Dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non thế nào cho đúng?
Bài học kỹ năng sống cho trẻ 3-5 tuổi nên được lồng ghép vào các hoạt động gần gũi, không nhất thiết để trẻ trải nghiệm nguy hiểm thật sự.
Sau vụ ba trẻ mầm non ở Duy Tiên, Hà Nam, bỏng nặng vì cô giáo đốt cồn trong giờ dạy kỹ năng thoát hiểm, chị Nguyễn Thị Thu, người đồng sáng lập Trường Mầm non Tsubaki (Hà Nội), cho rằng việc dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm là cần thiết, nhưng cách dạy của cô giáo thiếu thực tế và rất sơ suất.
“Vấn đề chính dẫn đến sự việc đáng tiếc nằm ở tư duy của giáo viên. Dạy kỹ năng sống không phải là tạo ra nguy hiểm và cho trẻ trải nghiệm nguy hiểm đó”, chị Thu nói. Thầy cô không nhất thiết phải tạo ra đám cháy mà vẫn có thể dạy học sinh dấu hiệu nhận biết khi có cháy để chạy đi gọi người lớn.
Chị Nguyễn Thị Thu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từng sống ở Nhật Bản nhiều năm, chị Thu chia sẻ cách người Nhật dạy trẻ khi động đất. Họ không thể tạo ra một trận động đất hay làm rung lắc cả một ngôi nhà để làm ví dụ thực tiễn, nhưng trẻ em Nhật vẫn có đầy đủ kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân khi hiện tượng này xảy ra.
Phương pháp dạy chủ yếu là tạo ra tín hiệu báo động giả, miêu tả trạng thái khi có động đất, cho trẻ xem băng hình về những trận động đất trước đó và dạy trẻ cách thoát hiểm đối với từng vị trí cụ thể. Bài học kỹ năng này được đưa vào các buổi hoạt động ngoại khóa, vui chơi và được nhắc lại nhiều lần.
Tương tự với cháy, giáo viên có thể sử dụng máy tạo khói sân khấu thường được dùng trong các buổi biểu diễn ca nhạc. Sau đó, giáo viên tạo báo động cháy giả, cùng với trẻ thực hành những kỹ năng thoát khói đám cháy như cúi người, bịt khăn ẩm lên mũi và đi men theo tường…
Anh Trần Quốc Phúc, tác giả bộ sách Vườn tâm hồn, cũng cho rằng để dạy trẻ 3-5 tuổi giáo viên nên sử dụng khói và lửa giả. Việc đốt lửa trong nhà có thể gây ra cháy thật, gây nguy hiểm cho con người và làm hư hại đồ vật khác. Bên cạnh việc giúp trẻ nhận biết nguy hiểm, giáo viên cần tập cho trẻ nghe theo hiệu lệnh của người lớn khi gặp sự cố, tránh việc hoảng loạn và chạy lung tung.
Video đang HOT
Anh Trần Quốc Phúc. Ảnh: Vườn tâm hồn
Theo hai chuyên gia, nếu thầy cô vẫn muốn làm ví dụ thực tiễn, điều quan trọng hàng đầu là sự an toàn của trẻ. Hãy đưa trẻ đến không gian đủ rộng và không có các đồ vật dễ bén lửa, tổ chức lồng ghép bài học về sự nguy hiểm của lửa, cách phòng cháy chữa cháy vào các hoạt động gần gũi và quen thuộc như đốt lửa trại, nấu bánh chưng…
Trong các hoạt động này, giáo viên sẽ giữ trẻ ở khoảng cách an toàn, chuẩn bị găng tay, bình cứu hỏa, vòi nước dập lửa để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra. Ngoài ra, nhà trường cần bố trí đủ số lượng giáo viên, không để một cô giáo phải trông quá nhiều trẻ một lúc.
Trường hợp cơ sở vật chất không đảm bảo, hoặc chính giáo viên không lường hết những nguy hiểm mà bài học có thể gây ra để chuẩn bị các phương án phòng tránh, tốt nhất không nên tạo hiện trường cháy thật.
Lớp mầm non Tuổi thơ, nơi xảy ra vụ việc ba trẻ bị bỏng nặng do cô giáo đốt cồn. Ảnh: Thanh Hằng
Hai chuyên gia đánh giá, ngoài chuyên môn về sư phạm mầm non, giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 đến 5 tuổi cần được tham gia các lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy, sơ cứu, phòng chống thương tích cho trẻ…
Nếu chỉ dạy trẻ về phòng cháy hoặc thoát hiểm cơ bản như thoát khói ở tầng trệt, giáo viên mầm non hoặc những người phụ trách trẻ có thể đảm nhận. “Còn nếu nhà trường muốn tạo tình huống thực tế như cháy ở tầng cao hoặc một vụ cháy có quy mô lớn hơn thì người dạy phải có nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế như lính cứu hỏa, chuyên gia về phòng cháy chữa cháy”, anh Phúc khẳng định.
Để trẻ có thể ghi nhớ và thực hiện đúng những gì được dạy, giáo viên cần chia nhỏ bài học theo các cấp độ từ dễ đến khó, nhắc đi nhắc lại nhiều lần chứ không thể dạy xong trong một buổi học. Quá trình dạy, giáo viên luôn phải đảm bảo an toàn cho học sinh, không thực hiện những ví dụ tiềm ẩn nguy hiểm.
Ngày 9/8, trong giờ học kỹ năng “Biết kêu cứu và thoát khỏi nguy hiểm” của lớp mầm non tư thục Tuổi Thơ (xã Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam), cô Nguyễn Thị Khoát (29 tuổi, trú xã Duy Minh) đã sử dụng cồn 90 độ đựng trong chai 500 ml, đổ ra một mâm nhôm rồi châm lửa đốt.
