Dạy lớp 1 theo chương trình mới: “Mong thầy cô giáo nói ít đi…”
Dẫn lời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ “mong thầy cô giáo nói ít đi để học sinh được nói nhiều hơn”.
Học sinh học lớp 1 theo chương trình mới. (Ảnh: PV)
Cô giáo Đặng Thị Thu Lan nắn nót viết các nét cong trái (), cong phải (c), cong kín (o) lên trên bảng, rồi hướng dẫn học sinh đứng tạo tư thế giống các nét cong. Dưới lớp, 33 học sinh hào hứng tham gia, lớp học vô cùng sôi nổi và càng sôi nổi hơn nữa khi cô giáo cho học sinh hát vang để “giải lao” giữa tiết học, khác hẳn không khí của lớp học truyền thống với học sinh ngồi khoanh tay, im phăng phắc nhìn lên bục giảng.
Đó là một giờ học theo chương trình giáo dục mới của lớp 1A, Trường Tiểu học Đông La (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Giáo viên sáng tạo hơn, học sinh hào hứng hơn
Lớp học vui hơn, học sinh hứng thú hơn và giáo viên phải sáng tạo hơn là nhận xét của nhiều giáo viên, học sinh sau tuần đầu tiên dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1.
Đã có 20 năm giảng dạy theo chương trình cũ, cô Lan cho biết để dạy học sinh chuyển từ việc “học xong biết cái gì” sang “học xong biết làm gì” theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, bản thân cô và các đồng nghiệp đã phải thay đổi rất nhiều trong cách dạy học so với trước đây. Không chỉ tham gia các lớp tập huấn về chương trình mới và sách giáo khoa mới, cô còn phải học hỏi các bài giảng mẫu từ hệ thống quản lý học tập online của bộ. Từ đó, cô mới xây dựng được kế hoạch dạy học và thiết kế bài giảng riêng cho học sinh của mình.
“Với tiết học hôm nay, tôi đã thay đổi nhiều về phương pháp dạy học là tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tự khám phá kiến thức, làm quen với bạn và tự tin giao tiếp, phát biểu ý kiến cá nhân,” cô Lan chia sẻ.
Video đang HOT
Cũng theo cô Lan, dù chỉ mới học được vài buổi đầu tiên nhưng cô thấy rõ sự khác biệt so với chương trình cũ. “Với chương trình mới, học sinh được chủ động nắm bắt kiến thức thông qua các hoạt động, vì thế học sinh chủ động, tích cực học tập, không khí lớp học sôi nổi, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn. Các em rất vui vẻ, thích thú học tập,” cô Lan nhận xét.
Học sinh hứng thú hơn, tích cực hơn cũng là nhận định của cô Chu Minh Thảo, Trường Tiểu học Thực nghiệm Victory, Hà Nội. Theo cô Thảo, cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới nằm ở phương pháp giảng dạy. Thay vì là người nói như trước đây thì giờ giáo viên sẽ là người nghe các em nói và làm. Vì thế, sách chỉ là điều kiện cần, sự linh hoạt, chủ động sáng tạo của giáo viên mới là điều kiện đủ để mỗi tiết học theo chương trình mới thực sự đạt hiệu quả.
Cùng quan điểm này, cô giáo Phạm Thị Huyền, Trường Tiểu học Phú La, Hà Nội, cho hay chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải chủ động trong việc tìm hiêu bộ sách nguồn tài liệu đồng thời phải huy động vốn kinh nghiệm để có thể làm sao phát huy tốt nhất, tiếp cận nhanh nhất với những đổi mới.
Không khí lớp 1 sôi nổi theo chương trình mới. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
“Mong thầy cô nói ít đi…”
Từ thực tế khảo sát công tác giảng dạy chương trình mới ở các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay bước đầu cho thấy các địa phương đã đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất cho lớp 1. Các nhà trường, giáo viên cũng có nhiều cố gắng, nỗ lực để thay đổi, đáp ứng các yêu cầu mới.
Theo ông Độ, Nghị quyết Trung ương số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo chú trọng đổi mới tư duy, trong đó nhấn mạnh việc chuyển từ thế mạnh phát triển quy mô sang chú trọng phát triển chất lượng. “Việc này khẳng định chúng ta phải xây dựng nền giáo dục chất lượng,” Thứ trưởng nói.
Dẫn lời của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, ông Độ chia sẻ “mong thầy cô giáo nói ít đi để học sinh được nói nhiều hơn”. Đây cũng là điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới khi yêu cầu giáo viên tổ chức dạy học thông qua các hoạt động giáo dục để khuyến khích sự chủ động, tích cực, sáng tạo của học trò. Giáo viên khi đó chỉ là người hỗ trợ, định hướng cho các em tự tìm hiểu, khám phá các bài học.
“Việc triển khai chương trình mới phải đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp tổ chức dạy học và quản trị nhà trường để phát triển được phẩm chất, năng lực cho học sinh,” ông Độ nói./.
Các địa phương tích cực chuẩn bị cho năm học mới
Hiện các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên... sẵn sàng cho năm học mới.
Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh phổ thông trên cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian nghỉ hè ít hơn mọi năm, nên công tác chuẩn bị cho năm học mới của các địa phương trên cả nước trở nên gấp rút hơn.
