Dấu mốc mới trong phòng, chống Covid-19 tại một số quốc gia
Đến nay, tuy không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, song, đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể bị xóa sổ.
Những ngày qua, nhiều quốc gia đã có những điều chỉnh quan trọng trong quy cách phòng, chống Covid-19.
Lực lượng y tế Mỹ đưa một bệnh nhân nhập viện vì mắc Covid-19 vào ngày 19/3/2020, giai đoạn xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên tại Mỹ. Ảnh: AP
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đưa ra tuyên bố rằng, đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Truyền thông quốc tế đánh giá, động thái này của người đứng đầu WHO đánh dấu sự kết thúc mang tính biểu tượng một giai đoạn khó khăn của toàn nhân loại. Ước tính, kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện vào đầu năm 2020, qua hơn 3 năm đã khiến gần 7 triệu người tử vong trên toàn cầu.
Video đang HOT
Đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến tình trạng phong tỏa ở nhiều nơi, làm đảo lộn mọi mặt đời sống của con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn thế giới.
Bên cạnh nhịp sống toàn cầu đã trở lại trạng thái bình thường, WHO lưu ý rằng, Covid-19 chưa kết thúc và trên thực tế, số ca nhiễm gần đây đã tăng đột biến ở nhiều nơi, kéo theo hàng nghìn người thiệt mạng mỗi tuần vì dịch bệnh này. Đầu tháng này, WHO cũng đã công bố kế hoạch chiến lược ứng phó với Covid-19 cho giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, chiến lược mới duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch được công bố vào năm 2022 là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài.
Trên khắp thế giới những ngày gần đây, nhiều quốc gia đã thiết lập những dấu mốc mới trong chính sách phòng, chống Covid-19. Nhật Bản vào đầu tuần này đã hạ cấp Covid-19 xuống ngang cúm mùa và một loạt biện pháp hạn chế đã được loại bỏ. Chính phủ Nhật Bản đã thay đổi cách tiếp cận với Covid-19 và chính thức bước vào giai đoạn hậu đại dịch. Đáng chú ý trong đó, chính quyền sẽ không còn quyền yêu cầu người nhiễm Covid-19 nhập viện, cũng như không yêu cầu người nhiễm và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 hạn chế di chuyển.
Cùng với đó, Covid-19 sẽ được điều trị tại nhiều bệnh viện và phòng khám; hỗ trợ của nhà nước cho các bệnh viện điều trị Covid-19 giảm bớt; học sinh, sinh viên bị nhiễm Covid-19 có thể trở lại trường học sau 5 ngày; học sinh, sinh viên tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 không cần phải nghỉ học. Mặt khác, Bộ Y tế Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục cung cấp miễn phí vaccine phòng Covid-19 trong ít nhất 1 năm nữa.
Cũng trong tuần này, Mỹ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 gây ra sau hơn 3 năm thực thi với nhiều lần gia hạn. Người dân Mỹ vẫn sẽ được tiêm vaccine miễn phí ít nhất cho tới hết tháng 9/2024 nhưng có thể phải tự trang trải chi phí xét nghiệm, điều trị dựa trên bảo hiểm y tế cá nhân. Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp này được đánh giá là sẽ gây ảnh hưởng đến một số quyền lợi của người dân Mỹ, gia tăng sức ép đối với người có bảo hiểm ở mức thấp hoặc không có bảo hiểm.
Tại Canada, nhiều chuyên gia y tế cũng như dư luận nước này cùng chung quan điểm, Covid-19 đã phơi bày nhiều lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này. Dù không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, nhưng Covid-19 vẫn là thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng trong nhiều năm tới. Cũng như nhiều nơi trên thế giới, việc cấp bách phải làm là khỏa lấp những lỗ hổng trong hệ thống y tế, khắc phục những yếu kém, tồn tại để nâng cao năng lực ứng phó với những làn sóng dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Giám đốc khẩn cấp của WHO Mike Ryan khẳng định, Covid-19 sẽ không bao giờ bị loại bỏ hoặc tiêu diệt tận gốc vì đặc tính lây lan của virus SARS-CoV-2 có thể phát triển nhanh chóng, có thể ẩn náu ở những không gian khác nhau, không chỉ trong cơ thể con người. Theo ông Ryan, vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị có thể loại bỏ mối đe dọa sức khỏe cộng đồng liên quan tới loại virus này, nhưng việc loại bỏ hoàn toàn SARS-CoV-2 trên toàn cầu là điều không thể. Giống như các loại cúm mùa hoặc bệnh theo mùa khác, ông Ryan cho rằng, Covid-19 sẽ gia tăng vào mỗi mùa đông ở bán cầu Bắc và có thể trong tương lai sẽ có những biến thể mới xuất hiện trong mùa hè.
Giới chuyên gia y tế Malaysia khuyến nghị duy trì các biện pháp phòng, chống COVID-19
Ngày 7/5, Hiệp hội Y tế Malaysia (MMA) khuyến nghị nhà chức trách nước này nên tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, cho dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 13/12/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN dẫn lời Tiến sĩ Muruga Raj Rajathurai, Chủ tịch MMA cho biết dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa và các quốc gia cần duy trì các biện pháp phòng ngừa để quản lý COVID-19 như một bệnh đặc hữu. Malaysia sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách quản lý, phòng ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, phù hợp với kế hoạch ứng phó của WHO. Ông Rajathurai nhấn mạnh đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của việc cần có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt. Do đó, MMA kêu gọi chính phủ tiếp tục ưu tiên củng cố, tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế trên khắp cả nước, đặc biệt là cần phát triển nguồn nhân lực y tế cộng đồng.
Malaysia đã cơ bản kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19 và có tỷ lệ miễn dịch cao ở cộng đồng, tuy nhiên virus SARS-CoV-2 vẫn là mối đe dọa đối với nhóm người dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch. Ông Rajathurai cảnh báo dịch COVID-19 vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp nếu ngừng hoàn toàn các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát sự lây lan. Tương tự như bệnh cúm, Malaysia có thể đối mặt với nhiều đợt cao điểm của dịch COVID-19 và người dân Malaysia cần làm quen với các biện pháp phòng ngừa cần thiết như đeo khẩu trang khi có triệu chứng, xét nghiệm và cách ly kịp thời.
Ông Rajathurai chia sẻ người dân Malaysia cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc rửa tay và sát khuẩn đúng cách. Đây là bước cơ bản nhất trong phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nói chung và sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nói riêng. Ngoài ra, người dân cũng nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
WHO tuyên bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 5/5 tuyên bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Tôi tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp...