Dấu ấn phát triển của mầm non Thủ đô
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị
GD&TĐ – Ngày 31/12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng GDMN thành phố đến năm 2015.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cùng đại diện Vụ GDMN Bộ GD&ĐT), Sở GD&ĐT Hà Nội và các phòng GD&ĐT, trường MN trên địa bàn.
Video đang HOT
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, sau 5 năm thực hiện đề án, mạng lưới trường MN được phân bố đều ở 30 quận/huyện. 1.003 trường, trong đó có 733 trường công lập trên địa bàn thành phố đã huy động được trên 500 ngàn trẻ ra lớp.
Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết: So với trước khi thực hiện đề án, thành phố có thêm 213 trường, trăng trên 6 ngàn nhóm lớp. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp tăng 11% (đạt 35,3%), số trẻ mẫu giáo ra lớp tăng 12,5% và trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Số điểm lẻ ở trường công lập giảm xuống còn 1.627 điểm.
Cũng theo bà Nga, Hà Nội đã đạt được chỉ tiêu về huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo và trẻ 5 tuổi đến trường cũng như trẻ được học hòa nhập. Với đội ngũ, so với năm 2009, thành phố có thêm 28.053 giáo viên, 827 quản lý và 10.352 nhân viên, nâng tổng số cán bộ, giáo viên và nhân viên bậc học này là 59.615 người. Đội ngũ trên không chỉ đủ về số lượng mà còn đảm bảo chất lượng.
Việc đảm bảo chế độ chính sách cho đội ngũ này được coi là giải pháp then chốt làm thay đổi vị trí của giáo viên MN, là động lực để các cô tin tưởng, tâm huyết và gắn bó với nghề, nhờ đó, chất lượng GD không ngừng nâng cao.
Bên cạnh những thành quả đạt được, GDMN Hà Nội cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Hiện vẫn còn 3 phường của 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm chưa có trường MN.
Tại các quận/ huyện khác, do dân số cơ học tăng quá nhanh nên không đáp ứng đủ nhu cầu khiến sĩ số lớp đông. Tiến độ xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia còn chậm. Số trường có sân chơi ngoài trời, nhà vệ sinh chuẩn chưa nhiều…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận dấu ấn phát triển của GDMN Hà Nội trong suốt 5 năm qua. Theo Thứ trưởng, nhờ sự quan tâm của chính quyền, sự vào cuộc của ban, ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, GV đã giúp bậc học MN Thủ đô có bước tiến vượt bậc từ hệ thống trường lớp đến số trẻ ra lớp, số lượng và trình độ đội ngũ.
Hà Nội – đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành chuyển đổi trường bán công sang công lập – là 1 trong 10 địa phương cán đích phổ cập GDMN sớm (năm 2013) cũng như triển khai thí điểm nhiều mô hình GD kiểu mới. Đội ngũ GVMN được đổi đời từ vị thế đến đời sống.
Để duy trì vững chắc và phát triển kết quả trên đồng thời khắc phục bất cập, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để phát triển mạng lưới trường lớp, quan tâm hơn đến trường học ở khu công nghiệp, khu đô thị và khu đông dân cư hoặc vùng khó khăn.
Phấn đấu đến năm 2020 đủ trường lớp theo hướng chuẩn hóa; đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ GV, cán bộ quản lý và nhân viên, có chính sách đặc thù cho từng địa phương để nâng cao chất lượng GD, rút ngắn khoảng cách giữa vùng khó khăn- thuận lợi, giữa nội- ngoại thành…
Theo GD&TĐ