Đầu năm gặp gỡ nữ Quán quân Olympia 2011: Từng thất nghiệp rồi thực tập không lương nửa năm, bồi hồi chia sẻ những cái Tết xa nhà
“Ở Việt Nam hay Úc thì xin việc cũng siêu khó. Ban đầu mình không có kinh nghiệm nên không nơi nào nhận cả”, Quán quân Olympia 2011 chia sẻ.
Trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2011, thí sinh Phạm Thị Ngọc Oanh ( Trường THPT Tiên Lãng, Hải Phòng) đã giành vòng nguyệt quế chung cuộc với số điểm 230. Giống như mọi quán quân khác, phần thưởng của Ngọc Oanh là học bổng tại Australia trị giá 35.000 USD.
Ngọc Oanh vỡ òa cảm xúc khi giành vòng nguyệt quế chung kết năm Đường lên đỉnh Olymia 2011.
10 năm đã trôi qua, nữ Quán quân ngày nào hiện đang có công việc thu nhập ổn định ở Sydney, Úc. Thông qua những hình ảnh, câu chuyện được chia sẻ trên trang cá nhân, có thể thấy Oanh không mấy thay đổi so với thời Olympia. Cô bạn vẫn để mái tóc đen dài, tính cách thân thiện, vui vẻ.
Vào ngày đầu năm mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Ngọc Oanh. Cựu quán quân cởi mở kể về cuộc sống của mình nơi xứ người.
Ngoại hình của Oanh không thay đổi là bao.
- Chào Ngọc Oanh. Hiện tại Oanh đang sống tại khu vực nào ở Sydney vậy?
Mình đang ở Chester Hill. Một vùng ngoại ô Thành phố Canterbury-Bankstown, nằm cách khu thương mại trung tâm Sydney 19km về phía tây, thuộc bang New South Wales, Úc và là một phần của khu vực Greater Western Sydney.
- 10 năm trôi qua, cuộc sống của Oanh giờ ra sao?
Mình tốt nghiệp đại học đầu năm 2015. Sau tốt nghiệp thì mình nộp đơn xin Permanent Residency (PR – Thường trú nhân) ở Úc.
Nửa năm sau tốt nghiệp thì mình có PR rồi chuyển từ Melbourne lên Sydney.
Ở Việt Nam hay Úc thì xin việc cũng siêu khó. Ban đầu mình không có kinh nghiệm nên không nơi nào nhận cả. Sau nửa năm thất nghiệp thì mình xin được một vị trí thực tập không lương. Làm ở đó khoảng nửa năm, mình xin được công việc full time đàng hoàng đầu tiên. Sau đó hơn hai năm, mình xin được công việc hiện tại.
- Oanh chia sẻ rõ hơn về công việc của mình được không?
Hiện mình đang làm trong ngành tài chính. Bên này thường có những financial planners/ advisors (Tạm dịch: Nhà hoạch định tài chính) – họ giúp mọi người lên kế hoạch tài chính và tư vấn đầu tư. Trước kia công việc của mình là làm việc cho financial advisors.
Công việc hiện tại của mình là kiểm toán/kiểm tra những lời khuyên/tư vấn của financial advisors trong quá khứ để xem có lời khuyên/tư vấn đầu tư không hợp lý nào không. Nếu sự tư vấn tài chính không hợp lý thì phải bồi thường cho khách hàng. Chính phủ Úc bắt buộc các công ty tài chính phải kiểm tra lại lời tư vấn tài chính của mình.
Oanh và các đồng nghiệp ở Úc.
Video đang HOT
Công việc này cũng mới xuất hiện được vài năm thôi. Nói chung suốt sáu năm nay mình chỉ tập trung cho công việc nên toàn nói về nó. Nghe có vẻ khô khan, buồn chán nhỉ (cười).
Hiện tại công việc của mình khá ổn. Do dịch nên thời gian qua mình “work from home”. So với nhiều người mất việc mùa dịch thì mình khá may mắn.
- Công việc này đem lại cho Oanh thu nhập tốt chứ?
Mức lương của mình nếu không tính đến việc mua nhà thì khá ổn. Thực ra nhu yếu phẩm bên này như ăn uống khá là rẻ so với lương. Đắt nhất trong sinh hoạt của mình chỉ có tiền thuê nhà thôi. Du lịch thì mình không hay đi, nhưng kể cả có đi năm một lần thì cũng không quá đắt so với lương.
Công ty trước của mình mỗi năm tổ chức du lịch miễn phí một lần cho cả công ty. Công ty hiện tại không có đãi ngộ đó. Nhưng lương cao hơn chút nên bù lại. Mình đang thuê nhà ở khu người Việt nên khá rẻ. Các khu khác thì đắt đỏ hơn, nhất là khu Bắc Sydney.
Oanh hiện có mức thu nhập ổn định.
- Mừng cho Oanh vì đã tìm được công việc tốt. Lội lại một chút về khoảng thời gian mới ra trường nhé. Khi chưa tìm được việc, Oanh hẳn cũng hoang mang đôi chút đúng không?
