‘Đất học’ với Văn Thánh Miếu
(PL)- Đất Vĩnh Long là nơi sớm có Văn Thánh Miếu và truyền thống khuyến học. Chỉ một đoạn sông và một nhánh rẽ sản sinh đến sáu vị thủ tướng của các chế độ chính trị khác nhau.
Chỉ một đoạn sông Long Hồ từ dòng Cổ Chiên (một trong chín nhánh sông Cửu Long đổ ra biển) đi qua chợ Vĩnh Long, uốn lượn vào chừng hơn cây số có đến ba thủ tướng ở hai chế độ chính trị khác nhau. Rồi một nhánh rẽ từ đoạn sông này chỉ chừng vài trăm mét còn có hai người bạn nhà cạnh nhau, cùng học trường làng sau này trở thành hai thủ tướng của hai chế độ khác nhau. Đó là vùng đất Vĩnh Long, quê hương của vị tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ Phan Thanh Giản…
Đoạn sông có nhiều thủ tướng
Vĩnh Long là vùng đất được khai phá sớm thứ nhì ở Nam Bộ (năm 1732), chỉ sau Gia Định (năm 1698). Nơi đây từng là thủ phủ của ba tỉnh miền Tây. Qua thăng trầm của thời cuộc, đất Vĩnh Long đã sản sinh hai vị lãnh đạo kiệt xuất đã để lại nhiều dấu ấn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khu lưu niệm của hai thủ tướng trên quê hương mình ở Long Hồ và Vũng Liêm lưu giữ lại những dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp cho hậu thế mai sau.
Cùng trên một đoạn sông Long Hồ chừng cây số (nơi tiếp giáp phường 4, TP Vĩnh Long và hai xã vùng ven TP thuộc hai huyện Long Hồ, Mang Thít) có đến ba thủ tướng, chưa kể nhiều tướng lĩnh và quan chức cấp bộ.
Thời chính phủ”Quốc gia Việt Nam” có Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu (1950-1952). Tại hội nghị 51 nước (đầu tháng 9-1951) về việc đánh bạiphát xít Nhật trongChiến tranh thế giới thứ haitạiMỹ, ông là người đã phát biểu khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảoTrường SavàHoàng Sa. Trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa có ông Trần Văn Hương (sinh năm 1902) được bổ nhiệm thủ tướng thời Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, từ 1971 đến 1975, giữ chức vụ phó tổng thống và những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, ông giữ chức tổng thống được… bảy ngày. Trước ông Hương có Quốc trưởng Phan Khắc Sửu quê làng Mỹ Thuận (nay là phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh). Ông Sửu tốt nghiệp kỹ sư canh nông ở Pháp. Năm 1933, ông lập đội bóng đá nữ Cái Vồn, có thể xem là đội bóng đá nữ đầu tiên ở châu Á.
Cũng từ đoạn sông Long Hồ này có một nhánh rẽ (rạch Ông Me) chạy dài chỉ vài trăm mét có nhà cạnh nhau của hai thủ tướng ở hai chế độ chính trị và từng là bạn học trường làng. Đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc (Tám Lộc) – Thủ tướng thời Việt Nam Cộng hòa (từ tháng 11-1967 đến đầu năm 1968). Cũng xin nói thêm ông Chín Tường, anh ông Tám Lộc, tham gia cách mạng hy sinh trong một lần vượt qua quốc lộ 53…
Video đang HOT
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ hai từ trái qua), người con kiệt xuất của đất Vĩnh Long.
ThS Nguyễn Văn Tấn đang dịch bia của TS Phan Thanh Giản trong Văn Thánh Miếu.
“Đất học” từ xưa
Vĩnh Long thời Long Hồ dinh xưa, các tiền nhân xây dựng Văn Thánh Miếu như một biểu tượng của vùng “đất học”.
Dưới hàng cây cổ thụ, đường dẫn vào Văn Thánh Miếu ở phường 4, TP Vĩnh Long vẫn còn văn bia khắc bài ký của TS Phan Thanh Giản bằng chữ Hán vào năm 1864.
ThS Nguyễn Văn Tấn, người có nhiều nghiên cứu về con người, văn hóa vùng đất ĐBSCL, bảo rằng đây có thể xem là tuyên ngôn về giáo dục, một thứ triết lý giáo dục trong hoàn cảnh vùng đất Nam kỳ lục tỉnh đang bị giặc Pháp xâm chiếm. Rồi anh rà tay theo từng dòng chữ, dịch nghĩa: “… Trời sinh ra vua để trị dân, sinh ra thầy để dạy dân. Có dạy thì mới có trị. Trị một thời, dạy vạn thuở. Có nuôi, có dạy, mới có người mà dùng…”.
