Dạy tốt, học tốt nhờ đồng thuận
Nhờ làm tốt công tác chuyên môn, Trường THCS Long Phước (xã Long Phước, huyện Long Thành) đã tạo được niềm tin, sự đồng lòng của phụ huynh, học sinh.
Việc phát huy được vai trò chủ động của giáo viên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Trường THCS Long Phước (xã Long Phước, huyện Long Thành). Ảnh: H. Yến
Từ chỗ có học sinh “rục rịch” chuyển trường khi áp dụng mô hình Trường học mới (VNEN), đến nay sĩ số học sinh của trường tăng gấp đôi sau 5 năm thực hiện mô hình này.
* Phát huy vai trò chủ động của giáo viên
Năm học 2015-2016, Trường THCS Long Phước bắt đầu thực hiện mô hình VNEN. Thời điểm đó đã có nhiều thông tin trái chiều về mô hình này nên tâm lý e ngại, lo lắng của cả phụ huynh lẫn giáo viên là điều không tránh khỏi. Ban đầu, một số phụ huynh phản đối áp dụng, đòi chuyển trường cho con đi nơi khác… Để đạt được sự đồng thuận của tập thể sư phạm nhà trường và phụ huynh, Trường THCS Long Phước đã tổ chức đối thoại giữa nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương, đồng thời cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Thành nhận xét: “Trường THCS Long Phước là một trong những đơn vị làm rất tốt công tác chuyên môn. Trường cũng phát triển tốt lĩnh vực mũi nhọn là bồi dưỡng học sinh giỏi. Với cách làm việc tích cực, năng động của hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên, trường còn làm rất tốt hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là chăm lo cho học sinh nghèo”.
Theo đó, trường yêu cầu giáo viên chủ động biên soạn chương trình dạy học theo chủ đề để phù hợp với thực tế mà không nhất thiết phải theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT. Sau giờ học chính khóa, nếu còn có học sinh không hiểu bài thì giáo viên có trách nhiệm phải dạy phụ đạo cho đến khi học sinh hiểu bài mới thôi. Với rất nhiều nỗ lực, chất lượng giáo dục của trường đã được khẳng định ngay trong năm đầu tiên thực hiện mô hình VNEN.
Từ chỗ sĩ số toàn trường chỉ 780 học sinh, những năm học tiếp theo, phụ huynh đăng ký cho con vào trường này ngày càng đông. Đến nay, toàn trường có hơn 1.400 học sinh, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2019 là lần đầu tiên “lứa học sinh VNEN” của trường dự thi. Kết quả, 100% học sinh dự thi đều đậu, trong đó có 1 học sinh đạt điểm thủ khoa của huyện. Đó là những minh chứng rõ nét nhất về chất lượng dạy học của nhà trường.
Ông Cao Văn Quế, Hiệu trưởng Trường THCS Long Phước cho biết: “Bằng việc tự soạn giáo án dạy học theo chủ đề, vai trò chủ động của giáo viên ngày càng thể hiện rõ nét. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên tăng cường hoạt động trải nghiệm – sáng tạo cho học sinh. Không gian lớp học được mở rộng, nhiều giờ học đã được tổ chức ở ruộng lúa, vườn cây… thay vì chỉ bó buộc trong 4 bức tường”.
Video đang HOT
* Trường học không rác thải nhựa
Ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn, Trường THCS Long Phước còn tổ chức nhiều phong trào, hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là công tác chăm lo cho học sinh nghèo. Riêng trong năm học 2018-2019, trường đã tặng 25 xe đạp, 40 bộ quần áo mới, sách vở và học bổng trị giá hơn 60 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, cá nhân thầy Hiệu trưởng Cao Văn Quế tặng 7 suất quà tết cho học sinh nghèo, mỗi phần quà gồm: 50kg gạo, 1 triệu đồng và các nhu yếu phẩm.
Mới đây, Trường THCS Long Phước đã phát động phong trào Trường học không rác thải nhựa. Đây là hoạt động nhằm chung tay bảo vệ môi trường. Theo đó, giáo viên, học sinh của trường được khuyến khích hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Cả thầy và trò nhà trường cũng được yêu cầu không mang các loại đồ dùng nhựa sử dụng một lần vào khu vực trường học.
