Dạy học thể dục: Trong cái khó ló cái khôn
Nhiều trường học tại TPHCM không có đủ điều kiện sân bãi, nhà thi đấu để học sinh (HS) học các môn Giáo dục thể chất tại trường. Để HS có không gian học tập, nhiều mô hình phối hợp dạy học sáng tạo được áp dụng.
HS Trường THCS Nguyễn Du – Quận 1 – TPHCM tranh thủ tập luyện môn đá cầu vào buổi trưa. Ảnh: TG
Dù khuôn viên chật hẹp, giờ nghỉ trưa, nhiều HS Trường THCS Nguyễn Du – Quận 1, TPHCM vẫn hăng say tham gia tập thể dục như đá cầu hay nhảy Flashmob chuẩn bị tham gia hội thao của trường. Cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: Khuôn viên sân trường hạn chế, song ngay gần trường có Nhà thi đấu Nguyễn Du – Quận 1 và Trung tâm TDTT Quận 1, nên hằng năm, nhà trường đều gửi công văn về việc mượn sân bãi. Được sự đồng ý của các đơn vị này, trường dẫn HS qua học các môn giáo dục thể chất. Còn nếu bên đó có sự kiện lễ hội… các em có thể tập ở sân ngoài công viên gần trường.
Để giúp cho HS bán trú tăng cường vận động thể chất, nhà trường mở các câu lạc bộ (CLB) thể thao. CLB hoạt động vào cuối giờ với các môn cờ vua, cờ tướng, bóng rổ. HS tập từ 16 giờ 20 – 17 giờ 20, phụ huynh đến đón. Với môn cầu lông và bóng rổ, trường không có sẵn huấn luyện viên nên khi tham gia CLB, học sinh phải đóng phí. Còn những môn GV trong trường có thế mạnh, trường bố trí thầy dạy tuần 2 – 3 buổi cho các em.
Tại Trường THPT Trần Hữu Trang – đường Trần Hưng Đạo, Quận 5, TPHCM, học sinh chơi các môn bóng rổ, đá cầu tại sân dùng chung với Hội quán Quỳnh Phủ (Hải Nam). Đặc biệt, nhiều giờ giáo dục thể chất, các em được học ở trên sân thượng hay mượn sân tập của Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM.
HS lớp 11 Trường THPT Trần Hữu Trang – Quận 5 – TPHCM tập nhảy Flashmob tại công viên Văn Lang. Ảnh: TG
Thầy Võ Thiện Cang – Hiệu trưởng trường cho biết: Điều kiện sân tập cho HS còn thiếu, nhà trường đã cải tạo lại sân thượng làm khu sân tập bóng rổ. Ngoài ra, hơn 2 năm nay, nhà trường được Trường ĐH Sư phạm TDTT TPHCM cho mượn sân tập khi trống nên HS của trường có điều kiện học giáo dục thể chất tốt hơn. Tranh thủ điều kiện có hồ bơi của Trường ĐH Sư phạm TDTT, nhà trường cũng mạnh dạn phổ cập môn này cho HS.
Video đang HOT
Tại trường THCS Ba Đình – Quận 5, TPHCM, vào giờ giáo dục thể chất, HS các lớp được chia ca để học như khối lớp 6, lớp 9 học buổi sáng, khối lớp 7, lớp 8 học buổi chiều. Các giờ học chia theo nhóm, nhóm này tập, nhóm khác được “giải lao” bởi không gian sân tập không đủ cho cả lớp.
Theo thầy Trần Văn Đồng, Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn thể mỹ, Trường THCS Ba Đình, trường không có nhà thi đấu, điều kiện sân bãi thiếu, chật hẹp, HS có thể tập luyện những môn thể thao phù hợp, giúp phát triển tư duy sáng tạo, phán đoán tốt như đá cầu, bống rổ 3 người, cầu lông, các động tác, bài tập bổ trợ, bài tập phát triển thể lực chung…
Nhờ linh động, chủ động khắc phục khó khăn về sân bãi, sáng tạo với nhiều hình thức hợp tác, chất lượng giáo dục thể chất của nhiều trường học tại TPHCM được cải thiện. Hướng hợp tác với ngành thể thao để tranh thủ điều kiện cơ sở vật chất trong dạy học cũng đã được ngành GD thành phố quan tâm.
Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp TP năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT và Sở VH-TT TPHCM thông qua kế hoạch liên tịch giữa hai ngành trong việc phối hợp tổ chức và nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học. Đồng thời, 24 phòng GD&ĐT cũng ký kết liên tịch với trung tâm thể dục thể thao các quận, huyện để đưa hoạt động giáo dục thể chất đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho HS.
Hoạt động thể thao học đường: Nên giảm lý thuyết, tăng thực hành
Trong thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm hiệu quả, các địa phương cần chú trọng nhân rộng, đưa chương trình đến trường học các cấp.
Đồng thời quy trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong ký kết để làm tốt hơn, cùng tháo gỡ vướng mắc để chủ động hơn trong thực hiện.
Ngoài giờ học các em cần tham gia hoạt động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động thể thao trường học (chương trình 917) giai đoạn 2016-2020. Hội nghị do Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức ngày 24.11 tại TP Cần Thơ.
