Dạy con tránh xa người lạ để không bị bắt cóc
“Dạy con tránh xa người lạ cần tập luyện bằng những tình huống cụ thể để trở thành ý thức, thói quen, chứ không phải chỉ nói hàng ngày”, TS Nguyễn Tùng Lâm tư vấn.
Hình ảnh người cha chạy xe máy gắn tấm biển có hình và dòng chữ “Tìm con bị bắt cóc” xuất hiện trên mạng xã hội từ hơn nửa năm trước, vừa được cộng đồng mạng chia sẻ lại. Sau 9 tháng rong ruổi tìm kiếm, đi khắp các tỉnh thành, người cha ấy vẫn không tìm được con trai mất tích.
Sự việc xảy ra khi anh Lương Thế Huynh (42 tuổi, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) nghe tiếng con trai kêu la nhưng nghĩ bé chơi đùa với mấy con chó nên không để ý. Sau khi xong việc ngoài vườn, anh quay lên nhà thì không thấy cháu Lương Thế Vương đâu nữa. Lúc mất tích, Vương mới 3 tuổi.
Dạy con tránh xa người lạ
Từ hình ảnh người cha mỗi ngày thêm gầy và già đi trên hành trình tìm con đến thông tin các trường học tại TP HCM và Đà Lạt ra thông báo đề phòng tình trạng bắt cóc trẻ, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Chị Lữ Mai (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Hiện tại, nhiều gia đình, đặc biệt các gia đình ở thành phố, vẫn đưa ra những nguyên tắc chung để dạy con, tránh tình huống bị kẻ xấu dụ dỗ như: Không được nói chuyện với người lạ, ai cho gì chưa được sự đồng ý của bố mẹ thì không được nhận, hoặc nếu bị xâm hại nơi công cộng phải biết kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người…
Chị Lữ Mai cùng con gái 3 tuổi. Ảnh NVCC.
Tuy nhiên, chị Mai đánh giá, nếu chỉ dặn dò sơ lược, con trẻ không tiếp thu hiệu quả. Hơn ai hết, cha mẹ là người hiểu rõ tính cách của con. Ví dụ, bé nhút nhát sẽ không nói chuyện cùng người lạ, nhưng có bé vốn hiếu động dù đã được dặn dò vẫn có thể bị thuyết phục bởi vài món đồ chơi và lời dụ dỗ.
Vì thế, chị Mai thường dạy con bằng cách tìm hiểu tính cách và phản ứng thông thường của bé. Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc đặt câu hỏi “Con sẽ làm gì?” và nêu các tình huống phát sinh “nếu – thì” để con tự trả lời. Cha mẹ đừng cho rằng những câu hỏi – trả lời giả định trên là thừa hoặc viển vông.
Người mẹ trẻ trẻ chia sẻ, nhiều phụ huynh hiện có tâm lý phó mặc, từ việc để con cho ông bà chăm, xe ôm đưa đón, hàng xóm trông hộ hay tự chơi một mình.
“Phụ huynh cần luôn cảnh giác phòng chống bắt cóc trẻ em. Bởi một khi kẻ xấu đã rắp tâm thực hiện hành vi phạm tội, sự chống cự của trẻ nhỏ vô cùng yếu ớt, bị động”, phụ huynh này lo lắng, nói.
Anh Đoàn Trọng Hiếu – người có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn, dạy kỹ năng cho trẻ em tại Trung tâm Tâm Việt – chia sẻ, cha mẹ đi mua sắm ở trung tâm thương mại, siêu thị hay chợ thường mải quan sát mà để con tự di chuyển. Thậm chí, nhiều người chắm chú vào điện thoại di động, lướt Facebook mà không chú ý đến con. Những điều đó gián tiếp tạo cơ hội cho kẻ xấu.
Video đang HOT
Anh Hiếu đưa ra lời khuyên, cha mẹ có thể đăng ký cho con tham gia các khoá học rèn kỹ năng tự vệ, tự lập, kỹ năng sống tại các trung tâm ở thành phố lớn. Tuy nhiên, việc dạy con từ gia đình là yếu tố quan trọng nhất.
