Đầu tư nhiều mà chỉ số tiếng Anh vẫn tụt hạng?: Đào tạo giáo viên chưa ‘trúng’
Giáo viên tiếng Anh thường xuyên được bồi dưỡng để nâng cao năng lực theo Đề án ngoại ngữ quốc gia, nhưng bản thân họ lại nhận thấy cách làm này vừa lãng phí vừa kém hiệu quả.
Một lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM năm 2018 – ĐÀO NGỌC THẠCH
Có bằng của trường nước ngoài danh tiếng vẫn phải thi
Bà Nguyễn Bảo Yến, Trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường Marie Curie (Hà Nội), thẳng thắn chỉ ra rằng: “Nhìn lại khóa học bồi dưỡng giáo viên (GV) theo Đề án ngoại ngữ 2020 cách đây vài năm, tôi thấy có những bất cập. Nếu vẫn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng GV như đề án thì thật lãng phí thời gian của GV và tiền bạc của nhà nước”.
Cụ thể, theo bà Yến, nhiều GV đã có bằng thạc sĩ về phương pháp giảng dạy tiếng Anh của các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, nhưng vẫn phải tham gia thi rà soát để xếp lớp học bồi dưỡng và thi lấy chứng chỉ theo khung năng lực 6 bậc của VN (B2 nếu là GV tiểu học, THCS và C1 nếu đang dạy THPT).
Bà Yến cũng cho biết năm 2016 Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức các khóa học về phương pháp giảng dạy, mời GV từ các trung tâm tiếng Anh đến bồi dưỡng. Tuy nhiên, người đứng lớp không được đào tạo chuyên sâu về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, và chính bản thân họ còn chưa thực sự hiểu rõ về các phương pháp mà họ đang trình bày. Vì vậy, GV tham gia khóa tập huấn này không thấy có hiệu quả và thuyết phục.
Nhiều đề án chỉ nhằm mua sắm trang thiết bị dạy học
Bà Trần Thị Quỳnh Lê, Giám đốc đào tạo Hệ thống Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring và Trường Phổ thông liên cấp Edison, cho rằng nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chất lượng GV. Thực tế, ngành giáo dục chưa có đủ đội ngũ GV tiếng Anh đảm bảo chất lượng và đồng đều ở các địa phương, các cấp học, đặc biệt là ở những khu vực không phải đô thị lớn, ở bậc THCS và THPT.
Về đổi mới phương pháp dạy học, bà Quỳnh Lê nói rằng đã có nhiều dự án đào tạo bồi dưỡng GV tiếng Anh để đổi mới phương pháp dạy học. Các đề án ngoại ngữ này đã có những tác động nhất định lên chất lượng giảng dạy, nhưng có lẽ còn chưa đủ. Kinh nghiệm cho thấy những địa phương tích cực đào tạo GV và đi theo hỗ trợ toàn diện các GV này đến tận từng lớp học (sau các đợt đào tạo) thì sẽ cải thiện chất lượng dạy học và năng lực của học sinh hiệu quả hơn.
Ngược lại, nếu dự án đào tạo chỉ dừng ở việc bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh một vài đợt, mua sắm trang thiết bị dạy học… thì sẽ khó đạt được mục tiêu thay đổi chất lượng dạy học về căn bản.
Chưa dạy bằng phương pháp giao tiếp
Ông Minh N.Tran (ĐH Yale, Mỹ), Giám đốc nghiên cứu cấp cao của Education First (EF), từng nhiều lần phân tích kết quả về khả năng tiếng Anh của người Việt Nam sau khi EF công bố bảng xếp hạng từng năm.
Với cả trường phổ thông và đại học, ông Minh N.Tran cho rằng Việt Nam nên hướng tới việc dạy tiếng Anh bằng phương pháp giao tiếp, cung cấp cho học sinh, sinh viên cơ hội thường xuyên để nói tiếng Anh thông qua các hoạt động như câu lạc bộ, ngày chủ đề, ghép lớp học, mời diễn giả… Các trường cần cung cấp một diễn đàn để GV chia sẻ phương pháp thực hành tốt nhất và nhận lời khuyên về việc dạy tiếng Anh hiệu quả, để từ đó GV có con đường đơn giản nhằm cải thiện tiếng Anh của chính họ.
