Dạy học trực tuyến: Giải pháp tình thế?
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT đã tính đến việc tổ chức lễ khai giảng, dạy học trực tuyến. Nhiều giáo viên, hiệu trưởng cho rằng, đó chỉ là giải pháp tình thế.
Học sinh nhỏ tuổi học trực tuyến rất khó khăn. Ảnh: Như Ý
Theo kế hoạch, các trường ngoài công lập sẽ tập trung học sinh từ đầu tháng 8 để ôn tập, củng cố kiến thức năm học trước cho học sinh sau đợt nghỉ kéo dài vì dịch bệnh. Tuy nhiên, vì dịch COVID-19 bùng phát trở lại, tại Hà Nội, nhiều trường phổ thông như Marie-Curie, Nguyễn Siêu, Newton, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đã phải lùi thời gian tựu trường sang tháng 9.
Chị Trần Thu Hương (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói rằng, năm học trước, hai con chị đều học trực tuyến và nếu năm nay học online tiếp thì gia đình có phần không yên tâm. Trong khi bé học lớp 6 đến giờ tự ngồi vào bàn học, làm bài tập đầy đủ, bé lớp 3 phải có bố mẹ ngồi bên nhắc nhở. “Hôm nào mẹ bận không học cùng, con sẽ quay ra quay vào, không tập trung, hỏi bài tập gì con cũng không biết”, chị Hương nói.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie-Curie Hà Nội, nói rằng, từ sau Tết nguyên đán đến nay, học sinh đã nghỉ 5 tháng nên thầy rất lo cho chất lượng, kiến thức học sinh. Nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được, năm học tới, nhà trường buộc phải tính đến phương thức dạy học trực tuyến một cách nghiêm túc.
Lần này, do có kinh nghiệm dạy trực tuyến từ đợt dịch trước, cả nhà trường và phụ huynh, học sinh đều đã có nền tảng, kinh nghiệm dạy và học. Tuy nhiên, thầy Khang khẳng định, hoạt động giáo dục không chỉ có truyền thụ kiến thức mà còn nhiều hoạt động khác. Các hoạt động này chỉ thực hiện được khi học sinh đến trường, nên học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, có còn hơn không mà thôi.
Video đang HOT
“Đánh giá một cách thẳng thắn, dạy học trực tuyến ở một trường trung tâm Thủ đô, cả nhà trường và học sinh đều có đủ điều kiện máy móc, thời gian tham gia, hiệu quả không đạt 50%. Nhất là học sinh nhỏ tuổi, lớp 1-2, bố mẹ đi làm, không ở bên kèm cặp khó hiệu quả. Chưa nói đến học sinh vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện cơ sở vật chất không thể đánh giá được”, thầy Khang nói.
Khó dạy online cho học sinh lớp 1
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Tây Hồ, người có kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 1, khẳng định, không thể dạy học trực tuyến một cách hiệu quả đối với học sinh lớp 1. Theo cô Huyền, năm ngoái, khi dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1, chương trình đã ở học kỳ II, học sinh cơ bản đã biết đọc, biết viết. Lớp có 56 học sinh, tham gia 100% nhưng cô rất khó có thể tương tác hỏi đáp, kiểm tra bài cũ cũng như kiểm soát hết học sinh trong lớp. “Nhiều em mở máy rồi không học, chạy nhảy khắp nhà. Nhiều phụ huynh ý thức kém, không tắt mic rồi văng tục, chửi bậy mặc cho giáo viên nhắc nhở”, cô kể.
Khi hết dịch, học sinh quay lại trường học, cô phải dành rất nhiều thời gian để dạy lại chương trình học sinh mới nắm được. “Còn nếu vào năm học mới, ngay từ đầu phải dạy trực tuyến lớp 1, không thể dạy được vì học chữ làm sao dạy được trẻ điểm đặt bút, dừng bút ở đâu qua mạng. Dạy học trực tiếp trên lớp, cô viết mẫu, hướng dẫn, sau đó đi kiểm tra từng em vẫn có đến nửa lớp sai”, cô Huyền nói.
Cô Đ.T.M.H, giáo viên một trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội), cho rằng, học sinh bậc THCS-THPT có ý thức học trực tuyến thuận lợi, hiệu quả hơn học sinh nhỏ tuổi. Thực tế, năm học trước, cô dạy học trực tuyến học sinh lớp 1 chỉ để các em không quên mặt chữ. Dù cô được phụ huynh hỗ trợ hết sức nhưng mỗi tuần chỉ học 3-4 buổi, một buổi kéo dài một giờ, ban đầu học sinh chỉ làm quen, sau đó chắt lọc kiến thức cơ bản để dạy.
Tuy nhiên, khi quay lại trường học, cô và trò đều rất vất vả để vừa dạy lại vừa hoàn thành chương trình. “Lắm hôm, trống đánh hết giờ, cô trò vẫn kéo rèm, học thêm 30 phút mới nghỉ. Vì không ôn lại, không củng cố kiến thức, sẽ có em không biết chữ, chứ đừng nói chất lượng như những năm trước”, cô H nói.