100% địa phương triển khai giảng dạy môn GDTC
Báo cáo tổng kết chương trình, bà Nguyễn Thị Chiên, Phó Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL) cho biết, sau 5 năm thực hiện, bên cạnh hoạt động đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, 100% địa phương trong cả nước đã triển khai giảng dạy môn GDTC (thể dục) trong nhà trường phổ thông các cấp. Trong đó, hầu hết các trường đảm bảo dạy 2 tiết/tuần (trừ chương trình lớp 1 tiểu học).
Theo đánh giá của các địa phương, chương trình GDTC các cấp học cơ bản đã phù hợp cho mọi đối tượng học sinh. Tuy nhiên, nội dung, phương pháp, chương trình còn chậm đổi mới... dẫn đến các giờ dạy môn thể dục hiện còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, nặng về trang bị kiến thức, nhẹ phần thực hành, chưa phát huy hiệu quả tính tự giác, tích cực rèn luyện các kỹ năng vận động, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
Hai Bộ cũng phối hợp tổ chức và tham gia các hoạt động thể thao quy mô toàn quốc và quốc tế dành cho học sinh. Các trường có hoạt động thể thao ngoại khóa thường xuyên ở cấp tiểu học đạt khoảng 30%, THCS khoảng 25%, THPT chiếm khoảng 23%, các trường cao đẳng và đại học chiếm từ 25-28%.
Học sinh tham gia các giải thi đấu thể thao các cấp đạt 20% tổng số học sinh, có 30% số trường tiểu học, 40% trường THCS, 60% trường THPT và 90% số trường đại học, cao đẳng, trung cấp có ít nhất một Câu lạc bộ các môn thể thao.
Đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích - đuối nước, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng nhanh từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2018, góp phần kéo giảm đáng kể nạn tử vong do đuối nước ở thanh thiếu nhi.
Phong trào tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và tập luyện môn võ cổ truyền trong các trường phổ thông được triển khai đồng loạt tại 100% trường học các cấp và được hưởng ứng tích cực. Tuy vậy, cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ TDTT trường học hiện còn quá thiếu, nhất là các trường khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Quỹ đất dành cho hoạt động TDTT trong các trường học còn thiếu trầm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu cho hoạt động GDTC và TDTT trường học trong giai đoạn mới. Đây cũng là khó khăn được nhiều địa phương cho biết tại hội nghị.
Tổ chức nhiều hơn các giải thể thao
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh, để triển khai chương trình đạt hiệu quả, hai ngành VHTTDL và GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ trong khai thác các nguồn lực từ cơ sở vật chất cho đến con người, nhất là trong chương trình phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM, tỉ lệ trẻ đi học bơi nhiều hay ít phụ thuộc vào vai trò của phụ huynh, vấn đề chính là động viên phụ huynh đưa con em đến hồ bơi, bởi tâm lý phụ huynh hiện còn e ngại đưa con em đi học bơi bởi nhiều lý do, còn tâm lý học sinh thì rất thích đến hồ bơi. Do đó, công tác tuyên truyền cần chú trọng đúng vào đối tượng, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền phổ cập bơi, kể cả tuyên truyền trên mạng xã hội.
Nhiều địa phương cũng đề xuất sớm hoàn thiện pháp lý để đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa cơ sở vật chất TDTT trong trường học, tổ chức thêm một số giải thể thao thường niên để khích lệ phong trào TDTT trong trường học, chuẩn hóa đội ngũ nhân lực... để tránh "bị động" trong triển khai chương trình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, trong thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm hiệu quả, các địa phương cần chú trọng nhân rộng, đưa chương trình đến trường học các cấp. Đồng thời quy trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong ký kết để làm tốt hơn, cùng tháo gỡ vướng mắc để chủ động hơn trong thực hiện.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp đề xuất Chính phủ đầu tư thêm nguồn lực cho công tác GDTC và TDTT trong trường học. Tiếp tục ký kết thực hiện chương trình 917 giai đoạn 2020-2025. Giải pháp trọng tâm năm học 2020-2021 là phối hợp xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học GDTC cho bậc mầm non, phổ thông phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền, các môn thể thao dân tộc, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý các địa phương cần tận dụng và phát huy những thiết chế thể thao hiện có, thu hút xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất và dụng cụ TDTT trong trường học, tăng cường các giải thi đấu những môn thể thao cổ truyền của dân tộc gắn với các phong trào thể thao quần chúng... tạo thuận lợi cho học sinh các cấp rèn luyện thể chất, nâng cao tầm vóc, phát triển trí lực.
Giải pháp trọng tâm năm học 2020-2021 là phối hợp xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học GDTC cho bậc mầm non, phổ thông phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền, các môn thể thao dân tộc, kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
(Thứ trưởng Bộ GD&ĐT NGÔ THỊ MINH)
Học sinh Trung Quốc sẽ thi chuyển cấp thêm môn Thể dục Phương án này được áp dụng cho học sinh thi vào cấp ba, bên cạnh các môn Toán, Tiếng Trung, Ngoại ngữ. Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa đưa thông báo về việc thêm Giáo dục thể chất vào hệ thống các môn thi bắt buộc trong kỳ tuyển sinh vào THPT. Theo People, môn học này sẽ cùng trọng số với Tiếng...