Đất nền Đà Nẵng rớt giá, giao dịch ảm đạm
Thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng đang trầm lắng, nhất là đất nền dự án. Một số người “ôm” đất nền dự án đã phải chấp nhận giảm đến 500 triệu đồng so với thời điểm “sốt” giá để xuống hàng càng nhanh càng tốt.
Giao dịch ảm đảm
Dạo quanh một vòng nhiều dự án khu đô thị trên địa bàn TP Đà Nẵng vào thời điểm giữa buổi sáng nhưng hầu hết không khí giao dịch BĐS đều ảm đảm. Tại khu đô thị sinh thái Golden Hills, chúng tôi nhẩm đếm có khoảng 10 phòng giao dịch BĐS hoạt động nhưng chỗ thì khóa cửa im lìm, nơi thì không có bóng dáng khách hàng. Các nhân viên ngồi bấm điện thoại, thi thoảng ngước mặt chờ đón khách khi có tiếng xe chạy ngang qua.
Các điểm giao dịch BĐS im lìm.”>
Các điểm giao dịch BĐS im lìm.
Những quán cà phê trên đường AC-03 trước đây chủ quán không kịp phục vụ thì nay lác đác vài bóng người. Trước đó, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán 2019, đất nền tại dự án Golden Hills “sốt” giá đến không tưởng khiến nơi đây náo loạn, “cò đất” khắp nơi đổ về, khách hàng cũng tấp nập giao dịch.
Ghé vào quán giải khát có một nhóm 5 người làm nghề môi giới nhà đất đang trao đổi, chúng tôi nghe được những câu chuyện họ nói với nhau chủ yếu liên quan đến khách hàng ký gửi bán nhà hoặc nhờ mua nhà. Phóng viên tò mò vì sao không khí giao dịch BĐS nơi đây vắng vẻ, chị chủ quán “kiêm” môi giới nói, đất nền ở đây đang đứng nên khách đến hỏi mua thưa, giao dịch bây giờ chủ yếu qua điện thoại.
Qua tìm hiểu, từ ngày chính quyền TP Đà Nẵng tháo dỡ những kiot giao dịch BĐS tự phát, tình hình giao dịch ở Golden Hills lắng hẳn.
Tương tự, tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), giao dịch phân khúc đất nền dự án cũng ảm đạm.
Chấp nhận giảm giá để “xả hàng”
Theo tìm hiểu, đất nền một số dự án ở Đà Nẵng đang rớt giá từ 200 đến 300 triệu đồng/lô so với thời điểm “sốt đất” gần nhất.
Làm nghề môi giới BĐS và chuyên thị trường đất nền các dự án, Phan Lan Hương cho biết: “Đất ở Golden Hills đã xuống từ 200 đến 300 triệu đồng/lô, tùy theo vị trí. Hiện giao dịch tại đây kém sôi động hẳn vì nhiều người đầu tư cho rằng mức giá này vẫn cao so với thực tế thị trường”. Cũng theo Hương, hiện ở khu C dự án này, đất đường 10m có giá dao động từ 3,1 đến 3,2 tỷ đồng. Trong khi đó, đất đường 7m giao động mức 2,8 tỷ đồng. Còn đất đường 5m có giá từ 2,6 tỷ đồng.
Video đang HOT
Vào thời điểm cuối tháng 2/2019 vừa qua, đất nền dự án Golden Hills “sốt” bất thường. Nếu như giữa năm 2018, đất khu A dự án này dao động từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/lô tùy theo vị trí, thì ở thời điểm “sốt” vừa qua, giá đất tại đây đã tăng phi mã khoảng hơn 2 tỷ đồng mỗi lô.
Giá đất nền dự án ở Đà Nẵng đang giảm.”>
Giá đất nền dự án ở Đà Nẵng đang giảm.
Tìm hiểu qua nhiều nhà môi giới và những “cò đất”, được biết nhiều người “ôm” đất dự án nhưng phải trả lãi ngân hàng đã buộc phải giảm đến 500 triệu đồng/lô với mong muốn “xả hàng” càng nhanh càng tốt. “Những ngày qua, rất nhiều người chấp nhận hạ giá đến 500 triệu đồng mỗi lô đất với mong muốn bán nhanh để tránh ôm lãi ngân hàng nhưng vẫn ít khách hàng hỏi mua”, một nhà môi giới cho biết.
Tương tự ở một số dự án thuộc khu vực nam Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Liên (huyện Hòa Vang), giá đất nền dự án giảm mạnh và rất ít người mua.
