Dạy học ‘2 trong 1′: Linh hoạt về công nghệ
Mở cửa trường học là xu hướng chung ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, khi dịch bệnh căng thẳng, việc tổ chức dạy học trở nên khó khăn, xuất hiện nhiều bất cập.
Nhiều sáng tạo đã được giáo viên trên cả nước áp dụng để vừa dạy trực tiếp và dạy trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu phòng dịch.
Từ thực tế, đòi hỏi các trường cần lên kế hoạch dạy học khoa học, không phải “dàn hàng ngang” đến trường trực tiếp.
TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội: Cần tái cấu trúc lại tiến trình triển khai dạy học, hoạt động giáo dục
TS Tôn Quang Cường.
Dù thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục đã có phương án “mở lại trường” khá chủ động (mở lớp dự phòng, bố trí thiết bị hỗ trợ dạy học, bố trí giáo viên “đặc trách” dạy trực tiếp và trực tuyến…). Tuy nhiên, về những “điểm nóng” trong 2 tuần qua, có thể đưa ra một số nhận định sau:
Về mặt lý luận (giáo dục, sư phạm): Sự hiện hữu thực tế của mô hình dạy học kết hợp (Blended learning) mà yếu tố quan trọng nhất chính là sự “linh hoạt”, chứ không phải là sự kết hợp cơ học giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp. Chính sự “linh hoạt” này đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, cả về công nghệ và tiếp cận sư phạm (áp dụng hệ thống quản lý học tập LMS, tái cấu trúc các nội dung dạy học; phân bổ hợp lý các hoạt động; định vị hoạt động theo cá nhân/nhóm tương ứng với các kiểu dạy online hoặc offline; sự phối hợp giữa giáo viên bộ môn trong trường/giáo viên chủ nhiệm/phụ huynh học sinh/học sinh…).
Về mặt nhận thức: Tâm lý “quay lại trường” dễ gây ra sự hiểu chưa đúng về thực tế. Trường học mở cửa không có nghĩa là mọi việc đã trở lại bình thường như trước hoàn toàn. Tâm lý tập trung vào phòng chống, ứng phó các biểu hiện dịch tễ, các hoạt động bảo đảm an toàn sức khỏe, lo lắng khi gặp tình huống bất thường trong nhà trường… góp phần tạo căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi từ các phía; tạo sức ép lên quá trình dạy học; phụ huynh học sinh không chủ động được lịch hỗ trợ (hoặc quản lý) con cái…
Về mặt chuẩn bị, do có tâm lý nêu trên nên chưa tập trung đầy đủ và hệ thống ở các mặt: Tái cấu trúc lại tiến trình triển khai dạy học, hoạt động giáo dục; hạ tầng chủ yếu lo chống dịch, không chủ động rà soát, nâng cấp hạ tầng công nghệ, tiếp tục bổ sung các thiết bị, kỹ năng công nghệ cho giáo viên (do nghĩ là quay lại học trực tiếp nên cũng sẽ dạy như trước thời gian dịch); thời khóa biểu, sự phối hợp phân công giáo viên (không thể theo cách nghĩ tiết/lớp/giáo viên/phòng học/lớp học sinh như trước đây); bố trí các giờ lý thuyết với thực hành, ôn tập theo chương trình theo cách linh hoạt…
Về mặt tổ chức quá trình dạy học: Phải thừa nhận là cho dù dạy học trực tiếp nhưng cơ hội và khả năng tương tác, bầu không khí học tập, môi trường học tập vẫn chưa thể quay trở lại như thời gian trước dịch. Giáo viên và học sinh trao đổi qua khẩu trang, hệ thống âm thanh chưa tốt, khó tổ chức hoạt động hợp tác, hoạt động di chuyển cần thiết trong lớp học, thiếu thời gian để quản lý, tổ chức hoạt động…). Việc tích hợp hoạt động giảng bài trực tiếp (tại lớp học) kết hợp truyền qua Zoom/MS TEAMS đòi hỏi phải có hệ thống chuẩn bị tốt (không thể chỉ dựa vào sáng kiến của giáo viên sử dụng điện thoại cá nhân làm camera truyền phát, hệ thống âm thanh trong lớp chưa bảo đảm, kết nối Internet còn hạn chế…).
