Dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2016 tại Lạng Sơn: Bộ GD&ĐT cần làm rõ!
Thời gian qua, báo Người Đưa Tin đã nhận được nhiều phản ánh của độc giả về kỳ thi THPT Quốc gia 2016 tổ chức tại Lạng Sơn. Trong số đó, có một danh sách nhiều thí sinh đạt điểm cao khối C tại địa phương này.
Cụ thể, tại cụm thi số 17 – Lạng Sơn năm 2016 do đại học Xây dựng chủ trì có kết quả cao vượt trội so với các địa phương khác. Trong TOP 13 thí sinh đạt điểm cao nhất khối C (Văn – Sử – Địa) kỳ thi THPT Quốc gia 2016 toàn quốc, thì cụm thi này có đến 6 thí sinh.
“Cả nước có 70 cụm thi, rất nhiều địa phương có truyền thống tốt mà lại có ít điểm cao. Trong khi đó, Lạng Sơn là một tỉnh vùng núi nhiều khó khăn, ít thí sinh thi mà lại nhiều em đạt điểm cao thì đó là một sự bất thường”, thầy giáo Trần Trung Hiếu – Giáo viên trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An đặt nghi vấn.
Trong danh sách điểm thi cao khối C tại Lạng Sơn, có nhiều thí sinh tự do, tham dự kỳ thi khi đã lớn tuổi.
Cũng trong thống kê về kỳ thi THPT Quốc gia 2016 mà báo Người Đưa Tin nhận được, trong khi khối C năm đó điểm trung bình toàn quốc là 14,5 thì tại Lạng Sơn, điểm trung bình khối C là 17,849. Địa phương này cũng sở hữu số thí sinh có điểm khối C cao đột biến: Số thí sinh trên 20 điểm là 566 thí sinh; số thí sinh có điểm trên 24 là 158; và trên 27 điểm là 21 thí sinh.
Trong số những em có điểm trên 27 điểm, có nhiều em là thí sinh tự do, có nguyện vọng xét tuyển vào các trường khối Công an.
Trả lời PV báo Người Đưa Tin về những nghi vấn này, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết: “Năm 2016, chúng tôi chủ trì cụm thi địa phương dành cho thí sinh chỉ lấy kết quả tốt nghiệp. Còn năm đó đại học Xây dựng về chủ trì và phối hợp với các trường chuyên nghiệp tại địa phương tổ chức thi dành cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng”.
Khi được hỏi về những con số cao về điểm thi, đặc biệt là trong khối C, ông Tuấn cho biết đây là cụm thi do đại học Xây dựng chủ trì nên ông không thể đánh giá nhiều: “Năm đó toàn bộ thí sinh tự do xét đại học thì thi ở cụm do đại học Xây dựng chủ trì, trong đó có nhiều cháu xét vào ngành công an, bộ đội. Tôi cho rằng kết quả là nghiêm túc, phản ánh được kết quả dạy và học”.
“Đối với cụm thi do đại học Xây dựng tổ chức họ chủ động về mọi mặt. Về con người, họ lấy thêm giảng viên của các trường chuyên nghiệp trên địa bàn để phối hợp công tác coi thi. Tỉnh chỉ hỗ trợ trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, bảo quản đề/bài thi.
Video đang HOT
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc sở GD&ĐT Lạng Sơn.
Đến khi thi xong, trường đại học Xây dựng lại mang bài thi về dưới Hà Nội để chấm. Sau đó, họ chỉ gửi cho chúng tôi phiếu kết quả của những em xét tốt nghiệp”, vị Giám đốc sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết.
Đối với cụm thi do địa phương mình chủ trì, ông Tuấn khẳng định kỳ thi được tổ chức với tinh thần nghiêm túc. “Đề thi chúng tôi đặt đại học Bách khoa Hà Nội sao, in chứ không tự làm tại địa phương để đảm bảo an toàn. Kết thúc kỳ thi rất an toàn”, ông Tuấn cho hay.
