Dạy học trực tuyến để phòng dịch COVID-19: Giải pháp tối ưu vì sức khỏe, sự an toàn của học sinh
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong tình hình dịch COVID-19 đã lây lan vào đến trường học, hơn 30 địa phương trên cả nước quyết định cho học sinh tạm nghỉ học.
Nhiều nơi, giáo viên đã tiến hành dạy học trực tuyến trong tình hình mới, với mục tiêu “tạm dừng đến trường không dừng việc học”.
Giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tự quay các video bài giảng để phục vụ cho việc dạy học trực tuyến. Ảnh: Tô Thế
Làm việc xuyên trưa để soạn bài
Ăn vội hộp cơm trưa, cặm cụi bên chiếc máy tính… đây là những hình ảnh quen thuộc của các giáo viên của Trường Tiểu học Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) những ngày qua. Các thầy cô tận dụng mọi thời gian để tự mày mò các công cụ, phần mềm hỗ trợ học trực tuyến như Zoom, Microsoft, Teams… nhằm kết nối với học sinh khi các em nghỉ học để phòng dịch. Với sự nỗ lực của giáo viên, nhà trường đã có thể dạy học trực tuyến qua Zoom cho học sinh toàn trường từ ngày 2.2.
Từ ngày 30.1, khi Bộ GDĐT có văn bản chỉ đạo các địa phương, nhà trường triển khai tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường để thực hiện chương trình, phòng chống và ứng phó kịp thời khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ nhà giáo đã nhanh chóng nhập cuộc. Giáo viên đã có những buổi làm việc xuyên trưa để cập nhật kiến thức, kỹ năng dạy học trực tuyến, xây dựng giáo án, chương trình dạy học cho phù hợp với tình hình mới.
Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), từng là một trong những trường công lập đi đầu trong việc thực hiện dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu, yêu cầu quan trọng để dạy học trực tuyến hiệu quả là nhà trường phải xây dựng được kế hoạch dạy học phù hợp. Lý do là khi dạy học trực tuyến, khó có thể xếp 4 tiết/buổi với thời gian 45 phút/tiết như thời khóa biểu bình thường. Nếu dạy liên tục như vậy, học sinh sẽ rất mệt. Vì thế, nhà trường phải chủ động, giãn các tiết, xây dựng bài giảng sao cho mỗi một tiết dạy trực tuyến chỉ tối đa 40 phút, để học sinh có thời gian nghỉ giữa các tiết học.
Vì thế, khi triển khai dạy trực tuyến, giáo viên sẽ vất vả hơn, khối lượng công việc phải giải quyết nhiều hơn. Nhưng trong tình hình dịch bệnh lây lan vào tới trường học như hiện nay, dạy học trực tuyến là giải pháp tối ưu vì sức khỏe, sự an toàn của học sinh.
Băn khoăn dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1
Khi môi trường giáo dục truyền thống, với bảng đen phấn trắng được thay thế bằng những lớp học ảo, thầy trò tương tác với nhau trên không gian mạng, đòi hỏi cả giáo viên và học sinh phải có kỹ năng về công nghệ thông tin. Nhưng lo lắng nhất hiện nay là việc dạy học trực tuyến với học sinh tiểu học, do tính chủ động trong học tập chưa cao. Giải pháp này cũng khó triển khai đồng bộ ở tất cả địa phương, vì phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng nơi, từng nhà trường và điều kiện của từng gia đình phụ huynh học sinh.
Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành để sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học tổ chức ngày 2.2, rất nhiều địa phương đã bày tỏ băn khoăn về hiệu quả dạy học trực tuyến với học sinh tiểu học, đặc biệt học sinh lớp 1 – lứa học sinh đầu tiên trải nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Tĩnh, là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt, nhưng thời gian qua thầy trò địa phương đã nỗ lực vượt khó để bước vào năm học mới. Tỉnh ưu tiên dành mọi nguồn lực cho học sinh lớp 1 thực hiện dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi nếu thực hiện tốt lớp 1 thì sẽ tạo tiền đề để thực hiện tốt các lớp khác. Những tuần đầu dạy học có gặp khó khăn, lúng túng, nhưng sau một thời gian, giáo viên đánh giá sách chương trình giáo dục phổ thông mới dễ dạy hơn, giúp giáo viên chủ động, sáng tạo hơn. Nhiều giáo viên dạy rất cảm xúc vì kết hợp các kiến thức, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để tạo cho tiết học thêm hứng thú với học sinh.