Hiện các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên... sẵn sàng cho năm học mới; đồng thời xây dựng các kịch bản khác nhau cho ngày tựu trường và lễ khai giảng năm học mới phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19.
Ảnh minh họa. Một lễ khai giảng trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, ngay sau khi học sinh nghỉ hè, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã tổ chức sửa chữa phòng học, mua bổ sung trang thiết bị dạy học..., trong đó tập trung đầu tư các điều kiện dạy và học đối với khối lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại thành phố Hà Nội, với quy mô trên 2,1 triệu học sinh (tăng hơn 67.500 học sinh so với năm ngoái), các quận, huyện đã đầu tư xây dựng trường, lớp học mới, sửa chữa các các phòng học đã xuống cấp, đảm bảo bố trí, sắp xếp học sinh vào học các trường công lập theo nhu cầu.
Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin, thành phố năm học này tăng thêm 44 trường, trong đó công lập tăng 25 trường, tư thục tăng 19 trường. Theo các quận, huyện báo cáo thì năm học này gần 90% số học sinh vào trường công lập.
Hiện nay khối quận, huyện có 40 trường với kinh phí là xây mới là 1.998 tỷ đồng. Số phòng học được cải tạo, sửa chữa xây mới gần 5.200 phòng học. Trong 30 quận, huyện thì quận Hà Đông đầu tư xây mới 5 trường công lập, với 564 tỷ đồng. Đây là quận dẫn đầu trong toàn thành phố về xây dựng cơ sở vật chất vì khu vực này đô thị hóa rất nhanh, rất nhiều khu đô thị mọc lên.
Cùng với chuẩn bị về cơ sở vật chất, hiện các địa phương đã cơ cấu lại đội ngũ giáo viên các cấp học, trong đó ưu tiên bổ sung đủ giáo viên dạy khối lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện 100% giáo viên dạy lớp 1 đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, tập huấn sử dụng sách giáo khoa.... Cùng với tập huấn trực tiếp, các giáo viên còn tham gia tập huấn trên hệ thống trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Vi Đại Phong, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, 205 giáo viên dạy lớp 1 của huyện (gồm 107 giáo viên dạy văn hóa và 98 giáo viên các bộ môn) đã hoàn thành các đợt tập huấn, sẵn sàng dạy và học theo chương trình mới. Trong đó, đối với giáo viên dạy lớp 1 đã được tập huấn đầy đủ và đã chuẩn bị cho các thầy cô tâm thế tốt nhất để đón các cháu học sinh. Đến thời điểm này, sách giáo khoa lớp 1 đã được chuyển tới toàn bộ giáo viên trong toàn ngành và đặc biệt là đối với các em học sinh thì đã gửi cho các phụ huynh và học sinh trong toàn huyện, đầy đủ 100% các em đều có sách để chuẩn bị bước vào năm học mới.
Sách giáo khoa mới, chương trình mới, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian tập huấn không nhiều nên các giáo viên đều nỗ lực tự học bằng nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo triển khai tốt chương trình mới.
Năm học mới, các trường ở Đắk Lắk sẽ trang bị khu vực rửa tay cho học sinh, giáo viên ngay lối vào cổng trường để phòng chống dịch Covid-19.
Cô Vũ Thị Thu, giáo viên khối lớp 1, Trường tiểu học Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết, trước hết, phải chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng. Cùng với đó, cô Thu còn tham gia một số hội nhóm trên mạng xã hội, ví dụ như nhóm giáo viên chủ nhiệm, hay nhóm giáo viên tập huấn sách giáo khoa mới. Từ những tài liệu, những hình ảnh đã tìm được, cô tự soạn giáo án của mình, từ trang Word hay PowerPoint đều làm được.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch năm học 2020-2021, trong đó thời gian tựu trường vào ngày 1/9 và tổ chức khai giảng đồng loạt vào ngày 5/9, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19 trước khi đón học sinh. Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vì lịch tựu trường, lễ khai giảng như mọi năm, các tỉnh, thành phố đều đưa ra những kịch bản riêng cho ngày bắt đầu năm học mới.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay Nghệ An đang xem xét 2 phương án. Phương án 1 là vẫn cho tổ chức tựu trường và khai giảng bình thường. Tuy nhiên, thời gian khai giảng phải rút ngắn và chủ yếu diễn ra phần lễ, chứ còn phần hội không đặt nặng nữa, tránh trường hợp các em tụ tập đông. Nếu như triển khai như thế thì cũng tổ chức tốt việc phòng chống dịch. Thứ 2 nữa thì nếu tình hình dịch mà diễn biến xấu thì không tổ chức khai giảng và có thể chỉ các em học và cử đại diện các em lên để khai giảng trên hội đồng của trường rất ngắn gọn.
Một số địa phương cũng xây dựng phương án tổ chức khai giảng trực tuyến, hoặc lùi, không tổ chức ngày khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ở những khu vực có điều kiện thuận còn dự phòng phương án tổ chức dạy học online nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn./.
Bình Thủy sẵn sàng cho năm học mới Năm học 2020-2021, năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy đã tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện công tác này, song song với sẵn sàng nguồn lực phục vụ cho năm học mới. Các phòng chức năng ở Trường...