Dạy người là dạy gì?
“Tiên học lễ, hậu học văn” của ngày xưa; ưu tiên “dạy người” ngày nay đều là những mong muốn tốt đẹp, mong sao nhà trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn rèn giũa học sinh thành những công dân tốt.
Ảnh: blogspot.com
Thế nhưng dạy người là dạy gì, có phải là những tiết học đạo đức, rồi các bài học về kỹ năng sống được bổ sung vào chương trình?
Thiết nghĩ để trả lời câu hỏi “Dạy người là dạy gì?”, trước tiên cần xác định chúng ta muốn dạy học sinh trở thành những con người như thế nào. Minh họa cho hình ảnh “tiên học lễ, hậu học văn” thường là cảnh học sinh khoanh tay cúi rạp người chào thầy giáo, cô giáo.
Trong cảm nhận của nhiều người lớn, dạy người thành công là bắt học sinh nhất nhất tuân lời thầy, cô; trong lớp vòng tay ngoan ngoãn nghe thầy, cô giảng bài.
Mỗi lần người lớn được giới thiệu một em bé, điều đầu tiên cha mẹ hay ông bà bé sẽ bảo bé vòng tay cúi đầu ạ thật to, để chào ông, chào bác… Cho bé một món đồ, dù chỉ là cây kẹo, người lớn sẽ bảo bé khoanh tay cúi đầu ạ thật to, cảm ơn ông, cảm ơn bác đi con…
Đến lớp lớn hơn một chút, để dạy người thành học sinh ngoan, các em được rèn giũa theo hướng thầy cô nói gì là chân lý, cấm cãi. Trong lớp không tranh luận, không chất vấn lại thầy cô.
Viết luận là phải theo dàn bài mẫu, theo hướng dẫn cặn kẽ từng bước của thầy cô. Trả lời các câu hỏi trong giờ học môn tiếng Anh phải là trả lời đầy đủ, câu hỏi có gì phải đưa hết vào câu trả lời mới gọi là chuẩn.
Nếu vẫn còn suy nghĩ dạy người là dạy như thế thì xin can, hãy khoan ưu tiên dạy người.
Giáo dục suy cho cùng luôn để phục vụ cho cuộc sống – thời phong kiến xa quá, thôi không nói nữa nhưng thời sản xuất công nghiệp, giáo dục nhằm đào tạo những công nhân có kỷ luật cao, biết thích ứng với lối hoạt động dây chuyền nhàm chán nhưng hiệu quả, biết tuân thủ các quy định, biết vâng lời sếp trực tiếp.
Video đang HOT
Cách dạy người của thời công nghiệp hóa, toàn cầu hóa hoàn toàn phù hợp cho thời đại đó. Xem phim tài liệu American Factory kể về một tập đoàn Trung Quốc qua tận Ohio, Mỹ để xây nhà máy, chúng ta sẽ thấy hơi sốc nhưng lòng vẫn thầm thán phục cách công nhân Trung Quốc miệt mài làm việc bất kể điều kiện hay môi trường; khi cần tăng ca để kịp giao sản phẩm cho khách hàng, họ sẵn sàng làm thêm không lời than phiền.
Nhưng thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, kỹ năng làm việc như con robot trong dây chuyền sản xuất không còn quan trọng bằng óc sáng tạo, sự phán đoán đúng sai để có phản ứng thích hợp.
Cũng phim American Factory, công nhân Mỹ chất vấn ngay khi thấy nhà máy thải chất độc ra môi trường, từ chối làm việc nếu môi trường không bảo đảm an toàn, không chấp nhận cách làm bất chấp hậu quả miễn sao đạt mục đích… – những điều công nhân Trung Quốc không quan tâm.
Xã hội hiện nay, nền kinh tế hiện nay cần các đột phá sáng tạo, cần người biết gạt bỏ cách suy nghĩ theo lối mòn để tìm ra giải pháp chưa ai nghĩ đến.
Nền giáo dục chỉ chăm chăm đào tạo những người ngoan ngoãn vâng lời từ nhỏ làm sao sản sinh được những nhân vật như Bill Gates, Steve Jobs. Không còn nhiều công nhân ngoan ngoãn chăm chỉ như công nhân Trung Quốc nhưng kinh tế Mỹ vẫn dẫn đầu trong các lĩnh vực cần óc sáng tạo, luôn cải tiến để đẻ ra cái mới.