Với góc độ nhiều năm dạy học sinh ôn thi đại học, THPT Quốc gia, thầy Trần Trung Hiếu khẳng định, để đạt được 24 điểm cho khối C là không hề dễ: “Lạng Sơn có 158 thí sinh có điểm trên 24 ở khối C, nhìn bảng điểm rất bất thường. Trong khi đại học khối C để làm được 24 điểm không hề dễ. Xét về tương quan địa phương cũng rất kỳ lạ, các địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Tĩnh nhiều năm có điểm cao nhưng năm đó lại có tỷ lệ điểm khối C thấp hơn so với Lạng Sơn”.
Thầy Hiếu cũng cho rằng, để trả lời được câu hỏi “tại sao lại bất thường?” thì bộ GD&ĐT, bộ Công an cần vào cuộc làm rõ.
“Quan điểm của cá nhân tôi là phải triệt để, lấy lại công bằng cho kỳ thi mang tính Quốc gia. Khi các cơ quan chức năng đã vào điều tra ra những sai phạm trong kỳ thi 2018, cũng nên mở rộng điều tra những năm trước đó ở một số địa phương mà dư luận phản ánh”, thầy Hiếu nêu quan điểm.
Thầy giáo này cũng cho rằng, đây cũng là cách để tránh những nghi ngờ: “Nếu như điều tra ra có sai phạm phải xử lý nghiêm. Không sai phạm cũng chứng minh cho địa phương”.
Nói về những khả năng tiêu cực có thể xảy ra ở kỳ thi “2 trong 1″ năm 2016, thầy Hiếu nói: “Trong kỳ thi có các khâu sau: Chuẩn bị thi; ra đề thi làm đáp án; coi thi; chấm thi và lên danh sách trúng tuyển. Khâu dễ xảy ra tiêu cực nhất chính là khâu coi thi. Dù là trường đại học về chủ trì, nhưng họ có phối hợp với trường chuyên nghiệp của địa phương, và rất dễ xảy ra “sự thỏa hiệp”.
Người ta thừa biết rằng thí sinh thi ở Cụm nào là con em tỉnh đó, sẽ khó có được sự sòng phẳng, dù hội đồng thi đến từ đâu. Nếu như người ta muốn, thì không có điều gì là không thể xảy ra. Thi trắc nghiệm chỉ cần 5 đến 10 phút nới lỏng là hoàn toàn có thể thay đổi nhiều chuyện”.
Năm 2018 tổ công tác của bộ GD&ĐT đã đến làm việc tại Lạng Sơn, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ để xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi năm 2018. Tổ công tác gồm cán bộ cục Quản lý chất lượng, Thanh tra bộ GD&ĐT và A83 bộ Công an. Sau nhiều ngày làm việc, đoàn công tác khẳng định không có sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bài thi môn Ngữ Văn thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định.
Công Luân
Theo nguoiduatin
Plan giúp nữ giới theo đuổi nghề Công nghệ thông tin
"Công nghệ thông tin không phải nghề chỉ dành cho các bạn nam. Các bạn nữ chỉ cần mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình..." Đây là lời chia sẻ của Đồng Thị Nga - một trong những bạn nữ hiếm hoi theo đuổi ngành thiết kế đồ họa.
Đồng Thị Nga ( đứng thứ 3 từ bên phải) - câu chuyện thành công khi lựa chọn theo đuổi công việc về công nghệ.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Lạng Sơn, sau khi học hết cấp 3, Nga đã đi làm để phụ giúp gia đình. Làm đủ mọi nghề nhưng chả nghề nào Nga trụ được lâu. Rồi cô biết đến trung tâm REACH chuyên hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và đã mạnh dạn chọn theo học khóa công nghệ thông tin của trung tâm.
Tâm sự về đủ những khó khăn khi mới theo học thiết kế đồ họa nhưng Nga vẫn không hối hận và luôn cảm thấy mình đã chọn đúng nghề. Em đã được chọn để chia sẻ câu chuyện của mình, chứng minh phụ nữ cũng có thể thành công khi lựa chọn học nghề và theo đuổi công viêc về công nghệ tại lễ khởi động dự án "Hướng tới tương lai".
