Dạy học ‘2 trong 1′: Những tình huống ngoài giáo án
Dạy học theo hình thức “2 trong 1″ đã xuất hiện nhiều bất cập. Giáo viên và phụ huynh mong muốn, cần có giải pháp linh hoạt hơn và giao quyền chủ động cho thầy cô và nhà trường.
Cô Trần Thị Nga trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC
Giáo viên phải “phân thân”
Anh Trần Văn Lạc xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) là F0 nên con gái anh thuộc diện F1 và phải học online ở nhà trong khi nhiều bạn vẫn đến lớp để học trực tiếp. Qua theo dõi, anh Lạc nhận thấy: Hình thức online kết hợp offline trong cùng một lớp học có nhiều bất cập. Phần lớn học sinh học online ở nhà chủ động theo dõi bài học, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Bởi, dù có cố gắng hết sức và đổi mới phương pháp dạy học đến đâu thì giáo viên cũng không thể “phân thân” để bao quát tất cả học sinh trên lớp cũng như ở nhà.
“Vẫn biết, đây là giải pháp tình thế nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, nhưng rõ ràng với kiểu dạy “2 trong 1″ như hiện nay thì hiệu quả không được như mong muốn; trong đó những học sinh học trực tuyến ở nhà sẽ thiệt thòi hơn” – anh Lạc phân trần, đồng thời viện dẫn: Có hôm, cô giáo gọi con phát biểu nhưng vì mạng kém nên cô – trò không nghe rõ ý kiến của nhau. Có tiết học, con chỉ nghe “câu được, câu mất” của giáo viên giảng bài và không nhìn thấy hình ảnh.
Trực tiếp dạy lớp học “2 trong 1″, cô Hồ Thị Huyền Trang – giáo viên Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội) – chia sẻ: Có 2 trường hợp khi dạy on/off: Giáo viên dạy tại lớp, nhưng có học sinh học online; hoặc giáo viên là F0, F1 dạy tại nhà nhưng có một số học sinh học trực tiếp tại lớp và một số học sinh học online. Với đặc thù lớp học như vậy, giáo viên gặp một số khó khăn và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy – học của thầy – trò. Khó khăn đầu tiên do một số lớp học chưa được trang bị đầy đủ về trang thiết bị, cơ sở vật chất. Ngoài ra, giáo viên có phần lúng túng trong việc thiết kế, tổ chức các hoạt động học tập để đảm bảo 100% học sinh tham gia trong lớp học “2 trong 1″. Cùng với đó, việc quản lý lớp học với các nhóm học sinh khác nhau cũng khiến giáo viên bối rối.
Sau 2 tuần dạy học trực tiếp, số lượng giáo viên, học sinh là F0, F1 của Trường THPT Chúc Động (Chương Mỹ, Hà Nội) tăng lên đáng kể. Cô Lê Thị Thơ – giáo viên bộ môn Tiếng Anh của trường cho biết: Có khoảng 10 giáo viên là F0. Học sinh F0 xuất hiện ở tất cả khối lớp. Lớp nào ít nhất cũng 10 em, có lớp chiếm hơn một nửa học sinh là F0, F1. “Có hôm tôi lên lớp, chưa đầy 10 em học trực tiếp, còn lại học online vì là F0, F1″ – cô Thơ chia sẻ.
Lớp học “2 trong 1 ” của cô Hồ Thị Huyền Trang. Ảnh: NVCC
Video đang HOT
Trao quyền chủ động
Sau thời gian dạy học theo mô hình “2 trong 1″, cô Thơ nhận thấy có một số bất cập. Cô phân tích, bản chất lớp học online và truyền thống rất khác nhau nên việc soạn bài, điều hành, giảng dạy của giáo viên cũng phải khác. Vì thế, khi tích hợp 2 mô hình này vào một khiến giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn. Về phía giáo viên, nếu chú trọng vào trò trên lớp thì vô hình trung “bỏ quên” các em học online. Tuy nhiên, để cân bằng sẽ rất khó, vì thực chất giáo viên cũng phải phân thân và liên tục “vào vai” khác nhau.
Về phía học sinh, các em sẽ khó tiếp cận bài giảng hơn. Có học sinh tâm sự, không nhìn rõ nội dung bài giảng của giáo viên trên lớp. Bởi thực tế, không phải giáo viên nào cũng có thể linh hoạt đến mức: Vừa giảng bài trên lớp, vừa chia sẻ slide liên tục, vì có những lúc thầy/cô phải ghi trên bảng hoặc di chuyển trong lớp. Đấy là chưa kể đường truyền Internet của học sinh hoặc nhà trường không ổn định. Nhiều học sinh học trực tuyến ở nhà cho biết, nhiều lúc “căng mắt” cũng không nhìn rõ giáo viên viết gì trên bảng.