Ôi! Hồi đó mình bị stress nặng. Bố mẹ phải gọi điện an ủi suốt, rồi bảo nếu khổ quá thì về với bố mẹ cũng được. Thật lòng cuộc sống của mình khá suôn sẻ, êm đềm. Dù nhà mình không giàu cũng không nghèo nên chưa bao giờ phải trải qua chuyện gì lớn cả.
Khi thi Olympia, học đại học hay xin ở lại Úc, tất cả đều đến với mình rất dễ dàng tự nhiên. Thế nên cú ngã đầu tiên của mình là xin việc sau khi ra trường. Rất nhiều lần mình vào được vòng phỏng vấn trong cùng, nhưng cuối cùng lại thua.
Có những lúc mình thấy thất vọng về bản thân rồi tự hỏi: “Chẳng lẽ mình không giỏi như mình nghĩ?”. Về sau nhờ kinh nghiệm đi thực tập nửa năm không lương mà mình xin được việc. Lúc đó sự nghiệp của mình bắt đầu cất cánh, bù lại khoảng thời gian thất nghiệp.
Công việc hiện tại mình cũng có chút may mắn mới xin được. Nhưng dự án mình đang làm hơn một năm nữa sẽ kết thúc. Vậy nên mình đang dự tính cho tương lai.
- Còn dự định học Thạc sĩ ở Mỹ của Oanh thì sao?
Dự định đó từ 8 năm trước, hồi mình mới học năm nhất đại học. Mình bỏ lâu rồi.
Vì ở Úc thì bằng của Mỹ không có giá trị hơn bằng của Úc đâu. Mình dự định học thạc sĩ ở Úc nhưng chưa biết nên học gì. Vậy nên kế hoạch vẫn bỏ ngỏ.
- Oanh yêu thích điều gì ở Úc?
Mình sinh ra ở ngoại thành Hải Phòng, chính xác là vùng nông thôn nên thích sự yên bình lắm. Ở Úc và đặc biệt là Sydney thì đúng như vậy. Trung tâm thành phố thì ồn ào đến đêm nhưng khu dân cư khá yên tĩnh. Có khi buổi trưa còn nghe tiếng gà gáy cơ (cười).
Thật ra dân Úc khá “lười”. Họ coi trọng hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn nên thường tan làm đúng giờ. Ở Sydney đa văn hoá, đa sắc tộc nên mình cũng chưa gặp vụ kì thị hay phân biệt chủng tộc nào. Mọi người đều bình đẳng. Mỗi tội ở bên này một mình nên thỉnh thoảng mình nhớ nhà, nhớ gia đình. Bố mẹ mình cũng hay gọi Skype hoặc Facetime.
- Những năm qua Oanh có hay về nước không?
Hồi đại học, mỗi năm mình về 1-2 lần. Cứ nghỉ học là về thôi. Nhưng tốt nghiệp xong thì bận công việc nên không hay về nữa. Năm ngoái mình định về mà có dịch nên đành chịu.
Quán quân Olympia 2011 Phạm Oanh
Ở Sydney đa văn hoá, đa sắc tộc nên mình cũng chưa gặp vụ kì thị hay phân biệt chủng tộc nào. Mọi người đều bình đẳng. Mỗi tội ở bên này một mình nên thỉnh thoảng mình nhớ nhà, nhớ gia đình.
- Oanh có bao nhiêu cái Tết xa nhà rồi?
Hình như sau khi tốt nghiệp đại học thì mình toàn ăn Tết bên này. Mình không phải đứa ham chơi nên Tết mọi năm cũng không đặc sắc lắm đâu. Thường thì mình đến nhà bạn bè ăn với nhau bữa cơm thôi. Rồi có thể đi chùa cầu may hoặc cầu duyên này (cười).
Bên này có chùa Nan Tien Temple đẹp lắm, cách Sydney khoảng 2 tiếng đi tàu. Năm ngoái mình có đến chơi, chụp được kha khá ảnh. Ở Úc thì chỉ có Tết Tây mới bắn pháo hoa. Mình từng theo hội bạn ngắm pháo hoa năm mới mà chật ních người. Năm nay thì chính phủ khuyến cáo xem pháo hoa ở nhà.
- Đón Tết ở Úc thì chắc chắn không thể đầy đủ được như ở Việt Nam. Nhưng một số món như bánh chưng,.. thì bên đó có chứ?
Ở Sydney và Melbourne, cộng đồng người Việt Nam khá đông nên đồ ăn Việt lúc nào cũng có. Nếu thích thì mình có thể xuống mấy khu người Việt như Marickville hay Cabramatta để mua đồ ăn.
Nhưng đồ Việt bên này không ngon như ở quê hương mình. Có lẽ vì nấu cho cả Tây nên khẩu vị thay đổi chút cho hợp khẩu vị đại chúng.
Oanh đi chơi ngôi chùa Nan Tien, cách Sydney 2 tiếng đi tàu.
- À, có lần mình (PV) xem được clip Oanh thi hát trên Youtube nhé!
Ôi từ hồi năm nhất đó, giờ mình già rồi (cười). Đợt năm 2016, mình có đi học một lớp Hiphop cho nữ, nhưng rồi bận thi chứng chỉ CFA nên phải bỏ hết. Mình nhớ Hiphop quá. Khi nào Úc hết dịch, mình sẽ lại đi học tiếp.