Hiện nay, trên thế giới lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và Việt Nam nói riêng hiện đang mất cân bằng giới nghiêm trọng. Lực lượng lao động là nam giới chiếm 70-80%, trong khi nữ giới chỉ chiếm 20-30%. Việt Nam hiện đang là một thị trường lao động trong lĩnh vực CNTT rất tiềm năng. Dự báo năm 2020, lĩnh vực CNTT cần tới 530.000 lao động, nhưng với tốc độ đào tạo hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 350.000 người ( theo số liệu thống kê của của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam - Vinasa). Đây sẽ là cơ hội lớn với tất cả mọi người, đặc biệt là thanh niên.
Nhận thấy được nhu cầu đó, ngày 25/4, tại Hà Nội, Tổ chức Plan International phối hợp với Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic và Trung tâm REACH tổ chức lễ khởi động dự án "Hướng tới tương lai", được thực hiện nhằm thúc đẩy cơ hội lưa chọn học nghề và làm việc của các nữ thanh niên trong lĩnh vực CNTT ở Việt Nam.
Dự án được triển khai từ tháng 3/2019 đến 8/2021 với sự tài trợ của Adecco Group Foundation nhằm hỗ trợ cho 800 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nữ giới để nâng cao năng lực việc làm, sẵn sàng tham gia lao động trong lĩnh vực CNTT.
Đặc biệt, dự án được khởi động đúng vào ngày 25/4 - Ngày "Nữ giới với công nghệ thông tin" do Liên minh Viễn thông Quốc tế (cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc) phát động nhằm thúc đẩy vị thế của nữ giới trong ngành CNTT và thay đổi nhận thức của người dân và các nhà hoạch định chính sách.
Đại diện Tổ chức Plan International, REACH và Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic ký kết hợp tác triển khai dự án.
Với sự hỗ trợ tổng thể từ việc hoàn thiện chương trình đào tạo và xây dựng năng lực cho đội ngũ giảng dạy; trang bị cho học viên các kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cần thiết theo định hướng thị trường; kết nối và phát triển các mạng lưới doanh nghiệp trong đào tạo, thực tập và việc làm, dự án sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi "định kiến" CNTT không phù hợp với con gái.
Đồng thời dự án sẽ cung cấp bằng chứng và hình mẫu thành công của nữ giới trong lĩnh vực thông tin, giúp các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy các chính sách hỗ trợ xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực công nghệ.
"Theo thống kê của REACH, chỉ có gần 20% học viên tham gia học CNTT tại trung tâm là các bạn nữ. Bản thân chúng tôi nhận thấy theo học CNTT là một cơ hội cực tốt với thanh niên, đặc biệt là các bạn nữ từ các hoàn cảnh khó khăn. REACH tham gia dự án này để nâng cao cơ hội bình đẳng, nâng cao tỷ lệ nữ giới tham gia vào các ngành nghề CNTT," bà Phạm Thị Thanh Tâm - Giám đốc trung tâm REACH chia sẻ.
"REACH sẽ tiếp cận các bạn nữ có hoàn cảnh khó khăn và tư vấn để các bạn yêu thích CNTT tham gia vào các khóa học trong dự án và cả của REACH. Ngoài ra, tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt là các bạn nữ, để khuyến khích, tiếp động lực để các bạn tham đuổi ước mơ."
Lễ khởi động dự án "Hướng tới tương lai" là 1 trong số 90 sự kiện nằm trong khuôn khổ Hành trình 247 được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Đây là chuỗi sự kiện vì quyền bình đẳng của em gái do Tổ chức Plan International Việt Nam khởi xướng, bắt đầu từ ngày kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (ngày 8/3) và kết thúc vào ngày Quốc tế Trẻ em gái (ngày 11/10)./.
Theo thoidai.com
Sinh viên gian lận nhưng nếu đủ điểm vẫn được học tiếp Trong các thí sinh được nâng điểm do hành vi gian lận, vẫn có một số em được tiếp tục theo học tại các trường ĐH đã đăng ký mà không bị buộc thôi học. Có tổng số 222 thí sinh được tác động về mặt điểm số, trong đó có 114 thí sinh từ Hà Giang, 44 thí sinh Sơn La và...