Đẩy mạnh mô hình trường học không sử dụng tiền mặt
Một trong những điểm nổi bật của mô hình “ Trường học thông minh” năm học 2019-2020 là trường học không sử dụng tiền mặt. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) sử dụng thẻ HĐTM điểm danh đầu giờ học
Năm học 2019-2020, mô hình “Trường học thông minh” với việc ứng dụng công nghệ thẻ chip hỗ trợ công tác quản lý, dạy học và sinh hoạt của học sinh được triển khai đồng loạt tại 5 trường THPT trên địa bàn TPHCM. Một trong những điểm nổi bật của mô hình này là trường học không sử dụng tiền mặt. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, TPHCM đã thí điểm mô hình “Trường học không sử dụng tiền mặt” từ năm học nào? Đến nay, công tác triển khai gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Lê Hoài Nam: Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Thực hiện quyết định trên, ngành GD-ĐT TPHCM đã bước đầu thí điểm mô hình “Trường học không sử dụng tiền mặt” từ năm học 2014-2015. Theo đó, mô hình thể hiện qua 2 hình thức: phụ huynh không thanh toán học phí bằng tiền mặt mà thông qua dịch vụ ngân hàng như ATM, Internet banking, chuyển khoản, thanh toán qua máy POS đặt tại trường… và học sinh sử dụng thẻ học đường thông minh (HĐTM) để điểm danh, vào thư viện, mua thức ăn, nước uống tại căng tin trường hoặc một số cửa hàng tiện lợi, đi xe buýt…
Tuy nhiên, do chủ trương còn khá mới nên hiện nay các trường đang triển khai song song 2 hình thức thanh toán học phí qua ngân hàng và thu tiền trực tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh. Đến nay, toàn TP đã có hơn 300 trường THCS và THPT triển khai áp dụng mô hình. Đặc biệt, trong năm học 2018-2019, thẻ HĐTM được thí điểm sử dụng đối với học sinh khối 7, Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8). Dự kiến trong năm học 2019-2020, trường này sẽ mở rộng áp dụng đối với học sinh toàn trường; đồng thời, TP cũng nhân rộng thêm 5 trường THPT triển khai mô hình.
Video đang HOT
Việc triển khai dùng thẻ HĐTM nhằm định hướng giáo dục cho học sinh kỹ năng, cũng như thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt; qua đó, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các tình huống xấu do sử dụng tiền mặt phát sinh. Ngoài ra, thẻ HĐTM được xem là thẻ phụ, phát hành dựa trên tài khoản thẻ thanh toán chính của phụ huynh. Khi học sinh sử dụng thẻ để thanh toán thì ngay lập tức, cha mẹ các em sẽ nhận được tin nhắn báo con em mình đang dùng thẻ để mua sắm cái gì, số tiền bao nhiêu. Điều này giúp phụ huynh quản lý con em mình tốt và chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, khi thực hiện chủ trương “trường học không sử dụng tiền mặt”, giáo viên không còn kiêm nhiệm việc nhắc nhở và thu học phí của học sinh, nhà trường cũng giảm áp lực về nhân sự và thời gian sau mỗi đợt thu học phí. Riêng phụ huynh tiết kiệm được thời gian và công sức vì không phải trực tiếp đến trường để đóng học phí và các khoản thu khác.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt hiện nay vẫn còn khá phổ biến trong xã hội, nhiều phụ huynh chưa rành sử dụng các thiết bị công nghệ nên có tâm lý ngại dùng thẻ. Do đó, việc triển khai “Trường học không sử dụng tiền mặt” được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh nào không thích vẫn có thể sử dụng tiền mặt để đóng học phí cho học sinh.
Nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi khi triển khai đại trà mô hình này, đặc biệt với các quận huyện vùng ven, ngoại thành. Sở GD-ĐT TP sẽ có những giải pháp gì để triển khai hiệu quả mô hình này hơn?
