Dạy tích hợp sẽ quá tải hơn?
Dạy tích hợp là một trong những giải pháp được Bộ GDĐT đưa ra trong Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhằm giảm tải số môn học. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại dạy tích hợp sẽ làm chương trình giáo dục càng quá tải hơn.
Giảm về lượngTheo kỳ vọng của đề án, sau năm 2015 dạy học theo phương án tích hợp và phân hoá sẽ giảm một nửa số môn học so với hiện tại. Theo đó, bậc tiểu học giảm từ 11 môn và 3 hoạt động xuống còn 3 – 6 môn; bậc THCS giảm từ 13 môn 4 hoạt động xuống còn 8 môn 4 hoạt động; bậc THPT giảm từ 13 môn 5 hoạt động xuống còn 3 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Chương trình tích hợp sẽ giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không phải học cùng lúc quá 8 môn”. Cũng theo ông Hiển, khi dạy tích hợp giáo viên sẽ tổ chức hướng dẫn để học sinh biết huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết nhiệm vụ học tập. Thông qua đó, sự hình thành kiến thức, kỹ năng mới sẽ được phát huy, đồng thời năng lực giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn sẽ tự đến với học sinh.
Tiết học tích hợp 2 môn hoá – sinh theo chủ đề “Phân bón hoá học” tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội)
Kiến thức vẫn thế
Tại buổi học bằng phương pháp tích hợp 2 môn hoá – sinh với chủ đề “Phân bón hoá học”, học sinh lớp 9B khối THCS thuộc Trường Thực nghiệm (Hà Nội) đã được chia làm 4 nhóm với 4 nội dung xoay quanh chủ đề các loại phân bón hoá học. Học sinh tự tìm hiểu và thuyết trình về kali, lân, đạm… bằng hình ảnh trình chiếu, các sơ đồ, bảng biểu… phân tích thành phần hoá học, cơ chế tác động lên cây trồng, đồng thời hiệu quả khi sử dụng phân đạm và cách sử dụng khi bón cho từng loại cây trồng. Sau khi trình bày, giáo viên cho học sinh trong lớp tự đánh giá và rút ra kiến thức tổng hợp của môn học, trải nghiệm thực tế bằng video clip nói về tác động của phân bón hoá học lên cây lúa ở vùng ĐBSCL…
Video đang HOT
Ông Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, giảm số môn không đồng nghĩa với giảm tải vì thực chất tích hợp là kết hợp kiến thức để học sinh tốn ít thời gian hơn nhưng được nhiều thông tin hơn, như vậy thực ra là… tăng tải.
Giáo viên giảng dạy tiết học cho biết: “Chỉ trong 1 tiết học nhưng học sinh đã được trang bị kiến thức của cả 2 môn hoá và sinh học, kiến thức rất thực tế, ít hàn lâm nên học sinh nhanh hiểu bài”. Tuy nhiên, giáo viên này cũng cho biết, để có được một tiết học tích hợp như thế cả thầy và trò đã phải “làm việc” cật lực. Giáo viên đòi hỏi phải am hiểu sâu kiến thức 2 môn, học sinh phải chuẩn bị bài rất cầu kỳ.
Nói về phương pháp dạy tích hợp, cô Đỗ Thị Hà- giáo viên một trường tiểu học tại TP.Vinh (Nghệ An) cũng cho rằng: Hiện giáo viên nói đến dạy tích hợp còn rất e ngại, bởi tích hợp đồng nghĩa với việc giáo viên phải dạy 2 – 3 môn trong 1, lượng kiến thức vẫn thế nhưng làm thế nào để cắt, giảm mà vẫn phải đủ, không thừa, không thiếu. Đối với những giáo viên đã quen với việc giảng dạy truyền thụ đơn thuần nhiều năm nay để thay đổi họ là điều không hề dễ.
TS Hồ Văn Hoành – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam thì cho rằng: “Để dạy tích hợp đòi hỏi phải thay đổi tư duy và năng lực giáo viên là điều đầu tiên, giáo viên ngoài việc phải “đa di năng” về kiến thức phải biết cách truyền thụ theo phương pháp mới để học sinh không bị quá tải bởi lượng kiến thức khổng lồ được tích hợp. Tiếp đó là thay đổi chương trình sách giáo khoa cho phù hợp với từng môn học để có thể hỗ trợ được giáo viên trong việc giảng dạy”.
Theo TNO
Phát triển tiềm năng mỗi cá nhân
Theo đại diện ban soạn thảo đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" của Bộ GD-ĐT, nét mới trong tư tưởng của đề án là nhấn mạnh vào việc giáo dục, đào tạo từng cá nhân. Dự kiến ngân sách cho giáo dục tăng đáng kể.