Theo ông, Việt Nam có thể tham khảo cách học tiếng Anh của các nước, vùng lãnh thổ trong cùng châu lục, ví dụ Đài Loan. Trong chính sách nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, điều đầu tiên được nhắc tới là tất cả học sinh tiểu học và THCS của Đài Loan được học ít nhất 1 tiết tiếng Anh mỗi ngày, với mục tiêu cải thiện kỹ năng nghe và nói tổng thể. Thứ hai là tích hợp tiếng Anh với các môn học, trong đó hiệu trưởng sẽ khuyến khích GV bộ môn dạy bằng tiếng Anh và chứng minh cách sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày.
Bà Nguyễn Bảo Yến cũng cho rằng mục đích của việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho GV là rất cần thiết để họ có đủ năng lực chuyên môn, tự tin đứng lớp, nhất là trong thời đại 4.0, khi mà học sinh dễ dàng tiếp cận với đa phương tiện và sử dụng các phần mềm trong việc học và thực hành tiếng Anh ngày càng thành thạo.
Video đang HOT
Bà Yến cũng đề nghị ngành GD-ĐT nên tổ chức các lớp tập huấn cho GV về phương pháp giảng dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, mời những người có trình độ chuyên môn cao chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh sao cho có hiệu quả, thay vì đào tạo, bồi dưỡng như cách làm lâu nay.
Bộ GD-ĐT lại đưa ra nhiều hứa hẹn
Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ các cấp học phổ thông trên phạm vi toàn quốc, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ GV dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đưa ra một loạt giải pháp. Trong đó, sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp dạy và học ngoại ngữ phù hợp với điều kiện đặc thù của các vùng miền, địa phương và cơ sở GD-ĐT; chú trọng việc nâng cao chất lượng và số lượng GV đạt chuẩn tại tất cả các địa phương để có thể triển khai đồng bộ các chương trình ngoại ngữ mới. Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế…
Nghệ An: Đề án ngoại ngữ góp phần đổi mới, tạo đột phá trong dạy và học
Từ năm 2020, đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ chính thức được thực hiện.
Trong năm học đầu tiên, việc triển khai đã có những tín hiệu tích cực với kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
"Điểm trũng" về chất lượng ngoại ngữ
Nhiều năm nay, Nghệ An được biết đến là vùng đất học và luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn. Tuy vậy, bên cạnh những thành tích thì công tác giáo dục của tỉnh vẫn còn những khó khăn, bất cập, đặc biệt là về chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường PT DTNT THPT số 2. Ảnh: Mỹ Hà
Đây cũng là môn học có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền khi mà tại kỳ thi cuối cấp như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, điểm trung bình môn ngoại ngữ ở các trường tốp đầu luôn rất cao (trên 8 điểm) thì ở những trường xa trung tâm, vùng sâu vùng xa, điểm ngoại ngữ còn rất thấp.
Thực tế cũng cho thấy, trong những năm gần đây, dù đã có những nỗ lực nhưng chất lượng dạy và học ngoại ngữ tăng chậm với điểm trung bình một năm chỉ tăng 0,25.
Chất lượng dạy Tiếng Anh ở các vùng miền chưa đồng đều là một khó khăn của Nghệ An trong việc triển khai dạy và học ngoại ngữ. Ảnh: Mỹ Hà
Một trong những nguyên nhân chính bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều trường có học sinh tiểu học chưa tổ chức dạy học ngoại ngữ. Tỷ lệ học sinh học chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm còn thấp, nhất là cấp THPT. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mới đáp ứng ở mức tối thiểu. Việc khai thác, sử dụng ở một số đơn vị còn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, dù tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo là 100% nhưng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế để triển khai chương trình ngoại ngữ mới còn chưa cao, thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, dạy các chương trình tăng cường, tích hợp trong các trường phổ thông.