Cần nhiều lực lượng hỗ trợ
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội bày tỏ, mỗi gia đình cần dạy trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân như: Nhớ số điện thoại của cha mẹ; Tuyệt đối không nhận đồ – đi theo – làm theo lời người lạ; Luôn đợi bố mẹ đón ở vị trí được chỉ định từ trước; Khi có người lạ kéo đi cần cầu cứu người xung quanh…
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc bảo vệ trẻ em cần nhiều lực lượng trong xã hội hỗ trợ. Ảnh: An Hoàng.
Tuy nhiên, theo TS Lâm, đối với trẻ em, dạy kỹ năng không thể chỉ dùng lý thuyết, cần cho con thực hành bằng các tình huống giả định. Thậm chí, cha mẹ có thể nhờ người “dụ dỗ” con, sau đó đưa ra bài học, phải biến mọi hoạt động của con thành ý thức, thói quen.
Ngoài ra, nhà trường phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ. Phụ huynh đưa đón con an toàn. Chính quyền địa phương phải hỗ trợ an ninh trên địa bàn. Cần nhiều lực lượng hỗ trợ mới bảo vệ được trẻ.
“Đèn nhà ai người đó rạng, con nhà ai người đó lo như cách suy nghĩ của nhiều người thành phố thì làm sao có thể đảm bảo an toàn cho trẻ”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu thực tế.
Anh Đoàn Trọng Hiếu cũng cho rằng, cha mẹ luôn phải chủ động kết nối các lực lượng khác để bảo vệ con. Cha mẹ đưa đón con đi học, phải giao trực tiếp cho giáo viên phụ trách lớp; đăng ký thông tin liên lạc với nhà trường và gia đình; nếu đón con muộn phải dặn con đợi ở phòng bảo vệ, phòng hội đồng trường. Phụ huynh nên có một cộng đồng cùng nhau chia sẻ sẽ rất hữu ích.
“Cẩn tắc vô áy náy, trong danh bạ điện thoại, phụ huynh hãy lưu các số điện thoại khẩn cấp của các lực lượng chức năng ngay vị trí đầu tiên hoặc lưu thành cài đặt phím tắt trên các loại điện thoại thông minh để có thể nhanh nhất liên lạc tới các lực lượng này”, anh Hiếu khuyên.
Theo Zing
Dạy con thế nào để không bị bắt cóc?
Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, cha mẹ có thể lồng ghép cảnh bắt cóc vào các trò chơi. Phụ huynh giả làm người bắt cóc, qua đó dạy con cách chủ động xử lý tình huống.
"Do tình trạng bắt cóc trẻ em ngày càng gia tăng, để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý: Đưa đón trẻ tận tay cô, không để trẻ tự đến lớp. Nếu nhờ người khác đến đón trẻ phải điện thoại trước với giáo viên. Đưa đón trẻ đúng giờ, không để trẻ chơi một mình dưới sân trường". Đó là thông báo ngày 22/3 tại một trường mầm non tư thục ở quận Gò Vấp, TP HCM.
Thông báo này được phụ huynh chia sẻ trên Facebook kèm sự lo lắng, hoảng sợ, khi tình trạng bắt cóc trẻ em đang xảy ra quanh môi trường sống của con.
Thông báo của trường mầm non được phụ huynh chia sẻ trên Facebook.
Báo động tình trạng trẻ em bị bắt cóc
Gần đây liên tiếp tiếp xảy ra tình trạng trẻ em bị bắt cóc, một số trường trên địa bàn TP HCM phải dán thông báo trước cổng để phụ huynh cùng giáo viên cảnh giác.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Bé Hai (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bị kẻ xấu giật con 5 tuổi nhưng không thành trên đường Tân Bình.
Bé Lê Thanh Bích Ngọc (học sinh lớp 3, Trường tiểu học Phù Đổng, quận 7) bị một thanh niên chạy xe Wave cùng phụ nữ mặc áo tím dụ dỗ lên xe chở đến quận 8, lột hết tài sản rồi thả bé xuống.
Tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Phòng GD&ĐT thành phố đã có thông báo đến các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn, đề nghị nâng cao cảnh giác trước tình trạng người lạ đến trường dụ dỗ học sinh.
