Dạy học 2 buổi/ngày ở trường vùng cao: Nỗ lực gỡ khó
Các địa phương, trường học, đặc biệt trường vùng khó đang nỗ lực đưa HS điểm lẻ về điểm chính, sửa sang, tu bổ trường lớp… nhằm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới tốt nhất có thể.
Cơ sở vật chất bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày tại Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ – Hà Giang). Ảnh: Đức Trí
Tăng cường cơ sở vật chất
Cô Đinh Loan Vân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ – Hà Giang) cho biết: Trong dịp hè, nhà trường tích cực tu sửa cơ sở vật chất cho 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ để đón 435 HS trở lại trường lớp.
“Số phòng học thực hiện Chương trình GDPT mới và dạy học 2 buổi/ngày cho 390 HS tại điểm trường chính và khoảng 50 HS ở 2 điểm trường lẻ khá đầy đủ. Điểm trường Pín Ủng với 18 HS của 2 khối lớp 1, 2 được dồn về điểm trường chính từ năm học này để bảo đảm cơ sở vật chất triển khai dạy học 2 buổi/ngày cũng như sinh hoạt của HS. Bên cạnh tăng cường phòng học, 12 phòng lưu trú đầu tư xây mới cũng kịp hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đáp ứng đủ nhu cầu cho số HS tăng thêm…” – cô Vân cho biết.
Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Bình (Yên Bái) khẳng định: Năm học 2020 – 2021, ngành Giáo dục Yên Bình có khoảng 27 nghìn HS, trong đó có hơn 2 nghìn HS lớp 1 và 1.600 GV. 4 trường tiểu học độc lập, 22 trường tiểu học và THCS đã chuẩn bị đầy đủ số phòng học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ HS ở mức 30 – 35 HS/lớp với diện tích 36 – 42m2.
Ông Nhâm Tiến Đức – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai (Lào Cai) cho biết: Ngành Giáo dục Si Ma Cai đã thực hiện dạy học 2 buổi/ngày được 10 năm, do đó, cơ sở vật chất hiện tại đủ để các trường tiếp tục thực hiện công việc này. Thậm chí, sau khi một số trường dồn HS điểm trường lẻ về trường chính, số phòng học còn thừa ra (24 phòng). Tỷ lệ trung bình HS trên lớp của giáo dục Si Ma Cai cũng ở mức 30 HS/lớp có diện tích 42 – 46m2.
Video đang HOT
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), các địa phương đều ưu tiên phòng học, tạo điều kiện thuận lợi cho dạy học 2 buổi/ngày. Một số tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu 1 phòng học/lớp đều có giải pháp, lộ trình tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng trường lớp…
Tiếp tục gỡ khó
Bữa ăn bán trú của HS Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ – Hà Giang). Ảnh: Đức Trí
Thực hiện Chương trình GDPT mới, áp dụng dạy học 2 buổi/ngày, nhiều lãnh đạo phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường tiểu học đều khẳng định cơ sở vật chất không còn là “nút thắt”. Tuy nhiên, tình trạng đủ phòng học thiếu phòng chức năng; diện tích phòng lớp học/tổng số HS mỗi lớp chưa bảo đảm… vẫn tồn tại và chưa được tháo gỡ triệt để.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận, phòng học được xây dựng từ lâu nên chưa bảo đảm diện tích chuẩn so với yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Để giải quyết diện tích lớp học, tạm thời, nhà trường phá bỏ phần bục giảng của GV để kê bàn. Mặc dù diện tích, không gian được cải thiện, nhưng các hoạt động khởi động trong lớp, học tách nhóm sẽ gặp khó khăn, HS đi lại vướng víu… Từ đó, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Ông Nhâm Tiến Đức – Phó Trưởng phòng Giáo dục Si Ma Cai chia sẻ: 41 trường học của huyện còn thiếu khoảng 123 phòng chức năng (phòng Tin học, Ngoại ngữ, thí nghiệm). Ngành Giáo dục đã tiến hành thống kê, rà soát và đề xuất đầu tư. Tuy nhiên trong những năm học tới chưa thể đáp ứng ngay số lượng phòng chức năng này.
Nguyên nhân khiến một số địa phương đến nay chưa tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày là khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân. Do đó, theo ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, bảo đảm HS vùng khó không thiệt thòi so với HS thành phố, các địa phương cần triển khai một loạt giải pháp như: Cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới Chương trình, SGK phổ thông như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Bố trí thêm buổi học thứ 6 trong tuần để hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động GD bắt buộc; không dạy các môn học tự chọn. Các trường đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày cần có kế hoạch sử dụng thời gian ngoài chương trình các môn học, hoạt động GD bắt buộc một cách hợp lý để dạy các môn học tự chọn cho HS có nguyện vọng học; bồi dưỡng HS giỏi, hướng dẫn những HS chưa đáp ứng các yêu cầu cần đạt; tăng cường hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho HS…
Bên cạnh nỗi lo về cơ sở vật chất, đội ngũ GV để dạy học 2 buổi/ngày cũng cần được lãnh đạo các nhà trường quan tâm. Bởi như cô Đinh Loan Vân bày tỏ: Đội ngũ GV dạy lớp 1 dù được tiếp cận, tập huấn, bồi dưỡng Chương trình GDPT mới… song đây là năm học đầu tiên thực hiện thay sách, GV lần đầu tiếp cận thực tế nên hạn chế về phương pháp giảng dạy khó tránh. Mặt khác, bên cạnh tăng cường chất lượng, việc bảo đảm số lượng GV cũng vô cùng quan trọng, là điều kiện đáp ứng các điều kiện triển khai dạy học 2 buổi/ngày.
Sách giáo khoa lớp 1 mới: Học sinh hứng thú hơn, tích cực hơn
Sau một tuần "làm quen" với sách giáo khoa mới, giáo viên, học sinh các trường học Hà Nội đã có những cảm nhận bước đầu về sự đổi mới trong chương trình và phương pháp giảng dạy.
Giờ dạy Học vần tại trường tiểu học Phương Liệt
Cô Đào Thu Thủy - Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 1 Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận định sách giáo khoa mới đáp ứng những kỳ vọng của giáo viên và thực sự gây hứng thú với học sinh. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục này cũng khích lệ sự sáng tạo của giáo viên. Các môn học có sự tích hợp nội môn và liên môn khá tốt.
Trong số 5 bộ sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt và đưa vào sử dụng, trường Tiểu học Tràng An chọn bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực". Bộ sách chú trọng vào việc phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh, khích lệ sự hứng thú của các em bằng việc được tương tác nhiều hơn để thể hiện mình.
Lấy ví dụ cụ thể về sự khác biệt so với chương trình học lớp 1 những năm trước, cô Thủy cho biết: Ở tuần học thứ nhất, học sinh được tìm hiểu về chủ đề Gia đình ở cả môn Đạo đức và Tự nhiên xã hội. Điều này rất thuận lợi cho việc tiếp cận kiến thức của các em.
Đặc biệt, hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục hoàn toàn mới, hấp dẫn học sinh nhất. Với thiết kế 3 tiết/tuần, ở môn Hoạt động trải nghiệm, học sinh đã có dịp được thăm quan để hiểu về trường, xem video giới thiệu và hoạt động theo chủ đề. Đây là môn học mới mẻ và khiến các em hào hứng, thích thú nhất.
Theo cô Thủy, sách chỉ là điều kiện cần, sự linh hoạt, chủ động sáng tạo của giáo viên mới là điều kiện đủ để mỗi tiết học theo chương trình mới thực sự đạt hiệu quả. Vì vậy, chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải chủ động trong việc tìm hiêu bộ sách nguồn tài liệu đồng thời phải huy động vốn kinh nghiệm để có thể làm sao phát huy tốt nhất, tiếp cận nhanh nhất với những đổi mới.
Năm học này, Trường tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chọn Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống" của NXB Giáo dục Việt Nam làm tài liệu giảng dạy. Cô Bùi Thị Kim Loan - khối trưởng khối 1 cho biết, sách giáo khoa bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới và kế thừa những ưu điểm của các bộ sách trước đó.
Bộ sách với cách tổ chức các môn học tạo không gian mở, sáng tạo và linh hoạt cho thầy cô và học trò thông qua các hoạt động, trò chơi, cách tổ chức lớp học. Với chương trình mới, học sinh được chủ động nắm bắt kiến thức thông qua các hoạt động, vì thế học sinh chủ động, tích cực học tập, không khí lớp học sôi nổi, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn. Các em rất vui vẻ, thích thú học tập.
Ngay sau buổi học đầu tiên, lớp 1A4 của cô Loan được nhà trường lựa chọn để thực hiện 2 tiết chuyên đề Học vần cấp Trường năm học 2020-2021. Đến dự giờ có Ban giám hiệu nhà trường và các cô giáo khối 1.
Hai tiết học được đánh giá cao về mặt chuyên môn, sức sáng tạo, hiệu quả, chất lượng. Học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức. Sau tiết dạy, Ban giám hiệu nhà trường cùng tổ chuyên môn đã tiến hành thảo luận và rút kinh nghiệm cho những giờ dạy tiếp theo.
Theo cô Phạm Thanh Huyền- hiệu trưởng Trường tiểu học Phương Liệt, chuyên đề của cô Loan để lại ấn tượng tốt đẹp cho giáo viên trong trường. Tiết dạy đã đạt được mục đích nhà trường đề ra: giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình giảng dạy của giáo viên đối với môn học khi thực hiện chương trình SGK mới, phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập.
TS Giáp Văn Dương: Có sách giáo khoa mới, nhưng vẫn cần triết lý giáo dục tường minh Tiến sĩ Giáp Văn Dương là cử nhân Đại học Bách Khoa Hà Nội sau đó lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo) năm 2013. Tiến sĩ Giáp Văn Dương có nhiều năm học tập, làm việc và nghiên cứu về các vấn đề giáo dục cả trong và ngoài nước. Hiện anh đang công tác tại một trường...