Ảnh: Economic Times
Không nói đâu xa, cái xã hội phức tạp hiện nay đòi hỏi con người sống trong đó có những kỹ năng trước kia không ai quan tâm như cách bảo vệ an toàn bản thân trước các rủi ro bị xâm hại, bị lừa đảo, bị đánh cắp danh tính. Dạy người là trang bị cho học sinh những kỹ năng đó như biết phân biệt đâu là giả đâu là thật; kẻ nào cần đề phòng; phải làm gì khi bị sàm sỡ…
Những kỹ năng đó không thể dạy bằng một số tiết học cụ thể mà phải bằng rèn luyện óc quan sát, tư duy phản biện, tính logic trong lập luận, nhất là ý thức về quyền. Trẻ hiện nay sống một phần thời gian trên không gian mạng – đã có ai dạy cho các em lối sống trên đó chưa sao cho khỏi bị bắt nạt, bị ném đá hay bị cuốn vào các dòng chảy không dứt không biết đâu là thực đâu là hư.
Thứ đến, dạy người có tách rời với dạy chữ không, có môn đạo đức nào bao quát hết thảy hay mọi người chỉ đánh lừa với nhau đã “dạy người” cho các em rồi qua môn đạo đức? Không ai biết kiến thức chúng ta đang dạy cho các em, 20 năm nữa khi các em vào đời, có còn đúng hay không. Tuy các kiến thức đó có thể mai một nhưng những bài học gắn kèm với kiến thức sẽ theo các em suốt đời.
Vì thế dạy người, dạy chữ tuy hai nhưng là một, không thể tách ra nói ưu tiên cái nào. Một bài toán trong đó anh cho em các viên kẹo dạy cho các em chuyện chia sẻ; cũng bài toán đó nếu anh lấy đi của em là dạy chuyện chiếm đoạt.
Cái cảm giác xuyên suốt khi đọc chương trình học của chúng ta là một sự vướng víu với chuyện quá khứ, với vinh quang chiến tranh, với các nỗi đau của thế kỷ cũ chứ không thấy các giải pháp cho những thách thức của thế kỷ mới.
Lòng thương người, sự dũng cảm, tính vị tha, phong cách lịch sự, biết tôn trọng người khác, biết chấp nhận sự khác biệt… tất cả phải bàng bạc trong mọi bài học ở mọi môn học.
Dạy người đúng nghĩa là một câu chuyện mênh mông không bao giờ nói hết. Ở đây chỉ xin lấy một ví dụ: ai cũng muốn con em chúng ta có óc khôi hài vì nó là liều thuốc giảm stress trong xã hội hiện đại, là sự thấu cảm ở mức độ cao, là vũ khí hữu hiệu để hòa nhập với mọi người.
Ông cha chúng ta nuôi dưỡng óc khôi hài đó bằng vô số câu chuyện tiếu lâm, chuyện trạng, chuyện cười, chuyện châm biếm… Thế nhưng thử nhìn lại chương trình học, cách học có giúp các em phát triển một óc khôi hài lành mạnh?
Trong cuộc tranh luận giữa Jack Ma – nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba và Elon Musk – cha đẻ xe hơi điện Tesla – về tương lai loài người, cả hai bất đồng nhiều thứ nhưng lại đồng ý giải pháp then chốt để đón chờ một tương lai bất định là giáo dục.
Jack Ma thì ví von máy có thể học thuộc lòng nhiều hơn người, tính toán nhanh hơn người, chạy nhanh hơn người. Chỉ bằng dạy cho trẻ em biết sáng tạo và biết xây dựng như dạy cho các em biết khiêu vũ, biết thưởng thức nghệ thuật, biết vẽ, biết nhạc… con người mới tự tin sẽ khôn ngoan hơn máy.
Jack Ma phân biệt thông minh là do kiến thức, còn khôn ngoan là do kinh nghiệm – máy hay trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh hơn con người nhưng con người, nhờ giáo dục và trải nghiệm sẽ luôn khôn ngoan hơn máy.