“Có trường hợp, giáo viên là F0 nhưng vẫn phải dạy học vì không có người dạy thay. Việc này dẫn đến: Học sinh đến trường để học trực tiếp nhưng giáo viên thì dạy online ở nhà. Nếu thầy – trò dạy – học trực tuyến thì không vấn đề gì vì hình thức này đã trở nên quen thuộc. Nhưng việc cô dạy học online ở nhà, trong khi 20 – 30 học sinh học trên lớp và nghe cô giảng bài qua Zoom sẽ khó hiệu quả; vì nhiều bạn mất trật tự, đó là chưa kể đến những tạp âm nên không thể nghe rõ giáo viên nói gì” – cô Thơ trao đổi.
Theo cô Trần Thị Nga – giáo viên Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang), trước đây dạy học trực tuyến đã khiến cho nhiều giáo viên vất vả vì vừa phải làm giáo án điện tử, vừa phải phân bổ thời lượng học sao cho hợp lý. Nay khi dạy học theo mô hình “2 trong 1″ khiến áp lực nhân đôi vì phải chuẩn bị thêm cả bài giảng trực tiếp. Ngoài ra, có những thầy cô dạy nhiều khối lớp với đối tượng khác nhau. Việc liên tục đảm nhiệm “nhiều vai” khiến giáo viên khó tập trung giảng dạy.
Từ thực tế, cô Lê Thị Thơ đề xuất nhà trường kêu gọi giáo viên tình nguyện dạy online miễn phí cho học trò. Tức là nếu buổi chiều, giáo viên nào không có giờ lên lớp, có thể dành 1 – 2 tiếng để dạy trực tuyến cho học sinh F0, F1, giúp các em củng cố kiến thức bài học, quan trọng là để các em không bị thiệt thòi. Trường hợp giáo viên bị F0, có thể bố trí tiết dạy của giáo viên đó sang buổi chiều hoặc tối để cô – trò cùng dạy – học trực tuyến. Với những lớp có nhiều F0, F1 có thể chuyển hoàn toàn sang dạy – học trực tuyến để đỡ vất vả cho thầy – trò. “Muốn vậy, giáo viên, nhà trường phải được trao quyền chủ động hơn trong việc lựa chọn, quyết định hình thức dạy học phù hợp” – cô Thơ bày tỏ.
Theo cô Hồ Thị Huyền Trang, để dạy học theo hình thức “2 trong 1″, cơ sở vật chất của trường lớp phải đảm bảo. Theo đó, tại các lớp học, cần trang bị đầy đủ: Internet, máy chiếu, máy tính, loa, micro… Với các lớp học chưa đủ điều kiện để trang bị camera rời, micro… giáo viên có thể linh hoạt sử dụng điện thoại kết hợp với máy tính. Hai thiết bị cùng truy cập vào các nền tảng như: Teams, Zoom; trong đó máy tính của giáo viên được dùng để trình chiếu bài giảng, còn điện thoại được dùng như: Micro rời khi học sinh phát biểu ý kiến…
Thấu hiểu trò để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp
Với mong muốn thấu hiểu, sẻ chia để đem đến cho học sinh niềm vui từ học tập, nhiều thầy cô giáo tại Tuyên Quang đã đặt mình vào hoàn cảnh của trò, dạy học với tất cả tâm huyết và trách nhiệm.
Cô Đặng Thị Hà (trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Na Hang, Tuyên Quang) đến nhà hướng dẫn trò học bài .
Muốn chia sẻ, cần lắng nghe
Tại trường tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang), hòm thư "Điều em muốn nói" đang là một địa chỉ được các bạn nhỏ rất yêu mến, tin cậy. Rất nhiều câu chuyện, mong muốn, suy ngẫm được học trò viết ra trang giấy để thầy cô có thể hiểu các em hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Huế, Tổng Phụ trách Đội, trường Tiểu học Hồng Thái là người trăn trở để xây dựng ý tưởng và đề xuất nhà trường "mở" hòm thư. Theo cô Huế, những bày tỏ của học sinh thông qua hòm thư tưởng chừng giản đơn, nhưng chính là một cơ sở quan trọng để thầy cô thấu hiểu và có những phương pháp giáo dục phù hợp.