Em Nguyễn Vũ Ngọc Minh, học sinh lớp 7/7 Trường THCS Long Phước cho hay: “Ngoài hoạt động dạy học bình thường, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho chúng em tham gia. Trong đó, em thích nhất là những hoạt động bảo vệ môi trường như: làm nhà mô hình từ ống hút, dùng chai nhựa làm chậu trồng cây… Đặc biệt là phong trào Trường học không rác thải nhựa mà nhà trường mới phát động”.
Sau 2 tuần triển khai, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của giáo viên, học sinh. Để làm được điều này, nhà trường đã đưa vào tiêu chí thi đua, nhất là trong thi đua hằng tuần của các lớp. Trường cũng thông báo đến phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Vì vậy, chương trình nhận được cả sự ủng hộ, đồng thuận của phụ huynh.
Cô Cao Thị Ngoan, giáo viên Tổng phụ trách Đội cho biết, sau 3 tuần phát động phong trào, đến nay gần như 100% học sinh của trường không vi phạm. Trường THCS Long Phước cũng là trường học duy trì hoạt động lao động của học sinh. Ngoài việc tự trực nhật phòng học, các lớp còn phân công dọn vệ sinh sân trường. Nhờ đó, khu vực Trường THCS Long Phước luôn được giữ gìn sạch sẽ.
Với tinh thần đoàn kết vì học sinh thân yêu, Trường THCS Long Phước không chỉ đảm bảo tốt hoạt động chuyên môn mà còn đạt được nhiều thành tích trong các phong trào thi đua. Tính đến thời điểm hiện tại, trường đã 4 năm liên tục là tập thể Lao động xuất sắc, 3 năm liên tục được tặng Cờ thi đua xuất sắc cấp tỉnh. Đặc biệt, 6 năm liền, Chi bộ nhà trường đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Hải Yến
Theo baodongnai
Giáo dục Nhật Bản: Thứ hạng vẫn đứng xa so với kỳ vọng
Năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm đưa ít nhất 10 trường đại học (ĐH) nước này nằm trong top 100 tổ chức giáo dục (GD) tốt nhất thế giới trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Nhật Bản vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đạt được kết quả như mong muốn.
Trường ĐH Tokyo, Nhật Bản
Chặng đường dài phía trước
Mặc dù, chính phủ Nhật Bản nỗ lực cải cách nền GD, bao gồm việc tạo ra quỹ 7,7 tỷ yên (982 triệu USD) cho các trường ĐH, tháng trước, kết quả từ Bảng xếp hạng ĐH quốc tế thế giới (THE) 2020 cho thấy, chỉ có 2 trường ĐH Nhật Bản lọt top 200 các trường có chất lượng tốt trên thế giới. Con số này thậm chí còn thấp hơn so với năm 2013, khi có tới 5 trường của Nhật Bản nằm trong top 200.
Theo bảng xếp hạng này, Trường ĐH Tokyo đứng ở vị trí thứ 36, ngang hàng với Trường ĐH King London. Trường ĐH Kyoto chỉ khiêm tốn ở hạng 65, sau Trường ĐH Quốc gia Seoul. Mặc dù có tổng cộng 604 cơ sở GDĐH, nhưng thứ hạng thấp của các trường tại Nhật Bản đang là một vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm. Chia sẻ với SCMP, 5 chuyên gia GD Nhật Bản nhận định, nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu sót trong việc kết hợp đổi mới tiếng Anh, tài trợ ĐH và quốc tế hóa.
Bảng xếp hạng của THE đánh giá các trường theo 5 yếu tố: Giảng dạy hoặc môi trường học tập; Nghiên cứu, cả về khối lượng, thu nhập và danh tiếng; Thành quả được công nhận; Triển vọng quốc tế, đối với cả nhân viên, SV, nghiên cứu; Thu nhập của ngành. Mỗi hạng mục sẽ được tính điểm riêng và sau đó được cộng lại với con số tối đa là 100.
Ông Yasushi Matsunaga, GS về chiến lược nghiên cứu tại Trường ĐH Waseda nhận định, tại Nhật Bản, phần lớn các nghiên cứu vẫn được xuất bản bằng tiếng Nhật và chỉ có một số học giả người nước ngoài có thể hiểu được. "Trong các lĩnh vực khoa học như kỹ thuật, nghiên cứu hầu hết được viết bằng tiếng Nhật. Điều này cũng xảy ra tương tự trong ngành khoa học xã hội, do nghiên cứu được đánh giá bằng tiếng Nhật", ông Matsunaga nói.
