Dạy chữ ở Hang Kia
Gần 30 năm công tác trong ngành Giáo dục, với lòng yêu nghề và trên hết là trách nhiệm, sự tận tâm, tận tụy sáng tạo, cô giáo Hà Thị Hằng đã cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên góp phần làm thay đổi cuộc sống của học sinh đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng cao Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình).
Cô Hà Thị Hằng đến nhà vận động học sinh đến trường. Ảnh: T.G
Đến trường cùng cuốc, xẻng
Trường Tiểu học và THCS Hang Kia B nằm giữa thung lũng của bản Thung Ẳng, xã Hang Kia, cách thị trấn Mai Châu 60km và cách UBND xã Hang Kia hơn 10km. Để đến trường, lũ trẻ nơi đây phải đi qua những con đường đá hộc trơn trượt, một bên là núi, một bên là vực sâu. Do đó, tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao, bậc tiểu học gần 40%, THCS lên đến 66%.
Đường sá đi lại khó khăn trong khi nhà cách trường 86 km nên cô Hiệu trưởng Hà Thị Hằng chỉ về nhà trong 2 ngày cuối tuần. Hành trang trên xe của cô hiệu trưởng và các giáo viên khác trong trường ngoài thực phẩm thiết yếu còn có chiếc cuốc, chiếc xẻng để gạt bùn đất dọc đường.
“Có lần đến trường trong màn trời đẫm mưa mù, rét buốt, dù luyện tay lái trên cung đường này nhiều năm nhưng xe vẫn chao đảo. May có hai người Mông đi họp về thấy vậy nên vừa đi vừa chờ và soi đèn cho. Học sinh nhận ra cô giáo liền xúc đất, mở đường giúp cô đến trường.”
Cô Hằng kể lại
Hay như thầy Hiệu phó Nguyễn Văn Hùng trong cơn cảm mạo một mình nằm chơ vơ giữa đường rừng vài giờ đồng hồ đến khi có học sinh nhận ra và đưa thầy về nhà. Rồi cô Hà Thị Thơm một lần hỏng xe phải bỏ lại giữa rừng để đi bộ gần 20km đến trường. Và không hiếm những câu chuyện “phó thác cho số phận” trên hành trình đi gieo chữ của các thầy, cô ở vùng đất Hang Kia.
Cô Hà Thị Hằng tâm sự: Thực lòng, khi được phân công về đây ai cũng thấy nản. Gần 100 km từ nhà đến trường là một hành trình cực kỳ vất vả. Trường Hang Kiacó 20 thầy, cô thì cả 20 người đều đã từng bị ngã trên đường đến trường. Ai cũng có sẹo. Sẹo cũ chưa lành lại có thêm sẹo mới vì ngã xe.
Video đang HOT
Chủ tịch Công đoàn trường, cô Hà Thị Hồng góp chuyện: Ở đây, ngoài một số thầy, cô là người bản địa, việc đi lại có phần đỡ vất vả hơn. Còn lại, đa phần các thầy, cô giáo là người ở vùng dưới. Đầu tuần lên, cuối tuần thay nhau về. Những ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa đường trơn trượt, thậm chí sạt lở, xe máy chỉ dắt bộ hoặc đẩy chứ có đi được đâu.
Cũng có đường tắt từ Cun Pheo sang. Nhưng đây là lối mòn của người dân đi làm nương, chủ yếu là đi bộ vượt khe sâu, núi cao, suối chảy xiết. Đi đường nào cũng vậy, có khi đi từ sáng sớm, chiều muộn mới tới trường. Đến nơi, gặp cũng chỉ hỏi nhau có ngã nhiều không, đau ở đâu? Rồi lại vội vã thay quần áo để kịp giờ lên lớp. Tuy khổ nhưng các thầy cô vẫn thấy vui.
Lớp xóa mù chữ cho người lớn. Ảnh: T.G
Vận động cha mẹ và học trò ra lớp
Dù ngôi trường được dựng lên từ năm 2003, nhưng vận động học sinh đến lớp là một hành trình cực kỳ gian nan của các thầy cô giáo tại Hang Kia bởi suy nghĩ “học chẳng để làm gì” đã trở thành tư duy cố hữu của người dân nơi đây. Để “kéo” học sinh đến trường, các thầy cô phải xắn quần, đốt đuốc vào bản, đến từng hộ tỉ tê phụ huynh đưa con, cháu trở lại lớp.