Nhắc chuyện học ở đất Vĩnh Long thành xưa, ông Nguyễn Chiến Thắng (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long) bảo rằng thời đó, lúc Nguyễn Thông làm đốc học Vĩnh Long (1860-1864), mỗi người đi học ở Gia Định được triều đình cấp 13 kg gạo/tháng. Người được cấp gạo gọi là nhiêu sinh. Ở Vĩnh Long có nhà thơ trào phúng Nhiêu Tâm, ông tên Đỗ Minh Tâm, vốn là nhiêu sinh thời kỳ này nên dân gian gọi ông là Nhiêu Tâm. Lúc đầu có 60 người sau lên 63 người. Chính quyền phải có trách nhiệm chọn ra người giỏi để đưa đi học. Nếu gian dối sẽ bị kỷ luật rõ ràng. Chính vì vậy mà người Vĩnh Long đỗ đạt nhiều. Người có phẩm hạnh, đạo đức tốt sẽ được bố trí làm việc ở Nam Định, Phú Khánh, Gia Định… “Trong suốt 49 năm từ 1813 đến 1862, Nam kỳ tổ chức 22 khóa thi hương, tuyển chọn 296 cử nhân, trong đó có năm người ra kinh thi đỗ tiến sĩ. Riêng Vĩnh Long có 56 người đỗ cử nhân và có 12 người làm quan triều Nguyễn. Vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh chính là người Vĩnh Long: cụ Phan Thanh Giản” – ThS Nguyễn Văn Tấn cho biết.
Nhiều nhân tài học hành đỗ đạt đã hun đúc ý chí để người Vĩnh Long thành lập Văn Thánh Miếu nhằm chăm lo việc học. Anh Nguyễn Văn Tấn bảo rằng theo bi ký của cụ Phan Thanh Giản, năm Tự Đức thứ 11 (1858), tỉnh Vĩnh Long xây dựng ngôi Văn Thánh Miếu bằng gỗ sát bờ sông Cổ Chiên thuộc thôn Tân Sơn (nay thuộc xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) thì Pháp tấn công thành Gia Định nên phải hoãn lại. Mãi đến năm 1864, Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông khởi xướng xây dựng Văn Thánh Miếu đàng hoàng hơn tại thôn Long Hồ (nay là phường 4, TP Vĩnh Long).
Hằng năm tại Văn Thánh Miếu có hai ngày lễ vào tháng Giêng và tháng 8 âm lịch, thu hút đông đảo học sinh, nhân sĩ, trí thức tham gia với niềm tin muốn giữ gìn truyền thống “đất học”.
Lan tỏa cái sự học cho đời sau
Truyền thống hiếu học như vẫn còn đâu đó ở thế hệ “hậu duệ” của ngày hôm nay. Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh trong ba năm liền (2000-2002), cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, ba nữ sinh Trần Ngọc Minh (hạng nhất), Đỗ Thị Hồng Nhung (nhì), Lương Phương Thảo (nhất) lần lượt đứng lên bục vinh quang. Và cho đến giờ này, Vĩnh Long vẫn giữ kỷ lục là tỉnh có hai thí sinh đoạt vòng nguyệt quế cuộc thi này. Ba thí sinh đoạt giải cao ngày nào giờ ra sao? TS Ngọc Minh làm việc cho một công ty về lĩnh vực viễn thông tại Úc. Hồng Nhung hiện chuẩn bị hoàn thành thạc sĩ tại Phần Lan. Phương Thảo tốt nghiệp thạc sĩ ngành marketing tại ĐH Monash (Úc) rồi về nước làm việc cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Nếu ngày xưa nhiêu sinh được hỗ trợ gạo thóc cho sự học thì ngày nay Vĩnh Long cũng lập ba quỹ học bổng khuyến học, mỗi năm vận động khoảng 20 tỉ đồng. Quỹ học bổng Phạm Hùng và Quỹ học bổng Võ Văn Kiệt tiếp sức cho con em nhà nghèo vượt khó học giỏi. Riêng Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa của Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long mỗi năm hỗ trợ trên 1.000 suất cho sinh viên Vĩnh Long học đại học các nơi.
Cái sự học ở vùng “đất học” ngày nào cứ thế lan tỏa.
Nhân tài thời Long Hồ dinh
Những nhân vật gắn bó với thời mở cõi của Long Hồ dinh, Vĩnh Long tỉnh phải kể đến Nguyễn Cư Trinh, Tống Phước Hiệp, Trương Phúc Du. Ngoài ra, nhiều nhân tài kiệt xuất trong lịch sử Nam Bộ cũng xuất thân ở Vĩnh Long như nhà thơ – nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu; nhà thơ yêu nước Bùi Hữu Nghĩa; Trương Vĩnh Ký – nhà bác học có công trong truyền bá chữ quốc ngữ, dịch thuật tác phẩm Hán-Nôm, người ra tờ báo quốc ngữ đầu tiên.
Thời Vĩnh Long ngày nay
Thời thống nhất và xây dựng đất nước có: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngoài ra còn có nhiều nhân sĩ khác như nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, Phó Bí thư Trung ương Cục Phan Văn Đáng, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Phùng Văn Cung…
Theo PLO