Dạy các con làm người rồi mới truyền kiến thức
Bản thân tôi cố gắng làm sao để đưa các con vào nền nếp, nhưng không phải là bằng mọi cách, việc đó phải từ từ mỗi ngày một chút, chứ không thể cứ áp đặt được.
“Con chào cô Thoa ạ, nghe thấy học sinh chào tôi cũng trả lời cô chào con, mà sao con biết cô? Tôi hỏi vì thấy em đó không phải học sinh lớp tôi dạy, em đó nói vì con biết cô ạ, có em lại nói vì cô dạy lớp anh con ạ, và con rất quý cô.
Có con thấy tôi đi ngoài hành lang cũng chạy lại ôm lấy tôi và chào, có con trong lớp thì lại viết thư vào một mẩu giấy nhỏ với mấy câu là con rất yêu quý cô rồi đưa tận tay cho tôi, hôm thì lại là giấy màu gấp hình trái tim.
Các con đáng yêu lắm anh ạ, đó cũng là tình cảm, niềm vui và động lực của tôi trong mỗi ngày đến trường”, cô Thoa cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đinh Thị Kim Thoa – giáo viên dạy môn tiếng Anh của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, chia sẻ:
“Bản thân tôi thấy trẻ em rất là đáng yêu, nhất là các con bậc tiểu học, và cũng chính vì lẽ đó tôi đã thi tuyển vào Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm.
Thời gian đầu mới vào trường thì tôi dạy cả cấp 1 và 2, đó cũng là quãng thời gian trải nghiệm đáng nhớ của tôi với các con, nhưng có lẽ vì tình yêu thương nên tôi đã quyết định chuyển hẳn sang dạy cấp 1, được đón tay và dạy các con từ những ngày đầu đến trường cũng là niềm hạnh phúc của tôi.
Qua nhiều năm giảng dạy thì tôi thấy mình phải yêu thương các con hơn nữa, mềm mỏng nhưng vẫn phải đủ cứng rắn, phải dạy các con làm người trước rồi mới dạy kiến thức.
Đối với học sinh, tôi quan niệm trong mình phải có cả tình yêu thương và nghiêm khắc đối với các con, mặc dù yêu thương các con là việc các thầy cô nên làm, nhưng nếu cứ yêu thương vô điều kiện thì cũng chưa phải là đúng hoàn toàn.
Trong lớp đôi khi cũng có một vài con với tính cách đặc biệt, với những con bướng bỉnh, nghịch ngợm thì đôi khi tôi cũng phải tỏ ra nghiêm khắc, cũng là mong các con tiến bộ.
Với những con nhiều lần không nghe lời, khuyên giải không thành công thì tôi vẫn phải cần đến sự phối hợp của gia đình, vì nếu cứ để tình trạng con không chịu học bài, vô kỷ luật thì sẽ là điều không tốt cho tương lai của con sau này.
Cứ áp dụng việc phạt, viết bản kiểm điểm, báo tin và phó mặc cho gia đình thì các con sẽ mặc cảm, có thể trở nên bướng bỉnh hơn và sẽ diễn biến theo một chiều hướng không tốt.
Tôi thường gặp riêng phụ huynh của những con có tính cách đặc biệt đó, trao đổi để hiểu tình cảnh gia đình cũng như tính nết, rồi từ đó lựa chọn phương pháp giáo dục các con cho phù hợp.
Ngay từ đầu năm khi đón các con vào lớp, tôi thường có vài buổi nói chuyện để làm quen, hỏi han từng con để hiểu tính cách, gia đình, việc này cũng giúp ích rất nhiều cho việc dạy dỗ trên lớp.
Các con bậc tiểu học thường hay bắt trước câu nói, hành động của người khác hoặc trên phim ảnh, có một vài con còn nói bậy ở trong giờ học của chuyên gia, mặc dù các con chưa hiểu nghĩa của từ nói bậy đó, với những trường hợp như vậy thì tôi thường gặp riêng các con vào cuối buổi học.
Tôi phải giải thích cho con hiểu rằng nếu nói những câu như vậy là không đúng, không lịch sự và cô hy vọng lần sau các con sẽ không nói như vậy nữa, thường thì những trường hợp đó các con đều hiểu ra và không tái phạm.
Hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường cũng tạo điều kiện cho giáo viên chúng tôi được ra nước ngoài để trải nghiệm phương pháp dạy học của một số nước tiên tiến, chính những chuyến đi đó cũng giúp ích cho giáo viên rất nhiều trong việc dạy các con ở trường.
Sau những chuyến học tập như vậy thì bản thân tôi thấy mình có ý thức hơn, cần phải tôn trọng các con hơn cũng như dành nhiều cơ hội hơn nữa cho các con sửa đổi.
Tôi thường nói với các con và phụ huynh rằng ở bậc tiểu học thì lượng kiến thức không phải là nhiều, toàn kiến thức cơ bản và không quá khó, nhưng quan trọng là các con phải được rèn nếp.
Bản thân tôi cố gắng làm sao để đưa các con vào nền nếp, từ lời ăn tiếng nói, quan hệ với bạn bè, gia đình và các thầy cô…nhưng cũng không phải là bằng mọi cách, mà tôi nghĩ việc đó phải rèn từ từ mỗi ngày một chút, chứ cứ cố áp đặt thì mọi chuyện sẽ phản tác dụng.
Qua nhiều năm giảng dạy thì tôi thấy mình phải yêu thương các con hơn nữa, mềm mỏng nhưng vẫn phải đủ cứng rắn, phải dạy các con làm người trước rồi mới dạy kiến thức, dạy về ý thức, thái độ, hành vi… và đó cũng là tiêu chí của tôi”, cô Thoa chia sẻ.
Giờ học tập theo nhóm, sôi nổi bàn luận khiến cho các em học sinh rất thích.
Cô và trò thường tự tay làm những dụng cụ xinh xắn phục vụ việc học tập và cũng là để vừa chơi vừa học.
Thấy mình phải thay đổi nhiều hơn
Video đang HOT
Với nền giáo dục ở một số nước tiến tiến mà tôi đã được trải nghiệm, tôi nhận thấy các thầy cô giáo rất tôn trọng, yêu thương, quan tâm học sinh, cũng chính vì vậy mà tôi cũng đã thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ cũng như công việc giảng dạy.
Những ngày đầu ra trường, một phần vì còn trẻ và chưa có kinh nghiệm, nên đôi khi tôi cũng nóng tính, điều này xuất phát từ việc mau chóng muốn các con tiến bộ, nên tôi hay áp đặt và thường “đẩy” các con lên một chút.
Nhưng giờ đây tôi không áp đặt nữa mà chuyển sang cùng đồng hành với các con, và việc “đẩy” giờ đây cũng nhẹ nhàng hơn, điều đó cũng giúp cho cả cô và trò thấy thoải mái, còn các con thì tiến bộ rõ rệt.
Thời gian đầu tôi khá là kỹ tính trong việc các con làm bài tập về nhà, các con phải thế này, phải thế kia và nhất định phải hoàn thành.
Nhưng giờ đây tôi đã thả bớt ra một chút, và tôi tự nhận thấy nhiều khi các con không hoàn thành bài tập về nhà là cũng có lý do và những lý do đó mình có thể chấp nhận được.
Có những con chậm hơn các bạn nên tôi để hẳn 2 ngày cho con hoàn thành số lượng bài đó, tôi thường hỏi xem con mắc ở chỗ nào rồi cố gắng giải thích để các con có thể hoàn thành bài tập, mình không thể áp đặt đồng đều các con được.
Nhưng nếu con vẫn tiếp diễn tình trạng không làm bài thì tôi có áp dụng biện pháp cứng rắn hơn là ghi sổ, khi nghe đến việc bị ghi vào sổ và báo với phụ huynh thì các con đều rất lo, nhưng thực tế là tôi chỉ nói ghi sổ như vậy để các con ý thức hơn trong việc học tập”, cô Thoa cho biết.
Cô Đinh Thị Kim Thoa: Các con đáng yêu lắm anh ạ, đó cũng là tình cảm, niềm vui và động lực của tôi trong mỗi ngày đến trường.
Đối với tôi thì không có con nào học kém, chỉ là chưa giỏi môn của tôi mà thôi chứ nhiều môn khác thì các con vẫn giỏi, biết được điểm yếu đó nên tôi cố gắng quan tâm đến con nhiều hơn bạn khác một chút trong giờ lên lớp.
Có con phát âm không chuẩn, tôi thường phải gặp riêng và phát âm thật chậm, đồng thời để con nhìn khẩu hình miệng của mình mà phát âm theo, mối quan tâm của tôi đối với các con lứa tuổi này là từ vựng và cách phát âm, càng biết nhiều từ mới và phát âm đúng thì càng tốt cho các con sau này.