Quyết liệt hơn để bình ổn thị trường
Nguyên nhân khiến đất nền Đà Nẵng đứng và rớt giá là do các nhà đầu tư “lướt sóng” chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc đã tháo lui sau khi “ôm trọn” một khoản lời.
Qua điều tra của phóng viên, sở dĩ Đà Nẵng xảy ra những cơn “sốt” đất bất thường là do có một đội ngũ “cò đất” chuyên sử dụng những chiêu thức, mánh khóe để tạo nên những “cơn sốt ảo”. Thấy giá đất “sốt”, nhiều người lao vào đầu tư và lẽ dĩ nhiên “sập bẫy” của “cò đất”. Khi “cơn sốt” đạt đỉnh, “cò” tháo lui và để lại hậu quả chủ yếu cho những nhà đầu tư địa phương, trong đó có nhiều người đi vay ngân hàng mua đất.
Lực lượng chức năng quận Liên chiểu tiến hành tháo dỡ ki ốt kinh doanh BĐS không đúng quy định trên địa bàn.”>
Lực lượng chức năng quận Liên chiểu tiến hành tháo dỡ ki ốt kinh doanh BĐS không đúng quy định trên địa bàn.
Trước những cơn “sốt đất” bất thường, chính quyền Đà Nẵng đã vào cuộc tích cực và kịp thời. Theo đó, các quận trên địa bàn Đà Nẵng đã tiến hành tháo dỡ hàng trăm ki ốt giao dịch BĐS xây dựng trái phép đã góp phần lập lại trật tự, ổn định tình hình. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đã có công văn chỉ đạo Công an TP và các đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng “cò đất” tung tin thất thiệt, bịa đặt nhằm “thổi” giá đất.
Tình hình giao dịch đất đai ở Đà Nẵng đang tạm lắng. Đây là tín hiệu tích cực. Song thiết nghĩ, chính quyền thành phố cần quyết liệt hơn, rốt ráo hơn trong xử lý các đối tượng “cò đất” tung tin thất thiệt gây náo loạn thị trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhất là an ninh kinh tế. Chỉ khi thị trường BĐS bình ổn và trở về với giá trị thực thì những người dân có nhu cầu mua nhà, đất để ở mới có cơ hội.
Theo Quang Hải
Kinh tế đô thị
Nghi vấn căn hộ đã bán vẫn tổ chức bốc thăm tái định cư?
Sau 15 năm triển khai, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chỉ nằm trên giấy, điều đáng nói thời gian qua người dân tại đây "tố" việc căn hộ bố trí tái định cư đã được bán từ trước đó nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức bốc thăm tái định cư.
Căn hộ đã bán vẫn tổ chức bốc thăm tái định cư?
Bắt đầu được triển khai từ năm 2004, nhưng đến nay, sau 15 năm dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) với quy mô "khủng" hơn 35ha do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư vẫn dậm chân tại chỗ với nguyên nhân là chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện "3 không" - không điện, không nước sạch, không hộ khẩu.
Sau 15 năm, Khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn chỉ nằm trên giấy, hàng chục ha đất bỏ hoang cho cỏ mọc. Thậm chí, nhiều diện tích đất thời gian qua được cho thuê và sử dụng sai mục đích gây bức xúc cho người dân.
Điều đáng nói, thời gian gần đây, người dân nằm trong diện GPMB phục vụ việc xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt ngỡ ngàng phát hiện các căn hộ phục vụ tái định cư đã được bán trước thời điểm tổ chức bắt thăm căn hộ tái định cư.
Cụ thể, theo nguồn tin PV có được, tại cuộc họp điều chỉnh dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt tại các phường Thịnh Liệt, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) vào tháng 6/2017 do Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chủ trì đã chỉ đạo chủ đầu tư có trách nhiệm làm nhà tái định cư và mua nhà thương mại để tái định cư theo quy định.
"Trường hợp cần điều chỉnh vị trí xây nhà tái định cư sang vị trí khác để đẩy nhanh tiến độ GPMB, nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định. Trong thời gian xây dựng nhà tái định cư, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm bố trí tạm cư theo quy định", lãnh đạo Hà Nội yêu cầu.
Thực hiện chỉ đạo trên, Licogi đã bố trí các căn hộ thương mại thuộc dự án Valencia Garden tại Lô đất CT-19B, Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội). Ngay sau đó, hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Hoàng Mai đã cùng với chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt tổ chức bắt thăm căn hộ tái định cư cho người dân vào ngày 4/4/2018 tại UBND phường Thịnh Liệt.
Tuy nhiên, phán ánh tới báo chí, bà B.T.T. (tổ 25, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết, căn hộ tái định cư mà gia đình bà bốc thăm được trước đó (Căn hộ C0505 thuộc chung cư Valencia Garden - PV) đã có người dọn về ở. Điều đáng nói, theo bà T., qua tìm hiểu căn hộ này được mua lại từ tháng 1/2018.