Mục tiêu của đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" là phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hôm qua, ban soạn thảo đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" của Bộ đã chia sẻ với báo giới một số nội dung cơ bản của dự thảo. Kể từ sau Hội nghị T.Ư 6 (tháng 12.2012) đến nay, Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để lấy ý kiến hoàn thiện đề án. Mới đây, ngày 29.8, Bộ Chính trị đã nghe và cho ý kiến. Hiện dự thảo đề án đã hoàn thành và Ban Cán sự Đảng bộ đang chuẩn bị trình lên BCH T.Ư Đảng.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Mục tiêu tổng quát của đề án là tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế. Theo đó, việc giáo dục con người được xác định là toàn diện, có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, có khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả - thực học, thực nghiệp. "Trước đây, trong mục tiêu đào tạo con người, chúng ta rất nhấn mạnh mục tiêu đào tạo thế hệ. Lần này đề án vừa nhấn mạnh mục tiêu đào tạo thế hệ, vừa phát triển cá nhân con người, làm sao để mỗi cá nhân con người phát triển tốt nhất tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước", ông Bùi Mạnh Nhị, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GD-ĐT chia sẻ.
Mục tiêu này phù hợp với quan điểm chỉ đạo là chuyển phát triển giáo dục chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, vừa đáp ứng yêu cầu số lượng theo nhu cầu nhân lực của xã hội. "Trước đây ta nghiêng về số lượng, bây giờ ta đặt chất lượng lên hàng đầu", ông Nhị khẳng định.
Chi cho giáo dục tối thiểu đạt 20% tổng chi ngân sách
Một trong những giải pháp và nhiệm vụ quan trọng đề cập trong đề án là đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục.
Theo đó, ngân sách chi cho giáo dục tối thiểu đạt 20% tổng chi ngân sách. Nhà nước bảo đảm đủ kinh phí đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục. Ngân sách nhà nước đóng vai trò quyết định cho giáo dục phổ cập. Tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tỷ lệ chi cho lương và phụ cấp theo lương không quá 75% tổng kinh phí chi thường xuyên hằng năm.
Ở bậc ĐH, mức chi tất cả các nguồn cho một sinh viên/năm tiến tới tối thiểu bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm. Ông Nhị so sánh: Năm 2003, mức chi này so với mức thu nhập bình quân đầu người/năm ở khối các nước OECD là 1,6 - 1,7; Mỹ 2,9; Canada 2,4; Hàn Quốc 2,6; Đài Loan 2; Nhật 1,3, Trung Quốc 0,8. "Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định, mức chi tối thiểu cho một sinh viên đại học/năm bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm thì mới có chất lượng. Hiện nay, mức chi bình quân này ở Việt Nam mới chỉ đạt 0,5", ông Nhị cho biết.
Xóa bỏ phòng học tạm, thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật giáo dục, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin cũng là một trong nhiều nhiệm vụ được đặt ra trong gói giải pháp này. Phải làm sao để đảm bảo đến năm 2020 số học sinh/lớp không vượt quá quy định của từng cấp học. Nhà nước phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ để có đủ "đất sạch" cho việc xây dựng trường, quản lý nghiêm nhặt không để đất quy hoạch cho xây trường sử dụng vào mục đích khác.
Thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm
Ở bậc mầm non, đề án xác định hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và thực hiện miễn học phí trước năm 2020 cho đối tượng này. Với giáo dục phổ thông, ngành GD-ĐT sẽ xây dựng mới chương trình cho giai đoạn sau năm 2015, bảo đảm cho học sinh kết thúc lớp 9 phải có tri thức phổ thông nền tảng, cơ bản; học sinh THPT phải được tiếp cận nghề nghiệp và được chuẩn bị tốt cho giai đoạn học sau phổ thông. Đặc biệt, cả nước sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020, đồng thời nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương. Cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông vẫn giữ 12 năm như đang áp dụng. Hệ thống giáo dục phổ thông chủ yếu là loại hình trường công lập; đồng thời khuyến khích xã hội đầu tư phát triển các trường chất lượng cao. Trong giáo dục nghề nghiệp và ĐH sẽ phát triển song song loại hình trường công lập và ngoài công lập; tăng cường vai trò trường ngoài công lập, bao gồm cả các trường chất lượng cao. Sẽ có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư.
Kết quả tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh ĐH
Theo ông Bùi Mạnh Nhị, trong 9 nhiệm vụ và giải pháp mà đề án đề xuất, có thể coi đổi mới tư duy giáo dục, quản lý giáo dục, trong đó có chính sách, cơ chế tài chính và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là các giải pháp then chốt; đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá là khâu đột phá. Cụ thể, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy; sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ĐH. Còn phương thức tuyển sinh ĐH đổi mới theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục sẽ phải chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, "học tủ".
Theo TNO
Chuyên gia Pháp 'chấm điểm' nền Toán học Việt PGS.TS Hamid Chaachoua, viện Nghiên cứu LIG, ĐH Grenoble 1 - Pháp đã có trao đổi cũng như những đề xuất của ông cho sự phát triển Toán học ở Việt Nam. PGS.TS Hamid Chaachoua, Viện Nghiên cứu LIG, ĐH Grenoble 1 - Pháp tại hội thảo quốc tế Pháp - Việt về Didactic Toán học. Học sinh phải cố gắng nhiều -...