Đạp xe trong quá trình chạy thận có thể tốt cho tim của người bệnh
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh cho thấy, người phải chạy thận nhân tạo đạp xe trong các đợt điều trị có thể tăng cường sức khỏe tim mạch và cắt giảm chi phí y tế.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS James Burton Bệnh viện Đại học Leicester NHS Trust ở Vương quốc Anh cho biết: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cũng như giúp kiểm soát cân nặng, giảm huyết áp và cholesterol, đồng thời cải thiện sức khỏe tâm thần.
Ở những người lọc máu lâu dài có thể dẫn đến sẹo ở tim và dẫn đến suy tim. Theo Cơ quan đăng ký thận Vương quốc Anh, 1/4 số ca tử vong ở các bệnh nhân lọc máu ở Anh từ năm 2009 đến 2018 là do bệnh tim. Do đó, việc duy trì hoạt động là đặc biệt quan trọng đối với những người chạy thận nhân tạo.
Trong nghiên cứu này, các tình nguyện viên được tập bài tập cường độ trung bình trên xe đạp được thiết kế đặc biệt, trong vòng 30 phút, trong buổi lọc thận định kỳ của họ. Tim của họ sẽ được quét MRI 6 tháng sau đó và so sánh với hình ảnh trước khi thực hiện nghiên cứu.
Video đang HOT
Các nhà khoa học cho biết, những bệnh nhân đạp xe trong quá trình lọc máu đã cho thấy một số cải thiện về sức khỏe tim mạch. Trái tim của họ có kích thước bình thường hơn, ít sẹo hơn và các mạch máu mềm mại hơn. Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe thấp hơn khoảng 1.900 đô la ở những bệnh nhân đạp xe trong quá trình lọc máu.
TS Burton lưu ý, giữ sức khỏe là một thách thức đối với bệnh nhân lọc máu. Hiện ở những người bệnh này mất rất nhiều thời gian cho lọc máu (trung bình 4 tiếng/ngày và 3 ngày/tuần) nên có rất ít thời gian để làm bất cứ điều gì khác trong ngày hôm đó. Kết quả nghiên cứu mang lại cơ hội cải thiện đáng kể cho sức khỏe tim mạch của bệnh nhân, từ đó có thể có tác động lớn đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Hiện đạp xe trong khi lọc máu đã được đưa vào hướng dẫn của Hiệp hội Thận học Vương quốc Anh. Dịch vụ này cũng sẽ được cung cấp tới nhiều bệnh nhân trên khắp Vương quốc Anh.
Bệnh thận gây nhiều hệ lụy
Bệnh suy thận mạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh do giảm chức năng thận. Những bệnh nhân bị bệnh ở giai đoạn 4 có tỷ lệ tử vong là 46%.
Bên cạnh đó, bệnh thận còn gây thiệt hại về mặt kinh tế cho gia đình và xã hội, bởi vì bản thân người mắc bệnh thận mạn sẽ mất sức lao động và tốn chi phí cho việc chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc và lọc máu.
Một bệnh nhân đang được chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: An Yên
Hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Quốc Dương, 37 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa thường xuyên phải đi - về giữa Đồng Nai và TP.HCM để chữa bệnh thận. Anh Dương cho biết, cách đây 10 năm, anh bị viêm cầu thận dẫn đến suy thận.
Do tuổi còn trẻ, sức khỏe còn tốt nên anh được bác sĩ tư vấn điều trị bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc. Sau 10 năm thực hiện phương pháp này ở Bệnh viện Chợ Rẫy, cách đây 1 tháng, anh Dương được bác sĩ tư vấn về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất bằng phương pháp chạy thận nhân tạo.
Anh Dương cho hay, bệnh thận ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của anh. Trước đây khi chưa bị bệnh, anh có thể đi phụ hồ, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nay bị bệnh, anh không thể làm được việc nặng, chỉ có thể đi môi giới cho thuê nhà.
Cũng đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, ông Lê Văn Bính, 65 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất cho hay, cách đây hơn 1 năm, ông hay bị ho, người mệt mỏi, đau nhức chân, lưng, ngực. Đến khi lên bệnh viện làm xét nghiệm thì bệnh thận đã sang giai đoạn cuối. Từ đó đến nay, mỗi tuần 3 ngày, vợ chồng ông Bính lại dắt díu nhau lên bệnh viện để chạy thận rồi lại về. Trong nhà có bao nhiêu tiền bạc đều dốc hết vào việc chữa trị bệnh và các chi phí kèm theo cho ông.
Theo đó, bệnh thận ngoài nguyên nhân bẩm sinh còn có nhiều nguyên nhân khác như: Chế độ ăn nhiều muối, đường, protid, lipid, ít vận động hoặc một số bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ trong máu, nhiễm khuẩn đường niệu, bệnh về mạch máu, bệnh tim, viêm cầu thận, hồng cầu hình liềm, béo phì...
Để phòng bệnh thận, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần giữ cơ thể khỏe mạnh và năng động, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, bóng đá. Đồng thời, uống đủ nước mỗi ngày để thải trừ natri, urê và các chất độc khỏi cơ thể.
Khi có các triệu chứng của bệnh như: mệt mỏi, khó tập trung, ăn không ngon miệng, khó ngủ, bị chuột rút vào ban đêm, sưng bàn chân và mắt cá chân, xuất hiện bọng ở mắt, khô da, ngứa da, đi tiểu nhiều vào ban đêm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán, điều trị hợp lý. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc để điều trị. Cần thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe của bản thân nếu cảm thấy có điều gì bất thường.
Người dân cũng không nên hút thuốc lá bởi hút thuốc lá làm tăng khoảng 50% ung thư thận. Thường xuyên kiểm soát đường huyết trong máu; theo dõi huyết áp. Nếu huyết áp tăng, cần đi khám bác sĩ để được tư vấn, điều trị bệnh và thường xuyên theo dõi huyết áp. Đặc biệt, nên đi khám bệnh định kỳ để làm các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm thận để phát hiện bệnh sớm và điều trị trước khi quá muộn.
TP.HCM có thêm một khu lọc máu chất lượng cao tiêu chuẩn Nhật TP.HCM có hàng ngàn người bệnh suy thận cần lọc máu định kỳ với nhu cầu lọc máu rất lớn. Sáng 20-1, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đã chính thức triển khai hoạt động khu lọc máu theo tiêu chuẩn Nhật Bản để phục vụ nhu cầu chạy thận của người dân tại TP.HCM và khu vực lân cận. Khu lọc...