Đó là ở trên lớp, còn hỗ trợ khi về nhà thì tôi có giao cho các con một bộ thẻ từ vựng, trong chiếc thẻ đó kết hợp cả hình ảnh, từ và âm thanh, với bộ thẻ từ này thì phụ huynh có thể dùng Ipad, máy tính mở theo đường link ghi trên thẻ để các con học theo.
Bộ thẻ này hoàn toàn phù hợp với học sinh tiểu học, vừa học vừa chơi, giúp các con biết thêm nhiều từ vựng và cách phát âm đúng.
Đặc biệt có con rất bướng không bao giờ chịu ngồi yên trong giờ học, chỉ ngồi một chút là lại đứng lên lượn xung quanh các bạn, với những con như vậy thì tôi lại phải gọi riêng ra ngoài rồi thì thầm: Cô với con sẽ cùng thi đua nhé, nếu con chịu khó ngồi ngoan không nói chuyện trong giờ học, thì cuối mỗi tuần cô lại có một phần thưởng dành cho con.
Phần thưởng chỉ là cái bút, quyển truyện tranh nhưng cũng làm cho các con rất thích, đó cũng là cách tôi cá nhân hóa đến từng con, nó sẽ tạo cho các con có cảm giác được gần gũi, yêu thương và ghi nhận sự tiến bộ.
Có con nói với tôi rằng con làm bài tập về nhà nhưng vẫn sai mấy lỗi cô ạ, nên con không dám đưa cho cô xem, tôi nói con cứ mang vở lên đây và cô sẽ giúp con sửa lỗi, còn cô vẫn thưởng cho con vì tinh thần cố gắng nghiêm túc làm bài tập.
Bản thân giáo viên dạy tiếng Anh như chúng tôi cũng có lợi thế về ngoại ngữ, chính vì vậy mà tôi luôn cập nhật thông tin, xu hướng mới của thế giới về Giáo dục, áp dụng vào giảng dạy và các con cũng rất thích những cái mới.Cứ phải lựa dần từng chút một và phù hợp với riêng từng con, chứ mình không thể cào bằng các con trong lớp được, vì mỗi con là một tính cách và có mặt mạnh, yếu khác nhau, vì thế mà giáo viên cũng phải biết chấp nhận và tôn trọng các con.
Ví dụ như trong khoảng 2 tuần tôi lại cho các con sử dụng Ipad 1 lần, với những ứng dụng trên đó để các con ôn lại bài cũ, học bài mới, học tập thảo luận theo nhóm mà không cần làm trên giấy, làm quen với các dạng bài tập online, nghe phát âm…
Trong những tiết học tôi thường lồng ghép nhiều chương trình như vẽ tranh, chơi trò chơi, thay vì để các con đọc theo sách thì tôi lại cho các con vẽ tranh, có thể vẽ chân dung chính mình hoặc đề tài gì mà các con thích, tồi sau đó đứng lên tự thuyết trình về bức tranh đó.
Đó cũng là cách để các con luyện kỹ năng nghe nói và tìm những từ mới, thay vì những tiết học khô cứng, buồn ngủ. Sau đó thì có trao giải, cũng là để động viên khuyến khích các con học tập”, cô Thoa chia sẻ.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
Cô thay đổi, trò hạnh phúc khi đến trường
Đúng như lời hứa của tôi hồi đầu năm với ban phụ huynh, em học sinh đó đã tiến bộ không ngờ, không còn đánh bạn cũng như tiếp diễn những hành động bất thường.
Thầy cô cùng cán bộ quản lý giáo dục thay đổi vì mái trường hạnh phúc, giáo dục sẽ khởi sắc. Trong hành trình tìm kiếm những tấm gương thầy cô thay đổi để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thúy Hà - giáo viên cơ bản của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, chia sẻ:
"Cách đây mấy năm tôi đón một em học sinh từ lớp 2 lên và tôi cũng biết được đó là 1 trong nhóm 3 em rất nghịch.
Em này có những hành động khác thường, đang đứng trong lớp bạn ý bỗng tụt quần xuống để trêu các bạn, và cũng hay đánh các bạn rất đau. Mặc dù trước đó tôi đã nắm được tình hình nhưng tôi vẫn bị sốc bởi hành vi khác thường đó.