“Tuy nhiên, dịch bệnh đang rất phức tạp, Hà Tĩnh và nhiều địa phương phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Khó nhất là với học sinh lớp 1, vì học sinh chưa chủ động, cần sự hướng dẫn, kèm cặp của phụ huynh” – ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Hoàn – Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận – thì đề xuất Bộ GDĐT sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc dạy học trực tuyến. Hiện nhiều nơi giáo viên phải đến từng nhà giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, tuy nhiên chưa được quy đổi các hoạt động giáo dục này ra tiết dạy. Ngoài ra cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn về dạy học trực tuyến, để các nhà trường có cơ sở pháp lý đẩy mạnh phương thức dạy học này phù hợp với tình hình mới.
Còn theo ông Vũ Văn Trà – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng – để dạy học trực tuyến thành công, đặc biệt với học sinh tiểu học, cần sự nỗ lực của không riêng ngành giáo dục mà cần sự chia sẻ, phối hợp từ phía phụ huynh. Các trường học có thể xây dựng thời khóa biểu dạy học trực tuyến phù hợp, để cha mẹ có điều kiện đồng hành cùng con trong các giờ học trực tuyến, cùng ngành giáo dục khắc phục khó khăn mà dịch COVID-19 đưa tới.
Video đang HOT
Trẻ tiểu học học trực tuyến, cha mẹ 'chạy theo' hoa cả mắt
"Group Viber của lớp cứ "ting" cả sáng nay. Tôi mở ra thấy nào phần mềm Zoom, nào hướng dẫn toán, nào hoàn thành tranh mỹ thuật ngày tết quê em... Hoa cả mắt!
Học sinh Trường tiểu học Minh Đạo, Q.5, TP.HCM cùng phụ huynh học trực tuyến tối 2-2 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tôi mong sao đỡ áp lực hơn, chứ tết thì sắp đến cộng với dịch, rồi bài vở khiến cả nhà rối mù cả lên".
Tâm sự này của chị Ái Thư, có con học một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM, cũng là nỗi lòng của nhiều phụ huynh những ngày này khi con họ đang phải căng mình học trực tuyến trong tuần cuối cùng trước khi nghỉ tết.
Hình thức, đối phó?
Chị Võ Thu Lan - phụ huynh có con học lớp 3 một trường tiểu học tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) - cho rằng việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học không hiệu quả, chỉ mang tính hình thức, đối phó.
Vì bài dạy của giáo viên qua mạng không có cải tiến so với dạy trực tiếp (vẫn là cô giảng bài, viết lên bảng hoặc trình chiếu giáo án điện tử). Học sinh có hiểu bài hay không, có chú ý hay không không kiểm soát được.
"Đợt COVID-19 trước, trường tổ chức dạy học trực tuyến nhưng lịch không cố định và thường bố trí vào giờ không phù hợp với tâm sinh lý trẻ. Bố mẹ cũng thụ động chạy theo con rất mệt. Bây giờ chỉ còn vài ngày đến tết, bắt con trẻ học trực tuyến trong khi vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ càng thì không nên" - chị Lan nói.
Tuy nhiên cũng có những giáo viên, phụ huynh cho rằng tình thế phải dạy trực tuyến thì cần chấp nhận và trước khi chờ cấp trên hướng dẫn, tháo gỡ thì mỗi giáo viên, phụ huynh đều phải tự vận động.
Cô Trần Thị Lệ Thương - Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - cho biết: "Lớp 1 học ở lớp vốn đã rất loay hoay, học trực tuyến rất khó. Nhưng mình phải chấp nhận, giáo viên hướng dẫn phụ huynh là chính. Chẳng hạn tiếng Việt, tôi gửi bài giảng trong group Zalo cho phụ huynh. Sau đó hướng dẫn riêng; toán thì cho bài tập để các em cộng.