Về mặt bảo đảm chất lượng: Hệ thống nội dung được số hóa vẫn cần được chuẩn hóa trong mỗi trường, giữa giáo viên trong tổ chuyên môn, việc bố trí các phòng học linh hoạt, phân hóa nhóm đối tượng học sinh chưa được chú trọng…
Video đang HOT
Từ thực trạng nêu trên, tôi xin đưa ra một số đề xuất. Trước hết, cần chủ động thiết kế lại chương trình cho các khối lớp theo tiếp cận hỗ trợ học sinh đạt mục tiêu cuối cùng chứ không phải là thực hiện bài giảng theo tiến trình quy định. Điều chỉnh thời khóa biểu linh hoạt hơn, thông báo cho phụ huynh để có sự hỗ trợ: Chủ động, linh hoạt tạo lớp “ghép/gộp” theo tiêu chí online và offline, lịch cụ thể và có thông báo rõ ràng để học sinh, phụ huynh có thể chủ động “chuyển lớp môn học” trong tình huống phát sinh các ca mắc mới. Các “lớp môn học linh hoạt” này có thể bố trí trong cùng một buổi học hoặc buổi khác (nếu học sáng thì bố trí buổi chiều) tùy thuộc vào điều kiện phân công giáo viên phù hợp của trường. Sắp xếp, bố trí một số phòng học cố định được trang bị hệ thống thiết bị cần thiết để triển khai “lớp môn học linh hoạt” (kết nối Internet, âm thanh, màn hình, camera tối thiểu, bàn ghế, ánh sáng…).
Đồng thời, cần tiếp tục tập huấn kỹ năng sử dụng công nghệ cho giáo viên, đặc biệt là kỹ năng tạo bài giảng số; đối với các nội dung dạy học thực hành và ôn tập có thể chủ động làm sách E-Book, quay video ghi bài giảng trước… Xây dựng và chuẩn hóa các nội dung kiểm tra đánh giá (các bài kiểm tra được thiết kế phù hợp, có thể cung cấp cho học sinh được làm quen, thực hành, làm thử, chủ động ôn tập…).
Cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành, An Giang: Chủ động phân tầng nguy cơ để áp dụng hình thức phù hợp
Cô Lê Thị Ngọc Dung.
Với việc tổ chức dạy học trong bối cảnh hiện nay, có ý kiến cho rằng không nên “dàn hàng ngang” đến trường học trực tiếp, khi nào có F0, F1 lại chuyển sang học trực tuyến; mà giáo viên cần lên kế hoạch dạy học cụ thể, những nội dung nào cần trải nghiệm, hoặc quá khó thì lên lịch trực tiếp; nội dung nào đơn giản, hoặc không cần trải nghiệm thì dạy online. Cá nhân tôi cho rằng, để xác định nội dung nào quan trọng, môn học nào trải nghiệm e là mang tính chủ quan và khó trong đánh giá. Thay vào đó, chủ động phân tầng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để áp dụng hình thức dạy học có lẽ khả thi hơn.
Chúng ta có thể chia nhỏ lớp học, đánh giá nguy cơ, lứa tuổi chưa được tiêm vắc-xin, di biến động và tiếp xúc nhiều thành phần thì ưu tiên vào lớp học online. Ngược lại, với lứa tuổi lớn hơn đã tiêm đủ mũi, thực hiện 5K được trong lớp học thì tổ chức học trực tiếp. Có thể bố trí lớp theo mô hình ziczac và giảm thời gian 1 tiết học xuống còn 35 phút, với số học sinh dưới 20 bạn. Bên cạnh đó, phân giáo viên cố định để tránh phơi nhiễm cũng là một điểm cần lưu ý trong công tác phân công.