Theo tôi, những khó khăn các trường đang gặp phải chủ yếu về mặt kỹ thuật, do công tác phối hợp chưa tốt giữa các bên nên thông tin đến phụ huynh chưa đầy đủ. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp cùng các đơn vị đối tác thực hiện thường xuyên và có hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nhằm giúp phụ huynh và xã hội nhận thức được ý nghĩa, sự cần thiết và các tiện ích khi sử dụng thẻ. Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị các ngân hàng phối hợp chặt chẽ hơn với trường học để khắc phục những khó khăn về kỹ thuật, hướng dẫn cụ thể cách dùng đến từng phụ huynh, không gây khó khăn, phiền phức hay mất niềm tin nơi phụ huynh. Song song đó, ngành giáo dục TP sẽ đẩy nhanh tiến độ tích hợp các dịch vụ tiện ích của thẻ HĐTM nhằm gia tăng tiện ích cho học sinh.
Về bản chất, việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt sẽ giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc thanh toán học phí cho con em. Ngoài ra, đối với những gia đình thuộc các diện miễn – giảm học phí, gia đình chính sách thì việc thanh toán cũng tiện lợi và chủ động hơn. Do đó, để thực hiện có hiệu quả chủ trương này, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến từng phụ huynh để các bậc cha mẹ học sinh có thể tiếp cận và dần quen với phương thức thanh toán hiện đại này.
THU TÂM
Theo SGGP
Chăm sóc sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên còn nhiều hạn chế
Lứa tuổi vị thành niên (VTN) chứng kiến sự thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý. Đây cũng là điểm khởi đầu để trẻ hình thành kỹ năng sống, chuẩn bị cho giai đoạn trưởng thành.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) cho trẻ VTN, việc chia sẻ những thắc mắc cho các em trong gia đình, trường học vẫn còn nhiều hạn chế.
Tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường THCS Đông Nam (Đông Sơn)
Theo thống kê của Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hàng năm có hàng chục ca nạo phá thai ở độ tuổi VTN, có trường hợp chỉ mới 14-15 tuổi. Do thiếu hiểu biết về chăm sóc SKSS, thiếu kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, dễ dãi trong tình yêu là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi VTN ngày một tăng. Có em đến làm thủ thuật khi bào thai được vài tuần tuổi nhưng cũng có em để bào thai quá lớn tới hơn 20 tuần tuổi, khoa không thể xử lý được phải chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, con số đến khoa chỉ là phần nhỏ, vì phần lớn các em lỡ mang thai đều lựa chọn các cơ sở y tế tư nhân để giải quyết bởi nếu đến các cơ sở y tế công lập đều phải làm các thủ tục trước khi thực hiện thủ thuật, phải kê khai tên tuổi, trình giấy tờ tùy thân... Cũng chính vì thế mà số đông các em đã tìm đến các phòng khám tư nhân mà không biết rằng ở nhiều phòng khám điều kiện vệ sinh, vô trùng rất kém, dụng cụ y tế thiếu, trình độ y, bác sĩ hạn chế. Trên thực tế, đã có những trường hợp làm thủ thuật ở cơ sở tư nhân không bảo đảm lại không được y, bác sĩ hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sau thủ thuật nên dẫn đến nhiễm trùng và nhiều hậu quả nặng nề khác, nghiêm trọng nhất là có thể dẫn đến vô sinh...
Trò chuyện với các y, bác sĩ ở đây chúng tôi được biết, phần lớn các trường hợp phải tìm đến phòng thủ thuật nạo phá thai đều do không biết đến các biện pháp tránh thai cơ bản nhất, không biết thế nào là quan hệ tình dục an toàn cũng như không hiểu việc nạo phá thai nhất là khi ở tuổi cơ thể chưa phát triển toàn diện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào tới sức khỏe. Bên cạnh đó, nạo phá thai không an toàn sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và vô sinh, gây nguy cơ tử vong cao; nhiều em phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần sau khi nạo phá thai.