Elon Musk từng gây sốc với ý tưởng kết nối máy tính với não người. Tại buổi tranh luận này, Musk cho rằng tương lai, cần kỹ năng gì như lái máy bay trực thăng, chỉ cần dùng Neuralink tải kiến thức từ máy lên não là xong. Musk ví von giáo dục hiện nay cũng tải kiến thức nhưng băng thông quá chật hẹp và chậm chạp vì tải từ thầy qua trò.
Cho nên giáo dục, theo Musk, vừa phải truyền cho học sinh óc sáng tạo, ý muốn xây dựng tương lai và khả năng dự đoán tương lai. Vì thế một cách đánh giá giáo dục là xem thử điều học sinh đang học có giúp các em dự đoán tương lai ít sai sót, càng ít giáo dục càng thành công.
Nếu được bổ sung ý gì vào cuộc tranh luận này, người viết chỉ muốn chêm một câu: thế máy móc có học nổi óc khôi hài của con người không – một phẩm chất rất “người” nhưng chưa được nuôi dưỡng trong chương trình học?
Theo tuoitre
Nhiều giáo viên, phụ huynh đang triệt tiêu sự sáng tạo của trẻ
Đôi khi chính sự khuôn phép, kỷ luật hà khắc của giáo viên, của phụ huynh đã vô tình bóp nghẹt đi sự sáng tạo, phá cách, trí thông minh của một đứa trẻ.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ là điều hết sức cần thiết. Ảnh minh họa.
Trong thời gian gần đây vấn đề được xã hội quan tâm, nói đến nhiều đó là việc giáo dục và đào tạo của chúng ta đang thiên về dạy "Chữ" mà xem nhẹ việc dạy "Người". Đó là cách nói ví von, nhưng thực ra là chúng ta đang chú trọng dạy kiến thức lý thuyết, học chưa đi đôi với hành; chưa quan tâm đúng mức đến truyền, dạy kỹ năng sống cho học sinh; trang bị cho học sinh có thể ứng xử với những tình huống bất trắc thường xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Đôi khi chính sự khuôn phép, kỷ luật hà khắc của giáo viên, của phụ huynh đã vô tình bóp nghẹt đi sự sáng tạo, phá cách, trí thông minh của một đứa trẻ.
Có người cho rằng: Biết giải phương trình bậc 3 để làm gì khi bạn đang làm nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, nhà văn, bác sỹ? Biết giải phương trình bậc 3 để làm gì khi cuộc sống ra cho ta những đề bài kiểu như thoát khỏi đám cháy tòa nhà cao tầng, thoát hiểm khi bị kẹt thang máy, thoát khỏi xe ô tô bị khóa cửa, bị tấn công tình dục, bị chuột rút khi đang bơi, bị rắn độc cắn...
Nhiều em học sinh tốt nghiệp THPT, thậm chí sinh viên tốt nghiệp đại học xếp loại giỏi, nhưng khi bước vào cuộc sống đời thường, vào thực tiễn công việc còn nhiều "ngớ ngẩn".
Câu chuyện xẩy ra tại cuộc hội khóa của các cựu học sinh tại một trường THCS, khi ban tổ chức phỏng vấn một bạn học sinh giỏi toán nhất khối thời học sinh và bây giờ là một người thành đạt rằng: Bạn hãy đọc 07 hằng đẳng thức đáng nhớ trong vòng 2 phút - và kết quả bạn ấy chỉ biết đứng cười cùng toàn khóa - những kiến thức học được nhưng không được sử dụng thường xuyên sẽ rời khỏi bộ nhớ của mỗi người.
Như vậy, nhiệm vụ của các nhà trường, của phụ huynh học sinh không phải chỉ học vì để có điểm cao, học để đậu đại học, học để vừa lòng bố mẹ,... mà còn học để biết, học để làm người, học để chung sống, đó cũng là nhiệm vụ cần sự chung tay của các cấp, các ngành, của phụ huynh đối với ngành giáo dục và đào tạo để giáo dục toàn diện nhân cách một con người.
Trình Văn Nhã
Phó Bí thư TT Huyện ủy Thanh Chương
Theo baonghean
10 ngày "rèn" học sinh ấn tượng trước năm học mới Chắc chắn phải "dạy người" trước khi dạy nghề - với quan điểm này, ông Bùi Huế - Hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị, sáng kiến đưa hoạt động "Học kỳ quân đội" vào nhà trường... Học kỳ quân đội Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị. Chia sẻ lý do quyết tâm tổ chức bài bản "Học...