Xác định nguyên nhân khiến các em không được đi học là do bố mẹ không biết chữ. Bởi vậy, nhà trường đã lên kế hoạch dạy chữ cho cả bố mẹ các em. Các thầy, cô giáo lặn lội đến từng hộ dân để vận động người mù chữ tham gia lớp phổ cập giáo dục cho người lớn vào các buổi tối. Ban đầu, người dân còn lảng tránh. Nhưng với sự kiên trì, gần gũi, dần dần các thầy cô đã tuyên truyền, vận động được người dân tham gia lớp xóa mù và con trẻ đến lớp.
Ở Hang Kia, tất cả thầy trò như người trong một nhà. Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng được gọi là “người bố quốc dân” bởi thường xuyên cắt tóc cho học sinh. Thầy kể: Cha mẹ các em đi làm nương cả tháng, không ai chăm sóc, không có điều kiện đi hiệu cắt tóc nên các thầy cô trở thành thợ gội đầu, cắt tóc… bất đắc dĩ. Đến nay, không chỉ thầy Hùng, nhiều thầy cô khác có thể cắt tóc nhanh và đẹp không kém thợ chuyên nghiệp.
Không chỉ gội đầu và tắm cho các em. Ngày mưa, các cô phải đứng đợi sẵn để rửa chân cho học sinh vì quãng đường đến trường của các em rất lầy lội. Nhiều em đi học bị đói do bố mẹ đi nương cả tháng, các thầy cô lại nấu cơm, chuẩn bị chỗ ngủ trưa cho các em ăn – ngủ có sức học buổi chiều.
Trong quá trình dạy học, các thầy cô nắm rõ từng hoàn cảnh của các em, qua đó chia sẻ, giúp đỡ các em trong hành trình đến trường. Cô Hằng kể: Có những em hoàn cảnh rất đặc biệt như Giàng A Tráng, con ông Giàng A Của, gia đình không có đất canh tác nên bố mẹ phải đi kiếm sống ở tận Mộc Châu, để lại em ở nhà một mình. Các thầy cô trong trường thường xuyên đến nhà động viên em vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập.
Còn em Giàng A Cơ, xây dựng gia đình sớm, mới học lớp 9 đã có con gần 1 tuổi. Nhiều lần Cơ đòi nghỉ học vì không có người làm nương và trông con. Lúc đó, các thầy cô phải vận động em mang con đến lớp, cô trông con cho em học. Vào mùa vụ, các cô đi làm nương giúp gia đình, đồng thời giúp đỡ em về mặt kinh tế.
Gần 30 năm công tác, với lòng yêu nghề và trên hết là trách nhiệm, sự tận tâm, tận tụy sáng tạo cùng trăn trở với những khó khăn, thiệt thòi của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn, các thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS Hang Kia B đã mang lại ánh sáng văn hóa, góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.
Lan Anh
Theo giaoducthoidai
Cô giáo góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Hang Kia
Hang Kia (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) là một xã đặc biệt khó khăn với 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, công tác phổ cập giáo dục mầm non, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở đạt chuẩn là bài toán rất nan giải.
Cô giáo Hà Thị Hằng đến các hộ gia đình vận động người dân đến lớp xóa mù chữ. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN
Năm 2018, chị Hà Thị Hằng (sinh năm 1967) là Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bao La, xã Bao La, huyện Mai Châu, được điều động đến công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B, xã Hang Kia. Gần 30 năm công tác với tâm huyết của mình, cô giáo Hằng đã góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B nằm giữa thung lũng của bản Thung Ẳng, xã Hang Kia, cách thị trấn Mai Châu 60 km và cách UBND xã Hang Kia hơn 10 km. Để đến trường, hơn một giờ đồng hồ xe của chúng tôi "bò" và nhích từng đoạn một qua những con đường toàn đá hộc trơn trượt, một bên là núi, một bên là vực sâu.