Để kiểm tra kết quả, để biết học sinh có học bài, phụ huynh cho con viết và chụp bài làm, hoặc quay clip khi con tập đọc, gửi cho cô. Nhìn chung, với lớp 1 chủ yếu là giáo viên và phụ huynh hỗ trợ nhau, sự hướng dẫn của cha mẹ để con học trực tuyến là quyết định".
Một thầy giáo dạy lớp 1 của một trường tiểu học ở Q.6, TP.HCM cũng chia sẻ cách dạy trực tuyến của mình sau khi dạy học trong mùa COVID-19 đợt đầu.
Thầy nói: "Học trực tuyến học sinh chán là một chuyện, giáo viên dạy cũng thấy không hứng thú vì học sinh quá bé. Đợt đầu mùa dịch, bài giảng của tôi chỉ đơn giản là lấy hình ảnh bài quay màn hình, rồi lồng tiếng vào. Bản thân mình cũng thấy "khô".
Sau này, chính giáo viên được trải nghiệm nên sau một bài dạy, tôi cho câu hỏi đố vui. Muốn biết câu hỏi thì phải xem hết clip, phải qua nội dung bài. Trả lời đúng sẽ được dấu cộng, được khen. Tất nhiên câu hỏi vui cũng nhẹ nhàng để các con hứng thú".
Thầy Trần Quốc Long Xuyên - Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - dạy trực tuyến cho học sinh lớp 5 chiều 2-2 - Ảnh: NH.HÙNG
Sẽ ban hành quy chế dạy học trực tuyến
Trong buổi sơ kết học kỳ 1 ở bậc tiểu học tổ chức tại Bộ GD-ĐT ngày 2-2, nhiều lãnh đạo sở bày tỏ lo ngại khi dịch COVID-19 trở lại, học sinh có thể phải nghỉ học dài ngày như năm 2020 rất có thể xảy ra và giải pháp ứng phó đang được trông đợi nhất là dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, hình thức dạy học trực tuyến chỉ có hiệu quả với học sinh trung học, còn học sinh tiểu học còn quá bé nên ý thức tự giác học chưa cao, dễ bị chán nản khi phải học qua màn hình máy tính. Vì thế hiệu quả dạy học trực tuyến với học sinh tiểu học cũng thấp.
Ông Trần Ngọc Hiệp - trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Phú Yên - cũng cho rằng đã sang đến mùa COVID-19 thứ ba và nhiều khả năng học sinh các cấp lại phải học trực tuyến. Trong khi chưa có hành lang pháp lý quy định về việc dạy học, đánh giá học sinh như thế nào. Đặc biệt, với học sinh lứa tuổi nhỏ, việc dạy học, đánh giá cần triển khai thế nào để phù hợp, hiệu quả.
Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) - cho biết trung tuần tháng 2-2021 Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư ban hành quy chế dạy học trực tuyến. Sẽ có quy định cụ thể trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế bài dạy, chuẩn bị nguồn học liệu phù hợp với từng đối tượng học sinh.
"Các trường phải khảo sát học sinh, điều kiện dạy học để lựa chọn hình thức dạy học phù hợp và công khai kế hoạch này. Khi có hành lang pháp lý rồi, các trường cần có kế hoạch dạy học trực tuyến ngay trong tình huống không có dịch bệnh, có thể dạy song song với trực tiếp, hỗ trợ dạy học chính ở trường hoặc chuyển sang dạy học trực tuyến hoàn toàn khi học sinh không đến trường" - ông Tài thông tin.
Không được ngồi nói trước màn hình
Bên cạnh sự hướng dẫn từ xa là giáo viên, cần sự hướng dẫn gần là cha mẹ, người thân. Những buổi học trực tuyến, cần lưu ý lớp 1 vừa học vừa chơi, vừa ăn vừa học nên phụ huynh hướng dẫn kỹ: phải ngồi một chỗ, nơi học yên tĩnh, tập trung, xung quanh không đồ chơi, trang phục phù hợp, sách thước để bên cạnh; còn giáo viên thì cần tích cực tặng danh hiệu cho học trò: sticker, ngôi sao... tạo hứng thú học tập.