Nhà lãnh đạo THE, ông Phil Baty cho biết, nhiều ý kiến khuyến nghị rằng, bảng xếp hạng nên dựa trên nhiều tiêu chí khác, chẳng hạn như số cựu SV thành công, hoặc các khía cạnh xã hội dựa trên số lượng người nhận học bổng và trợ cấp. Tuy nhiên, ông Baty cho rằng, tiêu chí chung vẫn là yếu tố tốt nhất.
Lý giải nguyên nhân
Ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Trường ĐH Temple Nhật Bản cho biết, mặc dù các trường phải tăng số lượng nghiên cứu bằng tiếng Anh, nhưng các học giả hầu như không có động lực để thực hiện điều đó. Cũng theo ông Kingston, các công ty công nghệ Nhật Bản như
Softbank và Sony là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trên toàn quốc. "Các công ty này vẫn cạnh tranh và có động lực để làm như vậy, trong khi các trường ĐH là bộ máy được điều hành bởi các quản trị viên không chú trọng vào nghiên cứu học thuật", ông khẳng định.
Một vấn đề khác lý giải cho nền GD không có sự đột phá của Nhật Bản là thiếu công quỹ. Năm 2016, chính phủ Nhật Bản chỉ sử dụng 1,6% chi tiêu dành cho GDĐH - một trong những mức thấp nhất trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khi con số trung bình là 2,9%. "Chính phủ đầu tư rất ít vào GDĐH mà vẫn hy vọng các tổ chức này sẽ leo lên thứ hạng cao", ông Kingston bức xúc cho biết.
Trong khi đó, PGS Yuto Kitamura tại Trường ĐH Tokyo nhận định, các cơ sở GDĐH tại Singapore có điểm số triển vọng quốc tế rất cao vì nền GD của quốc gia này có sự đa dạng văn hóa hơn Nhật Bản. "Chắc chắn là các trường Singapore sẽ không chỉ có người học là công dân Singapore. Tuy nhiên, điều này không thể áp dụng cho ĐH Tokyo", PGS Kitamura chia sẻ
Theo báo cáo của "Tổ chức xúc tiến và hỗ trợ các trường tư thục Nhật Bản", trong năm 2018, có tới 40% trường CĐ, ĐH tư thục không thể đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh do chính phủ đề ra. Mặc dù số liệu từ Tổ chức Dịch vụ SV Nhật Bản cho thấy, số lượng SV quốc tế đã tăng 77,8% từ năm 2013 - 2018, nhưng hầu hết những người này đều đến để học tiếng Nhật. Trong số 298.980 SV nước ngoài đến Nhật Bản trong năm 2018, chưa đến 30% người ghi danh vào các trường ĐH địa phương.
Connie Look đến từ Mỹ - cựu SV của Trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo cho biết, nền GD Nhật Bản cần có sự sáng tạo hơn. "Giáo viên chỉ dạy tiếng Anh dựa trên sách giáo khoa và SV học theo giống như người máy. Chúng ta cần phải nghĩ xa hơn sách giáo khoa và bài kiểm tra. Đó là những gì Nhật Bản đang thiếu", cô Look chia sẻ.
Phát biểu với truyền thông, ông Kingston cho rằng, hầu hết tổ chức GD Nhật Bản chưa sẵn sàng thực hiện những công việc cần thiết để tăng thứ hạng. "Họ cần tuyển nhiều SV và nhà nghiên cứu nước ngoài cũng như chú trọng hơn vào thành tích", ông khẳng định.
Một số học giả Nhật Bản nhận định, thay vì chạy theo các bảng xếp hạng quốc tế như THE, các trường ĐH Nhật Bản nên chú trọng vào việc tham gia các bảng xếp hạng khu vực và đặc thù của ngành. "Có rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu đang phải đối mặt với tình trạng tương tự ở các quốc gia không nói tiếng Anh. Tôi nghĩ chúng ta có thể tạo ra bảng xếp hạng của riêng mình", GS Matsunaga nhấn mạnh.
Vân Huyền
Theo SCMP/GDTĐ
Cần sự tinh tế và trải nghiệm để tìm ra "hồn cốt" của bộ sách Câu chuyện làm thế nào để chọn được các bộ SGK tốt, phù hợp mới mục tiêu phát triển năng lực của người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đang là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm. Từ năm 1981 đến nay, Việt Nam đã trải qua hai lần đổi mới sách giáo khoa (SGK). Lần đổi...