là thách thức với nhiều phụ huynh. Nếu cha mẹ không thoải mái khi chia sẻ cảm xúc với con, họ nên thực hành thường xuyên với bạn bè, vợ/chồng, hoặc viết ra một tờ giấy và suy ngẫm. Đối với trẻ, cô sử dụng "bảng cảm xúc" - tờ giấy gồm 25 khuôn mặt thể hiện cảm xúc. Trẻ có thể chỉ vào một khuôn mặt tương ứng với cảm xúc hiện tại, giúp phụ huynh biết cách bắt đầu cuộc trò chuyện.
Thường xuyên trò chuyện về cảm xúc từ khi con còn nhỏ sẽ khiến chúng tin tưởng bố mẹ hơn, sẵn sàng tìm đến chia sẻ nhiều chuyện khác trong tương lai.
Tuy nhiên, Amy McManus, nhà trị liệu ở Los Angeles khuyến cáo phụ huynh nên dùng lời xin lỗi ngắn gọn nếu con ở độ tuổi thanh thiếu niên. Lứa tuổi này thường có khoảng thời gian chú ý ngắn, đặc biệt là đối với cha mẹ. Chúng thường tức giận khi bạn làm điều gì đó mà chúng cho là sai, nhưng không đủ từ ngữ để diễn tả cảm xúc.
Sau khi xin lỗi ngắn gọn và chân thành, McManus khuyên phụ huynh đợi con phản hồi, dù đôi khi phải kiên nhẫn hơn bình thường. Sau đó, bạn hãy nói tiếp về cách sắp xếp để mọi việc trở nên ổn thỏa.
Các tình huống không cần xin lỗi
Một em bé mới chào đời, một cuộc ly hôn hay quyết định đi bước nữa là sự kiện lớn trong cuộc đời bạn mà không phải đứa trẻ nào cũng đón nhận. Vậy khi chúng tức giận vì quyết định của người lớn, bạn có nên xin lỗi hay không?
Câu trả lời là không. Đây là lựa chọn bạn đưa ra để cải thiện cuộc sống gia đình, và lời xin lỗi là không cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ nên thừa nhận cảm xúc của con và tạo cơ hội để xử lý từng vấn đề.
Bạn cũng nên trấn an chúng rằng mọi việc sẽ sớm ổn, và những cảm xúc tiêu cực là rất bình thường, như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nếu bạn xin lỗi, trẻ sẽ nghĩ đó là lỗi của bạn, do bạn mà chúng có những cảm xúc tiêu cực này. Thực tế, bạn không làm gì sai. Chúng chỉ đơn giản là bị tổn thương bởi sự lựa chọn của bạn.
Bằng cách không xin lỗi, bạn cũng dạy trẻ biết rằng có một số thứ không nằm trong tầm kiểm soát của chúng. "Tôi sẽ không bao giờ để các con nghĩ rằng cảm xúc giận dữ của chúng sẽ thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi không xin lỗi đối với việc tôi không có lỗi, nhưng tôi sẽ lắng nghe cảm xúc của các con. Tôi sẽ nói với chúng rằng tôi hiểu việc thay đổi là rất khó khăn và tôi sẽ luôn ở bên chúng trong chặng đường sắp tới", Zakeri cho biết.
Tương tự, bạn không nên thay mặt người khác xin lỗi hay bào chữa vì đã khiến trẻ thất vọng. Trong những trường hợp đó, vai trò của bạn là thể hiện sự đồng cảm. Đồng thời, bạn có thể nói rằng bản thân từng gặp chuyện tương tự, chia sẻ câu chuyện cá nhân và dạy con các kỹ năng đối phó với chuyện không vui.
Hãy gợi ý cho trẻ những việc có thể khiến tâm trạng chúng tốt lên, chẳng hạn hít thở sâu hay chạy bộ. Bạn cũng có thể thực hiện cùng trẻ.
Dù ở độ tuổi nào, bạn đều nên xin lỗi khi phạm sai lầm. Tuy nhiên, nếu không thật tâm nghĩ đến cảm xúc của người khác, lời xin lỗi của bạn sẽ không có ý nghĩa.
Thùy Linh
Theo VNE
Giải mã sức hút của trường THPT Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng Là một trong 40 trường THPT công lập của Hải Phòng, Trường THPT Trần Nguyên Hãn thuộc quận Lê Chân có trên 1.400 học sinh không chỉ nổi bật về thành tích dạy và học, còn gây sự chú ý trong cách rèn người. Từ lời xin lỗi trên kính xe ô tô Khi câu chuyện cậu học sinh đi xe đạp điện...