Thời gian qua, để nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của trẻ VTN trong việc tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe bản thân, ngành y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể,... xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức các câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh về kiến thức SKSS VTN. Năm 2018, triển khai Đề án "Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho VTN/TN" tại 94 trường THCS, THPT của 15 huyện, thị xã, thành phố. Việc triển khai thực hiện đề án luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao của ngành dân số, lãnh đạo chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm y tế các địa phương với nhà trường và các xã thực hiện đề án, sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh và nhất là các bậc phụ huynh, qua đó, đã góp phần làm thay đổi nhận thức về giáo dục SKSS và KHHGĐ cho lứa tuổi học đường. Đề án đã tổ chức 94 cuộc sinh hoạt ngoại khóa tại trường với 8.460 học sinh tham gia; nhân bản 7.865 tờ rơi Bạn cần biết ở tuổi VTN; tổ chức 7 cuộc nói chuyện chuyên đề cho 80 công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ đội lưu động khám phụ khoa cho 1.400 công nhân tại các khu công nghiệp; hỗ trợ điều trị 980 ca khám phụ khoa... Các hoạt động của đề án đã tạo một sân chơi thiết thực, bổ ích cho các em học sinh tại địa phương, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Tuy nhiên, kinh phí cho đề án còn eo hẹp, chỉ hoạt động với nguồn kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách của Trung ương (từ chương trình mục tiêu quốc gia dân số - KHHGĐ), nên các hoạt động của đề án gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tài liệu cấp phát cho học sinh các trường THCS, THPT còn quá ít, không đủ tư liệu cho học sinh trong nhà trường tìm hiểu kiến thức về lĩnh vực SKSS/KHHGĐ, giáo viên không có đủ tài liệu tham khảo soạn bài để báo cáo tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa của trường. Mặt khác, số buổi sinh hoạt ngoại khóa còn quá ít so với nhu cầu cần tìm hiểu kiến thức SKSS/KHHGĐ của các em học sinh... Bên cạnh đó, hầu hết các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh khu vực nông thôn vẫn còn e ngại khi con cái có thắc mắc hoặc khi chia sẻ những vấn đề về giới tính với con cái. Thậm chí, nhiều người cho rằng đây là vấn đề "tế nhị" cần phải "giữ ý" với con cái, có người lại lảng tránh hoặc giáo dục một cách không đầy đủ, không có phương pháp. Nhiều bậc phụ huynh còn sai lầm khi nghĩ rằng: Nói những chuyện ấy cho con cái thì khác gì "vẽ đường cho hươu chạy", chỉ làm cho chúng dễ hư hỏng. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ VTN thiếu kiến thức, hiểu biết mù mờ, tự tìm tòi và tìm tòi ở những tài liệu không lành mạnh như: Trang web đen, băng đĩa... dẫn đến hiểu biết sai lệch, quan niệm sai lầm trong tình yêu và tình dục, không biết cách bảo vệ và chăm sóc bản thân.
Để giải quyết vấn đề trên, thiết nghĩ không chỉ riêng ngành y tế, giáo dục mà đòi hỏi sự vào cuộc của các đoàn thể ở cơ sở. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để có cái nhìn đúng đắn về tình yêu, hôn nhân gia đình. Các bậc cha mẹ nên là tư vấn viên về giáo dục giới tính cho con. Đây là chìa khóa giúp trẻ biết cách bảo vệ mình, giữ gìn bản thân khi người khác có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi... Đặc biệt, trang bị cho con gái lứa tuổi VTN kỹ năng biết từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ người yêu; cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để tránh những nguy cơ xấu.
Anh Quân
Theo baothanhhoa
Người dân Quảng Bình khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ Người dân đang tích cực dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, trụ sở làm việc, nhất là trường học để kịp đầu tuần tới các thầy giáo, cô giáo và học sinh có thể trở lại dạy và học bình thường. Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân được huy động hỗ trợ nhân dân vùng lũ Tân Hóa, huyện...