Nhưng việc mà bản thân tôi cũng không ngờ được là tập thể phụ huynh của lớp đã làm đơn gửi thẳng cho Ban giám hiệu nhà trường, xin chuyển em đó ra khỏi lớp để tránh ảnh hưởng đến các bạn.
Tôi thấy vậy thì tội cho em đó nên đã trao đổi với ban phụ huynh, rằng không thể đẩy bạn đó sang lớp khác được.
Bản thân em học sinh đó cũng cần phải có thời gian, và tôi sẽ nhận trách nhiệm về việc giúp em đó tiến bộ trong 1 học kỳ, rồi sau đó bạn phụ huynh sẽ quyết định", cô Hà cho biết.
Cô giáo Trần Thúy Hà và các em học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.
"Tôi bắt đầu quan tâm và để ý hơn đến mọi hành vi của em học sinh có tính cách đặc biệt này.
Tôi luôn tìm mọi cách để kéo em đó vào các hoạt động, lớp tôi có một chương trình đổi quà cuối tuần, chương trình này có sổ theo dõi thái độ cũng như kết quả học tập của các em trong 1 tuần.
Mỗi học sinh có hành động đẹp, làm việc tốt, hoàn thành bài vở ...thì sẽ được phát một phiếu và dùng phiếu đó đổi quà cuối tuần, có nhiều phần quà giá trị khác nhau.
Tôi xếp em học sinh nghịch ngợm đó vào việc bán hàng vì em tính toán rất giỏi, phần cũng là để em có cơ hội khẳng định bản thân, cũng may là cu cậu rất thích và làm đâu ra đấy, rất trách nhiệm.
Bản thân em đó không thích môn Văn, nhưng lại thích vẽ và làm Toán rất giỏi nên tôi cũng phải lựa, và sắp xếp để làm sao vào tiết học Văn em đó phải cảm thấy thoải mái nhất, có như vậy thì em mới chịu ngồi học.
Thỉnh thoảng tôi lại "nhờ" em đó lên thư viện tìm một cuốn sách, nhưng thực ra là để tôi nói chuyện chung với các em trong lớp rằng: Bạn đó là người bình thường như các em, nhưng chỉ hơi nghịch một chút thôi và cô thấy bạn đó cũng đang dần tiến bộ.
Các em đừng xa lánh và phải chơi với bạn, giúp cho bạn không thấy bị đơn độc trong lớp, có như vậy thì bạn sẽ tiến bộ. Tôi cũng yêu cầu cả lớp nói ra những điểm tốt của bạn đó, như vậy các em cũng thấy thoải mái và cởi mở hơn.
Điểm lạ nữa là sau một thời gian, bạn hay nghịch đó lại chơi rất thân với một bạn hiền nhất lớp, nhìn 2 bạn nắm tay nhau chơi dưới sân trường mà tôi cảm thấy rất vui.
Đúng như lời hứa của tôi hồi đầu năm với ban phụ huynh, em học sinh đó đã tiến bộ không ngờ, không còn đánh các bạn cũng như tiếp diễn những hành động bất thường, em đó đã được ở lại cùng với lớp cho đến hết năm học".
Cô Hà thi đỗ 2 trường là Đại học Ngoại ngữ và Cao đẳng Sư phạm, cũng vì rất thích nghề giáo, yêu quý trẻ con nên cô đã chọn theo học Cao đẳng Sư phạm.
Nhiều người thấy vậy cũng thắc mắc rằng tại sao tôi không học đại học mà lại học cao đẳng?
"Hồi còn học phổ thông, tôi đọc cuốn "Totto Chan - Cô bé bên cửa sổ" và nó có ảnh hưởng khá nhiều đến tôi, nội dung cuốn sách này nói về lớp học ở trên một toa tầu, xung quanh là những khu vườn nở đầy hoa, và tôi cứ hình dung công việc dạy học nó cũng đẹp như vậy.
Tôi tâm niệm mọi việc phải thật nhẹ nhàng, không cần phải căng thẳng, vào lớp bao giờ tôi cũng tươi cười, ôm hoặc vỗ về hỏi thăm các em, nhưng sau năm đầu tiên đi dạy thì tôi thấy nhẹ nhàng quá cũng không đem lại hiệu quả.
