Đầu tư đúng mức để người trẻ làm khoa học
TT – Tọa đàm do Sở KH&CN TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM tổ chức, mang tên “Tuổi trẻ thành phố sáng tạo chủ động trong NCKH và phát triển công nghệ”.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trình bày về cơ chế hoạt động của máy khắc laser với khách tham quan – Ảnh: Quang Phương
Nhiều vấn đề như khó khăn của các nhà khoa học trẻ khi bước vào nghiên cứu khoa học (NCKH), những biện pháp thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động này trong giới trẻ… đã được nêu ra tại tọa đàm về sáng tạo trong NCKH và phát triển công nghệ hôm 22-5.
Video đang HOT
Nhiều khó khăn
Bạn Lê Thái An, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho rằng đối với học sinh THPT thực hiện một công trình nghiên cứu là việc làm đầy thú vị và mới mẻ, tuy nhiên gặp không ít trở ngại về kinh phí, tài liệu tham khảo, không gian nghiên cứu. “Thực tế cho thấy hiện nay số trường trên địa bàn thành phố có phòng thí nghiệm NCKH là vô cùng khiêm tốn” – An nói. Từ những khó khăn đó, An đề xuất mỗi trường nên có một phòng nghiên cứu riêng để học sinh có thể ứng dụng những kiến thức từ sách vở vào thực tế và sáng tạo thêm trên nền tảng đó. Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích về mặt học tập trong trường như thưởng điểm, tuyên dương, khen thưởng… đối với những học sinh mê NCKH.
Một trong những khó khăn khác mà những người trẻ làm NCKH gặp phải đó là chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc thực tế, gặp gỡ các doanh nghiệp để nghiên cứu gắn nhiều hơn với đời sống. Người nghiên cứu trẻ hiện đang làm việc rất rời rạc, chưa gắn kết với nhau nên sự giao lưu, học hỏi vẫn còn giới hạn. Mặt khác, vị thế của khoa học trẻ trong các hội nghị khoa học, diễn đàn, các cuộc thi khoa học vẫn đang quá hạn chế.
Thạc sĩ Huỳnh Thư, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng nhà khoa học trẻ chính là nguồn nhân lực kế thừa trọng trách phát triển đất nước, là người sẽ nắm trong tay vận mệnh đất nước cũng như ươm mầm cho nhiều thế hệ tiếp nối mai sau. Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay gặp muôn vàn khó khăn về vấn đề nghiên cứu và phát triển khoa học trẻ như: tính thực tế của đề tài nghiên cứu, thiếu thông tin…, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh phí. Thạc sĩ Thư cho biết hiện tại chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ hằng năm cấp kinh phí 80 triệu đồng/đề tài (quản lý phí là 15 triệu đồng) cho khoảng 40 đề tài NCKH trong nhiều lĩnh vực. Song con số 40 đề tài so với nhà nghiên cứu trẻ đang làm việc ở hàng trăm trường, viện và trung tâm NCKH trên địa bàn thành phố là quá ít.
“Trong khi đó tại các trường ĐH, kinh phí cấp cho mỗi đề tài sinh viên nghiên cứu chỉ dao động vài triệu đồng, là con số chỉ mang tính chất tượng trưng chứ không thể nào đủ cho một công trình khoa học dù rất nhỏ. Do đó có lẽ cần phải tăng mức kinh phí đầu tư cho khoa học trẻ để các bạn yên tâm đeo đuổi đam mê NCKH của mình” – thạc sĩ Thư nói.
Phải đầu tư đúng mức
Để giúp người trẻ chủ động trong NCKH phục vụ cho sự phát triển của xã hội, PGS.TS Thái Văn Nam, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng cần phải đầu tư đúng mức cho người trẻ NCKH. Ông Nam cho biết Nhật Bản trở thành một siêu cường quốc về khoa học kỹ thuật là do họ đầu tư kinh phí khá cao cho việc này, chiếm 7,55% của toàn bộ chi tiêu quốc gia (năm 2008).
Thạc sĩ Đinh Thị Kim Loan, giảng viên Trường Quản lý giáo dục TP.HCM, nói: “Để có được một công trình NCKH có chất lượng, trước hết mỗi người trẻ phải nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động NCKH. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đầu tư về thời gian, công sức, kinh phí và các mối quan hệ xã hội vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả hoạt động NCKH. Đây chính là một thách thức rất lớn đối với bạn trẻ hiện nay”.
Bạn Nguyễn Đức Nguyên Vỵ – sinh viên ĐH Luật TP.HCM, người từng đoạt giải thưởng Euréka – cho rằng về cơ bản người nghiên cứu phải chủ động để vượt qua các khó khăn kể trên. Ví dụ, nếu khó khăn về kiếm tài liệu, sinh viên làm NCKH phải chủ động liên hệ với thư viện trường, chủ động tìm kiếm thông tin trong ý tưởng NCKH của mình bằng cách tham gia các hội thảo khoa học liên quan để lấy thông tin, trau dồi ngoại ngữ để đọc các tài liệu cần thiết từ nước ngoài.
Để khích lệ sinh viên NCKH, bạn Nguyễn Đức Nguyên Vỵ đề xuất: “Khuyến khích sinh viên NCKH bằng cách cộng điểm học tập, bên cạnh điểm rèn luyện hay học bổng cho sinh viên có công trình hoàn thành. Điểm số sẽ cao tương ứng với các công trình đoạt giải. Đề xuất này của tôi cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế khi để cho ra đời một công trình NCKH có chất lượng thì sinh viên phải đầu tư thời gian nhiều hơn hẳn mức độ cần tập trung cho một số môn học”.
Có những đề tài được cấp 200 tỉ đồng
Thừa nhận kinh phí cho các đề tài trong chương trình Vườn ươm có giới hạn về kinh phí nhưng PGS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết các đề tài trong chương trình khoa học thuộc Sở KH&CN không có giới hạn về mặt kinh phí, miễn sao đề tài thuyết phục được hội đồng khoa học. Hiện nay có những đề tài được cấp kinh phí 200 tỉ đồng. Từ năm 2012 đã có những đề tài khoán sản phẩm, nghĩa là TP sẽ mua những đề tài này theo kết quả. Việc đề tài Vườn ươm hiện nay gửi rất nhiều nhưng được duyệt ít, PGS.TS Nguyễn Kỳ Phùng giải thích do các đề tài này được duyệt cùng các đề tài thuộc chương trình NCKH của thành phố, phần lớn do các nhà khoa học lớn tuổi thực hiện nên cũng có phần “khắt khe”. Để tạo điều kiện phát triển cho khoa học trẻ, Sở KH&CN TP.HCM sẽ kiểm tra đề tài Vườn ươm và sắp tới sẽ giao về cho Trung tâm Phát triển KH&CN trẻ (Thành đoàn TP.HCM) xét duyệt.
Theo TTO