Trên thực tế, tại Đà Lạt, một số học sinh (chủ yếu bậc tiểu học) bị người lạ dụ dỗ, ép buộc lên xe chở đi sau giờ tan trường.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng bắt cóc trẻ em đáng báo động. Trước đó, tháng tháng 6/2015, một clip mang tên Bắt cóc trẻ em với thông điệp "Chỉ vài giây bất cẩn, có thể bạn sẽ vĩnh viễn mất đi đứa trẻ của mình" thức tỉnh nhiều người.
Clip được nhà phát hành cover lại của Thái Lan với thông điệp, các bậc phụ huynh sớm có ý thức dạy dỗ trẻ nhỏ không nên nhận đồ từ người lạ khi không có bố mẹ.
Chị Nguyễn Thị Bé Hai vẫn còn hoảng loạn sau vụ việc người lạ bắt cóc con không thành. Ảnh: Lê Trai.
Dạy dỗ và quản lý con thế nào?
Chị Lê Thoa, quản lý trường mầm non tại Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: Để tránh tình trạng bắt cóc trẻ em cần sự phối hợp giữa phụ huynh và gia đình.
Cha mẹ nên lưu ý: Khi con còn nhỏ không nên để quá nhiều người đón khi tan học, chỉ nên để hai người thân thiết trong gia đình. Nếu có người lạ đến đón, bố mẹ phải chủ động liên hệ với cô giáo qua số điện thoại, cung cấp tên và số điện thoại của người thay thế.
TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, phụ huynh cần dạy con nhiều kỹ năng. Ngoài bảo con không tiếp xúc, gần gũi, nhận đồ của người lạ, cần đặt giả thiết trong trường hợp con có thể bị bắt cóc.
"Nếu bị đối tượng nắm chặt tay để kéo đi, chúng ta thường dạy con hét lên. Nhưng người bắt cóc có thể nói: 'Đây là con tôi, nó rất hư' khiến người xung quanh tin tưởng, không cứu", TS Hương nêu ví dụ.
Phụ huynh có thể dạy con hét lớn "cháy nhà". Khi đó, chính kẻ bắt cóc con cũng hoảng sợ và phân tán tư tưởng, người xung quanh đổ dồn ánh mắt vào con. Trẻ có thể vùng chạy thoát. Trường hợp con bị người lạ ôm, có thể bất ngờ dùng cùi trỏ tay đập vào ức, cằm và hạ bộ của đối phương.
Những tình huống trên hoàn toàn có thể lồng ghép vào các trò chơi cùng con. Bố mẹ giả làm người bắt cóc để con chủ động và bản lĩnh xử lý tình huống.
Khuyến cáo đưa hình ảnh con lên Facebook
Trả lời VTV, PGS.TS, thượng tá Trần Thế Hưởng, Phó trưởng khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, khoảng 20.000 vụ việc liên quan xâm hại trẻ em diễn ra mỗi năm. Trong đó, số vụ bắt cóc trẻ nhằm chiếm đoạt tài sản lên tới 45 - 50 vụ.
Trước khi hành động, đối tượng có thể thăm dò, nghiên cứu, tìm hiểu gia đình có điều kiện kinh tế nuôi con nhỏ.
Thượng tá Hưởng khuyến cáo người lớn phải cân nhắc việc đưa thông tin của trẻ nhỏ lên mạng xã hội. Không nên đưa tên và hình ảnh trường học của con. Không nên đăng tải ảnh con không mặc quần áo. Không nên đăng tải những bức ảnh có họ và tên đầy đủ của con. Không nên đưa ảnh của con chụp cùng trẻ khác.
Thực tế, nhiều người vô tư chia sẻ tất cả những thông tin cá nhân lên Facebook như địa chỉ nhà riêng, thói quen sinh hoạt hàng ngày, hình ảnh cá nhân theo giờ.
TS Vũ Thu Hương khẳng định, việc cha mẹ thường xuyên chia sẻ hình ảnh, thông tin của con lên Facebook rất nguy hiểm. Nếu cập nhật thường xuyên, người lạ theo dõi một thời gian có thể biết quy luật sinh hoạt của mỗi gia đình. Từ đó, kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng lúc con ở một mình để bắt cóc và xâm hại.
Bên cạnh đó, nếu thường xuyên công khai thông tin trên mạng, kẻ xấu có thể sử dụng tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ nhà của phụ huynh để đến đón con tại trường. Chúng cũng biết được thói quen và sở thích của con trẻ để dễ dàng dụ dỗ.
Theo Zing