Rất nhiều bạn bè cùng khóa và những người đi trước đưa ra lời khuyên là tôi phải tạo được một cái uy ngay từ đầu, làm sao để các em sợ và khi đã sợ thì sẽ tự giác học tập.
Nghe vậy tôi cũng thử và tỏ thái độ nghiêm túc hơn khi vào lớp, nét mặt lạnh, sử dụng thước kẻ dài nhiều hơn, tất cả những việc đó cũng vô tình tạo thói quen, một phong cách nghiêm cho mình.
Nhưng độ nghiêm của tôi chưa đủ và có lẽ là bản thân tôi cũng không có tính cách như vậy nên tôi không thể cố làm các em sợ được.
Tôi lại thay đổi, chuyển sang để ý tìm hiểu tính cách của từng em rồi lựa chọn phương pháp cho phù hợp vì mỗi em là một tính cách khác nhau.
Có một học sinh ngay từ đầu năm học là em không chịu nói chuyện hay giao tiếp với thầy cô, khi gọi lên đọc bài thì em đó không đọc, trả lời rất là nhỏ và ngại thể hiện.
Em đó gần như là không tiếp chuyện với người lớn, nhưng khi chơi đùa với các bạn thì em lại hoàn toàn cười nói bình thường.
Chấp nhận để em đó không nói và tôi thay đổi cách tiếp cận, để em nói nhỏ, rồi nói ít, và cứ dần dần động viên khích lệ ở trên lớp, tạo sự gần gũi giữa cô và trò.
Ngày nào tôi cũng cố nói chuyện với em đó một lúc, hoặc trước khi về tôi cũng đến hỏi vài câu, rồi hỏi về sở thích, về gia đình của em...
Cho đến khi gần hết năm học đó, qua giờ kiểm tra của giáo viên khác thì các em học sinh trong lớp nói với tôi rằng: Cô ơi bạn ý đã nói to và rõ ràng rồi cô ạ, lúc đó tôi mừng rơi nước mắt. Khi chia tay lên lớp 2 thì em làm tôi rất xúc động, cứ ôm lấy tôi và khóc nhiều nhất lớp.
Qua sự việc này, tôi bắt đầu tìm hiểu tài liệu và để ý đến tâm sinh lý của trẻ, nhất là bậc tiểu học, từ trước đến nay tôi chỉ dạy theo bản năng, cảm tính", cô Hà thổ lộ.
Mỗi học sinh đều có tính cách khác nhau nên không thể đánh giá theo một tiêu chí.
Cần chấp nhận tính cách khác biệt của học sinh.
Những kiến thức được học ở trường Sư phạm thì khi đi dạy tôi hầu như không áp dụng được nhiều, và cũng thấy nó khác xa với thực tế, những sự việc mà tôi hình dung ra thì thực tế nó lại khác hoàn toàn.
"Tôi nhớ một học sinh trong lớp khi không vừa ý việc gì đó là em vứt tất cả các thứ từ sách vở, bút, cặp sách... cứ văng tung tóe xuống đất, kể cả trong giờ học, giờ chơi với bạn hay với các thầy cô giáo thì em đó đều có hành động như vậy.
Thấy như vậy thì tôi có dỗ dành nhiều lần nhưng em đó không hợp tác, thậm chí tôi phải nhờ các thầy cô lớp khác sang khuyên giải mà vẫn không được.
Những lần em đó làm loạn trong lớp thì bản thân tôi cũng rất là bực và cũng cáu luôn, nhưng thực sự tôi thấy việc cáu giận của tôi là không nên, nó chỉ như đổ thêm dầu vào lửa.
Từ lần sau rút khinh nghiệm, khi thấy em đó làm um lên thì tôi lại dịu xuống, nhặt mọi thứ rơi tung tóe xếp lại vào cặp sách cho em, sau đó ổn định lớp để các em học tiếp và coi như không có chuyện gì xảy ra.
Tôi cũng suy nghĩ em đó hay nổi xung lên như vậy thì phải có nguyên nhân. Cuối buổi, để em đó dịu lại tôi mới tỉ tê hỏi xem tại sao em lại như vậy? Có việc gì hãy nói và cô hứa sẽ giúp.
Lần khác thì tôi lại đưa cho em đó một tờ giấy với những chữ mà tôi viết sẵn: Chuyện gì xảy ra, hành động của bạn là gì, vấn đề là gì và kết quả bạn gây ra là gì? Em đó sẽ phải lựa chọn, viết vào những phần tương ứng với hành động của mình.