Một tiết Tiếng Anh của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên). Đây là trường có sự tiến bộ vượt bậc về kết quả môn Tiếng Anh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh Mỹ Hà.
Hiện Nghệ An có hơn 100 trung tâm ngoại ngữ nhưng trong những năm qua chưa có sự gắn kết với các nhà trường. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ trong nhà trường chưa hiệu quả; chưa thu hút được các giáo viên có trình độ và kinh nghiệm, đặc biệt là giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy các chương trình ngoại ngữ.
Tạo sự đột phá trong dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường
Những hạn chế trong việc dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập với khu vực và thế giới.
Trước thực tế này, sau gần 7 tháng chuẩn bị, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án 2445 về "Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" và chính thức bắt đầu triển khai từ năm học 2020 - 2021.
Đề án ngoại ngữ đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện triển khai chương trình làm quen với ngoại ngữ cho trẻ mẫu giáo. Trong ảnh: Giờ học Tiếng Anh dành cho các cháu của Trường mầm non Rainbow. Ảnh Mỹ Hà
Sự ra đời của đề án là nỗ lực của ngành giáo dục nhằm đáp ứng sự mong mỏi của tầng lớp nhân dân và học sinh trong toàn tỉnh bởi mục tiêu chính của đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ trên địa bàn; từng bước nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên theo chuẩn quốc tế đối với các cấp học phổ thông và ngành đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Việc triển khai đề án cũng là tiền đề Nghệ An chuẩn bị cho Chương trình phổ thông 2018 vì chương trình mới bắt buộc học sinh phải học ngoại ngữ từ năm lớp 3. Đặc biệt, đề án này đã mở ra cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng ngoại ngữ, tạo cơ chế, môi trường thông thoáng cho các trung tâm phối hợp với các nhà trường để tổ chức dạy học ngoại ngữ.
Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% trường tiểu học có đủ điều kiện triển khai chương trình ngoại ngữ tự chọn cho học sinh lớp 1 và lớp 2. Ảnh: Mỹ Hà.
Thông qua đó, chúng ta cũng kỳ vọng sẽ đem đến một luồng gió mới, thay đổi cách dạy, cách học trong trường phổ thông hướng đến việc đào tạo ngoại ngữ với đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, có cam kết đầu ra theo chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế sau khi tốt nghiệp từng cấp học (A1 đối với lớp 5, A2 đối với lớp 9, B1 đối với lớp 12).
Đây cũng là tiền đề thuận lợi, tạo điều kiện cho học sinh đi du học, hội nhập quốc tế, tăng cường cơ hội tìm kiếm việc làm trong khối Asean và khu vực. Hơn thế, còn là tiền đề, tạo cơ sở để tiến tới xây dựng trường phổ thông tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế.
Những tín hiệu tích cực
Ngay sau khi đề án được ban hành thì việc triển khai dạy và học ngoại ngữ trong năm học này đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, từ đề án của tỉnh, nhiều địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường theo hướng chú trọng đổi mới hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy, kỹ năng thực hành, khả năng giao tiếp Tiếng Anh của giáo viên và học sinh.
Đến thời điểm này, hơn 2.000 học sinh tiểu học ở thành phố Vinh đã được học chương trình Tiếng Anh tăng cường. Ảnh: Mỹ Hà
Trong đó, huyện Đô Lương đã phối hợp với các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn để triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường ở 7 trường THCS. Huyện Con Cuông, từ thí điểm ở một số trường mầm non và trường tiểu học ở vùng trung tâm năm nay chương trình tăng cường mở rộng ra nhiều trường tiểu học khác trong toàn huyện.
Riêng tại thành phố Vinh, nếu như trước đây, chỉ một số trường tiểu học và THCS triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường thì năm nay Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo một cách bài bản hơn.