Kế hoạch cụ thể: Với các môn học chính, giáo viên chuẩn bị sẵn giáo án vừa trực tiếp và vừa trực tuyến. Có thể ứng dụng chuyển đổi số, như tạo ngân hàng đề, mô hình thí nghiệm 3D, quay hình bài giảng sẵn… Mỗi lớp học được trang bị camera quay trực tiếp tiết dạy và kết nối phần mềm giảng dạy (trường đang thực hiện phần mềm K12). Mỗi lớp học được đánh giá nguy cơ định kỳ trong tuần, em nào thuộc nguy cơ cao sẽ học online tại nhà, em nào nguy cơ thấp sẽ học trực tiếp. Đánh giá này dựa trên lịch sử điều tra dịch tễ, tiền sử tiêm chủng và các hướng dẫn của y tế. Nhờ y tế xây dựng tiêu chí để sàng lọc và xin chủ trương để thực hiện. Có thể giai đoạn đầu sẽ khó nhưng nếu làm quen chúng ta tạo được tiềm năng phát triển và chủ động hơn trước sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Để có thể thực hiện đồng bộ ý tưởng này, từ đơn vị cơ sở, chúng tôi rất mong được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT đến sở GD&ĐT và sự hợp tác của y tế, chính quyền. Nếu học sinh được sàng lọc, đánh giá nguy cơ trước khi trở lại trường, chúng tôi sẽ có giải pháp phân công, tổ chức dạy học phù hợp. Mặc dù nó khá cồng kềnh và nặng nề về mặt tổ chức, nhưng có thể kiểm soát sự lây lan cũng như tác động của đại dịch, để không có chuyện lớp nào có F0 thì lớp đó nghỉ học nữa.
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội): Điều chỉnh kế hoạch dạy học dựa trên nguồn lực và tình hình dịch bệnh
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn.
Để hoạt động giáo dục thích ứng với điều kiện “bình thường mới”, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch dạy học khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị.
Trong Chỉ thị 800/CT-BGD&ĐT về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GD-ĐT, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rất rõ việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt và chủ động phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Hơn nữa, ngành GD-ĐT đã giao quyền chủ động xây dựng chương trình cho mỗi nhà trường. Vì thế, các trường luôn phải điều chỉnh kế hoạch dạy học dựa trên nguồn lực và tình hình dịch bệnh tại địa bàn khoa học, hiệu quả.
Tại Trường THCS Ái Mộ, nhà trường bám sát theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Long Biên; đồng thời thực hiện dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp căn cứ vào tình hình cấp độ dịch trên địa bàn. Để tránh xáo trộn các hoạt động dạy học, rất cần có thời khóa biểu khoa học, phù hợp với 2 loại hình trực tuyến và trực tiếp. Hệ thống quản lý dạy học trực tuyến ổn định, các lớp được trang bị hệ thống âm thanh, đường truyền mạng; hệ thống loa, mic để có thể dạy học song song; giúp cho học sinh F0, F1 có thể học tập không bị gián đoạn. Các em có thể tương tác được với thầy cô giáo ngay trên lớp; đồng thời khi giáo viên dạy online trong điều kiện cách ly vẫn tương tác được với học sinh.
Tuy nhiên, qua thực tế, nhiều thầy cô chưa thích ứng kịp với loại hình dạy song song này do phụ thuộc nhiều vào công nghệ và cơ sở vật chất. Nếu dạy trực tuyến một thời gian, lại trực tiếp, rồi thay đổi theo cấp độ dịch cũng không phải là phương án tối ưu đem lại hiệu quả, do giáo viên luôn bị động về hình thức dạy học.