Nếu em có hành động như thế này, thì việc gì sẽ xảy ra và hậu quả của hành động đó sẽ là gì? Cứ như vậy hàng ngày ở trên lớp, tôi cùng đồng hành, quan tâm và động viên, giải thích cho em đó rất nhiều.
Tôi cũng theo em đó lên đến năm lớp 3 và qua một thời gian tôi chú ý kèm cặp thì em học sinh đó đã không còn nổi xung và hung hăng với mọi người nữa.
Thực tế em học sinh đó rất thông minh, nhanh nhẹn, vẽ rất giỏi và cũng chính vì sự thông minh đó nên khi thấy ai áp đặt điều gì là em nổi xung lên, không kìm chế được bản thân.
Dần dần tôi cũng hiểu rằng trẻ con có hành động như vậy là đều có nguyên do, vì thế tôi cũng không vội vàng kết luận mọi sự việc.
Qua sự việc của em đó, tôi cũng thay đổi suy nghĩ với tất cả các em học sinh, cách tiếp cận mọi sự việc, tự thấy mình phải dịu đi, cần để ý đến tâm lý và yêu thương các em nhiều hơn", cô Hà nêu quan điểm.
Giáo viên phải làm sao cho các em học sinh thấy thật thoải mái trong từng tiết học.
Có nhiều em học rất giỏi nhưng cách học cũng rất khác người, vào giờ học thì có em chỉ ngồi nghe giảng một lúc là lại đứng dậy chạy vòng quanh, có em thì lại lôi giấy ra vẽ...
Lúc đầu tôi cũng bực mình muốn ép các em vào quy định, nhưng sau đó tôi nhận thấy là các em đó vẫn hoàn thành được phần kiến thức và làm bài tập rất tốt, nên có một vài trường hợp là tôi tôn trọng sự khác biệt của các em, miễn là các em không được làm ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn.
"Có lần vào giờ thể dục, một em học sinh cứ nằng nặc không đi theo quy định, tôi biết kiểu như vậy nên vẫn để các em khác đi bình thường và hoàn toàn không chú ý đến bạn đó.
Thấy tôi và các bạn không để ý đến, em đó ra ngồi ở một góc sân trường, lúc này tôi mới lại gần và nói chuyện chứ hoàn toàn không mắng, tôi phân tích rằng nếu em không tôn trọng các bạn, không nghe lời cô thì sự việc sẽ như thế nào?
Em có thấy như vậy là rất phí thời gian, không được học cùng với các bạn. Nghe phân tích, tôi thấy em đó có vẻ xấu hổ nhưng tôi cũng lờ đi coi như không biết.
Tôi và các giáo viên trong nhà trường thường xuyên được theo học các khóa về phương pháp dạy học tích cực, trong đó tôi nhớ nhất là phương pháp không để cho não của mình quá tràn, phải thay đổi hoạt động thường xuyên.
Nếu ai nói nhanh và đúng kết quả của phép nhân đó thì được về chỗ và bạn mới lên đứng lên thay thế.Vào đầu giờ học, thôi thường xuyên bắt đầu bằng việc khởi động các em, ví dụ học bảng tính nhân thì tôi sẽ thách đố và mời 2 em đứng lên.
Có lúc tôi tổ chức một trò chơi ngắn vui nhộn để các em cảm thấy thoải mái, có lúc lại chia nhóm...và tôi cứ linh hoạt như vậy.
Tất cả những việc đó giúp các em có một tình thần hứng khởi, thoải mái trước khi bước vào tiết học, mà điều này tôi thấy hầu hết các giáo viên trong trường đều áp dụng chứ không phải chỉ có mình tôi.
Ngoài ra tôi cũng áp dụng rất nhiều phương pháp từ các nền giáo dục tiên tiến mà tôi đã được theo học, để đưa vào giờ chơi, giờ học cũng như trong nhiều hoạt động của các em ở trên lớp, và rất được các em hưởng ứng", cô Hà chia sẻ.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
Cô giáo trẻ tận tụy với nghề Những năm gần đây, Trường tiểu học Văn Khúc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) liên tục đạt nhiều thành tích trong công tác dạy và học môn tiếng Anh, tạo dựng được niềm tin về chất lượng giáo dục. Những kết quả đó là sự cố gắng nỗ lực của tập thể nhà trường, trong đó có sự đóng góp rất tích cực...