- Bất ngờ thật đấy, mình không nghĩ Oanh lại thích Hiphop. Nhìn Oanh dịu dàng, khác hẳn sự cá tính của bộ môn này.
Ôi trời mình không dịu dàng đâu, còn đanh đá nữa cơ. Hồi mẫu giáo mình là cây văn nghệ của lớp đấy. Tin được không? Đến khi lên cấp 1, bố mẹ hướng mình đến việc học hơn là hoạt động văn nghệ.
- Sắp tới tình hình dịch ổn định thì Oanh có về Việt Nam chơi không?
Chắc là có. Cứ ở nhà mãi thế này mình trầm cảm mất (cười), rồi lại lười ra ngoài. Đợi một năm nữa, dự án đang làm kết thúc thì chắc mình sẽ về nhà chơi một thời gian.
- Ở Úc, Oanh và các quán quân Olympia khác có hay liên lạc với nhau không?
Mình không hay liên lạc với mọi người đâu. Không phải do chảnh hay gì, chỉ là mấy anh chị em cũng toàn kết bạn với nhau trên facebook nên luôn biết được tình hình của đối phương.
Thỉnh thoảng mình có chúc mừng năm mới hoặc comment vào posts của mọi người thôi. Từ khi mình lên Sydney sống thì ít liên lạc hơn. Trước ở Melbourne thì còn đến thăm nhà nhau thường xuyên được.
Cảm ơn những chia sẻ của Oanh!
Ngôi trường mà các quán quân Olympia theo học khi sang Úc
Đại học kỹ thuật Swinburne đã tài trợ học bổng trị giá 100%, 50% và 25% cho các bạn thắng giải chung kết năm lần lượt theo thứ hạng Nhất, Nhì và Ba của Đường lên đỉnh Olympia. Chính vì thế, đây là lựa chọn hàng đầu cho các Quán quân của Đường lên đỉnh Olympia.
Hồ Đắc Thanh Chương, quán quân Olympia năm thứ 16 hiện đang du học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne.
Viện Đại học Công nghệ Swinburne hay Đại học Công nghệ Swinburne (Swinburne University of Technology) là một viện đại học công lập ở Melbourne, bang Victoria, Úc. Swinburne được thành lập bởi George Swinburne vào năm 1908.
Swinburne có 5 phân hiệu (campus) tại Melbourne: Croydon, Hawthorn, Lilydale, Prahran, Wantirna - và phân hiệu tại Sarawak, Malaysia, với hơn 30.000 sinh viên toàn thời gian, bao gồm cả 7.000 du học sinh đến từ hơn 100 quốc gia.
Đây là một trong những ngôi trường có chất lượng đào tạo hàng đầu nước Úc
Đại học Kỹ thuật Swinburne nằm trong top 3% các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu thế giới, theo nhiều danh sách xếp hạng học thuật trên thế giới.
Swinburne có vị trí top 100 thế giới của bảng xếp hạng ARWU về chuyên ngành Vật Lý. Swinburne là trường duy nhất nằm ngoài nhóm 8 trường Đại học lớn nhất ở Úc (Group of Eight) được xếp trong top 100 trường đứng đầu thế giới về lĩnh vực khoa học này.
Bên cạnh đó trường còn nằm trong top 400 trường đại học hàng đầu thế giới theo danh sách xếp hạng của Times Higher Education World University Rankings và nằm trong top 500 đại học hàng đầu theo QS World University Rankings.
Đại học Kỹ thuật Swinburne có cơ sở vật chất vô cùng hiện đại
Theo The Good Universities Guide Rankings, Swinburne là đại học được đánh giá cao nhất ở Melbourne về chất lượng giảng dạy, hài lòng sau tốt nghiệp và kỹ năng toàn diện.
Swinburne còn được công nhận là trường đại học có tỷ lệ sinh viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cao, và nhận được xếp hạng 4 sao về tỉ lệ sinh viên có việc làm ổn định sau khi ra trường.
Đây là ngôi trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng rất cao
Phạm Thị Ngọc Oanh, Quán quân năm thứ 11 cũng tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng, đại học Kỹ thuật Swinburne.
Các lĩnh vực đào tạo của trường bao gồm: Văn chương; tâm lý học và khoa học xã hội kinh doanh; thương mại và quản trị thiết kế; phim và truyền hình truyền thông kỹ thuật số (bao gồm truyền thông đa phương tiện và games), hàng không; công nghệ y tế và dịch vụ cộng đồng; quản lý khách sạn; du lịch và quản lý sự kiện; công nghệ thông tin và truyền thông khoa học.
Các quán quân Olympia về nước sau du học: Muốn được làm gì đó cho quê hương! Theo thống kê, 2/19 quán quân Đường lên đỉnh Olympia trở về nước sau khi du học. Những người còn lại chọn định cư, làm việc, lập gia đình ở nước ngoài... Quán quân 'Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Mong muốn được làm gì đó cho quê hương Nhiều người mong muốn rằng, sau khi đi du học, được trải nghiệm...