Hiệu trưởng một trường ngoài công lập tại Hà Nội cho biết, lo ngại dịch bệnh, học sinh không thể đến trường theo kế hoạch nên trường này đã bắt đầu dạy trực tuyến cho học sinh từ lớp 2 trở lên. Riêng học sinh lớp 1, nhà trường đang lo lắng, không biết phải dạy học thế nào vì các em từ mầm non mới vào lớp 1, chưa biết chữ. Mọi hoạt động dạy học sẽ phải triển khai trực tiếp mới có hiệu quả, vị hiệu trưởng này nói.
Năm học 2019-2020, khi các địa phương nghỉ học kéo dài vì dịch COVID-19 và buộc phải dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT còn triển khai dạy Tiếng Việt 1 qua kênh VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam.
Hiệu trưởng Marie Curie "bật mí" lý do không thu học phí, trả lương đủ cho giáo viên
Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Marie Curie, lãnh đạo nhà trường quyết định "phá" quỹ tích luỹ gần 30 năm qua để hỗ trợ học sinh, giáo viên trong dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, nhà trường đã phải dùng quỹ dự phòng để trang trải. Ảnh: MC
Trưa 30/3, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường THCS - THPT Marie Cuire Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện vẫn chi trả đủ lương cho hơn 450 giáo viên, cán bộ nhà trường và không thu học phí trong đợt phòng, chống dịch Covid-19.
Ông đánh giá như nào về chủ trương các trường ngoài công lập được thoả thuận chuyện thu học phí với phụ huynh học sinh?
- Thật ra, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Với các trường ngoài công lập, gọi nôm là các trường tư, nguồn tài chính duy nhất chính là những đóng góp của phụ huynh học sinh trong việc thu nộp học phí. Với một trường học, ngoài việc chi trả tiền lương giáo viên, còn rất nhiều khoản khác phải trang trải.
Bởi vậy, tôi cho việc nhà trường và phụ huynh học sinh ngồi lại với nhau để thống nhất mức đóng góp cho các chương trình dạy học trực tuyến và các nội dung liên quan là hết sức bình thường, đúng đắn.
Dư luận đang xôn xao việc nhà trường đã trả lương 100% cho hơn 450 giáo viên, cán bộ 2 tháng qua và miễn học phí cho học sinh học trực tuyến, góc độ là hiệu trưởng, ông nói gì về điều này?
- Kỳ thực chúng tôi không hề muốn những việc này trở thành ồn ào, dễ nảy sinh những sự so sánh. Trước hết, tôi vì là người trong nghề nên tôi rất đồng cảm và chia sẻ với các đồng nghiệp, các trường đồng nghiệp. Chúng tôi rất hiểu, chỉ cần 1 tháng không có thu và vẫn phải xử lý nhiều khoản tài chính, nhiều nhà trường sẽ rơi vào khủng hoảng, khó khăn.
Về tình cảm, tâm tư, các giáo viên hay các lãnh đạo nhà trường đều không muốn thu bất cứ khoản kinh phí nào từ học sinh trong đợt dịch bệnh hiện nay. Nhưng, với nhiều nhà trường rơi vào lực bất tòng tâm, có tâm nhưng thiếu lực. Còn với riêng hệ thống trường Marie Cuire, chúng tôi thành lập từ năm 1992, tức đã được 28 năm hoạt động.
Chúng tôi luôn gây dựng quỹ dự phòng rủi ro và đầu tư phát triển hằng năm. Nay, khi cả nước đang phải gồng mình chiến đấu với dịch bệnh, nên lãnh đạo nhà trường đã quyết định sử dụng quỹ này để giữ gìn bộ máy cũng như mong muốn đóng góp một phần công của vào việc chung của cả nước. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị xây dựng thêm cơ sở bên Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội, nhưng sẽ ưu tiên cho việc chăm lo đời sống giáo viên, cán bộ và phụ huynh, học sinh trước.
Giả thiết dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, học sinh có thể phải nghỉ thêm, nhà trường có giải pháp gì không, thưa ông?
- Tôi cam kết, sẽ tiếp tục áp dụng chủ trương không thu học phí với học sinh học trực tuyến, kể cả có nghỉ đến hết tháng 4, tháng 5 tới. Còn với đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhà trường sẽ cân nhắc các phương án khác nhau. Ví dụ, nếu học sinh nghỉ học tại trường hết tháng 4, chúng tôi sẽ xem xét phương án trả 70% lương. Và nếu tiếp tục hết tháng 5, phía lãnh đạo nhà trường sẽ vẫn trả lương, nhưng có thể điều chỉnh còn 50% lương cho toàn bộ giáo viên, cán bộ liên quan.
Xin cảm ơn ông!
Lên kịch bản tổ chức lễ khai giảng online Theo khung kế hoạch năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành, 23 triệu học sinh trên cả nước sẽ chính thức tựu trường từ 1.9 và khai giảng năm học mới vào 5.9. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã lên kế hoạch lùi ngày khai giảng, để bảo vệ...