Để có thể linh hoạt, hiệu quả hơn, thiết nghĩ nên “phân tầng đối tượng” học sinh theo các tiêu chí của ngành Y tế. Ví dụ, có thể chia nhỏ lớp học, đánh giá nguy cơ, lứa tuổi chưa được tiêm, di biến động và tiếp xúc nhiều thành phần thì ưu tiên vào lớp học online. Ngược lại, với lứa tuổi lớn hơn đã tiêm đủ mũi, thực hiện 5K được trong lớp học thì tổ chức học trực tiếp.
Tổ chức dạy học như trên cần có sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của các cấp; được hướng dẫn, hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT đến Sở GD&ĐT và sự hợp tác của ngành Y tế, chính quyền địa phương.
Với nhà trường, cần tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, tăng cường thêm học liệu số, các thiết bị dạy học trực tuyến đồng bộ, đường truyền mạng ổn định và có nền tảng quản lý học online tốt, để giáo viên có thể giảng dạy trực tiếp kết nối với học sinh học trực tuyến. Đội ngũ giáo viên được tập huấn để tiếp cận hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá linh hoạt, chủ động khi tình hình dịch bệnh thay đổi. Tổ chuyên môn rà soát các nội dung chương trình, kế hoạch dạy học, lựa chọn các hình thức tổ chức phù hợp nhất với dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp, tránh cứng nhắc và hình thức khi thực hiện. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho con học tập; chăm lo đến sức khỏe, hướng dẫn học sinh tuân thủ tốt 5K tại trường học và cộng đồng.
Để giáo viên, nhà trường chủ động trong dạy – học, nhiều địa phương đã có quy định cụ thể: Với học sinh THCS, THPT (kể cả GDTX) nếu lớp học có từ 50% F1 trở lên thì triển khai việc học trực tuyến trong một tuần. Sau thời gian nghỉ học trực tiếp, nếu kết quả test nhanh F1 âm tính thì dạy học trực tiếp trở lại. Đối với cơ sở giáo dục có số giáo viên bộ môn được xác định là F0, F1 không đảm bảo nhân lực tổ chức dạy học trực tiếp (hoặc không thể xếp thời khóa biểu tổ chức dạy học trực tiếp), tổ chức dạy học trực tuyến đối với những môn đó. Hoặc khi cơ sở giáo dục có từ 50% số lớp dạy học trực tuyến thì tổ chức dạy học trực tuyến cho tất cả khối lớp. Về lâu dài có thể tính đến phương án giáo viên diện F nào dạy trò diện F đó để tận dụng tối đa thời gian học trên lớp (nếu đủ sức khỏe và tự nguyện).
Nâng cấp độ dịch, trường chỉ 1 học sinh đi học sẽ chuyển sang dạy trực tuyến
Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) gây chú ý dư luận khi có ngày chỉ có 1 học sinh đi học nhưng vẫn dạy trực tiếp.
Tuy nhiên, từ tuần sau trường này sẽ chuyển sang dạy trực tuyến vì nằm trong quận "màu cam".
Từ ngày 6.12 khi UBND TP.Hà Nội quyết định cho học sinh lớp 12 trở lại trường, và Trường THPT Trần Nhân Tông đã "nổi tiếng" bất đắc dĩ khi có buổi chỉ có 1 học sinh đi học. Dù vậy, nhưng nhà trường vẫn duy trì dạy trực tiếp kết hợp với dạy trực tuyến, với nguyên tắc có học sinh đi học thì vẫn có giáo viên dạy.
Tuy nhiên, từ ngày mai 20.12, Trường này sẽ phải chuyển sang dạy học trực tuyến sau 2 tuần mở cửa trường vì trường thuộc Q.Hai Bà Trưng, địa bàn mới nâng cấp độ dịch Covid-19 lên mức nguy cơ cao (cấp độ 3).
Buổi thứ tư mở cửa, Trường THPT Trần Nhân Tông chỉ có duy nhất học sinh này đi học - NGUYỄN HẰNG
Cụ thể, đến ngày 17.12, theo đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của UBND TP.Hà Nội, toàn thành phố có 2 đơn vị cấp quận và 25 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 3. Trong đó, Q.Hai Bà Trưng mới được bổ sung vào danh sách này.
