Dầu thô giảm mạnh xuống mức thấp nhất 3 tháng
Đóng cửa hôm qua, thị trường hàng hoá nối dài đà sụt giảm sang ngày thứ 2 liên tiếp. Chỉ có duy nhất nhóm Nông sản giữ được đà phục hồi tuy nhiên mức tăng nhẹ khiến chỉ số hàng hoá MXV- Index chung vẫn giảm hơn 1% xuống 2.501 điểm.
Thị trường Năng lượng và Nguyên liệu công nghiệp gây chú ý với những mức biến động rất mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng trong ngày hôm qua. Điều này khiến GTGD toàn Sở có suy yếu, đạt 4.200 tỷ đồng, do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước.
Giá bông ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm
Lực bán vẫn tiếp tục áp đảo hoàn toàn với giá bông sau phiên giảm kịch sàn trước đó. Mặc dù giới hạn giá của bông đã tăng thêm 1 lên mức 5 cents trong phên hôm qua, tuy nhiên hợp đồng bông tháng 12 vẫn giảm gần hết biên độ này và đẩy giá xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 03/07 giảm 1% về mức 36% tốt – tuyệt vời.
Mức giảm trung bình của cả nước là không lớn nhưng tại các bang sản xuất chính ở phía nam, chất lượng đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng từ thời tiết khô hạn. Bất chất các lo ngại về mùa vụ, đồng Dollar tăng mạnh lên mức cao nhất hơn 20 năm đã gây sức ép lớn lên toàn bộ thị trường hàng hóa nói chung và giá bông nói riêng. Bên cạnh đấy, triển vọng tiêu thụ toàn cầu bị ảnh hưởng do lo ngại về suy thoái, và dịch bệnh đe dọa bùng phát trở lại tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông số 1 thế giới, cũng tác động rất tiêu cực lên giá mặt hàng này.
Theo sau đà giảm của bông tiếp tục là dầu cọ thô, với mức giảm gần 3% trong ngày hôm qua. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 1 năm của mặt hàng này, khi nguồn cung được nới lỏng và lo ngại sự sụt giảm nhu cầu của các nền kinh tế lớn nếu rơi vào suy thoái. Trong phiên, có thời điểm giá dầu cọ đã sụt giảm đến gần 10%, tuy nhiên, sản lượng dầu cọ trong 5 ngày đầu tháng 7 của Hiệp hội các nhà máy xay xát ở Nam bán đảo Mã Lai (SPPOMA) đã giảm 16% so với tháng trước, đã giúp giá dầu cọ phục hồi trở lại vào cuối phiên.
Các mặt hàng cà phê tiếp tục có sự suy yếu, khi hôm qua là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của Arabica và thứ 5 liên tiếp của Robusta. Việc đồng Real sụt giảm về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 cùng với việc thu hoạch diễn ra thuận lợi, khiến nông dân Brazil tiếp tục đẩy mạnh bán hàng. Trong khi đó, tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US ở mức thấp nhất kể từ 1999 đến nay, vẫn đang hạn chế đà giảm.
Ở hướng ngược lại, đường thô và đường trắng đồng loạt tăng hơn 1% trong phiên hôm qua, trái chiều với đà giảm của giá dầu thô. Lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ quan trọng 17,6 – 17,8 cents của đường thô, đã 2 lần đẩy giá tăng trở lại từ đầu năm đến nay, tiếp tục tác động tích cực đến giá trong phiên hôm qua.
Video đang HOT
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục giảm nhẹ 100 đồng/kg sau ngày sụt giảm sâu 700 đồng/kg hôm qua, hiện dao động từ 41.300 – 41.700 đồng/kg.
Dầu thô tiếp tục giảm mạnh trước áp lực suy thoái kinh tế
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên hôm qua, khi thị trường lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0,97% xuống 95,53 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,02% xuống 100,69 USD/thùng.
Dầu phục hồi nhẹ trong phiên sáng, với giá cả 2 sản phẩm là WTI và Brent đều tăng 2 USD/thùng nhờ lực bắt đáy. Ngân hàng Goldman Sachs vẫn kỳ vọng sức mạnh của thị trường dầu sẽ vượt qua xu hướng chung của thị trường tài chính và nền kinh tế. Trong thông báo mới đến các nhà đầu tư, Gold man Sachs cho biết nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phát triển, và sự gia tăng nhu cầu dầu trong năm nay sẽ vượt trội hơn đáng kể so với tăng trưởng GDP.
Tuy vậy, đà tăng nhanh chóng bị xóa sách và giá rơi vào đà giảm trong phiên tối. Chỉ sau 2 phiên giảm tuần này, giá dầu đã xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng, trong khi giá WTI đã đánh mất mốc 100 USD/thùng. Thị trường ngày càng trở nên quan ngại về triển vọng vĩ mô chung suy yếu sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu giảm. Theo phát biểu của người đứng đầu IMF, triển vọng kinh tế toàn cầu đã suy yếu đáng kể từ tháng 4 và khó có thể loại trừ khả năng suy thoái toàn cầu trong năm tới.