Tỷ lệ học sinh nơi đây bỏ học rất cao, bậc Tiểu học gần 40%, Trung học cơ sở lên đến 66%. Theo chị Hà Thị Hằng, để khắc phục triệt để tình trạng học sinh bỏ học, điều quan trọng nhất là phải thay đổi nếp nghĩ, nhận thức của người dân. Muốn trẻ đi học trước hết những người cha, người mẹ phải biết chữ, nói được tiếng phổ thông. Từ đó, chị Hằng đã vận động các ban, ngành mở lớp phổ cập giáo dục cho người lớn tuổi trên địa bàn xã và được đông đảo người dân tham gia.
Cô giáo Hà Thị Hằng đứng lớp dạy các học viên nữ. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN
Theo thống kê của huyện Mai Châu, tỷ lệ người dân xã Hang Kia không biết nói tiếng phổ thông chiếm gần 60%, phần lớn là phụ nữ. Tình trạng mù chữ, tái mù chữ chiếm 58,35% dân số. Để đồng bào Mông hiểu được ý nghĩa của việc học tiếng phổ thông thì phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, gần gũi nhất và trực tiếp giúp đỡ được người dân. Thế là khi có dịch bệnh xuất hiện, chị Hằng cùng giáo viên trực tiếp mang thuốc trị bệnh đến từng hộ dân. Khi người dân không biết đọc hướng dẫn sử dụng, các giáo viên đã giải thích và hướng dẫn người dân biết cách dùng thuốc cho người bệnh và cách phòng, chống dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm. Từ đó, người dân dần nhận thức được phải học chữ.
Chị Phạm Thị Thơm, giáo viên của trường cho biết: "Khi tôi và chị Hằng nhận công tác ở trường, đường vào xóm bản chưa được đổ bê tông nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là mỗi khi trời mưa. Mỗi lần như thế các em lại không đến lớp. Chúng tôi phải đến tận nhà vận động học sinh ra lớp, đồng thời vận động cả bố mẹ các em tham gia lớp học xóa mù chữ vào buổi tối".
Chị Khà Y Mai ở xóm Thung Ẳng, xã Hang Kia chia sẻ: Trước đây mình chưa biết chữ, khi đưa con đi khám bệnh, bác sỹ kê đơn thuốc nhiều nhưng không biết cho con uống thuốc. Đi học biết chữ rồi, khi con bị ốm, mình đã biết đọc hướng dẫn cách dùng thuốc cho con.
Đọc bài thơ "Người H' Mông nhớ ơn Đảng, Bác Hồ" và hát bài hát "Đi học", chị Giàng Y Phếnh (30 tuổi) ở bản Thung Ẳng, xã Hang Kia, vui mừng: Từ khi theo học lớp xóa mù chữ, mình đã biết đọc, biết viết, biết hát... nên đã dạy được các con, đặc biệt là biết tính toán để phát triển kinh tế gia đình. Chị Phếnh mong muốn tiếp tục được học để thành thạo; đồng thời chị cũng vận động các thành viên trong gia đình tích cực theo học lớp xóa mù chữ để dễ dàng tiếp cận với sự phát triển của xã hội.
Cô giáo Hà Thị Hằng dạy viết chữ cho học sinh. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Châu Vũ Đức Hạnh nhấn mạnh: Nhận công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hang Kia B đầu năm 2018, chị Hà Thị Hằng cùng với tập thể giáo viên nhà trường vận động được hơn 100 học viên theo học các lớp bổ túc dành cho người lớn, gần 100 học viên bổ túc chương trình Trung học cơ sở. Các học viên theo học lớp xóa mù chữ rất tự giác và đạt hiệu quả cao. Từ những cố gắng đó, năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh ra lớp ở cả 2 khối Tiểu học và Trung học cơ sở của xã Hang Kia đã đạt 100% và không còn tình trạng học sinh bỏ học.
Gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, với lòng yêu nghề, tinh thần tận tâm, tận tụy, chị Hà Thị Hằng đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Mai Châu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Châu, vì đã có thành tích về sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, phổ cập giáo dục...
Vũ Hà
Theo TTXVN
Khánh thành, bàn giao điểm trường mầm non bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) Ngày 24-11, ban điều hành chương trình "Hành trình RVC chắp cánh ước mơ" đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình điểm trường mầm non tại bản Ché Lầu - thuộc trường mầm non xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Ban tổ chức chương trình bàn giao công trình cho điểm trường bản Ché Lầu, Na Mèo, Quan Sơn....