Người dân cho rằng các căn hộ thương mại thuộc Dự án Valencia Garden mà chủ đầu tư bố trí tái định cư cho người dân đã bán trước thời điểm bốc thăm tái định cư.
"Nếu như tổ chức bắt thăm cho người dân thì căn hộ phải còn nguyên, chưa có ai ở, đằng này căn hộ đã có người vào ở từ mấy tháng trước mà vẫn bốc thăm, liệu có gì bất thường đằng sau việc này", bà T. bức xúc.
Cũng theo bà T., ngoài căn hộ tái định của gia đình bà thì các các hộ tái định cư bố trí cho các hộ dân khác cũng đã được bán hết từ trước thời điểm bốc thăm tái định cư.
Dự án chậm tiến độ nhiều năm, dân xin tự lo tái định cư
Liên quan tới những "lùm xùm" tại dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, trả lời PV Tiền Phongtại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội diễn ra chiều 23/4, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai - Nguyễn Quang Hiếu thừa nhận đến nay dự án đã chậm tiến độ nhiều năm do việc GPMB quá chậm. "Nguyên nhân chậm GPMB do nhiều vấn đề liên quan, trong đó có sự hợp tác của người dân, cơ chế chính sách thay đổi cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư không chủ động trong quá trính triển khai hiện dự án theo quy định", ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt có quy mô hơn 35ha, được triển khai từ năm 2004 và chia là 2 giai đoạn, giai đoạn 1 của dự án là 27,7ha. Tuy nhiên, đến nay công tác GPMB giai đoạn 1 của dự án còn tồn tại khoảng hơn 3.000m2 (khoảng 30 hộ). "UBND quận sẽ tiếp tục tuyên truyền và vận động, nếu người dân không thực hiện chúng tôi sẽ cưỡng chế để thu hồi hoàn thành GPMB trong quý II/2019. Sau khi có mặt bằng sạch, quận mới báo cáo để thành phố giao các sở ngành liên quan thực hiện các khâu tiếp theo như cắm mốc giới và xây dựng mức giá để doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất và giao cho doanh nghiệp triển khai dự án", ông Hiếu thông tin.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai - Nguyễn Quang Hiếu trả lời báo chí liên quan đến những "lùm xùm" tại Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Còn trước thông tin phản ánh của người dân về dấu hiệu "bất thường" khi những căn hộ tái định cư thuộc dự án Valencia Garden đã có người về ở nhưng vẫn tổ chức bốc thăm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, trước đó, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt đã có phương án trình Thành phố, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan, đề nghị được tự mua căn hộ tái định cư cho người dân tại dự án Valencia Garden - Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên) để bán tái định cư cho các hộ gia đình có đất bị thu hồi tại dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Sau đó Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai đã tổ chức bốc thăm lựa chọn diện tích căn hộ tái định cư cho 30 hộ gia đình. Tuy nhiên, trong số 30 hộ này thì có 29 hộ không có nhu cầu tái định cư và đã có đơn đề nghị được nhận tiền hỗ trợ một lần và tự lo tái định cư. Theo đó, mức hỗ trợ cho các hộ này bằng 6,8 triệu đồng/m2 x diện tích căn hộ bốc thăm được.
"Riêng trường hợp của bà B.T.T. ban đầu là do không thống nhất được phương án và không muốn nhận căn hộ tái định cư tại dự án Valencia Garden - KĐT mới Việt Hưng. Tôi đã trực tiếp gặp và lắng nghe nguyện vọng của bà T. cùng gia đình. Sau khi bàn bạc, gia đình có nguyện vọng tái định cư bằng căn hộ thương mại tại dự án Hồng Hà Tower - 89 Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) để thuận tiện hơn cho cuộc sống. Sau đó, chúng tôi đã liên hệ và được Sở Xây dựng đồng tình cho người dân tái định cư tại chung cư số 89 Thịnh Liệt", vị Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai lý giải.
Ninh Phan
Theo Tiền phong
Tận thấy loạt đô thị bỏ hoang ở Hà Nội mà Thủ tướng yêu cầu báo cáo Sau cả chục năm phê duyệt, hàng loạt khu đô thị mới và dự án nhà ở tại huyện Mê Linh (Hà Nội) vẫn trong tình cảnh bỏ hoang, dở dang với diện tích lên tới hàng nghìn ha. Trong số này có nhiều "ông lớn" BĐS với các dự án chậm triển khai lâu nay được báo chí phản ánh. Đây là...