Trong biên bản cuộc họp tháng 6, Fed cho biết sẽ có thể duy trì các biện pháp tăng lãi suất trong thời gian tới nếu như lạm phát không hạ nhiệt. Điều này gây áp lực đối với các tài sản tài chính nói chung và đặc biệt là dầu, do chi phí lãi vay tăng sẽ khiến cho các hoạt động sản xuất bị hạn chế, giảm tiêu thụ nhiên liệu nói chung. Ngày càng nhiều các dự báo kỳ vọng Mỹ sẽ bước vào suy thoái trong quý II, khi GDP tăng trưởng âm 2,1%, như dự báo của Atlanta Fed. Dollar Index tiếp tục tăng rất mạnh lên 107,1 càng khiến cho lực bán gia tăng.
Ngân hàng Citigroup nhận định, nhu cầu tiêu thụ dầu nhiều khả năng sẽ suy yếu trước các rủi ro này. Bên cạnh đó, cuộc đình công tại các mỏ dầu khí tại Na Uy chấm dứt và sẽ sớm quay trở lại hoạt động bình thường cũng là yếu tố gây áp lực cho giá dầu.
Rạng sáng ngày hôm nay, số liệu của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu tăng trở lại 3,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 01/07, khả năng cao sẽ tiếp tục gây áp lực đến giá, do số liệu này thể hiện nhu cầu có khả năng đang suy yếu, bất chấp tháng 6 và tháng 7 là thời gian giao thông cao điểm tại Mỹ trong kỳ nghỉ hè.
6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP vượt kịch bản đề ra
Ngày 4-7, chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022, triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình thế giới hiện có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn mới có thể đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, ấn tượng
Hội nghị và phiên họp lần này đã tập trung thảo luận về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; các Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án giao thông quan trọng quốc gia (đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 vùng TP Hồ Chí Minh; cảng hàng không quốc tế Long Thành).
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị và phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được nhưng cũng có nhiều yếu tố chưa dự báo được.
Cụ thể, xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo kinh tế thế giới còn tiếp tục gặp nhiều khăn, có khả năng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19. Lạm phát tăng ở mức cao ở hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều đối tác, quốc gia lớn thay đổi chính sách về kinh tế và chống dịch. An ninh lương thực, an ninh năng lượng đang là vấn đề lớn.
Trong nước, chúng ta có những thuận lợi do kế thừa thành quả của nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời cần khắc phục nhiều vấn đề nội tại, hạn chế, bất cập, tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng nhiều năm, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết các vấn đề phát sinh, đột xuất, đặc biệt là sức ép lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đứt gãy các chuỗi cung ứng...
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, ủng hộ của Quốc hội, sự đồng tình của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt đạt kết quả ấn tượng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch. Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay.
Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phù hợp với tình hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngày càng sâu sát, quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố nhắc lại việc Thủ tướng Chính phủ đã tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để làm việc với các địa phương, kiểm tra, đôn đốc các dự án, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, xác định các định hướng chiến lược, tạo cơ hội, không gian phát triển mới cho các địa phương và các vùng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh sự quyết liệt, sát việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như các quyết định phù hợp về phòng chống dịch và mở cửa nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...TPHCM cả năm dự kiến sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra (6-6,5%) và có thể vượt, đạt 7%. Một số trọng tâm thời gian tới của TPHCM là triển khai dự án đường vành đai 3, chuẩn bị khởi động, đề xuất các cấp có thẩm quyền dự án vành đai 4, thúc đẩy các các dự án cao tốc, metro, các dự án chuyển đổi sổ, đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế...
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết sự quan tâm đặc biệt của Trung ương với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nhiệm kỳ này, nhất là việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chiến lược trong vùng.
"Đây là ước mơ, kỳ vọng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các tỉnh ĐBSCL trong nhiều năm qua, không thể nào nói hết niềm vui, cảm xúc của người dân khi ĐBSCL có các dự án lớn này", ông Trần Văn Lâu nói. Riêng với Sóc Trăng, Thủ tướng đã về khảo sát hiện trường, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho dự án Nhiệt điện Long Phú 1 triển khai 13 năm chưa hoàn thành...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, một điểm đáng lưu ý là hàng hóa trong nước dồi dào, giá cả tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tình hình sắp tới còn rất nhiều thách thức, đặc biệt nếu dịch bùng phát trở lại thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tiêm chủng vaccine, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, các địa phương tập trung phát triển thương hiệu các mặt hàng thế mạnh, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt...
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ đang đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa. Về nội dung này, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.
Tăng trưởng kinh tế Cần Thơ đạt hơn 8%, cao nhất trong 3 năm Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố (mở rộng) sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 được tổ chức ngày 23/6 tại Cần Thơ, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, trong 6 tháng đầu năm...