Dạy học ở nhà: Hãy để trẻ em là người bình thường
“Bọn trẻ cần bạn bè, sẽ đến lúc trẻ yêu bạn bè hơn cha mẹ. Lúc đó, chắc chắn đứa trẻ tự học ở nhà sẽ gặp một số bất ổn về tâm lý”, TS Vũ Thu Hương bày tỏ.
TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm, đứa trẻ chỉ có thể phát triển tốt nếu chúng được coi là hoàn toàn bình thường và sống trong môi trường tự nhiên.
Khủng hoảng niềm tin với giáo dục
Theo quan điểm của TS Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội, hình thức dạy học home school chưa thực sự phù hợp với Việt Nam, là sự khủng hoảng lòng tin trầm trọng của phụ huynh trong lĩnh vực giáo dục. Để thực dạy con ở nhà, cha mẹ cần có những đầu tư đặc biệt cho trẻ nhỏ.
Theo TS Hương đánh giá, home school có đặc thù là giống cách học gia sư. Mọi phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, cách thức kiểm tra đánh giá… đều được thiết kế riêng cho đứa trẻ nên độ phù hợp và hiệu quả học tập là đặc biệt cao. Đó chính là lợi ích lớn nhất của mô hình này.
Video đang HOT
Nhiều gia đình mua giáo trình Mỹ cho con học ở nhà. Ảnh. Anh Tuấn.
Tuy nhiên, dạy và học home school có hại cho trẻ, đó là khi các em sống thiếu tập thể và môi trường xã hội thực sự. Trong đó, giao lưu với bạn bè là điều kiện phát triển không người cha mẹ nào có thể cung cấp được.
Theo TS Vũ Thu Hương, có những kỉ niệm, niềm vui, bí mật mà chỉ riêng lũ trẻ biết và chia sẻ cùng nhau.
Đó là chưa kể tự học ở nhà, trẻ em sẽ dễ có cảm giác mặc cảm khi bị cư xử một cách quá bất bình thường giữa chính quê hương của mình.
“Bọn trẻ cần bạn bè, sẽ đến lúc trẻ yêu bạn bè hơn cha mẹ. Lúc đó, chắc chắn đứa trẻ tự học ở nhà sẽ gặp một số bất ổn về tâm lý”, chị Hương bày tỏ.
Kỹ năng giao tiếp tập thể trong môi trường đoàn kết, cạnh tranh, thậm chí cả bất công… là những điều chỉ có trường học mới cung cấp được.
Theo TS Hương, việc dạy một thầy, một trò sẽ khiến đứa trẻ mau mệt mỏi, chán nản. Bởi theo tâm lý thông thường, mỗi em nhỏ chỉ có khả năng tập trung trong 15 phút.
“Khi học chung cả lớp, khi thầy cô hướng sự chú ý sang trẻ khác, các cháu có thời gian giải lao trong vài phút trước khi cô lại chú ý đến mình. Home shool không có bạn học chung. Đứa trẻ học liên tục với cường độ quá cao sẽ khiến cho bé nhanh mệt mỏi và chán nản”, người có lâu năm trong hoạt động giáo dục tiểu học phân tích.
Đồng thời, cha mẹ cũng không nên thay thế nhiệm vụ của người giáo viên. Bởi, khi đứa trẻ gặp những vấn đề mâu thuẫn với giáo viên, chúng cần tìm đến cái nơi ẩn nấp an toàn chính là cha mẹ. Nếu cha mẹ và giáo viên nhập làm một, chắc chắn sẽ có lúc đứa trẻ cảm thấy vô cùng cô đơn.
Theo TS Hương, trẻ em học gì, học như thế nào cũng để sống tốt trong cộng đồng. Còn chương trình học ở nhà bó hẹp trong gia đình sẽ khiến các em thiếu kỹ năng hòa nhập.
Đề xuất hợp thức hóa mô hình home school
Trái ngược lại ý kiến của TS Vũ Thu Hương, PGS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Home school phát triển như một xu thế tất nhiên của xã hội. Đây là biện pháp giáo dục thay việc học “mặt đối mặt” bằng hình thức dạy và học trực tuyến.
Nếu phát triển phương pháp này sẽ mang đến sự hữu ích khi giảm số lượng học sinh trong nhà trường, nâng cao chất lượng học tiếng Anh và hòa nhập với trình độ quốc tế.
Tuy nhiên, cha mẹ cần bổ sung những hoạt động cộng đồng để “dung hòa” được sự phát triển của con giữa gia đình và xã hội.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, khi có những hiện tượng mới, ngành giáo dục phải nghĩ cách quản lý. Ông mong muốn, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có những chính sách giúp home shool trở thành mô hình có đầy đủ tư cách pháp lý ở Việt Nam, được thực hiện như các hình thức đào tạo từ xa trước đó.
Cũng đồng tình với hình thức home shoool, bà Phạm Thị Ly, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu – Viện Đào tạo Quốc tế – Đại học Quốc gia TP HCM nhận định, nhiều phụ huynh chọn hình thức dạy con học tại nhà vì thấy cho con học ở nhà sẽ đạt những kết quả tốt.
“Phụ huynh đưa con đến trường không phải chỉ để học 2 nhân 2 là 4 mà học cách xử lý vấn đề, kỹ năng sống… Nhiều phụ huynh đã chọn cách dạy con học tại nhà là chọn cái ít xấu hơn, ít dở hơn trong giáo dục”, bà Ly nói.
Theo Zing