"Mô hình được triển khai đã giúp nhà trường nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học trò, kịp thời chia sẻ và giải quyết những khó khăn mà các em khó nói", cô Huế chia sẻ.
Các cô giáo trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) đọc thư của học trò để hiểu thêm điều các em muốn nói.
Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, nhà trường đã nhận được hơn 800 lượt thư của học sinh, với những tâm tư, tình cảm mà các em cảm thấy khó nói trực tiếp với thầy cô hay gia đình. Học sinh nhà trường rất hưởng ứng mô hình này, nhiều em còn dành thời gian để trang trí, vẽ lên những bức thư trước khi gửi đi.
Hòm thư không chỉ giúp các em được bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình mà còn thực sự cần thiết cho nhà trường và gia đình trong giáo dục học sinh. Sự ngây thơ, trong sáng của các em được thể hiện qua những lá thư xinh xắn, giúp cho tình thầy, trò trở nên gần gũi, thân thiết hơn.
"Mẹ đi chống dịch tại Hà Nội, em ở nhà với bố và ông nội. Dù rất nhớ mẹ nhưng em không dám khóc để mẹ có thể yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Em gửi những mong ước của mình vào lời viết, em mong dịch bệnh sẽ qua đi, mong mẹ sớm trở về nhà" - Nguyễn Bảo Ngọc( học sinh lớp 5B) bày tỏ về những điều mình viết gửi vào hòm thư đặc biệt của nhà trường.
Sát sao hỗ trợ học trò
Tại trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang, giáo viên nhà trường luôn xác định ngoài dạy học trên lớp còn cần sát sao hỗ trợ các em nhiều vấn đề trong đời sống hằng ngày. Một trong những giáo viên luôn hết lòng trong việc quan tâm giúp đỡ học trò là cô giáo Đặng Thị Hà.
Dạy học trong một ngôi trường đặc thù với nhiều học trò hoàn cảnh khó khăn, trong quá trình giảng dạy, cô Hà luôn hết mực quan tâm, yêu thương chăm sóc học sinh, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số thuộc địa bàn gặp nhiều thiệt thòi.
Cô Đặng Thị Hà (trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Na Hang) tặng chăn ấm cho học trò
"Tôi luôn nghĩ rằng, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, phối hợp cùng đồng nghiệp và phía gia đình để có phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả là điều đặc biệt quan trọng. Có những em rất thiệt thòi, vất vả, nếu mình không đặt vào hoàn cảnh cụ thể từng học trò thì khó có thể giúp các em học tập tốt", cô Hà bộc bạch.
Ngoài việc truyền đạt một cách thân thiện, giản dị, dễ hiểu trên lớp để học sinh tiếp cận bài học thuận lợi, cô Hà còn chủ động, tự nguyện bố trí thêm thời gian để hướng dẫn, bổ trợ thêm ngoài giờ cho những em chưa nắm vững kiến thức. Với những trường hợp gia đình chưa sát sao việc học của con, cô Hà đến tận nhà để tìm hiều, trao đổi, tháo gỡ.
Biết gia đình còn khó khăn, cô Hà dành tặng những khoản hỗ trợ kịp thời. Khi là chiếc chăn ấm mùa đông, khi là khoản tiền nhỏ mua thêm sách vở học tập. Những món quà của cô giáo là niềm động viên lớn, là tình cảm yêu thương mà học trò chính là người cảm nhận được rõ nhất.
"Em được cô Hà đến tận nhà cho thêm tài liệu, hướng dẫn cách học bài, dạy cho những chỗ em còn thấy khó. Nếu không có những buổi như thế, chắc em sẽ khó theo được hết các bài học", Bàn Tứ Quý (học sinh lớp 9A) cảm động nói về cô giáo của mình.
Chia sẻ về cô giáo Hà, em Bàn Thị Anh Thư (học sinh lớp 8A) kể lại: "Biết gia đình em khó khăn, cô mua chăn ấm tặng và còn đông viên em yên tâm cố gắng học tập. Cô luôn lo lắng cho chúng em, cả việc học tập cũng như những chuyện hằng ngày".
Thêm địa phương điều chỉnh phương án dạy học Hà Nam quyết định cho trẻ mầm non đến lớp 6 tạm dừng đến trường hết tháng 3 trong khi học sinh tại Hưng Yên đi học trở lại từ tuần tới. Cụ thể, UBND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, vừa có công văn hỏa tốc nhằm chỉ đạo tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với tình hình dịch...