Ngày 19-12, Sở GD-ĐT Hà Nội đã gửi thông báo mới về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch Covid-19 tại địa bàn.
Theo đó, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD-ĐT, các trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và thông báo đến các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX trên địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 20.12 cho đến khi có thông báo mới.
"Hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX thông báo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về phương án tổ chức dạy học cụ thể", thông báo của Sở GD-ĐT nêu.
Giáo viên kết hợp vừa dạy trực tiếp cho học sinh đến trường vừa dạy trực tuyến cho những em ở nhà phòng dịch - V.H
Trước đó, như Báo Thanh Niên đã phản ánh, Trường THPT Trần Nhân Tông do nằm trên địa bàn phường có cấp độ dịch ở mức 2 (nguy cơ trung bình) nên vẫn đủ điều kiện mở cửa trường đón học sinh lớp 12 từ ngày 6.12.
Tuy nhiên, do nhà trường có tới hơn chục học sinh diện F0, hàng trăm em khác diện F1, F2 hoặc cư trú ở trong các địa bàn đang bị phong tỏa bởi dịch bệnh. Thực tế này cộng thêm sự lo lắng của phụ huynh, học sinh nên số học sinh đến trường học trực tiếp "thấp kỷ lục" so với mặt bằng chung của toàn thành phố. Cụ thể, trong 3 ngày đầu còn duy trì ở mức 5-6% học sinh đến trường nhưng đến ngày thứ tư chỉ có duy nhất 1 em đi học, những em còn lại thấy bạn bè ở nhà quá nhiều nên cũng không đến lớp nữa.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông khẳng định: dù chỉ có 1 học sinh đi học, nhà trường vẫn duy trì dạy trực tiếp kết hợp dạy trực tuyến cho những học sinh vì dịch bệnh chưa thể đến trường.
Trước đó, Hà Nội cho phép học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã học trực tiếp từ đầu tháng 11. Sau khi đánh giá kết quả dạy học trực tiếp của 18 huyện, thị xã an toàn, TP tiếp tục cho học sinh lớp 12 của 30 quận, huyện, thị xã tới trường với phương thức 50% trực tuyến, 50% trực tiếp.
Đến ngày 13.12, các trường trên địa bàn Q.Đống Đa buộc phải đóng cửa vì từ ngày 11.12 Quận này nâng cấp độ dịch lên mức độ 3. Như vậy, sau 2 tuần học sinh lớp 12 trở lại trường, có 2 quận trung tâm của Hà Nội đã phải chuyển sang dạy trực tuyến vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo Thông báo số 844 ngày 17.12 của UBND TP. Hà Nội, 2 đơn vị cấp quận có mức độ dịch cấp độ 3 là quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng; 25 xã, phường có mức độ dịch cấp độ 3 gồm: Khâm Thiên, Văn Miếu, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Phương Liên, Kim Liên, Thổ Quan, Khương Thượng, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); Đống Mác (quận Hai Bà Trưng); Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Bạc, Đồng Xuân, Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm); Thanh Trì, Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai); Quảng An, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Vân Nội, Việt Hùng (huyện Đông Anh); Yên Viên (huyện Gia Lâm); Đông Xuân (huyện Quốc Oai); Văn Bình (huyện Thường Tín). So với thông báo ngày 11.12, số đơn vị có mức độ dịch cấp độ 3 của thành phố Hà Nội tăng 13 đơn vị, gồm 1 đơn vị cấp quận và 12 đơn vị cấp phường, xã.
Trẻ mắc Covid-19 tăng, trường học ở TP.HCM quyết định hình thức học Tùy số lượng F0 và việc khoanh vùng F1, các trường tại TP.HCM sẽ có phương án riêng để tổ chức dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Với số ca nhiễm nCoV tăng liên tục kể từ khi tổ chức dạy trực tiếp, các trường học trên địa bàn TP.HCM có nhiều phương án xử lý và triển khai...