Giáo viên, không nên ngồi trước màn hình và nói mà cần có bảng chữ, đố học trò, có game thiết kế trực tuyến chỉ cần bật nút chọn là ra kết quả và sau đó là phần thưởng; tránh việc nói trả lời câu hỏi trước màn hình để vận dụng dạy học.
TS giáo dục học NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
Kết hợp nhiều hình thức dạy học
Theo ông Thái Văn Tài, học sinh quá nhỏ nên khi triển khai dạy học trực tuyến giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Ở bậc tiểu học, tùy theo các tình huống cụ thể, bên cạnh việc dạy học trực tuyến, các trường, giáo viên có thể linh hoạt kết hợp nhiều hình thức dạy học, hướng dẫn học sinh ôn tập, tự học từ xa.
Các trường giao cho tổ chuyên môn để xây dựng tài liệu, thiết kế bài dạy phù hợp với học sinh tiểu học, trong đó điều chỉnh thời gian phù hợp với học sinh nhỏ tuổi, áp dụng các hình thức dạy học đa dạng, sử dụng các thiết bị dạy học trực quan giúp học sinh không nhàm chán.
Không được giao bài tập khi nghỉ tết
Bà Trần Thị Ngọc Châu, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã có văn bản gửi các phòng giáo dục huyện, thị, thành phố trên địa bàn yêu cầu từ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trở về sau, giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ tết.
Văn bản nêu rõ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là dịp để học sinh được trải nghiệm, tìm hiểu phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như học sinh cần được sum họp, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái cùng gia đình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết từ nhiều năm qua, sở cũng đã có "dặn dò" như trên nhưng chưa bằng văn bản chính thức và vẫn nhận được phản ánh là học sinh bị giao quá nhiều bài tập về nhà trong dịp tết. Để chấn chỉnh và quyết liệt hơn, năm nay sở có văn bản chính thức.
"Giờ là thời đại của công nghệ, chỉ cần 1-2 ngày trước khi đi học trở lại giáo viên có thể nhắn phụ huynh nhắc học sinh ôn bài là được. Còn cứ giao trước khi nghỉ tết thì trong kỳ nghỉ các em sẽ loay hoay làm bài, phụ huynh cũng lo lắng" - bà Châu nói.
ĐÔNG HÀ
Thêm nhiều nơi cho học sinh nghỉ học
Ông Nguyễn Văn Mạnh - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ - cho biết cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 3-2 đến ngày 16-2.
* Tỉnh Hà Nam, Bình Thuận quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 3-2.
* Ninh Bình cho học sinh nghỉ tết từ ngày 4-2 đến hết ngày 16-2.
* Đồng Nai cũng cho học sinh nghỉ học từ ngày 4-2.
* Vĩnh Long cho học sinh nghỉ học từ ngày 3-2.
CHÍ TUỆ - ĐỨC TRONG - TTXVN
75 trẻ mầm non phải cách ly tập trung vì bạn học mắc COVID-19
Tôi qua 2-2, chính quyền xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tập trung truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với 2 ca mắc COVID-19 mới là một trẻ đang học tại Trường mầm non Bạch Đằng và bà ngoại của bé. 119 trường hợp F1, trong đó có 75 F1 là bạn học của cháu bé học lớp 4 tuổi, 10 giáo viên của trường mầm non và một số người dân trong khu vực đã bị phong tỏa. Trường mầm non Bạch Đằng đã được thiết lập làm cơ sở cách ly tập trung cho những trường hợp này. 75 người là phụ huynh học sinh cũng vào trong khu cách ly để chăm sóc các cháu.
Hôm 30-1, cháu bé học lớp 4 tuổi cùng bà ngoại được đưa đi cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thị xã Kinh Môn do tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19 là N.T.T. (công nhân Công ty TNHH điện tử Poyun Việt Nam tại TP Chí Linh, Hải Dương).
TIÊN THĂNG
Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến Bộ GD&ĐT có Công văn số 1061/BGD&ĐT-GDTrH ngày 25/3/2020 hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình với cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19 năm học 2019 - 2020. Ảnh minh họa/INT Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo để nâng...