Dạy sinh viên phản biện, bứt phá
Tiến sĩ Đỗ Đình Thuấn cho biết anh luôn tìm cách biến điều khó hiểu thành dễ hiểu, hàn lâm thành bình dân; khuyến khích sinh viên sáng tạo, bứt phá khỏi giáo trình.
Tiến sĩ (TS) Đỗ Đình Thuấn – Quả cầu vàng 2015 – giảng viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, đã đoạt hàng loạt giải thưởng như Quả cầu vàng 2015, huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo 2015, có giấy chứng nhận đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần 2, giấy chứng nhận vinh danh nhà khoa học trẻ đóng góp xuất sắc khoa học 2013.
Anh là tác giả của 16 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế và trong nước; 23 bài báo đăng trên các kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế; chủ trì 4 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp… Giảng viên trẻ, tài năng và đam mê nghiên cứu khoa học này đang hàng ngày truyền đam mê của mình cho sinh viên.
Giỏi toán, mê văn, ham đọc sách
TS Đỗ Đình Thuấn từng học lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên), từ lớp 4 đến lớp 12. Tuy nhiên, từ lớp 7 trở đi, anh lại là học sinh giỏi nhất lớp về môn văn.
“Có lúc tôi từng nghĩ sau này mình sẽ trở thành nhà văn, nhà báo vì văn chương dường như sẵn có trong người, rất tự nhiên” – anh nhớ lại.
Giảng viên 36 tuổi cho biết anh thích các thể loại thơ, truyện ngắn súc tích, có tính logic cao. Tuy nhiên, với các môn khoa học tự nhiên, anh lại có niềm đam mê khám phá. Vào những năm 1990, ngoài sách giáo khoa, sách toán nâng cao, tham khảo rất ít ỏi.
Video đang HOT
Hàng tuần, anh thường đạp xe đến nhà sách nhỏ trong chợ tìm mua sách. Mỗi khi tìm được cuốn sách hay, anh rất háo hức. Vào các năm lớp 5, lớp 9, lớp 12, Thuấn đều thi học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh.
Kỷ niệm mà TS Thuấn nhớ nhất, cũng là bước ngoặt để cậu học sinh nghèo quyết tâm theo đuổi con đường khoa học, là năm lớp 10. “Một ngày nọ, tôi nhận ra rằng xưa nay mình toàn giải toán, tại sao không tự nghĩ ra các bài toán? Sau hôm đó, tôi về tư duy một tập sách gồm hơn 100 bài do mình tự nghĩ ra và thử viết vài bài toán trong số đó.
Khoảng 6-8 tháng sau, tôi vô tình đọc được trên tạp chí bài toán tương tự do một PGS nổi tiếng trình bày. Từ đó, tôi xác định mình sẽ theo con đường tự nhiên, khoa học. Khả năng văn chương cũng giúp tôi rất nhiều trong cách diễn đạt khi giảng dạy, làm luận án sau này” – TS Thuấn tiết lộ.
Tiến sĩ Đỗ Đình Thuấn nhận Quả cầu vàng 2015. Ảnh: Người Lao Động.
Không phải nghiên cứu khoa học là nghèo
Có lẽ ít ai biết trước khi trở thành Trưởng Bộ môn Điện tử viễn thông ĐH Tôn Đức Thắng năm 2011, TS Đỗ Đình Thuấn từng làm qua công việc ngoài giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp ĐH, anh đầu quân vào một tập đoàn viễn thông. Do đã có kinh nghiệm làm việc thực tế hơn 6 năm cộng với nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, anh biết được sinh viên cần gì nhất khi ra trường, từ đó viết giáo án sinh động hơn.
Quan điểm của giảng viên này là biến điều khó hiểu thành dễ hiểu, hàn lâm thành bình dân. “Trong giờ học, tôi chiếu clip, minh họa bằng tranh ảnh, cố gắng để sinh viên thấy được hệ thống, quy trình làm việc của một đơn vị viễn thông” – anh nói.
Hiện nay, TS Thuấn là Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật máy tính và Viễn thông ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Ngoài giờ dạy, anh viết sách, nghiên cứu, sáng chế và được các tập đoàn, viện nghiên cứu nước ngoài đề xuất hợp tác, nghiên cứu và triển khai.
“Tôi phải thuyết phục cho sinh viên thấy không phải cứ làm khoa học là nghèo. Ngoài đam mê, đây cũng là nghề kiếm tiền như bao ngành đang “hot” trong xã hội” – anh khẳng định.
TS Đỗ Đình Thuấn lập Nhóm nghiên cứu thông tin vô tuyến (WICOM) hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ĐH; thực hiện các nghiên cứu, công bố các bài báo quốc tế chuẩn ISI với mục tiêu hỗ trợ học viên dễ dàng xin học bổng du học sau này.
Anh hy vọng mô hình nhóm nghiên cứu này sẽ phát triển mạnh trong các ĐH ở Việt Nam sắp tới và tiến tới có những nhóm nghiên cứu mạnh tương đương các ĐH uy tín nước ngoài.
Điều trăn trở của TS Thuấn là hiện nay, đất nước ta chưa có nhiều sáng chế mà chỉ sản xuất theo công nghệ nước ngoài. Trong khi đó, sinh viên du học thì tràn lan ở tất cả các ngành do lý tưởng hóa nền giáo dục nước ngoài dù có ngành ở nước ta đào tạo không thua các nước trong khu vực.
“Tôi dạy sinh viên theo hướng thiên về phát triển tư duy hơn là học thuộc kiến thức một cách máy móc, nghĩa là luôn khuyến khích các em dũng cảm trình bày ý tưởng, bứt phá khỏi giáo án, thậm chí không trùng khớp với quan điểm của thầy cô” – anh bày tỏ.
Góp phần giảm ùn tắc giao thông
Nói về đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình xử lý dữ liệu thuê bao mạng di động cho định tuyến phương tiện giao thông ở TP HCM” 2015-2016, TS Thuấn cho rằng anh rất tự hào và tâm huyết. Đây là giải pháp hỗ trợ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông
ở TP HCM, cung cấp cơ sở dữ liệu cho Sở Giao thông Vận tải TP quy hoạch mạng lưới giao thông hiệu quả.
Theo đó, để phát hiện vận tốc trung bình của một luồng giao thông trên một đoạn đường, ta có thể dùng dữ liệu trích xuất từ nhà mạng di động, cụ thể là thông số vị trí thuê bao thuộc các trạm phát sóng liền kề. Từ đó, xác định vận tốc trung bình của thuê bao và đưa ra cảnh báo bằng tin nhắn qua điện thoại di động cho những ai sắp lưu thông qua đoạn đường này.
“Tôi sẽ tiếp tục phát triển đề tài này trong năm tới để góp sức nhỏ bé của mình vào việc giảm ùn tắc giao thông ở TP HCM – một vấn đề nhức nhối hiện nay” – TS Thuấn cho biết.
Theo Lê Thoa/Người Lao Động