Do lớp học trên tầng 2, ngọn lửa đã bị gió thổi lan sang bốn cháu ngồi gần là Nguyễn Anh Thư (3 tuổi, quê Nam Định), Nguyễn Thị Thu Trang (3 tuổi, quê Hà Nam), Phạm Bùi Gia Khánh (4 tuổi, quê Hà Nam) và Nguyễn Ngọc Hà Lê (5 tuổi, quê Hà Nam).
Cháu Thu Trang bị bỏng nhẹ ở chân nên được điều trị ở nhà. Ba cháu khác đang được điều trị cách ly tại Khoa hồi sức tích cực Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Đông, Hà Nội). Ngày 15/8, cả ba bé đã thoát sốc bỏng, trong đó Anh Thư và Hà Lê được phẫu thuật cắt hoại tử, ghép da.
Hiện lớp mầm non Tuổi Thơ đã bị dừng hoạt động. Công an huyện Duy Tiên đã khám nghiệm hiện trường, trích xuất camera lớp học, lấy lời khai các bên liên quan và chờ trả lời của Viện Bỏng quốc gia về mức độ thương tổn của ba học sinh để xem xét có khởi tố vụ án hay không.
Thanh Hằng
Theo VNE
Vụ 3 trẻ mầm non bị bỏng cồn nặng ở Hà Nam: Tiết học kỹ năng sống nằm trong chương trình của Bộ
Ông Trần Quang Tuyến, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên cho biết vụ việc xảy ra khiến 3 trẻ mầm non bị bỏng là tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc. Cơ quan chức năng đã chỉ đạo xã tạm dừng hoạt động của lớp trẻ này để điều tra, xử lý.
Vụ việc cô giáo dạy kỹ năng sống khiến 3 trẻ bị bỏng cồn, tại lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) ngày 9/8 mới đây đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, các cô tổ chức cho khoảng 25 trẻ đang theo học về kỹ năng sống. Trong lúc học, các cô giáo đã dùng cồn đổ vào trong mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ. Không may, đúng lúc đó gió lớn thổi từ cửa sổ tạt ngọn lửa cồn đang cháy trong mâm vào người 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng và cả ba bé hiện đang được cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia.
Liên quan đến sự việc, sáng ngày 11/8, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Quang Tuyến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Ông Tuyến cho biết đây là một tai nạn đáng tiếc: "Ngay khi sự việc xảy ra, tôi cùng 3 cô giáo cũng đã trực tiếp xuống hiện trường nắm bắt sự việc".
Ông Tuyến thông tin thêm về cô giáo dạy trực tiếp lớp trẻ hôm đó: "Cô dạy trực tiếp là cô Nguyễn Thị Nết, còn khá trẻ và cô tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non".
Các bé đang được điều trị tích cực tại Viện bỏng Quốc gia.
Nói về việc dạy kỹ năng sống cho trẻ, ông Tuyến cho hay: "Trong chương trình của bộ GD&ĐT triển khai hàng năm đều có chỉ đạo lồng ghép về việc dạy kỹ năng sống. Bài mà các cô giáo ở lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ là bài biết kêu cứu và thoát hiểm khi gặp nguy hiểm. Đây là tiêu chí 25 trong bộ tiêu chí của bộ GD&ĐT, lồng ghép không như các trường tiểu học mà thành buổi riêng để giáo dục các cháu. Việc này là theo đúng chương trình, yêu cầu của bộ GD&ĐT".
Theo ông Tuyến, bài học này là kỹ năng dạy cho các cháu biết kêu cứu và thoát hiểm khi gặp những sự cố nguy hiểm, chứ không phải là dạy các cháu phòng chống cháy nổ.
"Hiện tại, phía phòng GD&ĐT huyện cũng chưa nhận được báo cáo từ trường vì hiện tại trường và gia đìnhđều đi cùng lên viện Bỏng điều trị cho các cháu", ông Tuyến cho biết.
Ông Tuyến cho rằng đây là sự việc tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc.
Bên cạnh đó, nói về hướng xử lý, giải quyết sự việc, ông Tuyến nói: "Thực ra mà nói, đây là một tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc. Đáng lẽ ra khi châm lửa thì cô giáo nên châm nhỏ, còn khi đó cửa trên tầng hai lại mở, gió to quá thì ngọn lửa bay bén vào áo các cháu, sự việc đáng tiếc và không may".
Vị trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên thông tin thêm trường mới được cấp phép hoạt động 3 tháng nay.
"Hiện tại, phía nhà trường đang cùng gia đình đưa các cháu đi viện điều trị. Trong ngày 10/8, sở GD&ĐT, UBND huyện, phòng GD&ĐT cũng đã lên thăm hỏi, động viên chia sẻ với gia đình các cháu bị bỏng tại viện Bỏng Quốc gia. Huyện cũng đã chỉ đạo xã tạm dừng hoạt động của lớp trẻ này, sau khi giải quyết và có kết luận của công an thì mới xử lý được", ông Tuyến chia sẻ.
Theo nguoiduatin
Cần có 'kỹ năng' khi cho con học kỹ năng Không phải 'thả' con vào các lớp dạy kỹ năng sống là con có thể tiếp thu được trọn vẹn những kiến thức được dạy. Theo các chuyên gia, để con học kỹ năng sống có hiệu quả, phụ huynh cần có 'kỹ năng'. Học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng miễn phí tại Nhà thiếu nhi TP.HCM -...