Sau nhiều năm triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường và tăng các tiết học với giáo viên nước ngoài, việc học ngoại ngữ của học sinh thành phố Vinh đã có những chuyển biến rõ rệt. Trong ảnh: Tiết học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài ở Trường THCS Trung Đô . Ảnh Mỹ Hà
Cụ thể, để nâng cao hiệu quả dạy và học, từ năm học này, thành phố chủ trương tuyển sinh các lớp tiếng Anh tăng cường, có kiểm tra đầu vào và có cam kết đầu ra với học sinh tham gia chương trình. Trong quá trình theo học, học sinh ngoài học theo chương trình phổ thông sẽ được tăng cường thêm các buổi học với các trung tâm ngoại ngữ do giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy.
Một tín hiệu vui là dù chỉ mới năm đầu triển khai nhưng số lượng phụ huynh và học sinh đăng ký rất đông, vượt quá chỉ tiêu đề ra. Đến nay, qua thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo, toàn thành phố có 23 trường tiểu học và THCS triển khai chương trình tăng cường với 54 lớp và hơn 3000 học sinh tham gia. Việc xã hội hóa dạy Tiếng Anh trong nhà trường cũng là chủ trương của ngành giáo dục nhằm thực hiện đề án ngoại ngữ.
Để khuyến khích, ngành cũng đã ban hành các quy định, cơ chế để các cơ sở giáo dục tự chủ trong việc phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức các chương trình giáo dục tăng cường trong nhà trường theo hướng đảm bảo chất lượng, cam kết chuẩn đầu ra và sự tự nguyện của người học,phụ huynh. Từng bước hợp tác dạy học song song hai chương trình quốc tế và Việt Nam; chương trình tích hợp dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh với các môn học khác theo chương trình quốc tế và Việt Nam cho học sinh có nhu cầu.
Thực hiện đề án ngoại ngữ Nghệ An sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà
Để thực hiện đề án ngoại ngữ có hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ. Gần đây nhất là cơ chế tuyển thẳng vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng với những học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế.
Trong những năm tới, muốn nâng cao chất lượng ngoại ngữ, Sở cũng xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định. Vì thế, từ năm học này ngành sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ trong các nhà trường và trong các trung tâm để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, đáp ứng với yêu cầu đổi mới chương trình và nâng cao.
Qua đó, để giáo viên có thể tham gia giảng dạy trong các chương trình tăng cường, dạy học song song hai chương trình quốc tế và Việt Nam; chương trình tích hợp dạy ngoại ngữ với các môn học khác theo chương trình quốc tế và Việt Nam.
Chương trình Tiếng Anh tăng cường khuyến khích các nhà trường hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ, tăng cường các tiết học với giáo viên nước ngoài để rèn luyện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ảnh: Mỹ Hà
Đồng thời sẽ xây dựng các chương trình tăng cường, nâng cao, tích hợp song song; xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường và trong toàn xã hội nhằm tạo môi trường dạy, học, sử dụng ngoại ngữ cho học sinh; thúc đẩy môi trường học tập ngoại ngữ tập trung theo phương thức "Bình dân học vụ". Ngoài ra, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các cơ sở ở các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Với nhiều mục tiêu quan trọng, đề án Ngoại ngữ 2445 về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 hi vọng sẽ góp phần quan trọng đưa chất lượng Tiếng Anh của học sinh, sinh viên xứ Nghệ có nhiều chuyển biến tích cực và mở ra nhiều cơ hội cho học sinh tỉnh nhà trong thời gian sắp tới.
Giáo viên "thời đại số" cần giỏi tiếng Anh và công nghệ Để trở thành một nhà giáo sáng tạo thì người thầy sẽ phải tìm kiếm, thay đổi, lan tỏa những ý tưởng, kiến thức cho đồng nghiệp và học sinh. Tiếng Anh và công nghệ chính là hành trang người giáo viên. "Ngày hội Giáo viên Sáng tạo - Witeach" đã trở thành một sân chơi lớn dành cho giáo viên Wellspring đam...